Vladimir Vladimirovich Putin

tổng thống thứ 2 và thứ 4 của Nga

Vladimir Vladimirovich Putin (tiếng Nga: Владимир Владимирович Путин, chuyển tự Vladimir Vladimirovich Putin IPA: [vɫɐˈdʲimʲɪr vɫɐˈdʲimʲɪrəvʲɪtɕ ˈputʲɪn] ; phiên âm tiếng Việt: Vla-đi-mia Vla-đi-mia-rô-vích Pu-chin; sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952), là một chính trị gia người Nga và là cựu Thủ tướng của Liên bang Nga, là Tổng thống thứ hai của Nga từ ngày 7 tháng 5 năm 2000 cho đến ngày 7 tháng 5 năm 2008 và là Tổng thống thứ tư của Nga từ ngày 7 tháng 5 năm 2012 đến nay. Ông đảm nhiệm chức vụ này theo hiến pháp từ ngày 31 tháng 12 năm 1999 sau khi nguyên tổng thống Boris Nikolayevich Yeltsin từ chức.

Vladimir Putin
Владимир Путин
Putin vào tháng 3 năm 2024
Tổng thống thứ 2 và 4 của Nga
Nhậm chức
7 tháng 5 năm 2012
11 năm, 346 ngày
Thủ tướngMikhail Mishustin
Dmitry Medvedev
Tiền nhiệmDmitry Medvedev
Kế nhiệmĐương nhiệm
Nhiệm kỳ
7 tháng 5 năm 2000 – 7 tháng 5 năm 2008
8 năm, 0 ngày
Thủ tướngMikhail Kasyanov
Mikhail Fradkov
Viktor Zubkov
Tiền nhiệmBoris Yeltsin
Kế nhiệmDmitry Medvedev
Thủ tướng Nga
Nhiệm kỳ
8 tháng 5 năm 2008 – 7 tháng 5 năm 2012
3 năm, 365 ngày
Tổng thốngDmitry Medvedev
Tiền nhiệmViktor Zubkov
Kế nhiệmDmitry Medvedev
Nhiệm kỳ
16 tháng 8 năm 1999 – 7 tháng 5 năm 2000
265 ngày
Tổng thốngBoris Yeltsin
Tiền nhiệmSergei Stepashin
Kế nhiệmMikhail Kasyanov
Lãnh đạo Đảng Nước Nga Thống nhất
Nhiệm kỳ
7 tháng 5 năm 2008 – 26 tháng 5 năm 2012
4 năm, 19 ngày
Tiền nhiệmBoris Gryzlov
Kế nhiệmDmitry Medvedev
Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang
Nhiệm kỳ
25 tháng 7 năm 1998 – 29 tháng 3 năm 1999
247 ngày
Tổng thốngBoris Yeltsin
Tiền nhiệmNicolay Kovalyov
Kế nhiệmNicolay Patrushev
Thư ký Hội đồng An ninh
Nhiệm kỳ
9 tháng 3 năm 1999 – 9 tháng 8 năm 1999
153 ngày
Tổng thốngBoris Yeltsin
Tiền nhiệmNicolay Bordyuzha
Kế nhiệmSergei Ivanov
Thông tin cá nhân
Sinh
Vladimir Vladimirovich Putin

7 tháng 10, 1952 (71 tuổi)
Leningrad, CHXHCNXV Liên bang Nga,  Liên Xô
Đảng chính trịĐảng Cộng sản Liên Xô (1975-1991)
Đảng Nước Nga Thống nhất (2008-2012)
Không đảng phái (2012-nay)
Phối ngẫuLyudmila Shkrebneva (1983 - li dị 2014)
Con cáiMaria Putina
Yekaterina Shkrebneva
Alma materĐại học Tổng hợp Leningrad
Tôn giáoChính thống giáo Nga
Chữ ký
Phục vụ trong quân đội
Thuộc Liên Xô
 Nga
Phục vụ KGB
FSB
Năm tại ngũ1975-1991
1998-1999
Cấp bậc Đại tá
Cố vấn cấp 1 Liên bang Nga

Tháng 8 năm 1999, Yeltsin đã bổ nhiệm Putin làm thủ tướng Nga thay thế cho người tiền nhiệm Sergei Stepashin. Ngay sau đó Putin đã nhanh chóng trở nên thu hút ở Nga nhờ cuộc xung đột Nga-Chechnya tháng 9 năm 1999 để đáp trả lại Cuộc chiến tranh ở Dagestan và Vụ ném bom nhà ở của người Nga. Sau chiến dịch này các đảng phái hậu thuẫn Putin đã giành được sự ủng hộ vững chắc trong cuộc bầu cử nghị viện 1999. Đến cuối năm 1999 trước sức ép quá lớn từ các nhà lãnh đạo cũng như người dân Nga, Yeltsin đã quyết định từ chức và Putin trở thành tổng thống lâm thời. Trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2000, ông đứng đầu trong mười ứng cử viên và trở thành tổng thống thứ hai của Liên bang Nga thời kỳ hậu Xô viết.

Do giới hạn hiến pháp (không làm quá 2 nhiệm kỳ Tổng thống Nga liên tục), Putin không thể kéo dài thời gian lãnh đạo sang nhiệm kỳ thứ 3. Sau sự thành công của người kế nhiệm của ông, Dmitry Medvedev, trong cuộc Bầu cử tổng thống Nga, 2008, ông được Medvedev đề cử vào chiếc ghế Thủ tướng Nga và chính thức nhậm chức vào ngày 8 tháng 5 năm 2008. Năm 2012, ông tiếp tục tranh cử Tổng thống, và đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 với 63% số phiếu cử tri. Năm 2018, Putin giành được 77% phiếu bầu tổng thống vào kỳ bầu cử tháng 3 năm 2018, đồng nghĩa với việc ông sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ sáu năm sẽ kết thúc vào năm 2024.[1]

Putin là nhà lãnh đạo Nga giành được sự ủng hộ lớn nhất của người dân kể từ sau sự tan rã của Liên Xô. Putin được những người ủng hộ ông khen ngợi vì đã phục hồi sức mạnh của nước Nga sau những năm cầm quyền hỗn loạn của Boris Yeltsin.[2][3][4] Trong tám năm cầm quyền, nền kinh tế đã thoát khỏi cơn khủng hoảng với GDP tăng gấp sáu lần (72% PPP).[5][6] Ông cũng phản bác nhiều vụ tuyên truyền chống phá nước Nga và loại bỏ những đầu sỏ tài phiệt từng lũng đoạn chính trường Nga trong thập niên 1990.[7] Trong khi đó, những người phản đối Putin lại mô tả ông là một nhà độc tài và lạm dụng quyền lực. Một số nhà hoạt động, các tổ chức nhân quyền và một số nhà bình luận phương Tây đã "bày tỏ lo ngại" về tình trạng dân chủ, tự do báo chí và nhân quyền tại Nga,[8] họ cáo buộc Putin đã "vi phạm nhân quyền", đàn áp các cuộc phản đối dân sự cũng như ra lệnh ám sát các đối thủ chính trị của ông. Putin đã bác bỏ các cáo buộc nói trên,[9] ông cũng cho rằng nước phương Tây đang tỏ ra "đạo đức giả" khi họ luôn thuyết giảng nước Nga về dân chủ, nhân quyền nhưng lại liên tục "bất chấp luật pháp quốc tế" và "đem quân xâm lược các nước khác"[10]. Các quan chức của chính phủ Hoa Kỳ buộc tội ông đưa ra một chương trình can thiệp chống lại Hillary Clinton và ủng hộ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, điều mà Putin đã thường xuyên phủ nhận.[11]

Năm 2007, ông Putin được tạp chí Time chọn làm Nhân vật của năm.[12][13] Năm 2015, Putin đứng đầu trong danh sách 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới cũng của tạp chí này.[14][15][16] Tạp chí Forbes đã bầu chọn Putin là người quyền lực nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2013 đến năm 2016.[17]

Cuộc đời và sự nghiệp

Cha mẹ của Vladimir Vladimirovich Putin: Vladimir Spiridonovich Putin (trái) và Maria Ivanovna Shelomova Putina (phải)
Vladimir Vladimirovich Putin thời niên thiếu

Putin sinh tại Leningrad (St. Petersburg từ 1991 và trước 1914). Cuốn tiểu sử của ông, Ot Pervogo Litsa, dịch sang tiếng Anh dưới tiêu đề First Person (Người đầu tiên, tựa Việt: Nhân vật số một, Firstnews Trí Việt) dựa trên các cuộc phỏng vấn được thực hiện với Putin năm 2000 và lấy chi phí từ chiến dịch tranh cử của ông. Cuốn sách nói về xuất thân bình dân của vị tổng thống, gồm cả những năm đầu tiên cuộc đời trong một căn hộ chung cư cũ kỹ nhỏ bé được nhà máy của bố Putin phân. Theo tiểu sử, thời tuổi trẻ ông rất thích theo dõi các âm mưu trong các bộ phim trinh thám của Điện ảnh Xô viết do các diễn viên như Vyacheslav Vasilyevich Tikhonov và Georgiy Stepanovich Zhzhonov thủ vai.

Cũng trong cuốn sách này, Putin nói rằng ông nội ông, bếp trưởng Spiridon Putin, đã được đưa tới các khu ngoại ô Moskva nấu ăn trong một trong những căn nhà nông thôn (dacha) của Joseph Stalin. Trong cuốn sách The Court of the Red Tsar (Triều đình của Sa hoàng Đỏ) của Simon Sebag Montefiore có một chú thích tại trang 300 ghi rằng Putin đã nói ông nội mình ít khi đề cập tới công việc, nhưng ông đã kể lại việc chuẩn bị các bữa ăn cho Grigori Yefimovich Rasputin khi ông này còn là một cậu bé và cả Lenin. Mẹ ông, Maria Ivanovna Shelomova, là công nhân trong nhà máy và cha ông làm việc trong lực lượng hải quân, tại hạm đội tàu ngầm đầu thập niên 1930. Cha ông sau này chuyển sang lực lượng bộ binh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hai người anh của ông ra đời giữa thập niên 1930; một người chết vài tháng sau khi sinh; người thứ hai chết vì bệnh bạch hầu trong thời gian phong tỏa Leningrad.

Putin tốt nghiệp Ban quốc tế Khoa luật Đại học Quốc gia St. Petersburg năm 1975 và được tuyển dụng vào KGB. Trong cuốn First Person, Putin đã kể lại với các nhà báo về những nhiệm vụ đầu tiên của mình trong KGB, gồm cả những hoạt động đàn áp đối lập tại Leningrad.

Từ 1985 đến 1990 KGB chuyển Putin sang làm việc tại Dresden, Đông Đức, ở vị trí mà ông cho là hạng thấp. Sau khi chế độ Đông Đức sụp đổ, Putin được gọi về Liên bang Xô Viết và quay trở lại Leningrad, nơi vào tháng 6 năm 1990 ông được trao một chức vụ tại ban Quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Leningrad, trực tiếp dưới quyền hiệu phó. Tháng 6 năm 1991, ông được chỉ định làm lãnh đạo Ủy ban quốc tế trong văn phòng thị trưởng St. Petersburg, với trách nhiệm tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài.

Putin đã chính thức thôi chức vụ bên trong ngành an ninh quốc gia ngày 20 tháng 8 năm 1991, khi KGB ủng hộ cuộc đảo chính sớm thất bại chống lại Tổng thống Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov. Năm 1994 ông trở thành Phó chủ tịch thứ nhất thành phố St. Petersburg dưới quyền Anatoly Sobchak, vị trí ông giữ cho tới tận khi được gọi tới Moskva, tháng 8 năm 1996, để nhận nhiều chức vụ cao cấp bên trong bộ máy chính quyền thứ hai của Boris Nikolayevich Yeltsin. Ông là lãnh đạo dân sự của Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB (cơ quan kế tục KGB) từ tháng 7 năm 1998 đến tháng 8 năm 1999, và giữ chức vụ Thư ký Ủy ban An ninh từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1999.

Trong thập niên 1990, Putin được nhận bằng phó tiến sĩ kinh tế học tại học viện mỏ ở St. Petersburg (СПбГГУ). Bài luận văn của ông mang chủ đề "Hoạch định chiến lược các nguồn tài nguyên vùng trong bối cảnh thành lập các mối quan hệ thị trường".[18]

Chức vụ Thủ tướng và nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên

Putin được Tổng thống Yeltsin chỉ định làm chủ tịch (predsedatel, hay thủ tướng) Chính phủ Liên bang Nga vào tháng 8 năm 1999, khiến ông trở thành thủ tướng thứ năm của nước Nga trong khoảng thời gian chưa đầy mười tám tháng. Khi được chỉ định, rất ít người tin rằng Putin, một khuôn mặt rõ ràng ít tiếng tăm, có thể giữ ghế lâu hơn so với những người tiền nhiệm. Những đối thủ chính và có thể là người kế nhiệm của Yeltsin như Thị trưởng Moskva Yuriy Mikhaylovich Luzhkov và cựu Thủ tướng Nga Yevgeniy Maksimovich Primakov đã tiến hành các chiến dịch vận động nhằm thay thế vị tổng thống già yếu, đã có phản ứng mạnh mẽ nhằm ngăn cản Putin xuất hiện với tư cách một đối thủ tiềm năng. Hình ảnh một nhân viên ngành an ninh tiếp cận và xử lý vấn đề khủng hoảng Chechnya (xem bên dưới) một cách cứng rắn của Putin đã nhanh chóng lôi cuốn sự ủng hộ của dân chúng, cho phép ông dần vượt xa các đối thủ. Trong khi chính thức không liên kết với một đảng nào, Putin lại nhận được sự ủng hộ của phe Edinstvo (thống nhất) mới thành lập và hiện chiếm đa số trong cuộc bầu cử Duma tháng 12 năm 1999. Putin được tái chỉ định làm Thủ tướng chính phủ và dường như đang ở vị trí thuận lợi nhất cho cuộc bầu cử tổng thống trong mùa hè sau đó. Quá trình thăng tiến của ông tới chức vụ cao nhất nước Nga thậm chí còn nhanh chóng hơn: ngày 31 tháng 12 năm 1999, Yeltsin bất ngờ từ chức, và theo hiến pháp, Putin được chỉ định làm tổng thống (tạm quyền), trở thành vị tổng thống thứ hai của nhà nước Liên bang Nga. Cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức ngày 26 tháng 3 năm 2000, trong đó Putin đã thắng cử ngay từ vòng đầu tiên. Sau này Putin đã trao cho vị cựu tổng thống và gia đình của ông quyền hoàn toàn miễn trừ truy tố (thông qua nghị định tổng thống). Ngay trước đó, Yeltsin và gia đình mình đang bị các cơ quan chức năng Nga và Thụy Sĩ đặt nghi vấn về các trách nhiệm liên quan tới những vụ chuyển tiền bất hợp pháp.

