Thập toàn Võ công

Thuật ngữ chỉ các chiến dịch quân sự của nhà Thanh thời vua Càn Long

Thập toàn võ công hay Thập đại chiến dịch (tiếng Trung: 十全武功; bính âm: shí quán wǔ gōng) là một thuật ngữ do triều đình nhà Thanh đặt ra để chỉ 10 chiến dịch quân sự lớn dưới thời hoàng đế Càn Long (1735-1796). Các chiến dịch này bao gồm 2 chiến dịch để mở rộng lãnh thổ của nhà Thanh ở Trung Á, 2 trấn áp người Kim Xuyên, dân tộc thiểu số ở Tứ Xuyên, 1 trấn áp các chiến binh Hồi giáoTân Cương, 1 trấn áp quân nổi dậy ở Đài Loan, 1 chiến dịch chống quân hiếu chiến Gurkha tại Nepal xâm phạm lãnh thổ, và 3 chiến dịch xâm lược ngoại quốc tại Miến Điện, Việt Nam.

Thập toàn võ công

Tranh vẽ quân Thanh trấn áp quân nổi dậy ở Đài Loan
Thời gian1747 - 1792
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng cả 10 chiến dịch, nhưng thật ra thất trận 2 lần ở Việt NamMyanmar và bị hao tổn nhiều tài chính
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh mở rộng lãnh thổ, chiếm vùng Tân CươngTây Tạng.
Tham chiến
Nhà Thanh Nhà ThanhBộ tộc Kim Xuyên
Bộ tộc Dzungar
Bộ tộc Uyghur
Nghĩa quân Đài Loan
Vương triều Konbaung (Myanmar)
Nhà Tây Sơn (Việt Nam)
Vương triều Shahs (Nepal)
Chỉ huy và lãnh đạo
Nhà Thanh Càn Long
Nhà Thanh Triệu Huệ
Nhà Thanh A Quế
Nhà Thanh Phúc Khang An
Nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị
sLob-dpon
Tshe-dbang
Dawachi
Amursana
Burhān al-Dīn
Khwāja-i Jahān
Hsinbyushin
Sonom
Senggesang
Lâm Sảng Văn
Hoàng đế Quang Trung (Đại Việt)
Rana Bahadur Shah

Mặc dù tự xem là thành công hoàn toàn, nhưng quân Thanh thất bại 2 lần tại Miến Điện và Việt Nam. Ngoài ra các chiến dịch chống quân nổi dậy ở Đài Loan hay Tứ Xuyên rất tốn kém, đặc biệt hai cuộc trấn áp người Kim Xuyên và Dzungar không khác gì diệt chủng. Nói chung 8/10 chiến dịch thành công đã mở rộng lãnh thổ nhà Thanh sang khu vực Trung Á, giúp diện tích Trung Quốc đạt cực đại vào cuối thời Càn Long (khoảng gần 14 triệu km2). Có thể nói nửa phía Tây của Trung Quốc ngày nay (Tây Tạng, Tân Cương) có được là nhờ thành quả của Thập toàn võ công, đây là lợi ích lâu dài mà các chiến dịch này đem lại cho Trung Quốc. Nhưng mặt trái của chúng là khiến nhà Thanh hao tổn rất nhiều tài chính, đặc biệt là các chiến dịch đánh ngoại quốc, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của nhà Thanh sau này.

Nguồn gốc danh xưng

Càn Long là vị vua thứ năm của Thanh triều và là một trong hai vị vua nhà Thanh cai trị Trung Hoa lâu nhất, hơn 60 năm. Sau khi kế vị ngai vàng, Càn Long được thừa hưởng một nền thái bình và một ngân khố đầy ắp do cha ông là Ung Chính gây dựng. Vì thế, Càn Long có điều kiện để tiêu xài tiền bạc cho các công trình kiến trúc, các cuộc tuần du, các cuộc viễn chinh và các tác phẩm sử học, văn học nghệ thuật được biên soạn và in ấn quy mô.

Trong những năm cuối đời, tự hào với những thành tích "vĩ đại" mà mình đã đạt được, năm 1792, Càn Long tự soạn một tập sách mang tên "Thập toàn ký" (十全記)[1], ghi lại 10 chiến dịch quân sự lớn tiêu biểu mà ông ta gọi là Thập toàn võ công, như sau:

Càn Long cũng cho vẽ 94 bức tranh để biểu dương chiến công gồm các bộ "Bình định Chuẩn Cát Nhĩ Hồi Bộ đắc thắng đồ" (16 bức), "Bình định Lưỡng Kim Xuyên đắc thắng đồ" (16 bức), "Bình định Đài Loan đắc thắng đồ" (12 bức), "Bình định An Nam đắc thắng đồ" (6 bức), "Bình định Khuếch Nhĩ Khách đắc thắng đồ" (8 bức), "Bình định Miêu Cương đắc thắng đồ" (16 bức), "Bình định Trọng Miêu đắc thắng đồ (4 bức) và "Bình định Hồi Cương đắc thắng đồ" (10 bức).

Sách soạn xong, Càn Long sai người chép thành các tiếng Mãn, Hán, Mông, Tạng để khắc lên văn bia. Càn Long cũng tự đặt cho mình cái biệt hiệu Thập Toàn Lão Nhân (十全老人), mang ý nghĩa tự phụ về tư đức cũng như công nghiệp.

Tuy để lại nhiều dấu ấn trong "văn trị", nhưng trong "võ công" thì Càn Long gặp nhiều thất bại hơn thắng lợi. Trong 8 cuộc chinh phạt lân bang do Càn Long phát động thì chỉ có 2 lần đánh người Chuẩn Cát Nhĩ (vào năm 1755 và năm 1756 - 1757) và 1 lần đánh người Hồi Hột (vào năm 1758 - 1759) là thu được thắng lợi. Còn các cuộc chinh phạt khác, hoặc bị đại bại như 2 cuộc xâm lược Miến Điện và Việt Nam, hoặc phải rút lui do tốn kém tiền của và binh lính mà vẫn không thành công.

Dù thất bại trong các cuộc chiến tranh với lân bang nhưng Càn Long luôn tự huyễn hoặc bản thân và đình thần về những thắng lợi của các cuộc chinh phạt. Vì thế, sau mỗi cuộc chiến, Càn Long đều sai người làm tranh đồng bản họa để ca ngợi chiến công của mình.

