Viêm Đế

Viêm Đế (tiếng Trung: 炎帝) hay Hỏa Đức Vương (火德王)[1] là một vị vua cổ đại huyền thoại của Trung Quốc vào thời kỳ tiền triều đại. Học thuật hiện đại đã xác định núi Dương Đầu ngay phía bắc Bảo Kê trong tỉnh Thiểm Tây là quê hương và lãnh thổ của ông.[2]

Viêm Đế
Thần Nông nếm các loại thảo mộc để khám phá phẩm chất của chúng.
Tiếng Trung炎帝
Nghĩa đenHỏa Đức Vương

Một cuộc tranh luận kéo dài đã tồn tại về việc liệu Viêm Đế có phải là nhân vật huyền thoại Thần Nông hay không. Một hội thảo học thuật được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2004 đã đạt được sự đồng thuận chung rằng Viêm Đế và Thần Nông là một người.[3] Một khả năng khác là thuật ngữ "Hỏa Đức Vương" là một tước hiệu, được nắm giữ theo kế vị triều đại của các lãnh chúa bộ lạc, với Thần Nông được biết đến với tên gọi Viêm Đế có lẽ sau khi đã qua đời. Theo đó, thuật ngữ các "Hỏa Đức Vương" nói chung sẽ chính xác hơn. Sự kế vị của các vị Hỏa Đức Vương này, từ Thần Nông - vị Hỏa Đức Vương đầu tiên - cho đến thời điểm vị Hỏa Đức Vương cuối cùng bị Hoàng Đế đánh bại, có thể đã khoảng 500 năm.[1][4]

Ghi chép lịch sử

Bản đồ các bộ lạc và liên minh bộ lạc ở Trung Hoa cổ đại, bao gồm các bộ lạc theo Hoàng Đế, Viêm Đế và Xi Vưu.

Không có ghi chép thành văn nào được biết là tồn tại từ thời trị vì của Viêm Đế. Tuy nhiên, ông và Thần Nông được nhắc đến trong nhiều tác phẩm kinh điển của Trung Quốc cổ đại. Viêm theo nghĩa đen có nghĩa là "lửa", ngụ ý rằng người dân của Viêm Đế có thể coi biểu tượng lửa như các vật tổ bộ lạc của họ. Ngô Quốc Trinh (吳國楨, Wu K. C.) phỏng đoán rằng danh xưng này có thể liên quan đến việc sử dụng lửa để đốt ruộng nương trong nông nghiệp kiểu đốt rừng làm nương rẫy.[4] Trong mọi trường hợp, có vẻ như những cải tiến nông nghiệp của Thần Nông và hậu duệ của ông đã góp phần vào một số thành công kinh tế-xã hội, làm họ tự phong mình là đế (帝), thay vì là hầu (侯) như trong trường hợp của các thủ lĩnh các bộ lạc nhỏ hơn. Vào thời điểm này, dường như mới chỉ có những khởi đầu thô sơ của chữ viết, và để duy trì việc ghi chép thì một hệ thống các dây thắt nút (có lẽ tương tự như quipu ở Nam Mỹ) đã được sử dụng.[5] Tả truyện ghi lại rằng vào năm 525 TCN các hậu duệ của Viêm Đế được công nhận là những bậc thầy về lửa từ lâu và đã sử dụng lửa trong họ tên của họ.[6] Viêm Đế cũng được coi là "Hoàng đế của phương Nam".[7]

Sụp đổ

Vị Viêm Đế cuối cùng đã kết thúc triều đại của mình trong trận đánh thứ ba trong chuỗi ba trận chiến, được gọi là trận Phản Tuyền. Vị trí chính xác của trận chiến này vẫn còn tranh cãi giữa các nhà sử học hiện đại, do nhiều địa điểm sử dụng cùng một tên gọi ở các thời điểm khác nhau trong lịch sử. Các ứng cử viên có thể bao gồm huyện Trác Lộc và huyện Hoài LaiTrương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc; quận Diên KhánhBắc Kinh; huyện Phù CâuChu Khẩu, tỉnh Hà Nam, và quận Diêm HồVận Thành, tỉnh Sơn Tây.

Viêm Đế vừa mới phải rút lui trước cuộc xâm lăng trong thời gian ngay trước đó của các lực lượng của Xi Vưu thì đã xảy ra xung đột lãnh thổ với các bộ tộc Hữu Hùng láng giềng do Hoàng Đế lãnh đạo. Viêm Đế bị đánh bại sau ba trận chiến liên tiếp và đầu hàng Hoàng Đế, người tự xưng là cộng chủ (共主) và đồng ý hợp nhất hai bộ lạc thành một liên minh mới - bộ lạc Viêm Hoàng. Dưới sự lãnh đạo của Hoàng Đế, các bộ tộc mới được kết hợp sau đó đã tham chiến và đánh bại Xi Vưu trong trận Trác Lộc, đồng thời thiết lập sự thống trị về văn hóa và chính trị của họ ở Trung Quốc.