Sau nhiều năm bê bối, thay đổi chính sách liên tục khiến dân chúng bất mãn với Yeltsin - vị tổng thống già cả, vụng về và ốm yếu - thì việc Putin thắng cử và lên nhậm chức đã đánh dấu một bước khởi đầu mới cho nước Nga trong giai đoạn lịch sử hậu Xô viết. Tuy nhiên, việc vị tổng thống mới được thắng cử không tránh khỏi những biện pháp ảnh hưởng hậu trường không nhỏ do nhóm ủng hộ Yeltsin tiến hành, họ đã lựa chọn và ủng hộ Putin nhằm bảo vệ quyền lực riêng cũng như giữ vững các quyền lợi ưu tiên của mình. Khi bộ máy chính phủ mới của Putin hình thành, các bộ mặt nhiều ảnh hưởng cũ thời Yeltsin – gồm cả Lãnh đạo Nhân sự Aleksandr Staliyevich Voloshin và Thủ tướng Mikhail Mikhailovitch Kasyanov – vẫn giữ được nhiều quyền kiểm soát đối với các chính sách và sự chỉ đạo của chính phủ mới. Mặt khác, Putin cũng được hậu thuẫn bởi một nhóm các nhà cải cách kinh tế từ quê hương Sankt-Peterburg của ông, và có thể tin cậy cũng như có được ủng hộ từ siloviki. (Nhóm này được gọi là những thành viên vẫn giữ nhiều quyền lực bên trong các cơ quan an ninh Nga, họ tự coi mình là những người bảo vệ quyền lợi quốc gia khỏi các chính trị gia và các quan chức tham lam, và thường được cung cấp đầy đủ thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị Nga.) Sự đấu tranh – và hợp tác – giữa nhiều nhóm đó là đặc trưng lớn nhất của nhiệm ký thứ nhất của Tổng thống Putin.

Ngay khi trúng cử, Putin đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin đối với đời sống chính trị Nga. Thời Yeltsin, 89 vùng lãnh thổ chính trị cấp dưới liên bang ở nước Nga (các nước cộng hoà, vùng, krai, Moskva và Sankt-Peterburg) đều được trao những quyền tự trị rất lớn. Trong khi hành động cải cách triệt để này có mục tiêu nhằm giúp cho các thủ đoạn chính trị của Yeltsin trong giai đoạn đầu thập niên 1990, nó cũng dẫn tới tình trạng phá vỡ các quy tắc liên bang và góp phần làm lớn mạnh các phong trào li khai, nổi tiếng nhất như tại Chechnya. Vì thế, một trong những đạo luật đầu tiên của Putin, nhằm tái lập lại cái mà ông gọi là "quyền lực theo chiều dọc" – nghĩa là quay trở lại với hệ thống liên bang từ trên xuống theo truyền thống. Trong hành động đầu tiên, Putin thông báo chỉ định bảy vị "đại diện toàn quyền" của tổng thống. Trong khi được coi là hành động thức hai nhằm phá vỡ kiểu nhà nước liên bang thời Yeltsin, vì nhiều lý do hệ thống đại diện toàn quyền đã mang lại một số thành công. Một hành động khác còn mang ý nghĩa quan trọng hơn, Putin cũng đã tiến hành cải cách triệt để hệ thống Thượng viện Nga, Ủy ban Liên bang. Putin và bộ máy của mình trực tiếp đối đầu với nhiều vị Thống đốc bất tuân bị buộc tội tham nhũng, dù không phải lúc nào cũng là người chiến thắng.

Những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của Putin được đánh dấu bằng sự dàn xếp quan hệ với các nhóm tài chính-công nghiệp lớn, mà các nguồn tài chính cũng như các đế chế truyền thông của họ từng là những vũ khí quan trọng trong cuộc chiến tranh chính trị xảy ra trong nước những năm trước đó. Các thành viên chủ chốt trong bộ máy cũ của Yeltsin – thường được gọi thông tục là "the Family" (Gia đình) – do Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, người từng ủng hộ bộ đôi Primakov/Luzhkov cầm đầu. Trong vòng một năm từ khi Putin lên nắm quyền, Gusinsky từ lúc là một kẻ có ảnh hưởng trở thành người bị giam vào tù. Thành tích ấn tượng nhất của Putin trong nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất là ngay khi vừa lên cầm quyền ông đã vực dậy nền kinh tế Nga từ chỗ suy thoái nhiều năm liền chuyển sang tăng trưởng. Nước Nga bắt đầu hồi sinh dưới sự lãnh đạo của Putin.

Cuộc khủng hoảng lớn nhất Putin phải đối mặt trên cương vị tổng thống xảy ra tháng 8 năm 2000, khi chiếc tàu ngầm nguyên tử Nga Kursk đắm ngoài khơi bán đảo Kola, làm thiệt mạng 118 thủy thủ trên tàu. Rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội Nga tức giận với sự thất bại của chính phủ và quân đội trong việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy về mức độ và sự chắc chắn của thảm họa trong những ngày đầu tiên. Sau nhiều ngày để dân chúng tức giận và ngày càng hoang mang, Putin cắt ngắn kì nghỉ của mình, quay trở lại Moskva nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng. Cho tới khi chiếc tàu ngầm được kéo lên, ủy ban điều tra của chính phủ về vụ tai nạn này đã đưa ra rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân, gồm cả việc va chạm với tàu ngầm của NATO (một giả thuyết không bao giờ được các bằng chứng ủng hộ và bị các nước thuộc liên minh bác bỏ). Tuy Putin bị chỉ trích trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga vì sự bất lực của mình trong những giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng, nhưng nó không để lại những hậu quả lâu dài đối với hình ảnh ông trong lòng nhân dân.

Putin không ủng hộ việc xóa bỏ quá khứ Liên bang Xô viết ra khỏi lịch sử nước Nga — vốn là chính sách trước kia của Yeltsin nhằm mục đích chính là đối phó với các đối thủ của Đảng Cộng sản Nga. Ông đã miêu tả niềm tin của mình rằng Liên Xô trước kia là một phần quan trọng trong lịch sử Nga và những di sản của Liên Xô có một ảnh hưởng lớn trên việc hình thành xã hội Nga hiện đại. Vì thế, Putin đã đưa một số biểu tượng thời Xô viết đã quay trở lại nước Nga, như lá cờ đỏ của Hồng quân, tiêu ngữ "Ngôi sao Xô Viết", và Quốc ca Liên Xô (được sửa chữa lời nhưng giữ nguyên nền nhạc) – tất cả những thứ đó đã tạo được ấn tượng tốt với đa số dân chúng Nga. Trả lời những người chỉ trích các hành động đó, Putin đã đưa ra lý lẽ rằng ông là tổng thống của mọi người Nga - gồm cả những người về hưu đã mất mọi thứ cùng với sự chuyển tiếp thời hậu Xô viết, những người vẫn trung thành với những biểu tượng của quá khứ.

Đảng Nước Nga thống nhất ủng hộ Putin đã giành được một thắng lợi vô tiền khoáng hậu trong cuộc Bầu cử Nghị viện Nga 2003. Các nhà quan sát chính thức từ nước ngoài đã gọi đó là một cuộc bầu cử tự do nhưng ghi chú rằng các cơ quan truyền thông lớn do nhà nước kiểm soát, đặc biệt là Truyền hình quốc gia Nga, đã tiến hành các chiến dịch truyền thông rộng lớn và không công bằng dành riêng cho đảng cầm quyền. Quả vậy, đa số các đài truyền hình Nga hiện dưới quyền quản lý trực tiếp hay gián tiếp của Kremlin. Trong khi có số độc giả hạn chế hơn, các tờ báo hiện đa dạng hơn; một số tờ chỉ trích chính phủ Kremlin, trong khi số khác ủng hộ đường lối chính phủ. Một trong hai tờ báo thương mại chính chính, Kommersant, do Boris Abramovich Berezovsky trực tiếp kiểm soát, trong khi tờ kia – tờ Vedomosti vốn được độc giả rất tin tưởng – thuộc sự đồng sở hữu của hai tờ Financial TimesWall Street Journal.

Những lời chỉ trích trong nước và quốc tế buộc tội Putin đã đạo diễn các phiên tòa xử các nhân vật đầu sỏ chính trị như Boris Abramovich Berezovsky, Vladimir Aleksandrovich Gusinsky, và sau này là Mikhail Borisovich Khodorkovsky như một phần trong nỗ lực của Kremlin nhằm kiểm soát toàn bộ phương tiện truyền thông Nga và các lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Nga. Về phần mình, chính quyền của Putin đã đưa ra lập luận rằng những hành động của họ chống lại các nhân vật đầu sỏ trên dựa trên tinh thần pháp luật và nhằm kìm chế cũng như hủy bỏ những vấn đề xung đột nghiêm trọng trong nền kinh tế Nga sau nhiều năm có được đặc quyền đặc lợi.

Ngày 24 tháng 2 năm 2004, chưa tới một tháng trước cuộc bầu cử, Putin đã cách chức Thủ tướng Kasyanov và toàn bộ chính phủ Nga và chỉ định Viktor Borisovich Khristenko làm quyền thủ tướng. Ngày 1 tháng 3, ông chỉ định Mikhail Yefimovich Fradkov vào vị trí này.

Nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai

Ngày 14 tháng 3 năm 2004, Putin thắng cử nhiệm kỳ hai với 71 phần trăm số phiếu bầu. Một lần nữa các kênh truyền hình lại thực hiện một chiến dịch tuyên truyền một phía ủng hộ Putin, đa số chúng đều là các kênh do nhà nước sở hữu hay kiểm soát. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử và việc kiểm phiếu đều được các phái đoàn của Văn phòng vì các Thể chế Dân chủ và Nhân quyền thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tuyên bố là "tự do và công bằng".

Ngày 13 tháng 9 năm 2004, sau vụ Khủng hoảng con tin trường học tại Beslan, và những vụ tấn công hầu như đồng thời của những kẻ khủng bố Chechnya vào Moskva, Putin đã đưa ra một sáng kiến nhằm thay thế cuộc bầu cử các thống đốc vùng bằng một hệ thống theo đó họ sẽ được Tổng thống đề cử và được chấp nhận hay không bởi các cơ quan hành pháp địa phương. Những người phản đối sáng kiến này, gồm cả Mikhail Gorbachev, Boris Yeltsin, và Colin Powell, những người chỉ trích coi đó là một bước xa rời dân chủ ở Nga và quay lại với bộ máy tập trung trung ương thời kỳ Xô viết. Cùng ngày hôm đó, Putin đã công khai ủng hộ kế hoạch của Ủy ban Bầu cử Trung ương về việc bầu các đại biểu Duma dựa hoàn toàn trên sự giới thiệu từ các vùng, chấm dứt một nửa các cuộc bầu cử đại biểu tại các đơn vị chỉ bầu một người.

Ngày 25 tháng 4 năm 2005, Putin đã gây ra một số cuộc tranh luận, khi trong một bài phát biểu trước Quốc hội, được phát trên truyền hình quốc gia đã coi sự sụp đổ của Liên bang Xô viết như là "thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ." Lời nói này được phương Tây và một số nước xung quanh nhìn nhận với thái độ chỉ trích; sau này Putin đã nói rõ rằng ông không hẳn ca ngợi Liên bang Xô viết cũ mà chỉ muốn nhấn mạnh tới ảnh hưởng mạnh mẽ của sự sụp đổ này trên thế giới, đặc biệt với kinh tế và đời sống người dân từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ [19] và sự dịch chuyển dân cư một phần gây ra từ tình cảm chống Nga tại nhiều nước cộng hòa đó. Trước năm 2005, ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Mười 7/11 hàng năm là ngày nghỉ lễ trên toàn nước Nga. Tuy vậy kể từ năm 2005 ngày nghỉ lễ 7/11 tại Nga đã bị Putin bãi bỏ và chỉ còn là một ngày bình thường.

Một trong những khía cạnh gây tranh luận nhiều nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Putin là việc truy tố người giàu nhất nước Nga, Mikhail Khodorkovsky, Chủ tịch công ty dầu mỏ Yukos. Trong khi đa phần phương tiện truyền thông quốc tế coi đó là một hành động chống lại một người từng cung cấp tài chính cho các đối thủ chính trị của Kremlin, chính phủ Nga tuyên bố rằng Khodorkovsky trên thực tế đã thực hiện hành vi mua chuộc phần lớn đại biểu Hạ viện Nga, ngăn chặn việc đưa ra những sửa đổi về thuế nhằm kiếm lợi ích riêng. Chắc chắn rằng, những vụ tư nhân hóa trước đó, gồm cả việc tư nhân hoá Yukos, đều được coi là có sự gian dối (Yukos, được định giá 30 tỷ dollar năm 2004, từng được định giá bán cho Khodorkovsky chỉ có 110 triệu dollar), và giống như những nhóm chính trị đầu sỏ khác, cái tên Yukos-Menatep luôn gắn liền với những lời buộc tội có liên quan tới các tổ chức tội phạm. Những đầu sỏ tài phiệt khác, từng thiết lập được quan hệ tốt với Kremlin, như Roman Abramovich và Vladimir Potanin, không bị đặt vấn đề nghi vấn tài sản ở mức độ như vậy.

