Trường Đại học Ngoại thương

Trường đại học công lập Việt Nam

Trường Đại học Ngoại thương (tiếng Anh: Foreign Trade UniversityFTU), còn được gọi vắn tắt là Ngoại thương, là một trường đại học công lập của Việt Nam, trực thuộc Bộ Công thương và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục & Đào tạo, trụ sở tại số 91 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thủ đô Hà Nội. Trường ra đời năm 1960 từ khởi nguồn tiền thân bộ môn ngoại thương thuộc Trường Đại học Kinh tế – Tài chính (nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý, tập trung vào kinh tế đối ngoại; được chính thức tách ra với tên gọi ban đầu là Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương năm 1962, tích hợp cùng Học viện Ngoại giao.[1] Năm 1967, trường Đại học Ngoại thương chính thức được thành lập thuộc Bộ Ngoại thương,[Ghi chú 1] rồi chuyển sang Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp năm 1985, tái thiết trở thành Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 1984 cho đến ngày nay.

Trường Đại học Ngoại thương (FTU)
Foreign Trade University - FTU
Phù hiệu trường
Địa chỉ
Map
Trụ sở chính: 91 chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
,
Tọa độ21°01′23″B 105°48′18″Đ / 21,023°B 105,805°Đ / 21.023; 105.805
Thông tin
Tên khácFTU - Ngoại thương
Tên cũTrường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương
LoạiTrường đại học
Khẩu hiệuChất lượng – Uy tín – Hiệu quả – Chuyên nghiệp – Hiện đại
Thành lập20 tháng 8 năm 1960; 63 năm trước (1960-08-20)
HệCông lập
Mã trườngNTH (cơ sở I và cơ sở III)
NTS (cơ sở II)
Hiệu trưởngPGS. TS. Bùi Anh Tuấn
Trưởng cơ sởPGS. TS. Nguyễn Xuân Minh (II)
TS. Nguyễn Bình Minh (QN)
Nhân viên200
Giảng viên850
Ngôn ngữTiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Nga
Khuôn viên10 hecta (ba cơ sở)
Màu          Đỏtrắng
Bài hátHành khúc sinh viên Ngoại Thương
Websitehttp://www.ftu.edu.vn
Thông tin khác
Viết tắtĐHNT/FTU
Thuộc tổ chứcBộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Công thương
Cơ sở khácNgoại thương Cơ sở II, thành phố Hồ Chí Minh
Ngoại thương Cơ sở III, tỉnh Quảng Ninh
Tổ chức và quản lý
Phó hiệu trưởngPGS. TS. Đào Ngọc Tiến
PGS. TS. Phạm Thu Hương
Thống kê
Sinh viên đại học18.500
Sinh viên sau đại học500
Nghiên cứu sinh50

Trường Đại học Ngoại thương có ba cơ sở: trụ sở chính của Trường Đại học Ngoại thương cơ sở I được đặt tại thủ đô Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II tại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Ngoại thương cơ sở III/cơ sở Quảng Ninh được đặt tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Trường đào tạo các lĩnh vực về kinh tế bao gồm kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, thương mại quốc tế, hợp tác kinh tế quốc tế, quản trị cùng các mảng khác như tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, luật kinh tếngoại ngữ đa dạng; đồng thời dàn trải đào tạo cử nhân, thạc sĩ, nghiên cứu sinh khoa học, tiến sĩ. Trường nằm trong những trường thu hút nhiều thí sinh xuất sắc nhất Việt Nam,[2] và cũng là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về ngân sách giáo dục đầu tiên.[Ghi chú 2]

Địa chỉ trụ sở chính và các cơ sở

- Trường Đại học Ngoại thương (Cơ sở I):

+ Cơ sở 1 (trụ sở chính): số 91 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, nước Việt Nam.

- Trường Đại học Ngoại thương (Cơ sở II):

+ Cơ sở 2: số 15 đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, nước Việt Nam.

- Trường Đại học Ngoại thương (Cơ sở III/Cơ sở đào tạo tại tỉnh Quảng Ninh):

+ Cơ sở 3: số 260 đường Bạch Đằng, phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nước Việt Nam.

Lịch sử

Thời kỳ tiền thân

Ngành học Ngoại thương chính thức ra đời vào ngày 20 tháng 8 năm 1960, sơ khai là một bộ môn trong Khoa Quan hệ quốc tế do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý, vị trí đặt tại Trường Đại học Kinh tế – Tài chính (ngày nay là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).[3][4] Trong Khoa Quan hệ quốc tế có hai bộ môn là Bộ môn Ngoại giao và Bộ môn Ngoại thương.[5] Từ thời điểm ban đầu, bộ ba trường NEU, FTU và DAV tích hợp lại với nhau, dần dần thay đổi và vẫn giữ vững liên kết cho đến thời hiện đại.[6] Khóa đầu tiên của Bộ môn Ngoại thương được chiêu sinh vào năm học 1960 – 1961 với 42 sinh viên. Ngày 20 tháng 6 năm 1962, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Khoa Quan hệ Quốc tế tách khỏi Trường Đại học Kinh tế – Tài chính để thành lập Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương trực thuộc Bộ Ngoại giao. Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương có trụ sở đặt tại làng Láng, tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (trên khu đất của Trường Đại học Ngoại thương và Học viện Ngoại giao hiện nay).[7]

Ở mốc lịch sử này, Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương trở thành một cơ sở giáo dục đại học độc lập, có chức năng đào tạo chuyên sâu cán bộ làm công tác Ngoại thương có trình độ cao bởi Khoa Ngoại thương. Năm 1965, trường được chính thức công nhận thuộc hệ thống các trường đại học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[8] Cơ sở vật chất ngày đầu mới thành lập của trường tọa lạc trên khu đất khoảng 4,0 hecta nguyên là cơ sở xay xát và nhà kho chứa thóc của Bộ Lương thực.[Ghi chú 3] Lúc ban đầu, cơ sở này có khoảng 10 dãy nhà cấp bốn với tường gạch, lợp ngói đã cũ nát và các dãy nhà này được cải tạo thành các lớp học, các phòng ở cho sinh viên và cho một số cán bộ, giảng viên của trường. Thời kỳ tiền thân đánh dấu sự ra đời của trường Ngoại thương, khởi đầu giáo dục chính thức với các khóa học cùng những giảng viên đầu tiên có thể kể tới các nhà giáo Lê Văn Ngọ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đức Dỵ, Nguyễn Doãn Đính, Doãn Tường Vân, Lê Đức Dục, và Thủ tướng miền Nam Việt Nam Huỳnh Tấn Phát.[9]