"Thập toàn võ công"

Trấn áp Lưỡng Kim Xuyên lần thứ nhất (1747-1749)

Bình định Lưỡng Kim Xuyên
Một phần của Thập toàn võ công
Thời gian1747-1749
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh đồng ý giữ lại quyền tự trị cho người Kim Xuyên
Tham chiến
Nhà ThanhBộ tộc Rab-brtan (Đại Kim Xuyên)
Bộ tộc bTsan-la (Tiểu Kim Xuyên)
Chỉ huy và lãnh đạo
Càn LongsLob-dpon
Tshe-dbang
Lực lượng
Không rõKhông rõ
Thương vong và tổn thất
Không rõKhông rõ

Kim Xuyên (tiếng Trung: 金川 chữ Tạng: ཆུ་ཆེན) thực chất là một bộ tộc gốc người Tạng vùng Amdo, có tên Tạng là rGyal-rong (chữ Tạng: རྒྱལ་རོང; Wylie: rgyal rong). Vùng Amdo vốn là lãnh thổ của người Tạng, bị nhà Thanh sáp nhập vào lãnh thổ Đế quốc Đại Thanh năm 1723 sau cái chết của thủ lĩnh bộ tộc rGyal-rong là rGyal-dar-ba. Bộ tộc rGyal-rong bị nhà Thanh tách làm 2 bộ tộc nhỏ là Rab-brtan (chữ Hán: 大金川, Đại Kim Xuyên) và bTsan-la (chữ Hán: 小金川, Tiểu Kim Xuyên).[3] Điều này làm dấy lên sự bất mãn của người rGyal-rong.

Nhằm chống lại chính sách chia để trị của nhà Thanh, đồng thời cũng là một biện pháp thống nhất trở lại, tháng 10 năm 1745, thủ lĩnh bộ tộc Rab-brtan là sLob-dpon (chữ Hán: 莎羅奔, Toa La Bôn), cháu của rGyal-dar-ba, đã kết hôn với chị gái của Tshe-dbang (chữ Hán: 澤旺, Trạch Vượng), người vừa mới kế vị cha mình làm thủ lĩnh bộ tộc bTsan-la trước đó không lâu.

Năm 1747, Pho-lha-nas, quốc vương Tây Tạng, người được Thanh triều bảo hộ, qua đời. Quyền lực thực tế nằm trong tay các quan cai trị nhà Thanh, gọi là các amban. Người Tạng nổi dậy chống lại quyền lực của các amban. Nhân cơ hội này, sLob-dpon cùng với em vợ mình nổi dậy lãnh đạo khởi binh phản Thanh. Thanh triều sai Tổng đốc Xuyên Thiểm mang quân đánh dẹp.

Mục đích quân Thanh là nhanh chóng dẹp yên cuộc nổi dậy của người Kim Xuyên để nhanh chóng tiến quân vào Tây Tạng. Các chỉ huy Mãn Châu chấp nhận một biện pháp thỏa hiệp để chiêu an các thủ lĩnh Kim Xuyên để bảo toàn lực lượng, vì vậy chiến dịch diễn ra khá dễ dàng, không quá tốn kém, sử dụng ít vũ lực. Tuy vậy, họ cũng mất 2 năm mới có thể hoàn thành chiến dịch này.

Mục đích quân Thanh đã hoàn thành. Họ hoàn toàn rảnh tay để tiến vào Tây Tạng và dẹp tan các cuộc nổi loạn, đồng thời vẫn giữ một lực lượng đồn trú ở Kim Xuyên. Năm 1751, Càn Long ban sắc lệnh 13 điểm bỏ đi vị trí tể tướng (desi), đặt nhà nước Tây Tạng dưới quyền của một hội đồng 4 kashag, hay là hội đồng của 4 quan thượng thư, và chính thức ban quyền lực cho các amban. Vị Dalai Lama trở lại Lhasa để chủ trì nhà nước mới. Người Kim Xuyên không biết rằng mình đã lâm vào kế "Mượn đường diệt Quắc" của quân Thanh, một thảm họa binh lửa diễn ra trong tương lai.

Trấn áp bộ tộc Dzungar lần thứ nhất (1755)

Bình định Chuẩn Cát Nhĩ
Một phần của Thập toàn võ công

Quân Thanh trấn áp quân Dzungar tại trận Khurungui
Thời gian1755
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn. Dawachi Khan (Dzungar) bị bắt sống
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh đồng ý giữ lại quyền tự trị cho người Dzungar
Tham chiến
Nhà Thanh
Bộ tộc Uyghur
Bộ tộc Dzungar
Chỉ huy và lãnh đạo
Càn Long
Triệu Huệ
Amursana
Burhān al-Dīn
Khwāja-i Jahān
Dawachi
Lực lượng
Không rõKhông rõ
Thương vong và tổn thất
Không rõKhông rõ

Người Dzungar là một tập hợp các bộ tộc Oirat nói tiếng Mông Cổ sống du canh du cư, gọi chung là bộ tộc Ööled. Sau khi Đế quốc Mông Cổ tan rã, họ trở lại đời sống du mục và đầu hàng nhà Thanh khi Hoàng đế khai triều Thanh là Hoàng Thái Cực chinh phạt các bộ tộc Mông Cổ. Họ được triều Thanh chuyển sang tên gọi Dzungar, mà chữ Hán là Chuẩn Cát Nhĩ (准噶尔), để tránh gợi đến những ký ức xung đột Mãn - Mông trong quá khứ.

Do áp lực di dân, đến đầu đời Càn Long đã có 25 triệu người Hán di cư lên phương Bắc, sinh sống tại những vùng đất của các bộ tộc Mông Cổ, dẫn đến xảy ra nhiều xung đột giữa Hán - Mông tại vùng mà ngày nay là Tân Cương. Là bộ tộc mạnh nhất trong các bộ tộc Mông Cổ quy thuận nhà Thanh, người Dzungar hưởng quy chế tự trị như một tiểu quốc chư hầu trên lãnh địa riêng của mình. Tuy nhiên, nhà Thanh đang cần một cơ hội để tiêu diệt thế lực hùng mạnh này của thảo nguyên và đưa lãnh địa Mông Cổ vào phạm vi kiểm soát của mình.