Khi nhiệm kỳ thứ 2 sắp kết thúc, nhiều người đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp Nga để cho phép Putin ra tranh cử Tổng thống lần thứ 3. Tuy nhiên ông đã từ chối điều này và tuyên bố dù không ở cương vị tổng thống, ông vẫn muốn có ảnh hưởng đến tình hình chính trị của nước Nga. Trong cuộc bầu cử Duma năm 2007, Đảng Nước Nga Thống nhất (Единая Россия) do ông đứng đầu đã chiến thắng với 64,5% số phiếu ủng hộ, qua đó để ngỏ khả năng ông lên làm Thủ tướng hoặc Chủ tịch Duma. Ngày 10 tháng 12 năm 2007, Putin tuyên bố ủng hộ Phó thủ tướng Dmitry Medvedev trở thành người kế nhiệm mình.[20] Ngay lập tức, Dmitry Medvedev đề nghị Putin trở thành thủ tướng nếu ông trúng cử Tổng thống.[21] Ngày 17 tháng 12, Putin tuyên bố đồng ý nắm chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm tới.[22]

Dù có nhiều thành tựu nhưng dưới thời Putin các chỉ số khả năng cạnh tranh và điều kiện kinh doanh chưa có nhiều cải thiện, tham nhũng lại gia tăng. Sự phát triển kinh tế hiện nay của nước Nga phần lớn là do giá dầu tăng nhiều hơn là do hiệu quả của các chính sách của Putin[23]

Gần 10 năm thực hiện chính sách tái thiết nước Nga, Putin đã ổn định đáng kể tình hình đất nước, giúp cho xã hội quay lại hoài niệm về cường quốc Xô viết, đồng thời ông cũng công kích Mỹ và các nước phương Tây. Phương Tây thì cáo buộc ông kiểm soát chặt chẽ truyền thông và trấn áp những người đối lập.

Nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng phu nhân là bà Lyudmila Putina
Biểu tình phản đối Putin trên đường phố Moscow vào tháng 2 năm 2012
Những người cộng sản ở Nga biểu tình kêu gọi "cách chức Vladimir Putin" vì "phản bội lợi ích quốc gia"

Nước Nga đã phát triển bùng nổ trong hai nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Putin từ năm 2000 đến năm 2008 nhờ giá dầu và giá các mặt hàng xuất khẩu của nước này tăng cao trong giai đoạn này. Tăng trưởng trung bình hàng năm của Nga trong giai đoạn này lên tới mức 7% và Putin cam kết sẽ nhanh chóng đưa nền kinh tế Nga trở lại các mức tăng trưởng cao này sau khi Nga bị suy giảm tới 7,9% trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009.

Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cảnh báo rằng nước Nga có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng thấp do Điện Kremlin không thực hiện các cải cách trong khi giá dầu vẫn ở mức cao. Ulyukayev đã dự báo mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Nga chỉ khoảng từ 2,5% - 3,0% từ nay cho đến tận năm 2025. Khu vực dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga chiếm tới gần 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 30% tổng thu nhập ngân sách quốc gia. Ngoài ra, bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu ngày càng phình to và chi tiêu quốc gia thiếu hiệu quả cũng là những nhân tố cản trở tới mức tăng trưởng.

Vào ngày 4 tháng 3 năm 2012, Putin đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 3, với 63,6% số phiếu bầu. Phe đối lập với ông đã liên tục cáo buộc bầu cử bị gian lận. Nhiều cuộc biểu tình chống Putin đã diễn ra ngay trong và sau chiến dịch tranh cử tổng thống. Khoảng 20.000 người đã tụ tập tại Moscow vào ngày 6 tháng 5 để phản đối việc Putin nắm quyền tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Đã xảy ra đụng độ, khoảng 30 cảnh sát bị thương và hàng trăm người bị bắt.[24][25][26][27] Một cuộc tập hợp của 130.000 người ủng hộ Putin cũng diễn ra khi ông phát biểu tại sân vận động Luzhniki ở Moscow, tuy vậy có những thông tin cho rằng một số người trong số đó là lao động do chủ cử đến, hoặc nhận tiền để đến, một số khác thì cho biết rằng họ tham gia vì lầm tưởng rằng đây là một lễ hội dân gian nào đó chứ không hề có ý tới để ủng hộ cho ông Putin[28][29][30][31]

Vào năm 2014, quân đội Nga đã thực hiện một số cuộc xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ukraine. Sau cuộc biểu tình Euromaidan và sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, lực lượng vũ trang đặc biệt của Nga đã nhanh chóng kiểm soát các vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng trong phạm vi lãnh thổ Ukraine của Crimea. Nga sau đó đã sáp nhập Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý, khi mà người dân Crimea bỏ phiếu sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Sau đó, các cuộc biểu tình của các nhóm thân Nga ở vùng Donbass của Ukraine đã leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại DonetskLugansk. Các quốc gia phương Tây và các tổ chức như Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên án Nga vì những hành động của họ ở Ukraine sau cuộc cách mạng, cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Ukraine. Nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ, và sự sáp nhập Crimea vào Nga là bất hợp pháp.[32][33]

Các động thái của Putin đối với vấn đề Ukraine hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông (vào năm 2008, chính Putin đã từng khẳng định rằng Crimea là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Ukraine và tuyên bố Nga không hề có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine) [34]. Giữa năm 2014, tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã tăng vọt sau khi Nga sáp nhập Crimea. Với sự kiện sáp nhập Crimea, người dân Nga đã lại có cơ hội để nhớ về vị trí siêu cường như trước đây. Theo TASS, kết quả khảo sát của hãng điều tra VTSIOM công bố ngày 3/8/2017 cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Vladimir Putin ở cương vị Tổng thống Nga là 83,5% vào cuối tháng 7/2017[35][36].

Cuối 2014, Nga lâm vào cuộc cuộc khủng hoảng tài chính dẫn tới sự suy giảm nhanh chóng giá trị của đồng rúp Nga đối với các đồng tiền khác trong năm 2014 và suy thoái trong nền kinh tế Nga.[37][38] Hai trong số những yếu tố chính góp phần vào sự suy giảm kinh tế Nga là do việc các nước phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế do sự can thiệp quân sự của Nga ở Ukraina[38] và việc giảm giá của dầu thô, là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nga, giảm giá gần 50% so với mức cao của năm trong tháng 6 năm 2014 đến ngày 16 tháng 12 năm 2014.[37][39]. Khủng hoảng này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga, bao gồm cả người tiêu dùng và các công ty, cũng như có một tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu. Thực tế đã cho thấy, chính người dân Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt này mang lại. Lệnh cấm vận của Phương Tây cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng của Nga. Việc giá cả sẽ tăng do tình trạng thiếu hụt và lạm phát tăng, dẫn đến tiết kiệm giảm, tiền lương giảm và thất nghiệp gia tăng, hệ quả là chất lượng cuộc sống của người dân Nga giảm sút, đặc biệt là các gia đình trung lưu và những người Nga nghèo. Trong năm 2015, GDP của Nga giảm 3,7%[40]. Vào năm 2016, mức lương trung bình của người Nga bị sụt giảm xuống chỉ còn 450 USD một tháng (so với mức 967 USD một tháng vào năm 2013), thấp hơn cả Trung QuốcBa Lan [41]. Tỉ lệ người nghèo ở Nga đang có chiều hướng gia tăng, từ 16.1 triệu người sống dưới mức nghèo trong năm 2015 đã nhảy vọt lên con số 19.2 triệu người vào năm 2016 [42]. Đồng rúp của Nga cũng liên tục mất giá. Tính đến tháng 3 năm 2016, giá trị của đồng rúp chỉ còn bằng 50% so với thời điểm tháng 7 năm 2014 [43].

Sau 2 năm suy giảm, đến cuối năm 2017, sau những cải cách của chính phủ, kinh tế Nga trên đà hồi phục và có mức tăng trưởng khá khả quan. Bối cảnh quốc tế cũng khả quan hơn khi giá dầu thế giới tăng và lần lượt vượt các mốc 60USD/thùng, 70USD/thùng - cao nhất trong 3 năm qua. Ngân hàng Goldman Sachs đầu năm 2018 dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ đạt 3,3% trong năm 2018, cao hơn cả những ước tính của chính phủ nước này. Chi tiêu tiêu dùng đang tăng. Lạm phát đã giảm xuống còn dưới 2%.[44] Tuy vậy theo một cuộc khảo sát với 1.400 nhà quản lý doanh nghiệp ở Nga vào năm 2018, hơn 3/4 số người tham gia khảo sát (tỉ lệ 76%) đã đánh giá tình trạng của nền kinh tế Nga hiện nay là "khủng hoảng và thảm khốc", trong khi chỉ 4% cho rằng nền kinh tế đất nước đang hoạt động tốt [45].

Vào ngày 30 tháng 9 năm 2015, Tổng thống Putin đã cho phép quân đội Nga can thiệp quân sự vào cuộc Nội chiến Syria, sau khi có lời yêu cầu chính thức của chính phủ Syria nhằm giúp đỡ quân đội nước này chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng và các nhóm thánh chiến được Phương Tây bảo trợ. Đến tháng 3 năm 2017, phần lớn quân đội Nga đã rút khỏi Syria, tuy nhiên Nga vẫn duy trì một nhóm tác chiến không quân và cố vấn quân sự để hỗ trợ quân đội Syria.

Nhiệm kỳ Tổng thống thứ tư

Vladimir Putin trao giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2018 cho Luka Modric. World Cup 2018 là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại nước Nga

Putin đã giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 với hơn 76% phiếu bầu. Đảng cộng sản Liên bang Nga cáo buộc cuộc bầu cử đã có sự sắp đặt từ trước để cho Putin giành thắng lợi [46]. Hàng trăm người ủng hộ Đảng Cộng sản Nga đã xuống đường biểu tình phản đối Putin vì họ cho rằng cuộc bầu cử tổng thống Nga có sự gian lận [47]. Nhiệm kỳ thứ tư của Putin bắt đầu vào tháng 5 năm 2018.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Nga vào năm 2018, số người dân Nga đặt niềm tin đối với Putin đã sụt xuống trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ, thu nhập của người dân giảm sút và quyết định tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ vấp phải sự phản đối rộng rãi. Một cuộc khảo sát khác của Trung tâm Levada vào tháng 12 năm 2018 cho thấy 63% người dân ủng hộ chính sách của Putin, tụt giảm so với mức 89% vào tháng 6 năm 2015[48].

Năm 2018, kinh tế của Nga đã đạt mức tăng trưởng 2,3%, vượt hơn dự báo 1,6% của Ngân hàng Thế giới (WB). Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tăng trưởng cho năm 2019 là 1,4%, năm 2020 và 2021 ở mức 1,8%. Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với các nguy cơ cả từ trong và ngoài nước, gồm các lệnh trừng phạt mở rộng, sự xáo trộn tài chính và giá dầu giảm mạnh. Theo WB, việc triển khai thành công và hiệu quả các sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ cũng góp phần giúp tăng trưởng đầu tư, nếu các dự án quốc gia của Nga được triển khai hiệu quả thì chúng sẽ giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia này, nhưng chỉ sau năm 2021[49].

Chống lại ảnh hưởng của phương Tây

Theo báo Pravda của Nga, Quỹ Dân chủ Mỹ (NED - National Endowment for Democracy) có mặt trên khắp đất nước Nga, thâm nhập vào diễn biến chính trị ở Nga hiện nay, giúp đỡ "trung tâm tin tức quốc tế" đặt tại Moskva để hơn 80 tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia có thể tận dụng "trung tâm tin tức" này để tổ chức họp báo về các vấn đề. Tổ chức này cũng tài trợ cho nhiều tổ chức thanh niên và các buổi thảo luận dưới nhiều hình thức khác nhau với mục đích "bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước Nga". Chỉ trong năm 2010, NED tiêu tốn 278.300 USD để tài trợ cho hàng chục chương trình như thế này trên khắp đất nước Nga. Theo học giả người Mỹ Frederick William Engdahl thì "Washington không muốn Moscow xuất hiện kẻ mạnh. Sự trở lại của Putin sẽ trở thành chướng ngại lớn nhất của Mỹ và châu Âu... Đối với Washington, nước Nga có dân chủ thật sự hay không không quan trọng. Quan trọng nhất là phải lật đổ chướng ngại vật lớn nhất ngăn cản kế hoạch của Mỹ - Putin".[50]

Năm 2006, Chính phủ Nga đã quyết định cấm hoạt động tổ chức Giám sát nhân quyền, Ân xá quốc tế, Viện Cộng hòa quốc tế... cùng hơn 90 tổ chức phi chính phủ (NGO). Một trong những nguyên nhân chính là sự can thiệp vào nội bộ Nga của các tổ chức NGO này. Tuy gọi là "phi chính phủ" nhưng các tổ chức thuộc dạng này ngày càng liên hệ chặt chẽ với chính phủ nhiều nước, thậm chí hiện diện trong các chiến dịch tranh cử tại Nga chứ không đơn thuần hoạt động nhân đạo. Tờ The Economist đã đưa ra câu hỏi rằng liệu có phải vài NGO là bù nhìn của (một số) chính phủ đối thủ của Nga. Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng bùng nổ NGO trong vài năm gần đây là do sự tài trợ từ các chính phủ phương Tây nhằm can thiệp vào nội bộ nước Nga[51]

Trả lời phỏng vấn CNN, Putin nói rằng ông chống lại các giá trị văn hóa ngoại lai du nhập từ phương Tây, bởi nó sẽ gây băng hoại văn hóa truyền thống Nga, làm nước Nga suy đồi. Ông nói:

Tôi muốn nhắc lại đôi điều mà tôi đã phát biểu trong Diễn văn đọc tại Quốc hội Liên bang: Vâng, đây là một cách tiếp cận bảo thủ, nhưng tôi muốn nhắc bạn về những phát ngôn của nhà triết học Nga Berdyaev rằng: chủ nghĩa bảo thủ không cản trở sự chuyển động về phía trước và tiến lên trên mà nó giúp ngăn chặn sự chuyển động thụt lùi và đi xuống. Theo tôi, đó là một công thức rất tốt, và nó là công thức mà tôi đề xuất. Chẳng có gì bất thường với chúng tôi ở đây. Nga là đất nước có một nền văn hóa cổ đại rất sâu sắc, và nếu chúng tôi muốn trở nên mạnh mẽ và phát triển một cách tự tin, chúng tôi phải dựa vào nền văn hóa và những truyền thống này, chứ không chỉ tập trung vào tương lai."