Thời kỳ chiến tranh và đổi mới

Phù hiệu giai đoạn đầu.[Ghi chú 4]
Phù hiệu bản quốc tế.[Ghi chú 5]
Thay đổi phù hiệu trong các giai đoạn trường Ngoại thương.

Ngày 5 tháng 8 năm 1967, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định chia tách Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương thành hai trường: Trường Đại học Ngoại giao (ngày nay là Học viện Ngoại giao) trực thuộc Bộ Ngoại giao và Trường Đại học Ngoại thương thuộc Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công Thương).[10] Tên hiệu chính thức của Trường Đại học Ngoại thương có từ thời gian này. Ngay sau khi thành lập, do có chiến tranh, Trường Đại học Ngoại thương phải sơ tán về huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tâycũ.[Ghi chú 6] Trường lúc này đã có các đơn vị chuyên môn như Khoa Nghiệp vụ Ngoại thương, Khoa Ngoại ngữ và Bộ môn Chính trị. Cuối năm 1967, trường chuyển từ nơi sơ tán trở lại Hà Nội. Trong thời kỳ chiến tranh, trường Ngoại thương song song giải quyết các vấn đề về đảm bảo an toàn trong không khí chiến đấu của cả nước, vừa nỗ lực đào tạo phục vụ cho hoạt động kinh tế ngoại thương với các nước xã hội chủ nghĩa và một số nước khác.[11]

Năm 1985, một năm sau Đổi Mới, Trường Đại học Ngoại thương chuyển từ Bộ Ngoại thương sang trực thuộc Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh và phát triển thêm một bước. Đến cuối năm 1998, trường vẫn chỉ đào tạo một ngành là ngành Kinh tế với chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, mở rộng thêm ngành Quản trị kinh doanh năm 1999 và chuyển hướng đào tạo đa phương diện kinh tế cùng với xã hội từ đây. Ngày 16 tháng 7 năm 1993, xuất phát từ nhu cầu cán bộ trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập bởi quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân.[12][13] Trường được trao Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất các năm 1985, 1990, 1995.[14]

Thời hiện đại

Phương hướng phát triển

Trụ sở Trường Đại học Ngoại thương

Bước sang thế kỷ XXI, Việt Nam nói riêng chuyển sang giai đoạn mới về hội nhập và toàn cầu hóa. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng đối với kinh tế quốc tế, thương mại quốc tế. Từ đây, trường Ngoại thương với nhiệm vụ chú trọng đào tạo về kinh tế đối ngoại được mở rộng về cả vị thế lẫn chức năng, đóng vai trò dẫn đầu trong nghiên cứu, giảng dạy, thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh tế đa phương của đất nước. Với việc xúc tiến hợp tác đa quốc gia, khu vực, Trường Đại học Ngoại thương được nhiều trường đại học quốc tế công nhận chương trình đào tạo và thiết lập quan hệ đào tạo từ nhiều nước như Hoa Kỳ, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, Ý, Nga, Pháp về cả chương trình liên kết lẫn hợp tác du học, trao đổi sinh viên. Năm 2009, để mở rộng việc đào tạo hỗ trợ liên thông, cao đẳng, trường đề cử mở thêm cơ sở mới ở vùng Đông Bắc, nhằm hỗ trợ cho giáo dục khu vựcm, phát triển mạnh ảnh hưởng Vịnh Bắc Bộ.[15] Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nhất trí và quyết định mở Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở III tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh trọng điểm kinh tế mới.[16]

Cũng từ những năm 2000, Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu xây dựng các chương trình tuyển sinh mức độ cao. Với các khối tuyển khác nhau, Ngoại thương trở thành một trong những trường khó trúng tuyển nhất của Việt Nam, thu hút thí sinh đến từ nhiều vùng khắp đất nước, thường lấy điểm tuyển sinh cao nhất cả nước. Trong quá trình đào tạo, sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương làm việc trong nước cũng như ở nước ngoài đều được đánh giá cao cả về kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo đạt mức cao hàng đầu về giáo dục.[17] Đặc biệt, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương còn nổi tiếng năng động, sáng tạo và tự tin. Số lượng sinh viên xuất thân từ Đại học Ngoại thương giành được học bổng du học đại học và sau đại học tại nước ngoài luôn chiếm ưu thế trong số sinh viên các trường đại học tại Việt Nam. Chính nhờ những kết quả đó, Trường Đại học Ngoại Thương đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi Mới vào tháng 5 năm 2010[18] và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Huân chương Độc lập hạng Nhất vào tháng 9 năm 2012.[19]

Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi

Sứ mệnh

Phụng sự xã hội bằng sự xuất sắc trong giáo dục, sáng tạo và chuyển giao tri thức.

Tầm nhìn

Năm 2040, trở thành đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á.

Giá trị cốt lõi

Sáng tạo – Xuất sắc – Trách nhiệm - Bản lĩnh – Đa dạng – Hòa hợp.

Phương châm hành động và triết lý giáo dục

Phương châm hành động

Khác biệt để dẫn đầu.

Triết lý giáo dục

Giáo dục hướng tới khai phóng, gắn với thực tiễn; nuôi dưỡng tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo.

Khuôn viên trường

Trụ sở chính

Ảnh một phần khuôn viên Trường Đại học Ngoại thương năm 2011.