Hãn Dawachi

Năm 1752, hai thủ lĩnh Dzungar là Dawachi (chữ Hán: 達瓦齊, Đạt Ngõa Tề) và Amursana (chữ Hán: 阿睦爾撒納, A Mục Nhĩ Tát Nạp) tranh nhau ngôi vị Hãn. Dawachi thắng thế, tự tuyên bố mình là hãn của Dzungar. Amursana bất phục, khởi binh chống lại, nhưng thất trận, bèn dẫn hơn 2 vạn thủ hạ quy hàng Thanh triều[4]. Nhận thấy đây là cơ hội có một, mặc dù đã công nhận Dawachi là hãn của Dzungar, Càn Long vẫn tiếp nhận Amursana. Năm 1755, Càn Long phong cho Amursana tước vị Thân vương, chức Bắc lộ Phó tướng, cùng một thủ lĩnh Oirat khác là Tsereng, dẫn quân triều đình tấn công thủ phủ Ghulja và bắt được Dawachi[5].

Trấn áp bộ tộc Dzungar lần thứ hai (1757)

Tái bình định Chuẩn Cát Nhĩ
Một phần của Thập toàn võ công

Quân Thanh hãm đồn bên sông Amur
Thời gian1757
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn. Thủ lĩnh Amursana (Dzungar) lưu vong sang Nga và chết ở đó
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh sáp nhập vùng đất của bộ tộc Dzungar vào biên giới mình
Tham chiến
Nhà Thanh
Bộ tộc Uyghur
Bộ tộc Dzungar
Chỉ huy và lãnh đạo
Càn Long
Triệu Huệ
Burhān al-Dīn
Khwāja-i Jahān
Amursana
Chingünjav
Lực lượng
Không rõKhông rõ
Thương vong và tổn thất
Không rõhơn 50 vạn binh lính và thường dân

Dù quân Thanh rút về và giao cho Amursana cai quản bộ tộc Dzungar, những mâu thuẫn của vấn đề di dân vẫn còn tồn tại. Cuối năm 1755, nhà Thanh đã cho triều Amursana vào triều để đưa một yêu cầu đòi hỏi một vùng đất lớn của người Dzungar cho các di dân người Hán.

Đứng trước đòi hỏi trắng trợn này, năm 1757, bộ tộc Dzungar nổi loạn lần nữa. Lần này thì do chính Amursana cầm đầu. Nhà Thanh một lần nữa phái binh chinh phạt. Để diệt trừ vĩnh viễn thế lực của người Dzunghar, Càn Long đã cho di chuyển những người Dzunghar còn lại vào sâu trong nội địa, ra lệnh cho các tướng giết tất cả những người đàn ông, và chia vợ và con của họ cho binh lính [6][7].

Lần chinh phạt này thật tàn khốc. Một học giả cuối đời Thanh, Ngụy Nguyên, đã ước tính tổng dân số của Dzunghar trước chiến tranh khoảng 60 vạn người, 20 vạn hộ; đến sau chiến tranh[8][9], trong 10 vạn hộ Dzunghar giảm đi sau chiến tranh, khoảng 40% bị chết bởi bệnh đậu mùa, 20% chạy trốn đến Nga hoặc các bộ tộc Kazakh, và 30% đã bị giết quân Thanh, đến nỗi "...trong một khu vực trải dài đến hàng ngàn dặm không một bóng người, chỉ rải rác vài túp lều nhỏ đã đầu hàng triều đình".[10]

Sự hủy diệt cuối cùng bộ tộc Dzungar thật khủng khiếp[11]. Quân Thanh hầu như triệt hạ mọi dấu tích của người Dzunghar. Hầu hết những bộ lạc Dzunghar sống sót phải chạy trốn sang NgaKazakhstan. Bản thân Amursana phải đào vong sang Nga và bệnh chết tại đó năm 1762.

Hành động "thập toàn" này của Càn Long, là chỉ nhằm làm cho biên giới phía bắc và phía tây của Thanh quốc được bảo đảm và loại bỏ sự cạnh tranh cũng như sự ảnh hưởng của người Mông Cổ về vấn đề kiểm soát Đạt-lại Lạt-maTây Tạng, tạo tiền đề cho tham vọng của Thanh triều mở rộng ra vùng đất của người Hồi, hình thành nên vùng Tân Cương sau này[12]. Một học giả khác là Wen-Djang Chu cũng cho rằng 80% của hơn 60 vạn người Dzunghar bị giết bởi chiến tranh hoặc bệnh tật[13]. Michael Clarke mô tả hành động này là "Sự hủy diệt hoàn toàn không phải chỉ lãnh thổ Dzunghar mà là toàn bộ người Dzunghar"'[14]. Sử gia Peter Perdue cho rằng đã có một chủ trương diệt chủng rõ ràng đưa ra bởi Càn Long, dù một chính sách khoan dung hơn được đưa ra vào giữa năm 1757[9]. Còn Mark Levene thì tuyên bố rằng việc diệt chủng người Dzungars là "Sự diệt chủng hoàn hảo ở thế kỷ 18"[15].

Trấn áp bộ tộc Uyghur (1757-1759)

Bình định Hồi bộ
Một phần của Thập toàn võ công
Thời gian1757-1759
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn. Các khojo trốn sang Badakhshan và bị giết
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh sáp nhập vùng đất của Bộ tộc Uyghur vào biên giới mình
Tham chiến
Nhà ThanhBộ tộc Uyghur
Chỉ huy và lãnh đạo
Càn Long
Triệu Huệ
Burhān al-Dīn
Khwāja-i Jahān
Lực lượng
Không rõKhông rõ
Thương vong và tổn thất
Không rõKhông rõ

Cũng như người Dzungar, các bộ tộc Hồi giáo Uyghur nói tiếng Turk cũng có những xung đột gay gắt trong vấn đề di dân của người Hán. Từng là một chư hầu của người Dzungar, trên thực tế họ được hưởng quyền tự trị, dưới quyền lãnh đạo của các Khoja (thủ lĩnh Hồi giáo).