Hiến pháp năm 2020 do Putin chủ trì sửa đổi cũng bổ sung điều khoản "bảo vệ sự thật lịch sử", cấm "xem thường những người anh hùng đã bảo vệ Tổ quốc", quy định này nhằm chống việc xét lại lịch sử, phủ nhận vai trò của Liên Xô trong thắng chủ nghĩa phát xít ở Thế chiến II.[52]

Chống phong trào cổ vũ đồng tính luyến ái

Năm 2013, nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã ra bộ luật cấm mọi hình thức tuyên truyền về đồng tính luyến áihôn nhân đồng tính[53]. Bộ luật cấm những sự kiện cổ vũ cho người đồng tính, quy định việc cung cấp những thông tin "tuyên truyền việc về đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới" cho trẻ vị thành niên là phạm pháp, đồng thời các sự kiện cổ vũ cho quan hệ đồng tính cũng bị cấm. Đây là một nỗ lực nhằm tuyên dương những giá trị truyền thống của nước Nga và chống lại trào lưu cổ vũ đồng tính luyến ái, đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính đến từ các nước phương Tây, mà Chính phủ Nga tin rằng đang làm băng hoại giới trẻ và phá hủy nền tảng luân lý gia đình của nước Nga, khiến nước Nga suy yếu[54] Bộ luật cấm tuyên truyền đồng tính đã được Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) thông qua với số phiếu tuyệt đối 436 thuận - 0 phiếu chống, và 88% người dân Nga được phỏng vấn đã bày tỏ ủng hộ đối với lệnh cấm[55] Bên cạnh đó, từ năm 2015, Chính quyền thành phố Moskva và quốc hội Nga đã đề ra Ngày tình yêu gia đình để tập hợp các chiến dịch tuyên truyền bảo vệ giá trị gia đình truyền thống, ngăn chặn sự truyền bá của các nhóm hoạt động đồng tính, các tổ chức phi chính phủ đòi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính[56].

Tổng thống Nga Vladimir Putin lý giải:

"Vấn đề đồng tính ở Nga đã được cố tình phóng đại từ bên ngoài vì những lý do chính trị, và tôi tin rằng, đó không phải là những mục đích tốt... Tôi không thấy bất cứ điều gì phản dân chủ trong hành vi pháp lý này. Tôi tin rằng chúng ta nên để trẻ em sống trong yên bình. Chúng ta cần phải cung cấp cho trẻ em một cơ hội để phát triển, giúp trẻ em nhận ra mình là ai và có quyền đưa ra quyết định cho mình. Trẻ em muốn sống trong một cuộc hôn nhân tự nhiên bình thường hay là một cuộc hôn nhân phi truyền thống? Đó là điều duy nhất tôi muốn nói"[57] Putin cho biết chính sách cấm đồng tính luyến ái là vấn đề quan trọng cho việc duy trì dân số đất nước: "Người châu Âu đang chết dần (do già hóa dân số)... và hôn nhân đồng tính không thể tạo ra trẻ em", "chúng tôi có sự lựa chọn cho riêng chúng tôi (nước Nga), và chúng tôi đã làm thế vì đất nước của chúng tôi"[58].

Năm 2020, ông Putin tiếp tục khẳng định nước Nga sẽ không cho phép hôn nhân đồng tính. Trong Hiến pháp Nga sửa đổi năm 2020 do Putin chủ trì xây dựng, định nghĩa về hôn nhân đã ghi rõ: hôn nhân là sự kết hợp "giữa một người nam và một người nữ", quy định này sẽ ngăn chặn mọi ý đồ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Nga (vì sẽ vi phạm Hiến pháp). Hơn 78% cử tri Nga đã bỏ phiếu đồng ý Hiến pháp Nga sửa đổi này[59] Putin nói:

"Liên quan đến vấn đề 'phụ huynh số 1' và 'phụ huynh số 2', thì tôi đã nói công khai về điều này và tôi sẽ nhắc lại một lần nữa: chừng nào tôi còn làm tổng thống thì điều này sẽ không xảy ra. (Một đứa trẻ) sẽ phải có cha và mẹ."

Ngày 24 tháng 7 năm 2023, Tổng thống Vladimir Putin đã ký ban hành Luật cấm chuyển giới tại Nga. Theo đó, nước Nga sẽ cấm thực hiện chuyển đổi giới tính và thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân, trừ ngoại lệ là những người bị dị tật bẩm sinh ở bộ phận sinh dục. Các nhà lập pháp Nga nêu lý do ban hành luật này là nhằm bảo vệ các giá trị truyền thống của nước này trước "tư tưởng chống gia đình của phương Tây"[60] Một nguồn tin cho biết luật mới sẽ không chỉ để bảo vệ giá trị gia đình mà còn đảm bảo nguồn nhân lực cho quân đội Nga. Kể từ khi chiến tranh Nga-Ucraina năm 2022 nổ ra, đã có sự gia tăng đáng kể việc nam giới Nga trả tiền cho các phòng khám tư nhân để được cấp giấy xác nhận là người chuyển giới, sau đó họ có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân để trốn nghĩa vụ quân sự[61] Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin ủng hộ luật này, và cho rằng nền công nghiệp chuyển giới đã gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, khi số ca phẫu thuật chuyển giới ở Mỹ đã tăng 50 lần trong 10 năm qua, khoảng 1,4% thiếu niên Mỹ từ 13 - 17 tuổi đã tự coi mình là người chuyển giới vào năm 2022. Ông cho rằng "Đây là con đường dẫn đến sự suy thoái của một quốc gia", và luật cấm chuyển giới được Nga ban hành để tránh viễn cảnh tương tự[62]

Tại Hội nghị quốc tế Valdai ngày 21/10/2021, ông Putin tuyên bố phong trào cổ vũ hôn nhân đồng tính, chuyển giới sẽ gây ra sự phá hủy nền tảng đạo đức gia đình, gây ra những hậu quả to lớn không thể lường trước cho xã hội[63]

Điều thực sự quái dị là trẻ em được dạy dỗ ngay từ nhỏ rằng một cậu bé có thể dễ dàng trở thành một cô gái và ngược lại... Họ làm như vậy trong khi ngăn cản cha mẹ khỏi quá trình này và buộc đứa trẻ phải đưa ra những quyết định có thể đảo lộn cả cuộc đời của chúng. Họ thậm chí không thèm tham khảo ý kiến của các nhà tâm lý học trẻ em - một đứa trẻ ở độ tuổi này thậm chí có khả năng đưa ra quyết định kiểu này không? Nói thẳng ra, điều này cấu thành tội ác chống lại loài người, và nó đang được thực hiện dưới danh nghĩa và dưới ngọn cờ "tiến bộ".
Một lần nữa, đối với người Nga chúng tôi, đây không phải là một sự suy đoán, mà là những bài học từ lịch sử gian lao và đôi khi bi thảm của chúng tôi. Chi phí cho các thử nghiệm xã hội không hợp lý (hôn nhân đồng tính, chuyển giới) đôi khi vượt quá cả tưởng tượng. Những hành động như vậy không chỉ có thể phá hủy vật chất, mà cả nền tảng tinh thần cho sự tồn tại của con người, để lại những đống đổ nát về mặt đạo đức mà về lâu dài không gì có thể thay thế được.

Chủ nghĩa Putin

Chủ nghĩa Putin[64] (tiếng Nga: Путинизм, tiếng Anh: Putinism), cũng gọi là chế độ Putin (tiếng Anh: Putin regime), là thuật ngữ được sử dụng trên báo chí phương Tây và các nhà phân tích Nga để chỉ trích Vladimir Putin. Những thuật ngữ này thường đi đôi với nghĩa tiêu cực, dùng để mô tả hệ thống chính trị Nga dưới sự điều hành của Vladimir Putin trên cương vị Tổng thống (2000 - 2008, 2012 - nay) và Thủ tướng (giữa nhiệm kỳ thứ hai và thứ ba), nơi nhiều quyền lực chính trị và tài chính được kiểm soát bởi Siloviki - tức là những người có chân trong guồng máy an ninh quốc gia, thuộc về một trong tổng số 22 cơ quan an ninh và tình báo chính phủ, chẳng hạn như FSB, cảnh sát và quân đội. Nhiều người trong số này cùng chung nền tảng nghề nghiệp (tình báo) với Putin, hoặc là bạn thân của ông.

Vấn đề Chechnya

Xem thêm: Chiến tranh Chechnya lần thứ hai.

Việc Putin lên nắm quyền chỉ đạo chính phủ vào tháng 8 năm 1999 trùng khớp với sự tái hiện tình trạng gây hấn của cuộc xung đột hầu như đã yên tĩnh tại Bắc Caucasus, khi những người Chechnya tập hợp với nhau và xâm nhập nước Daghestan láng giềng. Cả trong nước Nga và bên ngoài, uy tín của Putin trước công chúng ngày càng tăng qua cách xử lý cứng rắn nhiệm vụ khó khăn này.

Trong chiến dịch vận động bầu cử Duma mùa thu năm 1999, các phương tiện truyền thông đại chúng do Kremlin kiểm soát hoặc có liên minh với họ đã cáo buộc các đối thủ chính của Putin không cương quyết với chủ nghĩa khủng bố. Khi đã lên nắm quyền tổng thống ngày 31 tháng 12 năm 1999, Putin đã thực hiện một cuộc viếng thăm chưa từng có tới doanh trại quân đội Nga ở Chechnya; một trong những hình ảnh sớm nhất mà dân chúng Nga thấy được là vị tổng thống tạm quyền của họ đang giới thiệu những con dao săn cho các binh sĩ. Suốt mùa đông năm 1999, chính phủ Putin thường xuyên tuyên bố thắng lợi đã ở gần tầm tay. Quân đội Nga đã chiếm được thủ đô Grozny, sau một cuộc vây hãm từ cuối năm 1999 đến tháng 2 năm 2000.

Các nhóm nhỏ phiến quân Chechnya tiếp tục đánh du kích ở khu vực Bắc Kavkaz trong 9 năm tiếp theo. Cho đến năm 2009, về cơ bản quân Nga đã dập tắt được phiến quân Chechnya.

Chính sách đối ngoại

Putin và Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush tại Nhà thờ nông trại

Trong khi tổng thống Putin bị một số nhân vật đồng nhiệm phương Tây chỉ trích là chuyên quyền, các mối quan hệ của ông với Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, Cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac, và cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi rõ ràng là thân thiện. Mối quan hệ của Putin với cựu Thủ tướng của Đức, bà Angela Merkel, được cho là "lạnh" và theo "kiểu thương mại" hơn so với quan hệ với Gerhard Schröder.[65]

Trong thời gian nhiệm kỳ của mình, Putin đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nước thành viên khác thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập. Vùng "đệm" với ảnh hưởng truyền thống của Nga một lần nữa lại trở thành chính sách đối ngoại ưu tiên thời Putin, khi EUNATO đã mở rộng ảnh hưởng ra đa phần các quốc gia vùng Trung Âu và gần đây là cả các nước Baltic. Trong khi khôn khéo chấp nhận sự mở rộng của NATO tới các nước Baltic, Putin tìm cách tăng cường ảnh hưởng của Nga tại BelarusUkraina.

Putin đã làm nhiều người theo chủ nghĩa quốc gia Nga và cả bộ trưởng quốc phòng của ông bất ngờ, khi ngay sau Các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ, đồng ý thành lập các căn cứ quân sự liên minh tại Trung Á trước và trong khi diễn ra cuộc tấn công quân sự do Mỹ tiến hành vào Afghanistan. Những người theo chủ nghĩa quốc gia Nga phản đối bất kỳ sự hiện diện quân sự Hoa Kỳ nào tại lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, và đã hy vọng rằng Putin sẽ giữ người Mỹ bên ngoài các nước cộng hòa Trung Á, hay ít nhất buộc Washington phải đảm bảo rút quân ngay lập tức khi hoàn thành sứ mệnh. Mặt khác, Putin ủng hộ cuộc chiến tranh chống khủng bố của chính phủ Hoa Kỳ [66], và đã bày tỏ sự chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân của vụ khủng bố kinh hoàng tại Mỹ.

Trong cuộc Khủng hoảng Iraq năm 2003, Putin phản đối hành động xâm lược Iraq của Washington khi chưa có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép rõ ràng một sự sử dụng quân sự như vậy. Sau cuộc chiến này được chính thức tuyên bố kết thúc, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã yêu cầu Liên hiệp quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận Iraq. Putin ủng hộ thực hiện việc này theo đúng trình tự, cho rằng phái bộ Liên hiệp quốc đầu tiên phải có cơ hội hoàn thành công việc tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq.

Trong cuộc Bầu cử tổng thống Ukraine, 2004, Putin đã tới thăm Ukraine hai lần trước đó để bày tỏ sự ủng hộ Thủ tướng Ukraine Viktor Yanukovych và đã chúc mừng ông trong cái gọi là chiến thắng trước khi các kết quả bầu cử chính thức được ông bố. Sự ủng hộ trực tiếp của Putin với ứng cử viên thân Nga Yanukovych đã bị chỉ trích rộng rãi và bị coi là sự can thiệp trái phép vào các công việc nước Ukraine hậu Xô viết.