Trường Đại học Ngoại thương trụ sở chính đặt tại số 91 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở khuôn viên có từ lúc thành lập là Trường Cán bộ Ngoại giao – Ngoại thương rộng 4,0 hecta, tách ra thành hai trường, trường Ngoại thương ở khu đất nhỏ, chỉ rộng 2,73 hecta, tương ứng với 27.300 m².[20] Khuôn viên trường theo dạng hình chữ nhật, ban đầu chỉ có một khu nhà dạy học và một số nơi tạm trú cho giảng viên, sinh viên. Năm 1985, sảnh nhà B được xây dựng với thiết kế năm tầng cổ điển, phổ biến cho dạng nhà vuông vức ở Hà Nội.[21] Với nền tảng là khu ban đầu, nhà B hiện tiếp tục là vị trí phục vụ giảng dạy, trụ sở của một số khoa, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, văn phòng phục vụ giáo dục như Phòng Thực hành pháp luật, Trung tâm hỗ trợ sinh viên.[22]

Đến thời hiện đại, khuôn viên trường Ngoại thương dần dần được mở rộng, lấp kín toàn bộ diện tích trường. Ngày 9 tháng 9 năm 2009, trường tổ chức khai giảng năm học 2009 – 2010, đồng thời khánh thành tòa nhà đa năng (nhà A) phục vụ học tập và làm việc của với tổng diện tích sàn 11.000 m², cao 12 tầng. Tổng mức đầu tư là 103 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 50%, ngân sách của trường chiếm 50%.[23] Nhà A gồm 32 giảng đường, 12 phòng làm việc được trang bị thiết bị giảng dạy hiện đại theo hướng quốc tế, đồng thời phục vụ chương trình giảng dạy tham khảo từ nước ngoài.[24] Từ đây, nhà A và nhà B với vị trí đối diện nhau qua một khu vực mở rộng ở trung tâm trường trở thành hai tòa nhà giảng dạy chủ yếu của Ngoại thương. Nhà A là tòa nhà chủ chốt của trường, nơi đặt trụ sở ban giám hiệu cùng cơ quan tổ chức, một số phòng ban, khoa, bộ phận kết hợp và liên kết quốc tế.

Một góc nhìn về nhà A của FTU năm 2018.

Bên cạnh đó, khuôn viên trường hiện bao gồm các tòa nhà D, E, F, G, H; VJCC; Ký túc xá 1, 2, nhà thể dục thể thao và các khu vực khác phục vụ dịch vụ an ninh, sinh hoạt và giảng dạy. Tòa nhà VJCC cao ba tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu hợp tác quốc tế, được xây dựng dựa trên nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản, khánh thánh năm 2001;[25] tương tự là nhà D cao hai tầng ban đầu là nơi tổ chức các sự kiện, tòa nhà họp chung, hội trường của trường, còn được gọi là Universal House từ năm 2020, được hỗ trợ bởi ký kết hợp tác giữa trường và Tổ chức Xúc tiến quốc tế hoá Nhật Bản (JAPI) trong việc xây dựng. Năm 2021, nhà D tức FTU – JAPI Universal House là không gian trao đổi quốc tế về học tập, văn hoá, không gian sáng tạo cũng như tiếp cận với tổ chức doanh nghiệp trong nước và quốc tế của sinh viên FTU.[26] Khu nhà E, F và G được phân phối phục vụ giảng dạy, trong đó nhà F là nơi đặt trụ sở một số cơ quan hợp tác và nơi lưu niệm, hỗ trợ in ấn cho sinh viên;[27] nhà H còn được gọi là Nhà sinh viên, nơi tập trung của hoạt động sinh viên và đại đa số các câu lạc bộ sinh viên ngoại thương; nhà G đồng thời là thư viện của trường, nơi cung cấp dịch vụ sách, học trực tuyến, học công nghệ thông tin.[28] Cạnh nhà G là nhà thể dục thể thao hay còn gọi là Nhà tập thể chất FTU, phục vụ việc giảng dạy các bộ môn thể dục cũng như hoạt động thể thao thường xuyên của giảng viên, sinh viên và thành viên câu lạc bộ.[29]

Những tòa nhà còn lại ở trụ sở Hà Nội đồng thời đều được tích hợp để hỗ trợ sinh viên, bao gồm hai tòa nhà ký túc xá sinh viên, căn tin và tiệm đồ uống. Tòa ký túc xá bảy tầng ở cạnh cửa trường dành cho sinh viên năm nhất, đồng thời đây cũng bao gồm phòng học cho sinh viên;[30] ký túc xá bốn tầng ở phía sau trường dành cho sinh viên năm thứ hai và sinh viên du học Việt Nam, chủ yếu là sinh viên LàoCampuchia.[31] Trong khu vực trường, Ngoại thương hợp tác với một số đối tác bên ngoài về việc sử dụng vị trí để xây dựng các cơ sở dịch vụ như quán ăn, tiệm cà phê và thư giãn như FTU Coffee and Bar Rooftop ở tầng 13 của nhà A, đi vào hoạt động từ năm 2021.[32]

Các cơ sở

Trường Đại học Ngoại thương cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018.

Trường Đại học Ngoại thương có hai cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh. FTU cơ sở II đặt tại số 15, Đường D5, Phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu do chưa có cơ sở vật chất riêng phục vụ công tác giảng dạy và học tập, Cơ sở II đã thuê cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, sau đó trường dần dần đã có được cơ sở vật chất mới phục vụ giảng dạy và học tập. Với diện tích khuôn viên gần 5.000 m², cơ sở vật chất hiện tại về cơ bản đáp ứng được nhu cầu của việc dạy và học trong thời điểm hiện nay. Nhiều phòng học và phòng chức năng khác được trang bị các thiết bị giảng dạy hiện đại.[33] Trong khuôn viên Cơ sở II, hai sảnh A và B là khu vực giảng dạy chính thức cũng như chủ yếu của trường, đồng thời là trụ sở ban giám hiệu cùng các khoa, phòng ban quản lý. Bên cạnh đó là phân viện VJCC cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh, đều được hỗ sợ xây dựng bởi nguồn vốn từ Chính phủ Nhật Bản như viện ở trụ sở Hà Nội.[34]