Nhân cơ hội quân Thanh chinh phạt bộ tộc Dzungar, các Khoja Burhān al-Dīn (chữ Hán: 波羅尼都, Ba La Ni Đô) và Khwāja-i Jahān (chữ Hán: 霍集占, Hoắc Tập Chiêm), đã lãnh đạo người Uyghur tiêu diệt đối thủ truyền kiếp của họ là bộ tộc Karataghlik, đồng thời cũng là đồng minh của người Dzungar. Với sự hỗ trợ của quân Thanh, lãnh địa của người Uyghur được mở rộng và được Thanh triều phân làm 2 phần với ranh giới là dãy núi Tengri Tagh, mà người Hán gọi là Thiên Sơn.

Tuy nhiên, tham vọng của các khoja không chỉ đơn giản là thoát tròng Dzungar để chui vào tròng Thanh triều. Sự tàn bạo của quân Thanh biểu hiện quá rõ trong chiến dịch tàn sát người Dzungar. Bên cạnh đó, nhà Thanh vừa thực hiện chính sách kiềm chế các khoja vừa khuyến khích cho chính sách di dân người Hán vào lãnh địa của người Uyghur.

Xung đột Thanh - Hồi bùng nổ nhanh chóng. Mùa thu năm 1757, người Uyghur nổi dậy, tấn công quân đồn trú Thanh, giết chết Phó đô thống quân Thanh là A Mẫn Đạo (阿敏道). Nhà Thanh vội điều binh trấn áp. Nhưng khác với lần trước, người Uyghur đã chống trả, làm Thanh binh thiệt hại không nhỏ. Tướng Thanh là Triệu Huệ phải tấu trình: "Quân ta truy sát được nhiều giặc, nhưng tử thương cũng hơn trăm người. Tổng binh Cao Thiên Hỷ, nhiệm Tiền Phong Thống lĩnh Thị vệ Ngạc Thực, nhiệm Phó đô thống Tam Cách, Thị vệ Đặc Thông Ngạch, đều tử trận".

Tuy nhiên, cuối cùng người Uyghur vẫn không chống nổi trước sức mạnh của quân Thanh. Lần lượt các thủ phủ ở Nam Bắc Thiên Sơn là Yarkand và Kashgar đều rơi vào tay quân Thanh năm 1759. Các khoja phải trốn chạy đến Badakhshan. Tuy nhiên, tại đây, họ bị quốc vương sở tại là Sultān Shāh, một đồng minh của Thanh triều, giết chết.

Sau nhiều cuộc tàn sát thảm khốc, năm 1759, nhà Thanh cuối cùng đã củng cố quyền hạn của mình. Họ gộp lãnh địa của cả người Dzungar và Uyghur, với tên mới là Chuẩn bộ và Hồi bộ, nhập vào bản đồ Thanh quốc. Cả vùng, mà về sau gọi là Tân Cương, được đặt dưới quyền quản lý của Tổng lý Đại thần, đóng thủ thủ tại Y Lê, và được hỗ trợ bởi một lực lượng đồn trú đông đảo.

Để kỷ niệm chiến công, Càn Long đã cho dựng một ngôi chùa có tên là chùa Phổ Trữ tại Thừa Đức, Hà Bắc, trong đó có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng gỗ lớn nhất thế giới[16]. Càn Long không thể nghĩ rằng về sau, khi vùng đất tổ tiên Mãn Châu của ông nhanh chóng bị đồng hóa thì vùng đất Tân Cương này lại luôn tiềm ẩn nguy cơ bạo loạn và ly khai đế quốc Trung Hoa mãi cho đến tận 300 năm sau.

Xâm lược Miến Điện (1765-1769)

Hàng phục Miến Điện
Một phần của Thập toàn võ công
Thời gian1765 đến 23 tháng 12 năm 1769
Địa điểm
Các bang Shan, Kachin, Thượng Miến (Myanmar), và Vân Nam (Trung Quốc) ngày nay
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn. Thực tế Vương triều Konbaung chống xâm lược thành công
Thay đổi
lãnh thổ
Người Xiêm La thu hồi được đất đai bị chiếm.
Tham chiến
Nhà Thanh
Vương triều Chakri
Vương triều Konbaung
Chỉ huy và lãnh đạo
Càn Long
Lưu Tảo
Ming Thụy [17]
Aligui (A Lý Cổn)  [17]
Dương Ứng Cư
Phó Hằng (tử thương)[17]
Lý Thời Thăng
Dương Ninh
A Quế
Ngạc Ninh
Diệp Tướng Đức
Hsinbyushin
Maha Thiha Thura
Maha Sithu
Ne Myo Sithu
Balamindin
Teingya Minkhaung
Lực lượng

Lần thứ nhất 3.500 quân Lục doanh[18]
Quân Xiêm La (không rõ số lượng)


Lần thứ hai
14.000 quân Lục doanh[19]


Lần thứ ba
3 vạn quân Bát kỳ Mãn Châu và Mông Cổ[18]
12.000 quân Lục doanh
Quân Xiêm La (không rõ số lượng)


Lần thứ tư

4 vạn quân Bát kỳ Mãn Châu và Mông Cổ[18]
Quân Lục doanh (không rõ)
Quân Xiêm La (không rõ số lượng)
Không rõ
Thương vong và tổn thất
Trên 7 vạn chết và mất tích,[20]
2500 bị bắt[21]
Không rõ

Là 2 quốc gia láng giềng, được phân định ranh giới một cách mơ hồ bởi một vùng đệm lãnh địa rộng lớn của người Shan, cả Miến Điện lẫn Trung Quốc đều muốn tăng cường quyền kiểm soát vùng đệm này để có khả năng mở rộng lãnh thổ tối đa.

Giữa thế kỷ 18, tại Miến Điện, vương triều Toungoo sụp đổ bởi ngoại ưu nội loạn. Nhiều vùng lãnh thổ của Miến Điện ly khai, đặc biệt là các bang Shan. Bấy giờ tại Trung Quốc, nhà Thanh đang cường thịnh. Họ tìm cách tăng cường chinh phục và sáp nhập vào Vân Nam nhiều lãnh địa của người Shan.