Năm 2008, Putin đem quân can thiệp vào cuộc nội chiến tại Gruzia, ủng hộ hai tỉnh Nam OssetiaAbkhazia ly khai khỏi quốc gia này. Hành động can thiệp quân sự này của Nga bị các nước Phương Tây phản đối quyết liệt. Vào ngày 26 tháng 8 năm 2008, trong khoảng thời gian đình chiến, Nga đã chính thức công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia[67][68]. Gruzia bác bỏ hoàn toàn động thái này để bảo toàn sự toàn vẹn lãnh thổ của họ[69]; một số quốc gia phương Tây như Hoa KỳĐức cũng phản đối quyết định này và cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế[70][71]. Toàn bộ 7 nước thuộc khối G7 cũng lên án Nga đang xâm phạm quyền toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia khi công nhận nền độc lập tại hai tỉnh ly khai Nam Ossetia và Abkhazia của Gruzia.[72]. 189 trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc (ngoại trừ Nga, Venezuela, Nicaragua, và Nauru) cũng không công nhận nền độc lập của Nam Ossetia mà vẫn tiếp tục xem lãnh thổ này là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Gruzia [73][74][75][76][77].

Đến năm 2014, nước Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine thông qua việc hỗ trợ quân ly khai ở các tỉnh miền Đông, sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào lãnh thổ Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý của người dân địa phương bất chấp sự phản đối của các nước phương Tây.

Năm 2015, quân đội Nga được cử sang Syria hỗ trợ quân đội chính phủ nước này trong cuộc Nội chiến Syria. Đây là hành động đánh dấu việc Nga đã quay trở lại trong cuộc đua giành quyền ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông.

Đời tư

Bella Kocharian (Armenia), Laura Bush, Lyudmila Putina và Zorka Parvanova (Bulgaria) (từ trái sang) trong chương trình viết về thiếu nhi-Book Festival hosted của Mrs. Putina, 1 tháng 10 năm 2003, Moskva.

Putin nói tiếng Đức hầu như tương đương tiếng mẹ đẻ, và tiếng Anh ở mức trung bình.

Vợ Putin là Lyudmila Putina, một cựu tiếp viên hàng không và giáo viên dạy tiếng Đức, sinh tại Kaliningrad, (trước kia là Königsberg). Họ có hai con gái, Marya (sinh 1985) và Yekaterina (Katya) (sinh 1986 tại Dresden). Hai người theo học Trường Đức tại Moskva (Deutsche Schule Moskau) cho tới khi ông được chỉ định làm thủ tướng. Tin ngày 7.6.2013 trên BBC cho biết, Putin và vợ đã tuyên bố ly dị sau gần 30 năm chung sống[78]. Ngày 02.04.2014, phát ngôn viên của Putin, ông Dmitri Peskow, loan báo ở Moskva 2 người đã chính thức ly dị[79].

Putin là một thành viên của Giáo hội Chính thống giáo Nga. Cha của ông là một "người vô thần hăng hái" nhưng mẹ ông là một "tín hữu Chính thống giáo nhiệt thành". Dù bà không giữ các bức linh ảnh tại nhà nhưng bà dự lễ nhà thờ thường xuyên, bất chấp việc chính quyền Xô viết đàn áp Giáo hội khi đó. Bà đảm bảo cho việc Putin được báp têm hồi nhỏ và thường đưa ông đi dự lễ. Cha ông biết điều này nhưng phớt lờ đi. Theo tự sự của Putin, sự chấn hưng cảm thức tôn giáo của ông diễn ra sau tai nạn xe hơi nghiêm trọng của vợ năm 1993 và càng sâu sắc hơn sau một đám cháy lớn nguy hiểm tới tính mạng tại ngôi nhà vùng nông thôn dacha của ông vào tháng 8 năm 1996.

Katerina Tikhonova, con gái út Putin, lấy Kirill Shamalov vào tháng 2 năm 2013, con trai một người bạn của ông. Nhờ quan hệ này, theo thông tấn xã Reuter, Kirill vay được khoản tiền hơn 1 tỉ USD từ một ngân hàng để mua cổ phần của công ty hóa dầu Sibur, một doanh nghiệp lớn của Nga. Chỉ trong vòng 18 tháng, con rể Putin đã nắm giữ được một lượng lớn cổ phần trị giá 2,85 tỉ USD của Sibur.[80]

Sự ủng hộ cho Putin

Như được minh chứng tại một cuộc khảo sát ý kiến dân chúng do Ý kiến dân chúng Thế giới tại Hoa Kỳ, 26 tháng 6-2 tháng 7 năm 2006 và Levada Center tại Nga, 9-14 tháng 6 năm 2006 tiến hành. World Public opinion Lưu trữ 2015-05-28 tại Wayback Machine Chính phủ của Tổng thống Putin được đa số dân chúng trong nước ủng hộ thậm chí cho cả những cải cách "gây tranh cãi nhất" của ông.

Các kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của công chúng Nga dành cho Tổng thống Vladimir Putin lên tới 83,5%, trong đó có hơn 80% người trẻ Nga ủng hộ các chính sách của ông[81] Hồi cuối năm 2015, tỷ lệ ủng hộ Putin ở mức cao nhất là 89,9%, nhờ kết quả của hoạt động quân sự ở Syria.

Nguyên nhân sự ủng hộ Putin là do Putin đã giúp tình hình kinh tế ổn định trở lại sau 10 năm hỗn loạn thập niên 1990, mang lại cho đất nước Nga "ánh sáng hưng thịnh" và trong suốt 14 năm, thu nhập thực tế của người Nga đã tăng gấp 7 lần. Với sự kiện sáp nhập Crimea và đem quân hỗ trợ Chính phủ Syria trong cuộc chiến chống khủng bố, người Nga đã lại có cơ hội cảm nhận về vị trí siêu cường như thời Liên Xô.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2015 của Gallup về mức độ được yêu thích của các nhà lãnh đạo trên thế giới, tỉ lệ ủng hộ của Putin trên toàn cầu là 33% (trong khi tỉ lệ không ủng hộ lên tới 43%), thua xa mức độ yêu thích mà nhân dân trên toàn thế giới dành cho Tổng thống Mỹ Barack Obama (với tỉ lệ ủng hộ 53% và tỉ lệ không ủng hộ là 29%).[82]. Việt Nam là một trong số những nước có tỉ lệ ủng hộ dành cho Putin cao nhất (76%) song con số này vẫn kém hon so với mức ủng hộ mà người Việt dành cho ông Obama (80%). Tuy nhiên nếu xét về quan điểm trong nước, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ ông Obama chỉ ở mức 12% trong khi tỷ lệ người dân Nga ủng hộ ông Putin đạt tới 72%[83].

Tới năm 2017, cũng theo khảo sát của Gallup với câu hỏi "bạn muốn chọn Donald Trump hay Vladimir Putin là lãnh đạo nước mình", 17% chọn Donald Trump trong khi 29% chọn Vladimir Putin, 45% chọn một nhà lãnh đạo khác.[84]

Các chỉ trích về sự chuyên quyền

Trong bản tường trình thường niên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Hoa Kỳ) công bố ngày 31/01/2008, họ cho rằng nước Nga là quốc gia thứ sáu đang có khuynh hướng đi về thể chế độc tài cùng với các nước Pakistan, Kenya, Nigeria, Thái LanBahrain. Giám đốc Human Rights Watch là ông Kenneth Roth nói: "Nước Nga, giống hệt như Kenya, Pakistan hay Nigeria - đang khoác lên mình chiếc áo choàng dân chủ cho những cuộc bầu cử".[85]

Putin chú trọng phát triển các chương trình xã hội để giành tình cảm của dân chúng hơn là đầu tư vào nền kinh tế. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2016, chỉ 14% người Nga được hỏi tin rằng nền kinh tế Nga đang đi lên [86].

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống George Bush năm 2005 ở Slovakia[87], Putin trả lời về các cáo buộc rằng ông là nhà độc tài:

"Nước Nga đã đưa ra lựa chọn của mình theo hướng dân chủ. Mười bốn năm trước, một cách độc lập, không bị bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài, nó đã đưa ra quyết định đó trên cơ sở lợi ích của chính mình và lợi ích của người dân - những công dân của nó. Đó chính là lựa chọn cuối cùng của chúng tôi, và chúng tôi không có con đường quay trở lại.
Đầu tiên, chúng tôi không chuẩn bị tạo nên - sáng tạo bất kỳ một kiểu dân chủ đặc biệt nào của Nga; chúng tôi đang chuẩn bị đưa ra các nguyên tắc căn bản của một nền dân chủ từng được thành lập trên thế giới. Nhưng tất nhiên, tất cả các định chế dân chủ hiện đại - các nguyên tắc dân chủ phải tương xứng với tình trạng phát triển hiện tại của nước Nga, với lịch sử và truyền thống của chúng tôi.
Không hề có điều gì bất bình thường ở đây. Về hoạt động của các thể chế dân chủ chính, có thể có một số sự khác biệt, nhưng các nguyên tắc căn bản và nền tảng đang được áp dụng theo cách thức để chúng sẽ được phát triển bởi một xã hội hiện đại và văn minh...
Tôi tin rằng rất nhiều người sẽ đồng ý với tôi, việc áp dụng những nguyên tắc và tiêu chuẩn dân chủ không thể đi liên với sự sụp đổ quốc gia và sự nghèo đói của nhân dân."[88]

Ngoài lề

Tập võ Nhu đạo

Một trong những môn thể thao ưa thích của Putin là môn võ nhu đạo (judo). Putin đã bắt đầu tập judo khi mới 13 tuổi và tiếp tục tập luyện tới tận ngày nay. Putin đã thắng trong những cuộc tỉ thí tại quê nhà Leningrad (hiện nay là Sankt-Peterburg), gồm cả giải vô địch dành cho trẻ em tại Leningrad. Ông là chủ tịch của Yawara Dojo, võ đường tại Sankt-Peterburg nơi ông từng luyện tập thời trẻ. Một cuốn sách do Putin đồng tác giả về môn thể thao ưa thích của mình, đã được xuất bản bằng tiếng Anh với tựa đề Judo: Lịch sử, Lý thuyết, Thực hành.[89]

Dù ông không phải là lãnh đạo thế giới đầu tiên luyện tập judo, Putin là nhà lãnh đạo thứ nhất đạt tới những cấp bậc cao trong môn này. Hiện nay ông mang đai đen (dan thứ 6) và giỏi nhất đòn Harai Goshi, một cách quật ném bằng hông.[90]

Sau một chuyến thăm nhà nước tới Nhật Bản, Putin đã được mời tới Học viện Judo Kodokan để trình diễn trước các học viên và quan chức Nhật Bản nhiều kỹ thuật judo.Ngoài Judo ra ông còn học karate hệ phái kyokushin-kan và được bát đẳng huyền đai là đẳng thứ 8 trong 10 đẳng

Sở thích

Putin đeo một chiếc đồng hồ Patek Philippe Calatrava trị giá 60.000 dollar Mỹ, gần tương đương mức lương tổng thống của ông.[91] Dù là người thuận tay phải, ông đeo đồng hồ trên tay phải bởi vì "...nếu tôi đeo nó trên cổ tay trái, cái núm nhỏ để lên dây cót sẽ chạm vào tay và cọ xát vào nó."[92]

Trong quãng thời gian từ 1985 đến 1990, Putin được Ủy ban an ninh quốc gia Nga cử đi công tác tại Dresden (Đông Đức cũ). Tại đó, Putin đã có rất nhiều kỷ niệm như việc cô con gái thứ 2 Yekaterina của ông cũng được sinh ra tại chính mảnh đất Đông Đức (cũ). Là một người đam mê thể thao, Putin đã dành tình cảm của mình cho CLB FC Schalke 04 của Đức, dù đó là giai đoạn mà đội bóng vùng Ruhr không giành được những thành tích nổi trội.

Putin ngày 14 tháng 10 năm 2009, đưa ra đề nghị là Trung Quốc, các nước Trung Á và Nga nên tổ chức một cuộc thi hát hàng năm để có thể gia tăng các mối liên lạc văn hóa. Putin cũng đề nghị là cuộc thi hát này có thể được gọi là "Intervision" để đối đầu với cuộc thi hát nổi tiếng thường niên của lục địa châu Âu mang tên Eurovision. Một cuộc thi như vậy sẽ cho thấy các nam, nữ ca sĩ Trung Quốc tranh tài với các ca sĩ Uzbek, Tajik, Kazakh, Nga và Kyrgyz.[93] Thông tấn xã Interfax tường thuật lời của Putin, nói thêm là: "Việc tổ chức một cuộc thi hát quốc tế hiện đại, Intervision, sẽ củng cố các mối liên lạc văn hóa giữa các nước chúng ta." Cuộc thi hát hàng năm của lục địa châu Âu, Eurovision, được khởi đầu từ năm 1956, đã thu hút mỗi lần cả trăm triệu khán giả truyền hình, không những của lục địa châu Âu, mà cả của thế giới nữa. Moskva cũng sau đó tổ chức cuộc thi hát Eurovision 2009 này, vào tháng 5 năm 2008.

Sở thích cởi trần

Putin trong một cuộc câu cá ở Tuva tháng 8 năm 2007

Putin có sở thích là cởi trần khi đi dã ngoại. Vào đầu tháng 8 năm 2009, Putin đã gây sự chú ý thường chỉ dành cho các anh hùng các loại phim hành động ở Hollywood khi điện Kremlin công bố hình ảnh ông câu cá, bơi lội, chèo thuyền và cưỡi ngựa trong lúc cởi trần khoe ngực trong vùng núi Siberia và được các cơ quan truyền thông thế giới sử dụng tối đa. Trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến vùng đồng cỏ và sông suối ở Cộng hòa Tuva thuộc Nga, vị thủ tướng đã cởi áo để bổ củi, cưỡi ngựa và bơi bướm dưới suối, tất cả để cho các máy hình của chính phủ tha hồ chụp.

Hai đài truyền hình nhà nước Nga đã loan tải hình ảnh những giờ phút hưởng nhàn của Putin vào tối ngày 4 tháng 8, và chỉ trong vài giờ, tất cả mọi cơ quan truyền thông thế giới, từ đài BBC cho đến các tờ báo lá cải đều vội vã khai thác, một phần cũng vì có sự hấp dẫn trong một tháng bị chậm tin - tháng 8 thường là tháng ít tin nhất trong năm. Giới truyền thông Tây Phương có vẻ bị lôi cuốn bởi hình ảnh là một cựu trung tá tình báo KGB nói năng cứng rắn, được coi là sức mạnh cầm quyền thực sự đằng sau cái ngai của Tổng thống Dmitry Medvedev, lại cởi áo khoe hầu như hết cả, cho quần chúng ngưỡng mộ.