Cơ sở Quảng Ninh của Trường Đại học Ngoại thương đặt tại số 260 đường Bạch Đằng, phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Cơ sở III xây dựng ở vùng địa phương với khuôn viên rộng rãi gồm đầy đủ các tòa nhà giảng đường, ký túc xá, thư viện, hệ thống điện nước, hội trường, được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ trang bị thêm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao.[35] Cụ thể, cơ sở Quảng Ninh có các khu nhà A là nhà hiệu bộ, nhà B là các phòng học cho sinh viên, nhà C là thư viện, nhà H là hội trường, nhà G là nhà ở giáo viên, nhà K là ký túc xá. Xung quanh trường có sân bóng đá, sân cầu lông, bóng chuyền, sân chơi bóng rổ, nhà đa năng, có khuôn viên rộng lớn và thoáng mát, tạo điều kiện cho sinh viên chơi thể thao và sinh hoạt câu lạc bộ.[36]

Cơ cấu tổ chức

Tổ chức quản lý

Khu nhà đặt trụ sở Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Hội đồng trường.

Trường Đại học Ngoại thương là một đơn vị sự nghiệp công lập[Ghi chú 7] trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, được xây dựng dựa trên cơ cấu tổ chức của một cơ quan trong tập thể tổ chức Đảng Cộng sảnNhà nước Việt Nam. Giai đoạn đầu, trường được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự trong thời gian được công nhận là một trường đại học. Năm 2005, Ngoại thương được chọn là một trong năm trường đại học công lập thí điểm tự chủ tài chính.[Ghi chú 8][37] Năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định bắt đầu mô hình thí điểm tự chủ tài chính đối với cơ sở giáo dục đại học công lập.[38] Từ đây, các trường bước đầu thay đổi mạnh mẽ phương thức quản trị đại học, tạo nền tảng cho việc đổi mới căn bản trong giáo dục đại học, lấy Ngoại thương là hình mẫu cho giáo dục cả nước nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo của Việt Nam theo mô hình quốc tế.[39][40] Với mô hình quản lý theo dạng toàn cầu hóa này, trường Ngoại thương cũng trở thành một trong những trường đại học công lập có mức học phí cao nhất cả nước.[41][42]

Về mặt tổ chức, Trường Đại học Ngoại thương được quản lý bởi ba đơn vị là Đảng bộ Ngoại thương, Hội đồng Ngoại thương và Ban giám hiệu Ngoại thương. Trong đó Đảng bộ là cơ quan cao nhất, đóng vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo thực hiện công tác chuyên môn và các lĩnh vực công tác khác của Nhà trường hoàn thành các nhiệm vụ được cấp trên giao, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giáo viên trong trường;[43] Hội đồng trường tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có liên quan, chủ yếu quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm, chủ trương phát triển, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở, quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;[44] và Ban giám hiệu trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác về cả giáo dục, các cơ quan trực thuộc, chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đại hội một Chi bộ thuộc Đảng bộ Đại học Ngoại thương tại hội trường nhà D, trụ sở Hà Nội năm 2020, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ toàn trường.

Thực thi chính sách chiến lược về thể chế chính trị tại Việt Nam, trường Ngoại thương cũng như các trường đại học công lập trên khắp cả nước đều có tổ chức quản lý cao nhất bởi Đảng bộ đại học. Mỗi nhiệm kỳ năm năm, đại hội đảng bộ trường sẽ tiến hành bầu ra Ban chấp hành đảng bộ, tiến tới bầu Bí thư Đảng ủy, người lãnh đạo chủ chốt Ngoại thương.[45] Với Hội đồng trường là đội ngũ nhân sự từ nhiều đơn vị cả trong lẫn ngoài trường, và Hội đồng trường Ngoại thương có các thành viên nổi bật là Chủ tịch Tập đoàn tư nhân, Chuyên gia kinh tế Việt Nam. Các chức vị khác như Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Ban giám hiệu được quyết định bổ nhiệm bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Ngoại thương là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn;[46] Chủ tịch Hội đồng trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thu Thủy;[47] cùng với hai Phó Hiệu trưởng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương, và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Ngọc Tiến.[48]

Đối với hai cơ sở của trường Ngoại thương đều là bộ phận trong cấu trúc toàn trường. Mỗi cơ sở được trực tiếp quản lý bởi ban giám đốc tại vị trí tọa lạc của cơ sở đó ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, Ban giám đốc Cơ sở II gồm Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Nguyễn Xuân Minh, ba vị Phó Giám đốc là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Trung và Thạc sĩ Phạm Thu Thủy.[49] Ban giám đốc Cơ sở III gồm Tiến sĩ, Giám đốc Nguyễn Bình Minh và Thạc sĩ, Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Tuân.[50]

Các đơn vị của trường

Đơn vịThành lập
Ngoại thương1960
Cơ sở II, Thành phố Hồ Chí Minh1993
Cơ sở Quảng Ninh2009
Viện iEIT2011
Viện VJCC2017
Viện SEIB2018