Năm 1752, một triều đại mới của Miến là Konbaung ra đời. Họ nhanh chóng thống nhất Miến trở lại gần như hoàn toàn vào năm 1758. Họ cũng cử các đội quân đi vào lãnh địa của người Shan, thậm chí đi sâu vào những vùng đã bị Thanh triều sáp nhập vào lãnh thổ của mình hơn hai thập kỷ trước đó, để thiết lập lại quyền kiểm soát của Miến[22]. Hầu hết các bộ tộc Shan đều quy thuận trở lại với Miến, vốn ưu đãi cho họ nhiều hơn là nhà Thanh, hoặc đơn giản là họ đồng ý quy thuận cả hai. Một số không muốn chịu sự kiểm soát đó và đã bị đánh bại, phải bỏ chạy vào Vân Nam dưới quyền kiểm soát của Thanh triều. Họ đã cố gắng yêu cầu các quan nhà Thanh đưa quân tấn công Miến Điện bằng cách thuyết phục rằng nhà Konbaung có tham vọng lãnh thổ đối với vùng Vân Nam.[23]

Ban đầu, Thanh triều chỉ áp dụng chính sách dùng người Shan để đánh lại vương triều Konbaung. Tuy nhiên, người Shan không thể làm được điều này, nhất là khi nhà Konbaung đang trong thời kỳ hùng mạnh. Mãi đến năm 1764, khi quân Miến tấn công và gần như tiêu diệt Xiêm La, một chư hầu thân cận của Thanh triều, Càn Long mới cử Lưu Tảo làm Tổng chỉ huy để chinh phạt Miến Điện, bắt đầu một chiến dịch hao binh tổn tướng lớn nhất trong lịch sử quân sự nhà Thanh.

Trước sau, quân Thanh từng bốn lần tấn công Miến Điện trong các năm từ 1765 đến 1769. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này đã lấy đi sinh mạng của 7 vạn binh sĩ nhà Thanh gồm cả bốn tướng lĩnh cao cấp[24], có lúc lại bị coi là "một trong những đại chiến bại của Thanh triều".[25] Miến Điện đã tự vệ thành công, tạo cơ sở cho biên giới giữa hai nước Myanmar và Trung Quốc ngày nay.[24]

Ban đầu, Càn Long tin là Miến Điện dễ đánh, nên chỉ phái quân Lục doanh đang đồn trú tại Vân Nam đi đánh. Quân Thanh sang đánh vào lúc phần lớn quân Miến Điện đang tham chiến ở Ayutthaya. Tuy nhiên, quân Miến Điện đã đánh bại hai cuộc tấn công đầu tiên của quân Thanh vào các năm 1765 và 1766 ngay tại biên giới. Cuộc xung đột quy mô khu vực đã leo thang thành chiến tranh quy mô lớn với sự huy động quân lực quy mô toàn quốc ở cả hai nước. Cuộc tấn công lần thứ ba (1767–1768) do lực lượng Bát Kỳ thiện chiến làm chủ lực gần như đã thắng lợi, khi đã thâm nhập sâu được vào miền Trung và chiếm được kinh đô Ava của Miến Điện trong vài ngày.[23] Nhưng quân Bát Kỳ ở Hoa Bắc không quen với địa hình và dịch bệnh nhiệt đới, nên đã bị đẩy lui với tổn thất nặng nề.[17] Rút kinh nghiệm từ việc thiếu phòng bị, quốc vương Hsinbyushin đã kéo phần lớn lực lượng quân Miến Điện ở Ayutthaya về vùng viên giới với Thanh. Cuộc tấn công lần thứ tư và là cuộc tấn công lớn nhất của nhà Thanh diễn ra ở vùng biên giới. Quân Thanh gần như đã vây kín quân Miến Điện, và cuối cùng giữa các chỉ huy chiến trường của hai bên đã đạt được nghị hòa vào tháng 12 năm 1769.[25][26]

Sau đó, nhà Thanh đã bố trí lực lượng quân sự lớn ở vùng biên giới Vân Nam suốt khoảng một thập kỷ để cố gắng tiến hành một cuộc chiến tranh nữa, và đã cấm trao đổi thương mại biên giới giữa hai nước suốt hai thập kỷ.[25] Miến Điện cũng đề phòng nhà Thanh sẽ tấn công nữa, nên đã bố trí nhiều đơn vị ở vùng biên giới.[17] Hai mươi năm sau, khi nhà Thanh và nhà Konbaung nối lại quan hệ ngoại giao vào năm 1790, nhà Thanh đơn phương xem việc này nghĩa là Miến Điện cầu xin, và tuyên bố chiến thắng.[25] Trớ trêu thay, kẻ được lợi chủ yếu từ cuộc chiến tranh này là người Thái. Sau khi kinh đô Ayutthaya của họ thất thủ vào tay quân Myanmar tháng 4 năm 1767, họ đã tái tập hợp khi quân Miến Điện rút đi, và giành lại lãnh thổ của mình trong vòng hai năm sau đó.[23]

Trấn áp Lưỡng Kim Xuyên lần thứ hai (1771-1776)

Tái bình định Lưỡng Kim Xuyên
Một phần của Thập toàn võ công
Thời gian1771-1776
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn. Thủ lĩnh Kim Xuyên Sonom bị xử lăng trì
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh sáp nhập vùng đất của người Kim Xuyên vào biên giới mình
Tham chiến
Nhà ThanhBộ tộc Rab-brtan
Bộ tộc bTsan-la
Chỉ huy và lãnh đạo

Càn Long

Phúc Khang An
Sonom
Senggesang
Lực lượng
8 vạnKhông rõ
Thương vong và tổn thất
Không rõHàng vạn binh lính và dân thường

Năm 1771, người Kim Xuyên một lần nữa nổi dậy dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Rab-brtan là Sonom (chữ Hán: 索諾木, Tác Nặc Mộc) và thủ lĩnh bTsan-la là Senggesang (chữ Hán: 僧格桑, Tăng Cách Tang).[27] Càn Long lần nữa lại động binh.