Và việc cởi áo khoe thân hình của Putin có vẻ cũng cho thấy ông nay đã đứng cùng hàng ngũ với các chính trị gia thế giới được truyền thông săn đuổi, như Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ngay cả trang web chuyên bàn tán đời tư giới tài tử Hollywoood cũng nhập cuộc, bằng cách diễu cợt ngực của vị thủ tướng. "Người đàn ông 56 tuổi này đã khoe vũ khí hủy diệt của mình, còn được gọi là cặp vú, bằng cách cưỡi ngựa khi cởi trần lúc đang đi nghỉ ở Siberi." Tờ National Post ở Canada tường thuật rằng Putin "rõ ràng là khoái được chụp hình... Những hình ảnh này có nhiều và người cựu nhân viên KGB này rất dễ dàng để cho ra một cuốn lịch của mình."

Thường xuyên trễ giờ

Putin mang tiếng là thường xuyên trễ giờ, thậm chí là cả cuộc hẹn với các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo tôn giáo. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu thường phải đợi ông trên dưới một tiếng. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải đi dạo ở Quảng trường Đỏ ba giờ để được gặp Putin, còn cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych thậm chí từng phải đợi bốn giờ. Hai lần hội kiến Giáo hoàng Phanxicô ông cũng đều đi trễ. Danh sách những người từng phải đợi Putin khi hội họp còn có cả các nữ chính khách như Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hay Thủ tướng Đức Angela Merkel. Thậm chí, ngay đến cả vợ cũ của ông, bà Lyudmila Putina cũng từng kêu than rằng ông Putin thường xuyên cho bà "leo cây" ngay từ những lần hẹn hò đầu tiên[94].

BBC năm 2013 có dẫn một nguồn tin thân cận với Putin nói rằng, Putin trễ hẹn là hệ quả của việc ông quá tỉ mỉ. Theo nguồn tin này, trước các cuộc gặp quan trọng, Putin thường kiểm tra kỹ các nguồn thông tin và chi tiết, vì vậy ông luôn đi trễ.

Trích dẫn

Nhận xét về phong trào Bolshevik và chủ nghĩa cộng sản

  • Putin nói rằng ông tin tưởng chân thành vào chủ nghĩa cộng sản khi còn phục vụ trong cơ quan tình báo KGB, nó hứa hẹn một xã hội công bằng và ngay thẳng "rất giống như trong Kinh Thánh", dù thực tế "Đất nước chúng ta không được giống như Thành phố Mặt trời" như lý tưởng của những nhà chủ nghĩa xã hội, ông nói.[95][96] Còn theo như thông tấn xã Nga Interfax, tổng thống Putin nói rằng ông vẫn thích những ý tưởng của chủ nghĩa cộng sản và chưa hề bỏ thẻ đảng viên của mình: "Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ, nhưng thẻ đảng của tôi hiện vẫn đang nằm đâu đó. Tôi đã và vẫn còn yêu thích những ý tưởng Xã hội Chủ nghĩa. Nếu chúng ta nhìn vào Bộ Quy tắc tạo lập Chủ nghĩa Cộng sản vốn từng được vận hành rộng khắp dưới thời Liên bang Xô Viết, thì nó gần giống như Kinh thánh. Đây không phải là lời nói bông đùa, thực sự là có sự gần gũi với Kinh thánh", đồng thời Putin cho biết thêm Bộ Quy tắc kia nêu lên những ý tưởng hết sức tốt đẹp, đó là bình đẳng, tương ái và hạnh phúc[97].
  • Năm 2007, Putin chỉ trích Joseph Stalin vì những cuộc thanh trừng và chiến dịch tập thể hóa nông nghiệp mang nặng tính cưỡng bức: "Dĩ nhiên chúng ta đã đạt được một số thành tựu tích cực [dưới thời Stalin], nhưng với một cái giá không thể chấp nhận được. Sự đàn áp đã diễn ra. Đây là một sự thật. Hàng triệu đồng bào của chúng ta đã phải chịu đựng chúng"[98][99]. Nhưng vào năm 2013, khi thăm Anh quốc, Putin tuyên bố Stalin không có gì khác biệt so với một anh hùng của nước Anh, nhà quân sự Oliver Cromwell, người đã chém đầu vua Anh và giết nhiều người trong cuộc nội chiến Anh, nhưng ngày nay được dựng tượng trước tòa nhà Quốc hội Anh: "Cụ thể là Cromwell khác Stalin như thế nào? Không khác gì cả. Theo quan điểm của những người theo chủ nghĩa tự do, Cromwell cũng là một nhà độc tài đẫm máu. Cromwell đã sống ở một thời đại khác. Đối với chúng ta, tất cả những thời đại đó đều rất khốc liệt. Vì vậy, chúng ta phải đối xử cẩn thận với từng giai đoạn lịch sử của mình" Ông còn cho biết có nước Nga đang có kế hoạch khôi phục tượng Stalin và một số lãnh đạo thời kỳ Liên Xô khác[100]
  • Trong 1 cuộc phỏng vấn, 1 nhà báo Đức nói rằng ông ta cảm thấy ngạc nhiên khi Putin gọi việc Liên Xô tan rã là một bi kịch, bởi nhà báo này cho rằng sự tan rã của Liên Xô đã mang lại tự do cho các quốc gia thành viên cũ mà không cần đổ máu. Putin đã trả lời "Đức tái hợp, và Liên Xô tan rã. Thật lạ khi ông thấy ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng ông đã ném một em bé ra khỏi bồn tắm - đó là vấn đề. Giải phóng khỏi chế độ độc tài không nhất thiết phải đi kèm với sự sụp đổ của nhà nước. Đối với bi kịch mà tôi đã nói, điều đó là hiển nhiên. Hãy tưởng tượng rằng một buổi sáng mọi người thức dậy và phát hiện ra rằng từ giờ họ không sống ở một quốc gia thống nhất, mà ở ngoài biên giới Liên bang Nga, mặc dù họ luôn tự nhận mình là một phần của dân tộc Nga. Có 25 triệu người như vậy. Chỉ cần nghĩ về con số này! Đây là thảm kịch rõ ràng, đi kèm với đó là sự gián đoạn của các mối quan hệ kinh tế và gia đình, với việc mất tất cả số tiền mọi người đã tiết kiệm trong suốt cuộc đời của họ, cùng với những hậu quả tàn khốc khác. Đây không phải là một bi kịch cho mỗi người ư? Tất nhiên đó là một bi kịch! Người dân ở Nga nói rằng những người không hối tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô thì không có trái tim, và những người hối tiếc thì không có não. Chúng tôi không hối tiếc điều này, chúng tôi chỉ đơn giản nêu thực tế và biết rằng chúng tôi cần nhìn về phía trước, không phải ngược lại. Chúng tôi sẽ không cho phép quá khứ kéo chúng tôi xuống và ngăn chúng tôi tiến lên phía trước... Dân chủ không thể phát triển mà không có luật pháp"[101].
  • Ngày 25 tháng 1 năm 2016, trong cuộc gặp mặt với các nhà hoạt động ủng hộ điện Kremlin tại thành phố Stavropol Putin chỉ trích khái niệm "quốc gia liên bang" của Lenin mà trong đó các thực thể có quyền được ly khai, ông cho là khái niệm này đóng góp một phần lớn vào sự tan rã của Liên Xô năm 1991[95][96][102] Một ngày sau, theo thông tấn xã Nga TASS, ông giải thích rõ hơn ý câu nói của mình: "Ý tôi muốn nói về cuộc tranh luận giữa Stalin và Lenin về việc cần xây dựng Liên bang Xô Viết như thế nào. Hồi đó Stalin đưa ra ý tưởng tự trị hóa Liên bang xô viết, theo đó, các chủ thể của Nhà nước tương lai sẽ gia nhập Liên Xô trên cơ sở tự trị với những quyền hạn rộng lớn. Lenin đã kịch liệt chỉ trích lập trường của Stalin và cho rằng ý tưởng đó không hợp thời". Putin nói Lenin chủ trương "thành lập Liên Xô trên cơ sở bình đẳng hoàn toàn, các chủ thể (những nước cộng hòa tự trị) có quyền tách ra khỏi Liên bang", điều này tuy tôn trọng nguyên tắc bình đẳng dân tộc nhưng lại trở thành mầm mống pháp lý gây tan rã Liên Xô sau này[103]
  • Khi được hỏi vì sao Putin quyết định sử dụng phần nhạc của Quốc ca Liên Xô cho bản Quốc ca mới của Liên bang Nga, Putin đã trả lời: "Nếu chúng ta xóa bỏ mọi điều đã có từ trước và sau tháng 10/1917, thì có nghĩa chúng ta đã công nhận rằng, cha ông ta đã sống một cuộc đời hoàn toàn vô nghĩa lý. Bằng cả trái tim và trí tuệ, tôi không thể nào đồng ý thế được"[104].
  • Putin là người rất tiếc nuối sự tan rã của Liên Xô. Năm 2017, ông trả lời phỏng vấn với đạo diễn người Mỹ Oliver Stone như sau: "Tôi thường nghe những lời chỉ trích về việc tôi lấy làm tiếc trước sự tan rã của Liên Xô. Đầu tiên và quan trọng nhất, trong một đêm sau sự tan rã của Liên Xô, 25 triệu người Nga đã ở nước ngoài và đó là một trong những thảm họa lớn nhất của thế kỷ 20. Sau đó cuộc nội chiến toàn diện bắt đầu. Đồng thời hệ thống an sinh xã hội hoàn toàn bị phá hủy, toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế dừng lại, cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe và quân đội. Hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói. Chúng tôi không thể quên những sự kiện này"[105].
  • Vào ngày 30 tháng 10 năm 2017, đúng vào "Ngày Tưởng niệm các nạn nhân của đàn áp chính trị" ở Nga, Putin đã tham gia buổi lễ khánh thành Bức tường Đau khổ (Wall of Grief), một tượng đài ở Moscow được dựng lên để tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị trong giai đoạn cầm quyền của nhà lãnh đạo Joseph Stalin. Trong buổi lễ, Putin đã phát biểu: "Quá khứ khủng khiếp này không thể bị xoá nhòa khỏi ký ức của quốc gia, không có bất cứ điều gì, không có lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh cho chuyện đó [...] " [106]
  • Khi nhiều người cho rằng Putin có ý định khôi phục lại Liên Xô, ông nói rằng mình không có ý định đưa mô hình Nhà nước Liên Xô quay trở lại nước Nga một lần nữa bởi điều đó không phù hợp với tình hình hiện nay. Ông từng nói: "Bất cứ ai không cảm thấy tiếc nuối vì sự sụp đổ của Liên Xô là kẻ không có trái tim. Bất cứ ai muốn khôi phục nó thì là kẻ không có não"[107]
  • Tháng 11 năm 2017, khi được hỏi về tầm ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định: "Mô hình xã hội và ý thức hệ mà nhà nước (Liên Xô) mới thành lập cố gắng thực hiện lúc đầu sau cách mạng 1917, đã là đầu máy chuyển hóa mạnh mẽ trên toàn thế giới (điều này là rõ ràng và cũng phải thừa nhận), cái mô hình đó đã khiến người ta phải đánh giá lại các mô hình phát triển, tạo ra cạnh tranh và mâu thuẫn, từ đó tạo ra lợi ích mà theo tôi phần lớn do phương Tây được hưởng... Nhiều thành tựu của phương Tây trong thế kỷ XX là phản ứng trước thách thức của Liên Xô. Tôi đang nói về việc nâng cao chất lượng sống, hình thành giới trung lưu mạnh, cải tổ thị trường lao động và không gian xã hội, thúc đẩy giáo dục, đảm bảo nhân quyền gồm cả quyền cho người thiểu số và phụ nữ, vượt qua phân biệt chủng tộc mà quý vị nhớ đã từng là hành vi xấu hổ ở nhiều nước kể cả Mỹ, chỉ vài thập niên trước đây."[108]
  • Đầu năm 2018, Putin đã nói rằng ông sẽ đảo ngược sự kiện Liên Xô sụp đổ nếu ông đã có cơ hội làm thế để thay đổi lịch sử nước Nga hiện đại. Khi nhận được câu hỏi nhanh của người ủng hộ về sự kiện nào trong lịch sử Nga nào ông muốn thay đổi, Tổng thống Putin đáp ngắn gọn rằng: "Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết"[109].
  • Cá nhân Putin rất tôn kính đối với Lenin, ông đã cổ vũ người dân Nga "hãy tự hào với tinh thần cách mạng của giai cấp vô sản Nga". Chưa đầy một năm sau trên cương vị tổng thống Nga, Putin đã phát biểu: ông không muốn thi hài Lenin bị mang đi hỏa táng, mà "cần phải bảo vệ sự yên tĩnh của Người"[110].