Trong cơ cấu tổ chức của Trường Đại học Ngoại thương, trường có hai trường cơ cở là Cơ sở II và Cơ sở III; ba viện nghiên cứu; 15 khoa phụ trách chuyên môn; 13 phòng ban hỗ trợ hoạt động toàn diện và tám trung tâm.[51] Ba viện nghiên cứu là Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (Vietnam – Japan Institute for Human Resources Development, viết tắt: VJCC); Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (School of Economics and International Business, viết tắt: SEIB) và Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (Institute of Economics and International Trade, viết tắt: iEIT). Viện VJCC có chức năng tổ chức thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu, tư vấn và ứng dụng trong quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp theo mô hình Nhật Bản và là đơn vị thực hiện Dự án Phát triển nguồn nhân lực kinh doanh do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Đây là một tổ chức nghiên cứu đặc biệt, kết hợp chặt chẽ giữa tinh thần ngoại giao của Chính phủ Việt Nam cùng đất nước Nhật Bản từ năm 1998, là trụ cột hợp tác thương mại giữa hai nước.[52] VJCC phân viện được đặt tại Ngoại thương Cơ sở II ở Thành phố Hồ Chí Minh.[53] Viện SEIB với tiền thân là Khoa Kinh tế Ngoại thương cùng Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế[Ghi chú 9] hai khoa được xây dựng từ những năm 1960 cùng với sự ra đời của Trường Đại học Ngoại thương rồi chính thức hợp nhất thành lập năm 2018. SEIB là đơn vị chuyên môn có truyền thống lâu đời nhất của nhà trường, luôn là lực lượng chủ lực trong công tác đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, mang tính chất của cơ sở đào tạo có chất lượng cao, có uy tín hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực kinh tế đối ngoại và kinh doanh quốc tế.[54] Viện iEIT được thành lập từ năm 2011, phụ trách nghiên cứu các vấn đề về kinh tế và thương mại quốc tế, đào tạo và tư vấn theo nhu cầu của doanh nghiệp đa dạng, khoa học trong nước và quốc tế, bên cạnh đó đảm nhiệm đấu thầu, phối hợp và triển khai các dự án nghiên cứu trong và ngoài nước, phát hành các ấn phẩm khoa học phục vụ học tập, nghiên cứu và kinh doanh.[55]

Ngoại thương có 15 khoa, chia thành ba nhóm tổng quan là nhóm chuyên ngành, nhóm hệ thống cơ sở và nhóm ngoại ngữ. Nhóm chuyên ngành là các khoa tập trung vào giảng dạy chuyên môn kinh tế, quản trị, tài chính và pháp luật. Nhóm hệ thống cơ sở giảng dạy từ các bộ môn cơ bản của giáo dục Việt Nam kết hợp với đào tạo quốc tế, đào tạo tại chức và đào tạo sau đại học. Nhóm ngoại ngữ gồm các khoa phụ trách tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốctiếng Pháp. Cụ thể các khoa cùng với năm thành lập gồm:

Nhóm khoa chuyên ngànhNhóm khoa hệ thống cơ sởNhóm khoa ngoại ngữ
1999Khoa Quản trị Kinh doanh[Ghi chú 10][56]1995Khoa Sau đại học [57]2005Khoa Tiếng Nhật[58]
2006Khoa Tài chính Ngân hàng[59]2007Khoa Cơ bản [60]2006Khoa Tiếng Trung Quốc[61]
2009Khoa Kinh tế quốc tế[62]2008Khoa Lý luận chính trị[63]2007Khoa Tiếng Anh chuyên ngành[64]
2012Khoa Luật[65]2009Khoa Đào tạo quốc tế[66]Khoa Tiếng Anh thương mại[67]
2016Khoa Kế toán Kiểm toán[68]2019Khoa Đào tạo trực tuyến và Phát triển nghề nghiệp[69]Khoa Tiếng Pháp[70]

Bên cạnh đó, Ngoại thương có 13 phòng ban và tám trung tâm. Các phòng, ban phụ trách trực tiếp xử lý hoạt động thường nhật theo các nhóm vấn đề của trường đại học, hỗ trợ Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu và quản lý giảng viên, sinh viên, cụ thể gồm: Phòng Quản lý đào tạo, Tổ chức Nhân sự, Hành chính - Tổng hợp, Kế hoạch tài chính, Quản trị thiết bị, Công tác chính trị sinh viên, Hợp tác quốc tế, Quản lý dự án, Quản lý khoa học, Truyền thông và quan hệ đối ngoại, Văn phòng Đảng - Đoàn thể, Thư viện Ngoại thương. Các trung tâm mang đặc điểm là tổ chức tự chủ, độc lập nhất định trong hoạt động vì mục tiêu được đặt ra, gồm: Trung tâm Nghiên cứu, Bồi dưỡng và Tư vấn Kinh tế đối ngoại (FERETCO),[71] Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng (CQA),[72] Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương (FSSC),[73] Trung tâm Công nghệ thông tin (E-learning),[74] Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS),[75] Trung tâm Giáo dục thể chất và thể thao.[76] Cũng như tổ chức hệ thống đại học ở Việt Nam, về lĩnh vực sinh viên, trường có Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Ngoại thương phụ trách đại diện sinh viên. Tại các cơ sở khác, những ban tương tự trụ sở được thành lập, đóng vai trò trực tiếp quản lý chi nhánh. Đặc biệt ở Cơ sở II Thành phố Hồ Chí Minh, có thêm Trung tâm Tư vấn Giáo dục quốc tế (CEC),[77] và Trung tâm Tư vấn Thương mại quốc tế (ICCC).[78]

Đào tạo

Chuyên ngành

Lĩnh vựcChuyên ngành
Kinh tếKinh tế đối ngoại
Thương mại quốc tế
Kinh tế quốc tế
Kinh tế & Phát triển quốc tế
Quản trị
&
Kinh doanh
Kinh doanh quốc tế
Kinh doanh quốc tế (Nhật Bản)
Quản trị kinh doanh quốc tế
Quản trị khách sạn
Logistics & chuỗi cung ứng
Tài chínhTài chính quốc tế
Phân tích & Đầu tư tài chính
Ngân hàng
Kế toán – Kiểm toán
LuậtLuật Thương mại quốc tế
Luật Kinh doanh quốc tế
Ngoại ngữTiếng Anh thương mại
Tiếng Trung thương mại
Tiếng Pháp thương mại
Tiếng Nhật thương mại
Liên kếtQuản trị (ViệtHàn/Pháp)
Quản trị tài chính
Quản trị Sáng tạo (Nantes)
Thương mại & Kinh tế Á Âu
Báo chí và Truyền thông
Sau đại họcChính sách (MITPL)
Điều hành cao cấp (EMBA)
Luật Kinh tế
Kinh tế thế giới
Một khối sinh viên Ngoại thương tốt nghiệp năm 2019.