Cuộc trấn áp người Kim Xuyên lần này là cuộc trấn áp đắt đỏ, khó khăn và hủy diệt nhất. Mặc dù chiến thuật của người Kim Xuyên khá đơn giản, chỉ dựa vào các vị trí hiểm trở, đóng đồn trên các ngọn núi cheo leo để kiểm soát tuyến giao thông và cố thủ khi bị tấn công, các thủ lĩnh Kim Xuyên lại thường tranh quyền chỉ huy tối cao, dân thưa, chỉ có 3 vạn hộ (khoảng 15 vạn người), quân ít, mà Càn Long phải dùng đến 8 vạn binh, với nhiều tướng giỏi, trước sau mất 5 năm, tốn 70 triệu lạng bạc, bằng hai năm thu nhập của triều đình Bắc Kinh, tàn sát hàng vạn người, mới bình định được. Trong lịch sử nhân loại, chưa có cuộc viễn chinh nào tốn kém như vậy.[28]

Trấn áp khởi nghĩa Đài Loan (1786-1788)

Bình định Đài Loan
Một phần của Thập toàn võ công
Thời gian1786-1788
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn. Lâm Sảng Văn và Trang Đại Điền bị xử lăng trì
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh trấn áp hoàn toàn khởi nghĩa
Tham chiến
Nhà ThanhThiên Địa hội
Chỉ huy và lãnh đạo
Càn Long
Phúc Khang An
Hằng Thụy
Hoàng Sĩ Giản
Nhậm Thừa Ân
Hải Lan Sát
Lâm Sảng Văn
Trang Đại Điền
Lực lượng
Không quá 4 vạnphao lên 50 vạn
Thương vong và tổn thất
Không rõKhông rõ

Sau khi nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh chiếm đóng vùng Trung Nguyên, một thủ lĩnh quân sự người Hán là Trịnh Thành Công đã tập hợp lực lượng trung thành với nhà Minh ở miền nam Phúc Kiến đã đánh bại người Hà Lan vào năm 1662, sau đó đã đuổi quân Hà Lan ra khỏi hòn đảo Đài Loan. Ông xây dựng nơi đây thành một lãnh địa riêng không chịu quyền kiểm soát của nhà Thanh, sử dụng như một căn cứ để tiến hành các cuộc thâm nhập vào vùng bờ biển đông nam Trung Quốc đại lục nằm lật đổ nhà Thanh.

Dù vậy, Đài Loan cuối cùng cũng bị nhà Thanh chinh phục và sáp nhập vào năm 1683. Tuy nhiên, Đài Loan không hề yên ả. Có hơn một trăm cuộc nổi loạn trong triều đại đầu triều đại nhà Thanh, nhiều đến nỗi có cả một thành ngữ "Ba năm tạo phản, năm năm loạn".[29]

Năm 1786, nhân việc Tri phủ Đài Loan Tôn Cảnh Toại truy quét, đàn áp Thiên Địa Hội, một thủ lĩnh Thiên Địa Hội Lâm Sảng Văn tập hợp đồng chí, tuyên bố phản Thanh, tự xưng Minh chủ Đại nguyên soái, xưng Bắc Lộ vương, đặt niên hiệu riêng. Thanh thế quân khởi nghĩa lên nhanh đến 50 vạn người, chưa đầy 1 năm đã chiếm cứ hầu hết toàn bộ Đài Loan ngoại trừ phía nam Phủ Đài Loan, Chư La, cảng biển miền trung Lộc Cảng.

Nghe tin quân nổi dậy đã chiếm gần hết Đài Loan, Thanh triều vội phái quân đi trấn áp. Quân khởi nghĩa tuy đông, nhưng tổ chức kém và rơi vào thế phải chống đỡ nhiều kẻ thù, vì thế không đủ sức phản kích quân triều với số lượng ít hơn nhiều. Sau cùng triều đình nhà Thanh lại phái Tổng đốc Thiểm Cam Đại học sĩ Phúc Khang An, Tham tán Đại thần Hải Lan Sát cùng điều động binh Thanh khoảng gần 3 vạn người, đánh lại quân khởi nghĩa. Quân Thanh được trang bị tốt, có kỷ luật, lại có kinh nghiệm tác chiến nên đã đánh tan nghĩa quân, trước sau lần lượt thu hồi lại được Chương Hóa, Chư La. Lâm Sảng Văn thua trận, lẩn trốn các nơi trước khi bị dân địa phương tại Lão Cù Kỳ (nay là khu làng Kỳ Đỉnh thuộc thị trấn Trúc Nam huyện Miêu Lật) bắt sống giao nộp cho triều đình, ít lâu sau thì bị giải về Bắc Kinh xử tử lăng trì.

Cuộc nổi dậy của Lâm Sảng Văn tuy bất thành, nhưng cũng buộc Càn Long phải xem xét lại chính sách của triều đình đối với Đài Loan.

Xâm lược Đại Việt (1788-1789)

Hàng phục Đại Việt
Một phần của Thập toàn võ công

Quân Thanh vượt sông Như Nguyệt
Thời gian1788-1789
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng. Thực tế, vương triều Tây Sơn chống xâm lược thành công, đánh tan quân Thanh.
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh công nhận Tây Sơn đã chính thức kiểm soát toàn bộ miền Bắc Việt Nam
Tham chiến
Nhà Thanh
Quân bảo hoàng Nhà Hậu Lê
Vương triều Tây Sơn
Chỉ huy và lãnh đạo
Càn Long
Phúc Khang An
Tôn Sĩ Nghị
Hứa Thế Hanh
Thượng Duy Thăng
Trương Triều Long
Sầm Nghi Đống
Thang Hùng Nghiệp
Lý Hóa Long
Khánh Thành
Hình Đôn Hành
Lê Chiêu Thống
Hoàng Phùng Nghĩa (Quân bảo hoàng Hậu Lê)
Nguyễn Huệ
Phan Văn Lân
Ngô Văn Sở
Nguyễn Tăng Long
Đặng Xuân Bảo
Nguyễn Văn Lộc
Nguyễn Văn Tuyết
Đặng Tiến Đông
Phan Khải Đức
Nguyễn Văn Diễm
Nguyễn Văn Hòa
Lực lượng
Quân nhà Lê:
20.000 quân[cần dẫn nguồn]
Quân Thanh:
Sử Trung Quốc
29.500 quân chính quy, 6.000 quân địa phương, chưa kể dân binh[30]
Sử Việt Nam: tổng cộng ~200.000[31] đến 290.000[32]
Giáo sĩ đương thời 40.000 quân[33]
60.000 quân chính quy[cần dẫn nguồn]
Hàng vạn quân mới tuyển
Thương vong và tổn thất
Tổn thất một nửa quân số, tối thiểu là 20.000 người[34]
3.400 tù binh[35]
Hơn 8.000 chết[36]
Bị thương không rõ
Sắc lệnh của Hoàng đế Càn Long về việc xâm lược Đại Việt

Đại Việt cuối thế kỷ 18 rất rối ren do hơn 200 năm phân liệt. Bấy giờ, vua nhà Hậu Lê có quyền hành trên danh nghĩa ở Thăng Long, quyền lực thực tế nằm trong tay các lãnh chúa cát cứ: ngoài Bắc là chúa Trịnh, trong Nam là chúa Nguyễn cai quản.