Chủ nghĩa khủng bố và Chechnya

  • Putin nói về những kẻ cực đoan Chechnya, ngày 24 tháng 9 năm 1999: "Chúng tôi sẽ theo bước những kẻ khủng bố ở bất kỳ đâu. Nếu cần phải bắt chúng trong nhà xí (shithouse), chúng tôi sẽ tấn công chúng trong nhà xí." ("мочить в сортире" trong tiếng Nga):[111]
  • Trả lời những người kêu gọi Putin đàm phán với những kẻ li khai Chechnya sau vụ Khủng hoảng con tin trường học tại Beslan, tháng 9 năm 2004: "Sao bạn không gặp Osama bin Laden, mời hắn tới Brussels hay Nhà Trắng và bắt đầu đàm phán, hỏi hắn muốn gì và trao cho hắn những thứ đó để hắn cho bạn được sống hòa bình? Bạn sẽ thấy rằng có thể đặt ra một số giới hạn khi bạn phải giải quyết vấn đề với những tên con hoang (bastard) đó, vì thế tại sao chúng tôi phải đàm phán với những kẻ giết hại trẻ em? Không ai có đủ quyền đạo đức để nói với chúng tôi đàm phán với những kẻ giết hại trẻ em."[112]
  • Khi một nhà báo hỏi tại sao ông mời Hamas tới Kremlin để đàm phán, Putin đã trả lời "Thiêu cháy những cây cầu – đặc biệt trong chính trị – là cách dễ dàng nhất, nhưng không phải là điều hiệu quả nhất để thực hiện. Đó là lý do tại sao chúng tôi không vội vàng tuyên bố một tổ chức là khủng bố, và tìm cách làm việc với mọi người trong vùng nhiều nguy cơ này."
  • Sau thảm kịch Beslan, Putin đã giải thích sự thất bại của Cơ quan An ninh Nga bằng câu "Chúng tôi yếu kém. Và sự yếu kém đang bị đào thải."

Xem thêm Bài phát biểu của Putin với nhân dân nước Cộng hòa Chechnya ngày 17 tháng 3 năm 2003.

Phê phán việc phương Tây tấn công các nước khác

  • Sau hàng loạt biến cố chính trị tại Trung Đông dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, trong thông điệp liên bang năm 2015, Putin đã nói về trách nhiệm của các nước phương Tây trong nguyên nhân xảy ra tình trạng này:
  • Trong bài phát biểu hùng hồn trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc (UNGA) hôm 28/9/2015, Putin phát biểu lên án nước phương Tây cố gắng áp đặt ý chí của mình dưới vỏ bọc "các giá trị dân chủ" mà không đếm xỉa tới hệ tư tưởng và nền văn hóa, quan điểm và lợi ích của nhân dân các quốc gia, dân tộc khác. Ông cho rằng phương Tây "tự cho mình là vĩ đại," song thực ra lại "không hề có trách nhiệm":
  • Trả lời CNN vào tháng 9/2017, Vladimir Putin nhận định rằng: việc các nước như IraqLibya bị Hoa Kỳ và phương Tây tấn công đã gián tiếp gây ra khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Bắc Triều Tiên thấy rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới là cách duy nhất để bảo vệ đất nước khỏi sự đe dọa của Hoa Kỳ. Triều Tiên thấy rõ số phận của nhà lãnh đạo Iraq là Saddam Hussein, người đã bị hành quyết sau khi Mỹ tấn công Iraq với lý do giả mạo là nước này tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Putin nói:

Dân chủ

Trả lời sự chỉ trích từ phía nhà báo Mỹ Mike Wallace rằng kế hoạch của ông chấm dứt các cuộc bầu cử thống đốc trực tiếp và chỉ định họ đi ngược lại tinh thần dân chủ, Putin đã trả lời:

"Nguyên tắc chỉ định các lãnh đạo vùng không phải là một dấu hiệu của sự thiếu dân chủ. Ví dụ, Ấn Độ được gọi là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Nhưng những thống đốc của họ luôn được chỉ định bởi chính phủ trung ương và không ai tranh cãi rằng Ấn Độ là một nước dân chủ."
"Tại Hoa Kỳ, đầu tiên bạn lựa chọn các đại cử tri sau đó họ sẽ bầu ra các tổng thống. Tại Nga, tổng thống được chọn lựa thông qua cuộc bầu cử trực tiếp của toàn dân. Việc ấy thậm chí còn dân chủ hơn," Putin nói. "Và nước bạn hiện đang gặp phải vấn đề với những cuộc bầu cử của mình," ông nói với Wallace. "Bốn năm trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ phải đưa ra tòa án giải quyết. Hệ thống tòa án đã phải dính vào đó. Nhưng chúng tôi không chọc mũi vào hệ thống dân chủ của nước bạn, điều đó tùy thuộc vào nhân dân Hoa Kỳ." Toàn bộ cuộc phỏng vấn...

Trả lời câu hỏi trên đài truyền hình Hà Lan "Ông có thể tưởng tượng một tình huống theo đó ông sẽ ở lại chức vụ thêm một nhiệm kỳ thứ ba?", Putin nói:[116]

"Tôi nhận ra rằng 2008 sẽ là một cuộc thử nghiệm quan trọng cho nước Nga, và không hề dễ dàng.
Cùng lúc ấy, Hiến pháp Liên bang Nga quy định rằng Tổng thống, lãnh đạo nhà nước, được bầu với nhiệm kỳ bốn năm thông qua bỏ phiếu kín trực tiếp và không được tại nhiệm quá hai nhiệm kỳ liên tục.
Tất nhiên tôi không dửng dưng với câu hỏi ai sẽ đứng ra đảm đương vận mệnh quốc gia Tôi đã cống hiến đời mình để phục vụ. Nhưng nếu mỗi lãnh đạo quốc gia đều thay đổi hiến pháp để phục vụ mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng thấy rằng mình không còn là một quốc gia nữa. Tôi nghĩ rằng các lực lượng chính trị khác nhau ở Nga đã đủ trưởng thành để nhận thấy trách nhiệm của họ trước nhân dân Liên bang Nga. Trong bất kỳ trường hợp nào, người nhận được đa số phiếu bầu của các công dân Nga sẽ trở thành tổng thống đất nước."

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống George Bush năm 2005 ở Slovakia, Putin nói:

"Nước Nga đã đưa ra lựa chọn của mình theo hướng dân chủ. Mười bốn năm trước, một cách độc lập, không bị bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài, nó đã đưa ra quyết định đó trên cơ sở lợi ích của chính mình và lợi ích của người dân - những công dân của nó. Đó chính là lựa chọn cuối cùng của chúng tôi, và chúng tôi không có con đường quay trở lại. Không thể có sự trở lại với ngày xưa. Và sự bảo đảm cho điều đó là sự lựa chọn của người dân Nga, chính họ. Không, những sự bảo đảm từ bên ngoài không thể được thực hiện. Đó là điều bất khả thi. Nó sẽ là điều không thể đối với nước Nga ngày nay. Bất kỳ một hình thức quay trở lại nào với chế độ chuyên chế với nước Nga đều là điều không thể, vì điều kiện của xã hội Nga.
Khi mà các vấn đề vẫn còn đang được thảo luận trên các phương tiện truyền thông giữa các đối tác của chúng tôi, tôi chỉ có thể nhắc lại điều đã từng được Tổng thống Hoa Kỳ nói. Đầu tiên, chúng tôi không chuẩn bị tạo nên - sáng tạo bất kỳ một kiểu dân chủ đặc biệt nào của Nga; chúng tôi đang chuẩn bị đưa ra các nguyên tắc căn bản của một nền dân chủ từng được thành lập trên thế giới. Nhưng tất nhiên, tất cả các định chế dân chủ hiện đại - các nguyên tắc dân chủ phải tương xứng với tình trạng phát triển hiện tại của nước Nga, với lịch sử và truyền thống của chúng tôi.
Không hề có điều gì bất bình thường ở đây. Tại mọi quốc gia, các nguyên tắc đó đều được thể hiện theo cách này hay cách kia. Về luật bầu cử, chúng tôi có thể so sánh với Hoa Kỳ và một số nước châu Âu. Về hoạt động của các thể chế dân chủ chính, có thể có một số sự khác biệt, nhưng các nguyên tắc căn bản và nền tảng đang được áp dụng theo cách thức để chúng sẽ được phát triển bởi một xã hội hiện đại và văn minh.
Trong giai đoạn trước kia của chúng tôi, không thể nghi ngờ sự thực rằng giai đoạn phát triển đó của Liên bang Nga với những nhà chính trị lớp trước, dù có những khó khăn xuất hiện khi có những thay đổi, họ đã mang lại điều chủ yếu cho người dân Nga - đó là tự do. Nhưng tôi tin rằng rất nhiều người sẽ đồng ý với tôi, việc áp dụng những nguyên tắc và tiêu chuẩn dân chủ không thể đi liên với sự sụp đổ quốc gia và sự nghèo đói của nhân dân.
Chúng tôi tin tưởng, và cá nhân tôi tin tưởng rằng việc áp dụng và tăng cường dân chủ trên đất nước Nga sẽ không hủy hoại khái niệm dân chủ. Cần tăng cường vị thế quốc gia và cần cải thiện mức sống của người dân. Đây chính là phương hướng chúng tôi đang hành động."

Và, sau khi nói về tự do thông tin,

"Khi chúng tôi thảo luận các vấn đề đó, rất thẳng thắn, chúng tôi, và đặc biệt là tôi, không nghĩ rằng phải đặt vấn đề đó với tầm quan trọng quá lớn, các vấn đề mới đó được tạo ra không từ cái gì cả. Và tôi không nghĩ rằng chúng tôi phải hủy hoại quan hệ Nga-Mỹ, bởi vì chúng tôi quan tâm tới sự phát triển mối quan hệ đó. Chúng tôi rất chú trọng tới mọi lời bình luận của báo chí hay các lực lượng đối lập, nhưng trách nhiệm của chúng tôi là, dù có rất nhiều vấn đề như vậy, trách nhiệm của chúng tôi là phát triển một cách chắc chắn mối quan hệ Nga-Mỹ."

Khi xảy ra sự kiện Wikileaks năm 2010:

"Các vị gọi đấy là dân chủ? Các vị luôn rêu rao rằng mình là nhà dân chủ, còn chúng tôi là độc tài, nhưng nếu các vị mà ra lệnh bắt Julian Assange thì quả là một sự nhục nhã. Tôi có thể khó chịu với ông ta, nhưng không có nghĩa là phải bắt ông ta rồi đem ra tử hình kiểu Mỹ thế này. Thụy Điển, Anh đang đi ngược lại quyền tự do báo chí đó là thế nào? Thật là một kiểu Hoa Kỳ chính gốc: đòi bỏ tù Assange rồi kết án Bradley Manning thì thật là ngớ ngẩn."

Phê phán việc xét lại lịch sử

Putin phản đối những quan điểm xét lại lịch sử, phủ nhận công lao và những sự hy sinh của Liên Xô trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít[117]:

Thưa các bạn, ký ức về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đó là đạo đức, đó là lương tâm, đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Ngày hôm nay, có những kẻ đã cố tình bóp méo sự thật về cuộc chiến tranh tàn khốc ấy. Chúng không biết ngượng lừa dối con cháu mình, phản bội lại ký ức về những người anh hùng, về cuộc chiến mà tất cả đã dâng hiến để có được chiến thắng. Ký ức về cuộc chiến tranh, về các cựu chiến binh sẽ mãi mãi không thể xóa nhòa và không thể bóp méo...
Nước Nga biết rất rõ thế nào là chiến tranh, mỗi một gia đình đều đã mất mát trong cuộc chiến tranh ấy và ký ức thiêng liêng về họ, niềm tự hào về họ sẽ mãi mãi đồng hành cùng chúng ta.

Cuộc sống tại Nga

Putin nói về việc nhân tài đang di cư khỏi nước Nga, ngày 6 tháng 6 năm 2003: "Nếu chất xám đang bị chảy máu, thì thực sự chất xám đang tồn tại. Đó đã là điều tốt. Nó có nghĩa rằng, họ có chất lượng rất cao, nếu không chẳng ai cần đến họ cả."

Trích từ bài phát biểu hàng năm của Putin trước Quốc hội, 2005:

"Tôi sẽ nhắc lại lịch sử gần đây của nước Nga thêm một lần nữa.
Trên hết, chúng ta cần biết rằng sự sụp đổ của Liên bang xô viết là một thảm họa địa chính trị lớn của thế kỷ. Đối với quốc gia Nga, nó đã trở thành một bi kịch thực sự. Hàng triệu công dân và những người yêu nước của chúng ta bỗng nhiên thấy họ đang sống bên ngoài lãnh thổ Nga. Hơn nữa, bệnh dịch tan rã ảnh hưởng tới ngay cả nước Nga.
Các khoản tiết kiệm cá nhân mất giá trị, và các lý tưởng cũ bị phá bỏ. Nhiều thể chế đã bị giản tán hay cải cách một cách cẩn trọng. Sự can thiệp khủng bố và sự đầu hàng của Khasavyurt tiếp sau đó đe dọa sự thống nhất quốc gia. Các nhóm đầu sỏ chính trị - nắm quyền kiểm soát tuyệt đối các kênh thông tin - chỉ phục vụ cho lợi ích của riêng họ. Sự nghèo đói của nhân dân bắt đầu được coi là tiêu chuẩn. Và tất cả mọi điều đó đã xảy ra vì nguyên nhân của sự giảm sút kinh tế, tài chính bất ổn định, và sự tê liệt của các thể chế xã hội.
Nhiều người nghĩ hay có vẻ nghĩ rằng ở lúc mà nền dân chủ non trẻ của chúng ta không phải là một sự tiếp nối của nước Nga, nhưng là sự sụp đổ sau cùng của nó, sự đau đớn kéo dài của hệ thống Xô viết.
Nhưng họ đã sai lầm.
Đó chính là giai đoạn khi những sự phát triển đáng chú ý bắt đầu diễn ra ở Nga. Xã hội của chúng ta không chỉ tạo ra sức mạnh tự cường mà còn cả một lòng tin cho một cuộc sống mới và tự do."Read more...