Ngoại thương là trường đại học công lập có mục tiêu và nỗ lực đào tạo nhân tài nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh; quản trị kinh doanh; tài chính – ngân hàng, luật, công nghệ và ngoại ngữ.[79] Lĩnh vực kinh tế đào tạo các chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Thương mại quốc tế, Kinh tế quốc tế, Kinh tế và phát triển quốc tế. Đây là lĩnh vực chủ lực ngoại thương trong nhiều năm của lịch sử trường cũng như lịch sử giáo dục Việt Nam thời hiện đại; việc đào tạo kinh tế xoay quanh hợp tác quốc tế, toàn cầu hóa, xây dựng đầy đủ nội dung giảng dạy từ toàn diện cho đến cụ thể, hướng dẫn cho sinh viên nhiều khía cạnh ngoại thương thời đại mới như logistic, vận tải, chuỗi cung ứng, giao dịch, đầu tư, truyền thông và marketing, bên cạnh đó là kỹ năng lãnh đạo, văn hóa kinh doanh, đàm phán và xử lý xung đột, hướng tới đào tạo sinh viên tự chủ và sở hữu các kỹ năng phục vụ ngoại thương.[80] Lĩnh vực kinh doanh và quản trị có các chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo định hướng nghề nghiệp quốc tế. Các chuyên ngành này đi vào đào tạo cụ thể hoạt động kinh doanh và quản trị kinh doanh thuộc môi trường toàn cầu, trong đó kinh doanh được xây dựng cho đa ngành nghề, liên kết với một số nền kinh doanh đẳng cấp cao như Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, kinh doanh Nhật Bản;[81] quản trị xây dựng theo các khía cạnh quản lý doanh nghiệp từ nhân lực, tác nghiệp cho đến quan hệ công chúng, thương hiệu, dịch vụ hay bán lẻ.[82]

Ngoại thương đào tạo lĩnh vực tài chính với các chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán, Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Tài chính quốc tế, Phân tích và đầu tư tài chính, và Ngân hàng. Lĩnh vực này tập trung giảng dạy kỹ năng đo lường, xử lý và truyền đạt thông tin tài chính, kiểm soát đo lượng thực thể kinh tế, phân tích vốn đầu tư, chính sách tư vấn, trực tiếp tiến hành và bảo đảm đầu tư cho doanh nghiệp, ngân hàng và cả thị trường tài chính.[83][84] Từ năm 2012, trường mở thêm ngành pháp luật với chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế và Luật Kinh doanh quốc tế. Lĩnh vực này bao gồm cả công pháp quốc tếtư pháp quốc tế, nghiên cứu mối quan hệ giữa các quốc gia, tổ chức, đặc biệt mối quan hệ giữa kinh tế và vị thế Việt Nam trong trường quốc tế, cùng với pháp luật về các pháp nhân, cá nhân trong môi trường kinh tế đối ngoại, thương mại quốc tế.[85]

Về lĩnh vực ngoại ngữ, Ngoại thương đào tạo ngoại ngữ thương mại gồm các chuyên ngành Tiếng Anh thương mại,[86] Tiếng Pháp thương mại,[87] Tiếng Trung thương mại[88] và Tiếng Nhật thương mại.[89] Các ngành này đều giảng dạy về kỹ năng cơ bản của một người ngoại thương như giao dịch, vận tải, thư tín, hợp đồng văn hóa và đặc biệt là phiên dịch thương mại đối với ngôn ngữ; tập trung đáp ứng việc sinh viên đủ điều kiện để bắt đầu sự nghiệp ở môi trường của quốc gia mà ngôn ngữ hướng đến, với tiếng Anh thông dụng toàn thế giới và một số đối tác đặc biệt của trường Ngoại thương là Trung Quốc và nhất là Nhật Bản. Bên cạnh đó, trường duy trì bộ môn tiếng Nga từ thời cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa qua nhiều giai đoạn. Trường cũng nổi danh là một tổ chức giáo dục đào tạo xuất sắc về mặt ngoại ngữ từ kỷ nguyên Đổi Mới ban đầu, nổi tiếng là nơi mà các sinh viên đều thành thạo ngoại ngữ.[90][91]

Cơ bản và sau đại học

Một lớp đào tạo sau đại học Ngoại thương 2021.

Ngoại thương là trường đại học công lập, có hệ thống đào tạo cơ bản tuân thủ mô hình giáo dục của Việt Nam. Trên cơ sở đó, ba nhóm các môn học nền tảng được giảng dạy cho sinh viên là nhóm học phần đại cương, học phần chính trị và học phần giáo dục quốc phòng.[92] Học phần đại cương gồm những môn như Tin học đại cương, Phát triển kỹ năng, Logic học và phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, Kinh tế vi môKinh tế vĩ mô cùng nhóm các môn ngoại ngữ chia thành nhiều bậc học thời gian dài. Hệ cơ sở giảng dạy giúp sinh viên được trau dồi kỹ năng cơ bản ban đầu trong thời kỳ toàn cầu hóa, chuẩn bị cho các chương trình chuyên ngành về sau.[93] Học phần chính trị gồm các môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Marx – Lenin và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; tập trung giảng dạy kiến thức về triết học và chính trị Việt Nam, với mục đích giữ vững phương hướng Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản, lý tưởng cách mạng thanh niên đối với người Việt Nam.[94][95] Học phần giáo dục quốc phòng được tổ chức cho tất cả sinh viên tham gia khóa học quốc phòng theo sự giảng dạy của quân đội, học cách sinh hoạt và thực hiện như quân nhân trong thời gian nghĩa vụ, tích lũy thêm kiến thức quân sự, vũ trang nhân dân nhằm chuẩn bị cho an ninh quốc phòng Việt Nam ở cả hiện tại và tương lai.[96] Đối với Ngoại thương, sinh viên được chuyển tới khu vực quân sự trong khoảng một tháng sinh sống và theo học, tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 ở xã Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đối với sinh viên trụ sở Hà Nội;[97][98] tại Trường Quân sự – Quân đoàn 4 ở phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đối với sinh viên cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh.[99]