Dù cả hai đều lấy danh nghĩa "phù Lê", nhưng đều không giấu tham vọng giành được quyền kiểm soát tối cao. Nhiều năm chiến tranh đã làm cho tiềm lực của cả hai suy giảm nghiêm trọng. Năm 1771, một vương triều mới nổi dậy: Vương triều Tây Sơn. Họ nhanh chóng lật đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong năm 1783. Ba năm sau, với danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh", Tây Sơn tiến quân ra Bắc, đánh tan quân Trịnh. Mặc dù vậy, để tránh những chống đối về chính trị, họ vẫn duy trì ngôi vị vua Lê, để lại một lực lượng đồn trú nhỏ, rồi rút về nam.

Vị hoàng đế trẻ Lê Chiêu Thống tuy có tham vọng khôi phục uy quyền nhà Lê, nhưng lại tỏ ra quá yếu ớt về khả năng. Ông vừa muốn mượn sức quân Tây Sơn để triệt hạ hoàn toàn thế lực chúa Trịnh, vừa định tiêu diệt thế lực của họ để độc quyền kiểm soát Bắc Hà. Hành động này bị các thủ lĩnh Tây Sơn xem là phản bội khi cho rằng họ có ơn với nhà Lê khi giữ lại ngôi vị cho Lê Chiêu Thống.

Điều gì đến sẽ phải đến. Tháng 4 năm 1788, danh tướng nổi bật nhất của Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, chỉ trong 1 tháng đã dẹp sạch mọi lực lượng chống đối, kể cả thế lực bảo hoàng, lập hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Cận làm Giám quốc, sai Ngô Văn Sở cầm quân giữ Thăng Long, rồi đưa quân rút về nam.

Thế lực bảo hoàng tan vỡ, Lê Chiêu Thống, bấy giờ đang đào vong ở Kinh Bắc, tìm cách cầu ngoại viện. Tháng 7 năm 1788, ông sai người sang Trung Quốc cầu viện. Càn Long nhân cơ hội đánh chiếm Đại Việt bèn sai Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị mang hơn 20 vạn quân và dân binh hậu cần, gồm các đạo binh huy động từ Quảng Đông, Quảng Tây, Vân NamQuý Châu, xuất phát vào cuối tháng 10 âm lịch năm 1788 hộ tống Lê Chiêu Thống về Đại Việt với danh nghĩa phù Lê.

Khác với những chiến dịch trước, quân Thanh lần này điều động quân địa phương, với nòng cốt là quân Hán, do các tướng Hán không nhiều kinh nghiệm tác chiến làm chỉ huy. Tuy nhiên, họ có ưu thế binh lực tuyệt đối so với lực lượng Tây Sơn đang có mặt ở Bắc Hà. Tham vọng của họ không chỉ dừng ở đất Bắc Hà, mà sẽ đưa cả Đại Việt vào phạm vi kiểm soát của Thanh triều.

Quân Thanh nhanh chóng chiếm được Thăng Long do quân Tây Sơn chủ động rút lui chiến lược để bảo tồn lực lượng. Các tướng Thanh dù đã đề phòng, nhưng họ đã đánh giá quá thấp danh tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ, đồng thời, thắng lợi quá dễ dàng đã làm họ rơi vào thế chủ quan khinh địch. Bằng một cuộc hành binh thần tốc và một chiến lược tấn công thông minh, chớp nhoáng, Tây Sơn đã đánh cho quân Thanh một trận đại bại, tổn thất hơn nửa quân số xâm lược chỉ trong thời gian 6 ngày. Nhiều tướng lĩnh nhà Thanh tử trận, hoặc bị bắt sống.

Mặc dù thắng trận, nhưng Nguyễn Huệ vẫn khôn khéo nhận mình là chư hầu của nhà Thanh. Chiến lược ngoại giao này cũng thành công như thắng lợi quân sự của ông. Lê Chiêu Thống phải lưu vong ở Trung Quốc và nhà Thanh công nhận Nguyễn Huệ với ngôi vị Quốc vương.[37] Tuy vậy, tại lãnh địa của mình, ông đã tự xưng mình là Hoàng đế ngang với Càn Long, với niên hiệu Quang Trung.

Xung đột quân sự với Nepal lần thứ nhất (1790)

Bình định Khuếch Nhĩ Khách
Một phần của Thập toàn võ công
Thời gian1790
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn. Quân Nepal rút khỏi Tây Tạng
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh tăng cường quyền kiểm soát Tây Tạng
Tham chiến
Nhà Thanh Vương triều Shahs
Chỉ huy và lãnh đạo

Càn Long
Phúc Khang An

Hòa Lâm
Rana Bahadur Shah
Lực lượng
Không rõKhông rõ
Thương vong và tổn thất
Không rõKhông rõ

Năm 1768, Vương quốc Nepal được thành lập từ các cuộc chinh phục của người Gurkha (người Trung Quốc phiên âm thành Khuếch Nhĩ Khách, 廓尔喀) với sự giúp đỡ về vũ khí của Công ty Đông Ấn Anh. Sau khi ổn định tình hình trong nước, vua Nepal là Rana Bahadur Shah quyết định đưa quân xâm chiếm miền nam Tây Tạng vào năm 1788 nhằm giành quyền kiểm soát những con đường núi và mở rộng thêm lãnh thổ.

Hai amban Mãn Châu tại Lhasa chỉ đơn giản trốn chạy, bỏ mặc Tây Tạng cho quân Nepal cướp phá. Mãi sau khi được báo tin, Càn Long mới ra lệnh cho các chỉ huy quân Thanh từ Tứ Xuyên tiến vào Lhasa. Tướng Thanh kiêu căng mà vô mưu, kết quả đại bại, tử thương vô số[38]. Nhờ mưu kế của một chỉ huy quân Thanh là Giám quân Ba Trung đã hối lộ vua Nepal 15.000 lượng bạc, mà quân Nepal lui binh. Ba Trung sau đó tấu lên Càn Long là Nepal hàng phục nhanh chóng trước sức mạnh của quân Thanh. Càn Long rất lấy làm vui thích.