Tính lịch sử

trận Phản Tuyền được Tư Mã Thiên coi như một sự kiện lịch sử trong Sử ký của ông, nên có vẻ như đây là điểm chuyển tiếp quan trọng giữa huyền thoại và lịch sử. Trớ trêu thay, Viêm Đế chỉ đi vào lịch sử với sự khất phục trước ý chí của Hoàng Đế. Trong mọi trường hợp, tước hiệu Hỏa Đức Vương dường như mất hiệu lực sau thời gian này, trong khi các hậu duệ của bộ lạc của ông được cho là tồn tại mãi mãi thông qua hôn nhân liên bộ lạc với các hậu duệ của bộ lạc của Hoàng Đế, và người Hán trong suốt lịch sử tự gọi mình là Viêm Hoàng tử tôn.

Trong văn hóa truyền thống

Miếu thờ Viêm Đế tại Bảo Kê, Thiểm Tây.

Trong một số khía cạnh, cả Hoàng Đế và Viêm Đế đều được coi là tổ tiên của văn hóa và người Trung Hoa. Ngoài ra, truyền thống liên kết một màu nhất định với một triều đại cụ thể có thể đã bắt đầu từ các Hỏa Đức Vương. Theo mô hình ngũ hành thì màu đỏ hay màu lửa lửa là hành Hỏa sẽ được kế tục bằng màu vàng, màu đất là hành Thổ - nghĩa là Viêm Đế được kế tục bởi Hoàng Đế. [8]

Danh sách các Viêm Đế/Hỏa Đức Vương

Thuyết về việc Viêm Đế truyền được 8 đời bắt nguồn từ sách chiêm nghiệm tốt xấu Xuân Thu mệnh lịch tự (春秋命歷序) (khuyết danh, thời Hán).[9]

Danh sách phổ biến nhất do Hoàng Phủ Mật (215-282) trong sách Đế vương thế kỷ,[10] Từ Chỉnh (thế kỷ 3) trong sách Tam Ngũ lịch ký (thất truyền, tồn tại vài đoạn trong Thái Bình ngự lãm thời Tống và Nghệ văn loại tụ thời Đường), và Tư Mã Trinh (679-732) trong sách Sử ký tác ẩn:

Tên gọiGhi chú
Thần Nông (神農)Tên lúc sinh ra là Khương Thạch Niên (姜石年)
Lâm Khôi (臨魁)
Thừa (承)
Minh (明)Được coi là cha của Kinh Dương Vương Lộc Tục trong huyền sử Việt Nam.[11]
Trực (直) hay Đế Nghi (宜).
Ly (釐) hay Đế Lai (來) hoặc Khắc (克)Tư Mã Trinh xếp Đế Khắc sau Đế Ai. Các sách khác không xếp Khắc là vua. Đế Lai được coi là cha của Âu Cơ trong huyền sử Việt Nam.[11]
Ai (哀) hay Đế Lý (里) hoặc Đế Cư (居)
Du Võng (榆罔) hay Du Cương (揄岡)Bị Hoàng Đế đánh bại tại trận Phản Tuyền?

Phả hệ

Phả hệ lấy theo Thông giám tục biên, Sử toản thông yếu, Độc thư kỉ sổ lược, Đại Việt Sử ký toàn thư.[11][12][13][14]


Trong Sơn hải kinh

Danh sách do Sơn hải kinh đưa ra:[16]

Tên gọiGhi chú
Viêm Đế (炎帝)
Viêm Cư (炎居)Còn được biết đến như là Trụ (柱)
Tiết Tịnh (節並)
Hí Khí (戲器)
Chúc Dung (祝融)
Cộng Công (共工)
Thuật Khí (術器)
Hậu Thổ (后土)Em trai Thuật Khí
Ế Minh (噎鳴)Con Hậu Thổ
Tuế Thập (歳十)

Xem thêm

Tham khảo

Trích dẫn

Nguồn

  • Vương Thụ Tân (王树新); Mạnh Thế Khải (孟世凯) biên tập (2005). Viêm Đế văn hóa 炎帝文化. Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục (中华书局). ISBN 7101048544.
  • Ngô Quốc Trinh (吳國楨, Wu K. C.) (1982). The Chinese Heritage. New York: Crown Publishers. ISBN 0-517-54475-X.