Ngoài ra, giáo dục Ngoại thương được tổ chức theo hệ thống tín chỉ tại Việt Nam từ năm 2007, là một phương pháp đào tạo được áp dụng đối với giáo dục đại học có nguồn gốc từ phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ ra đời năm 1872 tại Hoa Kỳ.[100] Với cấu trúc này, sinh viên có thể đăng ký học phần tự do theo nhu cầu của bản thân ở đa số các bộ môn, trừ một số môn học tập trung theo tập thể như giáo dục quốc phòng, tuần sinh hoạt sinh viên; và tiến độ học tập tiến hành theo chương trình sẵn có từ cơ sở cho đến chuyên ngành, kết hợp thực tập và tốt nghiệp.[101]

Đối với lĩnh vực sau đại học, trường đào tạo bằng thạc sĩ, nghiên cứu sinh và tiến sĩ do Khoa Sau đại học trực tiếp quản lý. Thạc sĩ gồm tám chuyên ngành là Kinh tế quốc tế (MIE), Quản trị kinh doanh, Quản lý kinh tế, Điều hành cao cấp (EMBA), Tài chính – Ngân hàng, Kinh doanh thương mại, Luật Kinh tế và Chính sách và Luật Thương mại Quốc tế (MITPL). Tiến sĩ gồm ba chuyên ngành là Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, và Tài chính – Ngân hàng.[102] Việc đào tạo thạc sĩ xây dựng trong 1,5 năm; tiến sĩ trong ba năm, phối hợp ngôn ngữ đào tạo hệ tiếng Việt cùng hệ tiếng Anh, đều tiến hành theo định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng bối cảnh thực tế chuyên môn khoa học xoay quanh kinh tế và thị trường xã hội đương đại, cộng thêm chiến lược nghiên cứu khoa học, đề tài, ấn phẩm khoa học đối nội, đối ngoại và toàn cầu. Học viên tham gia bằng cách bổ sung kiến thức cho chuyên ngành cần thiết, thi tuyển trực tiếp, theo học, nghiên cứu với thể thức áp dụng từ đào tạo sau đại học phổ biến quốc tế, tiến tới bảo vệ luận văn thạc sĩ và nghiên cứu, bảo vệ luận án tiến sĩ.[103][104]

Hợp tác quốc tế

Trên phương diện toàn cầu, trường tham gia khối Global network khắp châu Á, Liên minh châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.[105][106]

Hợp tác giáo dục quốc tế được thể hiện trên ba vấn đề, gồm: liên kết giảng dạy, liên kết khoa học và trao đổi sinh viên. Với liên kết giảng dạy, Ngoại thương và một số trường cùng mở thêm chuyên ngành đào tạo, cấp bằng đại học cả hai bên, trong nước và quốc tế. Bậc cử nhân có các chuyên ngành liên kết là Quản trị Kinh doanh quốc tế Việt – Hàn, giảng dạy bằng tiếng anh được Trường Kinh doanh Quốc tế SolBridge, Hàn Quốc công nhận; Quản trị Kinh doanh chuyên ngành Báo chí và Truyền thông liên kết đào tạo với các trường đại học tại Hoa KỳCanada; Kinh doanh do Đại học Bedfordshire (UK) cấp bằng; Kế toán Tài chính do Đại học Northampton (Anh Quốc) cấp bằng.[107] Bậc thạc sĩ có chương trình Quản trị tài chính Việt – Pháp, giảng dạy bằng tiếng anh liên kết với Đại học Rennes I, Pháp; Quản trị Kinh doanh do Đại học Sunderland (UK) cấp bằng; Luật Kinh tế và Thương mại Quốc tế do Đại học Tây Anh Quốc (UK) cấp bằng; Quản trị Đổi mới Sáng tạo do Đại học Nantes, Pháp cấp bằng; Thương mại và Quan hệ Kinh tế Á Âu, giảng dạy bằng tiếng Pháp do Đại học Rennes II, Pháp cấp bằng.[108]

Việc liên kết khoa học giúp các trường khắp nơi cùng trao đổi, tham khảo, thảo luận về vấn đề khoa học, nhất là đối với kinh tế quốc thế, thương mại đối với Ngoại thương. Cùng với đó, Ngoại thương có thể trao đổi sinh viên trong quá trình giảng dạy, chuyển sinh viên khám phá nước ngoài và cả mời sinh viên nước ngoài tới khám phá Việt Nam. Sinh viên Ngoại thương với chương trình đào tạo quốc tế có thể tham gia chuyến thăm trường nước ngoài trong hệ thống Global network theo từng đợt nhất định, thường theo học một kỳ và trở về Việt Nam sau đó.[109] Trường liên kết với hơn 150 trường quốc tế về hệ thống uy tín[110] và trao đổi sinh viên với gần 100 trường.[111] Tại trường quốc tế, Ngoại thương hợp tác với nhiều ưu đãi đặc biệt và duy trì thời gian dài cùng giáo dục nhiều quốc gia EU nói chung; một số quốc gia riêng biệt như Nhật Bản, kết hợp các trường kinh tế hàng đầu như Kobe, Waseda; các trường quốc gia hàng đầu Hàn Quốc, Đài Loan và số lượng lớn trường Trung Quốc.

Tuyển sinh

Tuyển sinh Ngoại thương từ 2015[Ghi chú 11]
NămSố lượngĐiểm xétTrung bình
cả nước
CaoThấp
2020[112]3.99028,152717,88
2019[113]3.85026,425,7515,49
2018[114]3.85024,2523,515,27
2017[115]3.75028,2526,6515,3
2016[116]3.70026,524,513,65
2015[117]3.7002724,515,1
Tống:20.000 sinh viên, học viên.