Xung đột quân sự với Nepal lần thứ hai (1791-1793)

Tái bình định Khuếch Nhĩ Khách
Một phần của Thập toàn võ công

Quân Thanh công phá đồn Nepal tại Xiebulu
Thời gian1791-1793
Địa điểm
Kết quảĐại Thanh tuyên bố chiến thắng hoàn toàn. Nepal từ bỏ tham vọng ở Tây Tạng
Thay đổi
lãnh thổ
Nhà Thanh kiểm soát hoàn toàn Tây Tạng
Tham chiến
Nhà Thanh Vương triều Shahs
Chỉ huy và lãnh đạo
Càn Long
Phúc Khang An
Rana Bahadur Shah
Lực lượng
Không rõKhông rõ
Thương vong và tổn thất
Không rõKhông rõ

Tuy nhiên, mưu mẹo này không giữ được lâu. Chỉ một năm sau, năm 1791, lấy lý do Đạt-lại Lạt-ma không chịu tiến cống, quân Nepal một lần nữa thâm nhập Tây Tạng. Càn Long khẩn trương cử một đội quân hơn 1 vạn người, trong đó có 6.000 quân tinh nhuệ Mãn Châu và Mông Cổ, do Phúc Khang An chỉ huy, tiến vào Tây Tạng từ phía bắc, để rút ngắn thời gian tiến quân. Tuy nhiên, tính già hóa non, đội quân này phải dừng bước trước băng tuyết mùa đông trên cách đỉnh núi và chỉ có thể tiến đến Tây Tạng vào mùa hè 1792. Mặc dù có hỏa lực không bằng đối phương, nhưng với kinh nghiệm chiến thuật và số lượng áp đảo, Liên quân Thanh-Tạng không quá khó khăn để đẩy lui quân Nepal trong vòng hai hoặc ba tháng. Quân Thanh còn định tiến xa hơn khi tìm cách vượt qua dãy Himalaya để tiến vào thủ phủ của Nepal là Kathmandu. Tuy nhiên, vào năm 1793, người Nepal đã chủ động quy phục Thanh triều với những khoản bồi thường chiến phí hậu hĩ, đủ để Phúc Khang An hát khúc khải hoàn.[12]

Thực ra, đáng lẽ sẽ là trận đại bại của Phúc An Khang nếu như Nepal không gặp áp lực của người Anh, khi họ can thiệp ngừng cung cấp vũ khí cho người Nepal tiến tục chiến tranh. Công ty Đông Ấn Anh đã có những dự định riêng để có thể tự mình kiểm soát Tây Tạng. Người Nepal đành nhẫn nhịn chờ đợi thời cơ. Sự đối đầu với Công ty Đông Ấn Anh về sự sáp nhập các tiểu quốc giáp biên giới với Nepal cuối cùng đã dẫn tới một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu, Chiến tranh Anh-Nepal (1815–1816), trong đó Nepal đã bảo vệ được các biên giới hiện nay của họ nhưng mất phần lãnh thổ phía tây Sông Kali, gồm cả bang Uttarakhand ngày nay và nhiều vùng của bang Punjab Hill thuộc Himachal Pradesh hiện nay. Hiệp ước Sugauli cũng nhường nhiều phần thuộc Terai và Sikkim cho Công ty đổi lại quyền tự trị cho người Nepal. Nhưng đó là chuyện sau này. Còn bấy giờ, Thanh đế Càn Long nở mặt trước sự quy phục của Nepal, đội quân hiện đại nhất châu Á bấy giờ, tự phụ rằng võ công triều đại mình là oanh liệt đệ nhất.

Ý nghĩa thực sự của Thập toàn võ công

Hoàng đế Càn Long khảo thưởng các tướng lĩnh (tranh Isidore Helman vẽ năm 1788)

Các chiến dịch của "Thập toàn võ công" hầu hết không phát xuất cùng tình huống, tính chất. Cái nhằm mục đích trấn áp dân biến, bình định bạo loạn (chiến dịch Đài Loan), cái chống xâm lược (xung đột với Nepal), nhưng cũng có cái dương oai diễu võ, phóng đại sự việc, tưởng được hóa ra mất (chiến dịch đánh Đại Việt). Đặc biệt 3 chiến dịch can thiệp quân sự ở ngoại quốc (Đại Việt, Miến Điện) không đạt được mục đích, dù đã phóng đại sự hòa hoãn ngoại giao của đối phương như là một thắng lợi về quân sự. Toàn bộ những chiến dịch này đều tốn kém quá nhiều chi phí, ngốn mất 151 triệu lượng bạc[39], do phải vận chuyển quân lính, lương thực, hậu cần với số lượng lớn, đi xa. Các cuộc chiến còn làm thiệt mạng một số lượng lớn binh sĩ, thường dân. Bên cạnh đó, với thói xa hoa phung phí, Càn Long lúc tuổi già đã cho xây cất nhiều cung điện lớn lao, lộng lẫy, làm hao tổn quốc khố. Cộng thêm nạn tham nhũng mà đầu bảng là Hòa Thân, một sủng thần thân cận nhất của Càn Long, đã làm Thanh triều kết thúc thời kỳ cực thịnh của mình mà lao dốc vào các triều vua sau này.

Chú thích

Tham khảo

  • "Đại Thanh Cao Tông Thuần Hoàng đế Thực lục, Càn Long nhị thập tứ niên"
  • "Bình định Chuẩn Cát Nhĩ phương lược"
  • "Khiếu đình tạp lục", quyển 6
  • Bình định Hồi cương thủy mạt"
  • Ngụy Nguyên, "Thánh võ ký", quyển 4
  • Mạnh Sâm, "Thanh sử giảng nghĩa"
  • Vương Gia Phạm, "Trung Quốc lịch sử thông luận" 
  • Trang Cát Phát, "Thanh Cao Tông Thập toàn võ công nghiên cứu"
  • Nguyễn Hiến Lê, "Sử Trung Quốc"
  • Nguyễn Duy Chính, "Bình định An Nam chiến đồ"
  • Hans Ulrich Vogel & Achim Mittag, "The Second Jinchuan Campaign (1771 – 1776)".
  • James A. Millward, "Eurasian crossroads: a history of Xinjiang"