Ngoại thương tuyển sinh theo hệ thống chung của giáo dục đại học công lập Việt Nam từng thời kỳ. Thời kỳ đầu, giáo dục chia thành hai kỳ thi là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông[118]Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng,[119] mỗi đại học có kỳ thi riêng, tuyển sinh riêng biệt. Từ năm 2015, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ra đời, là kỳ thi hai trong một được gộp lại bởi hai kỳ thi trước, xét cho thí sinh hai nguyện vọng: tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.[120] Cũng từ đây, trường Ngoại thương tuyển sinh theo điểm số phổ thông quốc gia theo các khối chủ yếu là A, D, bộ môn Toán, Văn, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh phối kết hợp cùng ngôn ngữ; bên cạnh đó là xét tuyển thẳng đổi với các học sinh giỏi quốc gia theo học trường chuyên và sử dụng chứng chỉ quốc tế. Các thí sinh được xét tuyển vào trường khi đạt mức điểm tối thiểu, sau đó tiếp tục xét tuyển cho chuyên ngành cụ thể theo học.

Các sinh viên mới khóa 55 khai giảng năm 2016.

Hiện nay, có sáu phương thức tuyển sinh được áp dụng cho Ngoại thương. Phương thức thứ nhất xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, hoặc tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lớp 11 hoặc lớp 12, và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường trọng điểm quốc gia.[121] Chỉ tiêu của phương thức này chiếm khoảng là 25%. Phương thức thứ hai và thứ ba đều xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại, chiếm khoảng là 35%. Phương thức thứ tư dựa trên kết quả thi tốt nghiệp phổ thông năm 2021, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn, chiếm 30% chỉ tiêu. Ngoài ra, tuyển 10% theo phương thức còn lại về kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực quốc gia áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn cùng với tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà trường.[122]

Việc tuyển sinh đều tuyển chọn học sinh xếp hạng từ trên xuống dưới, được giới thiệu, thông báo và mở các kỳ diễn đàn tư vấn tuyển sinh rộng rãi trực tuyến lẫn trực tiếp. Từ khi mở rộng những năm 2000 cho đến nay, Ngoại thương là một trong những trường có điểm thi tuyển, xét tuyển cao nhất, khó trúng tuyển nhất trong nước. Từ 2019, trường có gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đến từ khắp vùng miền cả nước.[123]

Nhân vật nổi tiếng Ngoại thương

Chính trị và kinh tế

Thời kỳ đầu, nguyên Chủ tịch Cộng hòa miền Nam, Chủ tịch Mặt trận Huỳnh Tấn Phát là một trong những giảng viên đầu tiên của trường trước khi tiến vào miền Nam hoạt động cách mạng, ông là người tiên phong cho cách mạng, chính trị, kinh tế và xã hội khi Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.[124] Về chính trị hiện đại, trường bắt đầu có những cựu sinh viên, học viên là chính trị gia, là Ủy viên Trung ương đương thời như Mai Tiến Dũng khóa XII;[125] Vũ Đại Thắng từ K31, cựu học viên Phạm Gia Túc đều là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.[126]

Là một trường kinh tế, Ngoại thương có nhiều nhân vật về lĩnh vực này như nhà kinh tế Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam;[127] chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên của Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng;[128] nhà kinh tế Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.[129] Cựu sinh viên là doanh nhân thành công như Chủ tịch VinFast, cựu Phó Chủ tịch, CEO Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy;[130] Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank);[131] Hùng Đinh, CEO DesignBold; Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch CyberAgent Việt Nam – Thái Lan, đồng sáng lập Tiki, Nhaccuatui, Foody.

Ngoài ra, Hội Cựu sinh viên Ngoại thương (FTU Alumni Association, FAA) được thành lập nhằm kết nối cựu sinh viên trong cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm, mở ra môi trường giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống, đồng thời gắn kết và ủng hộ sự phát triển của nhà trường.[132]

Văn hóa và xã hội

Nữ cựu sinh viên Ngoại thương
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.
Diễn viên Diễm My 9x.

Do có nhiều người nổi tiếng của Việt Nam xuất thân từ trường, Ngoại thương được báo chí gọi là "Trường Hoa Hậu", "Cái nôi hoa hậu", "Venezuela của Việt Nam".[133][134] Có tới sáu hoa hậu quốc gia từ Ngoại thương gồm Nguyễn Thiên Nga, Hoa hậu Toàn quốc 1996;[135] Mai Phương Thúy, Hoa hậu Việt Nam 2006;[136] Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Hoa hậu Việt Nam 2014;[137] Đỗ Mỹ Linh, Hoa hậu Việt Nam 2016[138]; Phan Thị Ngọc Diễm, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008;[139]Lương Thùy Linh, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019.[140] Bên cạnh đó là nhiều Á hậu, Hoa hậu cấp khu vực như Trịnh Chân Trân, Á hậu Việt Nam 2004;[141] Nguyễn Thụy Vân, Á hậu Việt Nam 2008;[142] Huỳnh Thị Thùy Dung, Á hậu Việt Nam 2016;[143] Nguyễn Thị Diệu Thùy, Á hậu Đại dương Việt Nam 2017; Huỳnh Phạm Thủy Tiên, Thạc sĩ EMBA, Giảng viên Ngoại thương, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022; Phùng Bảo Ngọc Vân, Người đẹp Truyền thông Hoa hậu Việt Nam 2016[144] Nhân vật nổi tiếng các khía cạnh giải trí khác như ca sĩ Hoàng Dũng, Đức Tuấn, diễn viên Diễm My 9x, Lan Phương, Bích Ngọc, Tiêu Ngọc Linh, Á quân Vietnam's Next Top Model 2014, dẫn chương trình VTV Nguyễn Thu Hà, CEO của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Trần Việt Bảo Hoàng, Á quân The Face Vietnam 2023 Võ Minh Toại. Nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp trường tham gia sự nghiệp trong Đài Truyền hình Việt Nam.[145]

Xem thêm

Ghi chú

Chú thích

Đọc thêm

Liên kết ngoài