Trích từ Bài phát biểu hàng năm trước Quốc hội của Putin ngày 10 tháng 5 năm 2006:

"Những nỗ lực của chúng ta hiện nay tập trung vào các lĩnh vực trực tiếp quyết định tới chất lượng cuộc sống các công dân của chúng ta. Chúng ta dang tiến hành các dự án quốc gia trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp và xây dựng nhà cửa. Như mọi người biết, các vấn đề trong các lĩnh vực đó đã tích lũy lại không chỉ sau giai đoạn vài năm mà là cả hàng thập kỷ."
"Trong khi thực hiện kế hoạch quốc gia to lớn với mục tiêu hàng đầu là hạnh phúc cho đại chúng, rõ ràng là bước chân một số người đang đi lên và sẽ đi lên. Nhưng những bước chân đó thuộc về một thiểu số khá nhỏ những người đang tìm cách kiếm địa vị và sự giàu có hay cả hai thứ đó bằng những lối tắt gây hại cho tổng thể đông đảo. Đó là những lời hoa mỹ và đáng tiếc rằng tôi không phải là người nghĩ ra chúng. Đó là những lời nói của Franklin Delano Roosevelt, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, năm 1934."
"Chúng ta đã nói rất nhiều về sự cần thiết phải có được tăng trưởng kinh tế cao coi đó là ưu tiên tuyệt đối của đất nước. Bài phát biểu hàng năm năm 2003 lần đầu tiên đã đặt ra mục tiêu tăng gấp đôi GDP trong một thập kỷ. {...} nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu chúng ta không đề cập tới một số vấn đề, không cải thiện các nền tảng kinh tế vi mô của chúng ta, không đảm bảo mức độ tự do cần thiết, không tạo ra được các điều kiện công bằng cho cạnh tranh và không tăng cường quyền sở hữu tài sản, chúng ta sẽ không thể hoàn thành các mục tiêu kinh tế đã đề ra đúng thời hạn."
"Chúng ta đã bắt đầu những bước vững chắc để thay đổi cơ cấu nền kinh tế và, như chúng ta đã quyết tâm, sẽ mang lại cho nó một chất lượng mang tính đổi mới."
"Nước Nga phải nhận ra toàn bộ tiềm năng của mình trong các lĩnh vực công nghệ cao như kỹ thuật năng lượng hiện đại, vận tải và thông tin, vũ trụ và chế tạo máy bay. Đất nước chúng ta phải là một nhà xuất khẩu lớn về các dịch vụ tri thức."
"Sự bảo vệ chắc chắn các quyền sở hữu trí tuệ là một điều kiện quan trọng cho sự phát triển công nghệ mới. Chúng ta phải đảm bảo bản quyền bên trong nước mình - đây cũng là trách nhiệm của chúng ta với các đối tác nước ngoài. Và chúng ta cũng phải đảm bảo sự bảo vệ lớn hơn cho các bản quyền của người Nga ở nước ngoài."
"Chúng ta cũng phải tiếp tục quá trình ủy thác quyền lực. Đặc biệt, các vùng phải có quyền của mình bên trong những nguồn vốn đầu tư lấy từ ngân sách quốc gia, đó là những cách thức đang được sử dụng hiện nay để cung cấp tài chính cho các cơ cấu quyền lực địa phương. Đã đến lúc tách việc giám sát quá trình xây dựng các trường học, nhà tắm công cộng và các hệ thống thoát nước khỏi Moskva."
"Mọi người biết rằng dân số nước ta đang giảm bớt với mức trung bình 700.000 người mỗi năm. Chúng ta đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này nhưng đa số đều chưa làm gì nhiều để giải quyết nó. Giải quyết vấn đề này đỏi hỏi chúng ta phải tiến hành các bước sau. Đầu tiên, chúng ta cần hạ thấp tỉ lệ tử vong. Thứ hai, chúng ta cần một chính sách nhập cư hữu hiệu. Và thứ ba, chúng ta cần phải tăng mức sinh."
"Chúng ta đang nói về việc ngăn chặn nhập khẩu và sản xuất rượu lậu. Dự án Chăm sóc sức khỏe quốc gia tập trung vào việc bảo vệ, ngăn chặn và điều trị bệnh tim mạch và các loại bệnh khác gây nên tỷ lệ tử vong cao trong dân số nước ta.
Về chính sách nhập cư, sự ưu tiên của chúng ta là thu hút những người yêu nước từ bên ngoài. Theo phương hướng này, chúng ta cần khuyến khích những người có trình độ tay nghề nhập cư vào trong nước, khuyến khích những người có giáo dục cao đến với nước Nga. Những người đến với chúng ta phải tôn trọng văn hóa và các truyền thống của nước Nga.
Nhưng không một số lượng nhập cư nào có thể giải quyết được các vấn đề nhân khẩu nếu chúng ta không đưa ra các điều kiện và biện pháp khuyến khích tỷ lệ sinh sản ở đây trong chính đất nước chúng ta. Chúng ta không thể giải quyết được vấn đề này trừ khi đưa ra được những chương trình hỗ trợ hiệu quả cho các bà mẹ, trẻ em và các gia đình.
Thậm chí một sự tăng trưởng nhỏ trong tỷ lệ sinh và sự giảm sút nhỏ trong tỷ lệ tử ở trẻ em như chúng ta mới chứng kiến gần đây cũng không mang lại nhiều kết quả bằng sự cải thiện tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Sự cải thiện là tốt nhưng vẫn còn chưa đủ.
Công việc chúng ta đã tiến hành với các dự án về những vấn đề đó trong những năm vừa qua đã thiết lập được một nền tảng tốt, gồm cả việc giải quyết vấn đề nhân khẩu, nhưng nó vẫn chưa đủ, và bạn biết lý do tại sao. Tình hình trong lĩnh vực này vẫn còn đáng lo ngại." [118]

Putin cũng đã đề xuất một chương trình lớn nhằm khuyến khích sinh sản, gồm khoản trợ cấp 250.000 rúp[119] cho người sinh con thứ hai.

"Mối đe dọa khủng bố vẫn còn rất hiện thực. Các cuộc xung đột địa phương vẫn là môi trường tốt nuôi dưỡng khủng bố, một nguồn cung cấp vũ khí và chiến trường để chúng thử nghiệm khả năng của mình. Các cuộc xung đột đó thường phát sinh trên cơ sở dân tộc, thường là những cuộc xung đột giữa các tôn giáo, do những kẻ cực đoan xúi giục và lôi kéo.
Tôi biết rằng có có những người bên ngoài kia muốn thấy nước Nga sa lầy trong các vấn đề đó, không thể giải quyết được những vấn đề của riêng mình và phát triển."

Khi so sánh chi tiêu quốc phòng của Nga theo tỷ lệ GDP với chi tiêu của Pháp và Anh, Putin đề cập tới Hoa Kỳ:

"Ngân sách quốc phòng của họ theo các con số tuyệt đối lớn gấp 25 lần nước Nga. Đây là điều trong phòng thủ được gọi là 'ngôi nhà của họ — pháo đài của họ'. Và đó là điều tốt cho họ, Tôi nói. Được đấy!
Nhưng điều đó có nghĩa rằng chúng tôi cũng cần xây dựng ngôi nhà của riêng mình, biến nó trở thành mạnh mẽ và được bảo vệ. Sau mọi điều, chúng tôi thấy cái đang xảy ra trên thế giới hiện này. Con sói biết cần phải ăn thịt ai, như tục ngữ đã nói. Nó biết phải ăn thịt ai và có lẽ cũng không muốn nghe lời bất kỳ ai." [120]
"Khi cần thiết phải phản công một cuộc tấn công trên diện rộng của khủng bố quốc tế tại Bắc Caucasus năm 1999, những vấn đề trong các lực lượng vũ trang trở thành nỗi đau đớn hiển nhiên. {...} Các lực lượng vũ trang của chúng ta có tới 1.400.000 người nhưng không có đủ người để chiến đấu. Đó là việc tại sao những chú bé chưa từng nhìn thấy chiến tranh bị gửi ra chiến trường. Tôi sẽ không bao giờ quên điều này. {...} Tình hình này trong các lực lượng vũ trang hiện đã thay đổi nhiều. Chúng ta đã tạo ra một cơ cấu mới cho các lực lượng vụ trang và các đơn vị hiện đang được trang bị các loại vũ khí, thiết bị mới, hiện đại và đây sẽ là cơ sở căn bản cho nền quốc phòng của chúng ta tới năm 2020."
"Nước Nga hiện đại cần có một quân đội có mọi khả năng tiến đương đầu thích đáng với mọi mối đe dọa mới mà chúng ta phải đối mặt. Chúng ta cần có các lực lượng vũ trang có khả năng chiến đấu đồng thời trên cả mặt trận quốc tế, khu vực và - nếu cần thiết - trong nhiều cuộc xung đột địa phương. Chúng ta cần các lực lượng vũ trang đảm bảo được sự an minh, sự toàn vẹn lãnh thổ cho nước Nga trong bất kỳ hoàn cảnh nào."
"Tới năm 2008, các binh lính chuyên nghiệp sẽ chiếm hai phần ba lực lượng vũ trang. Điều này sẽ giúp chúng ta giảm thời gian nghĩa vụ quân sự xuống còn một năm."
"Các lực lượng vũ trang đóng quân tại Chechnya đều là những người lính chuyên nghiệp. Bởi vì bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2007, quân đội của Bộ nội vụ tại Chechnya sẽ cũng gồm toàn bộ lính chuyên nghiệp. Nói cách khách, chúng ta sẽ không sử dụng các binh lính nghĩa vụ trong mọi chiến dịch chống khủng bố nữa."
"Một lượng lớn thanh niên ở tuổi nghĩa vụ quân sự hiện nay bị các bệnh kinh niên và có vấn đề với rượu, thuốc lá và thỉnh thoảng là cả ma tuý. Tôi nghĩ rằng trong các trường học của chúng ta, chúng ta cần không chỉ giáo dục mà còn phải lo lắng đến thể chất cũng như phát triển tinh thần yêu nước của họ. Chúng ta cần tái lập hệ thống huấn luyện tiền quân sự và giúp phát triển các môn thể thao quân sự."

Trả lời phỏng vấn CNN, Putin cho biết ông chống lại các giá trị phương Tây nhằm bảo vệ nhân dân Nga. Ông nói:

"Có một ý thức hệ nhất định từng thống trị ở Liên Xô cũ, và bất kể chúng ta cảm thấy thế nào về nó, thì nó vẫn dựa trên một số giá trị rõ ràng, gần như mang tính tôn giáo. Quy tắc đạo đức của Người xây dựng Chủ nghĩa cộng sản, nếu bạn đọc nó, chỉ là một bản sao lấy cảm hứng từ Kinh Thánh: ngươi không được giết người, chớ trộm cắp, chớ thèm muốn vợ người hàng xóm. Quy tắc đạo đức của Người xây dựng Chủ nghĩa cộng sản cũng có những điều răn đó, chỉ có điều chúng được viết bằng một ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn.
Tôi muốn nhắc lại đôi điều mà tôi đã phát biểu trong Diễn văn đọc tại Quốc hội Liên bang: Vâng, đây là một cách tiếp cận bảo thủ, nhưng tôi muốn nhắc bạn về những phát ngôn của nhà triết học Nga Berdyaev rằng: chủ nghĩa bảo thủ không cản trở sự chuyển động về phía trước và tiến lên trên mà nó giúp ngăn chặn sự chuyển động thụt lùi và đi xuống. Theo tôi, đó là một công thức rất tốt, và nó là công thức mà tôi đề xuất. Chẳng có gì bất thường với chúng tôi ở đây. Nga là đất nước có một nền văn hóa cổ đại rất sâu sắc, và nếu chúng tôi muốn trở nên mạnh mẽ và phát triển một cách tự tin, chúng tôi phải dựa vào nền văn hóa và những truyền thống này, chứ không chỉ tập trung vào tương lai."

Các phát biểu khác

  • Trong một bản dịch được xuất bản ngày 12 tháng 7 năm 2006, Putin được báo cáo là đã trả lời câu chỉ trích chính trị của Phó tổng thống Hoa Kỳ Dick Cheney nói, "Tôi nghĩ những lời phát biểu kiểu này của Phó tổng thống của các bạn cũng cùng loại với những phát đạn bắn trượt khi đi săn."[121] Sau này Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã lưu ý rằng lời bình luận "khá thông minh, thật vậy, khá hài hước." [122]
  • Trong cuộc Họp thượng đỉnh G8 lần thứ 32 tháng 7 năm 2006, Putin được trích dẫn đã nói, "Tôi xin nói với các ngài một cách thành thật, chúng ta chắc chắn là không muốn có cùng kiểu dân chủ như họ có ở Iraq." đối lại những lời cáo buộc của Mỹ về sự giảm sút dân chủ ở Nga.
  • Cũng trong cuộc họp thượng đỉnh G8 lần thứ 32, sau khi các nhà báo chỉ trích thành tích Nhân quyền của chính phủ Nga, Putin được trích dẫn đã nói rằng, "Cũng có nhiều câu hỏi khác, những câu hỏi chúng ta cần nói về cuộc chiến chống tham nhũng. Chúng tôi muốn nghe kinh nghiệm của các bạn, gồm cả cách nó đã được áp dụng thế nào với Lord Levy." Lord Levy, một thành viên của Hạ viện Anh, đã bị bắt (và được bảo lãnh tại ngoại) tuần trước vì liên quan tới vụ "Đổi tiền lấy chức tước" (Cash for Peerages). Cảnh sát điều tra vụ cung cấp các khoản tài chính cho các đảng chính trị Anh nhằm đổi lấy chức tước quý tộc.[123]
  • "Tôi vốn không phải là một đảng viên theo sự cần thiết. Tôi cũng không thể nói rằng mình là người cộng sản hoàn toàn lý tưởng, nhưng dù sao chăng nữa tôi vẫn trân trọng. Không như nhiều người khác, tôi đã chỉ là một thành viên bình thường trong đảng, và cũng không như nhiều người khác, tôi không vứt bỏ thẻ đảng của mình, không đem đốt nó đi. Bây giờ tôi không muốn phán xét bất cứ ai... Nhưng Đảng Cộng sản Liên Xô đã tan rã, còn tấm thẻ đảng của tôi vẫn nằm ở đâu đó chứ không mất", "Tôi rất thích và cho đến nay vẫn thích tư tưởng cộng sản, tư tưởng xã hội chủ nghĩa" — ông Putin cho biết tại Diễn đàn liên khu vực của Mặt trận Nhân dân toàn Nga (ONF) tháng 1/2016.[124] Ông cho rằng lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản về một xã hội công bằng và đúng đắn "rất giống như trong Kinh Thánh", dù thực tế "Đất nước chúng ta không giống như Thành phố Mặt trời" như những nhà cách mạng chủ nghĩa xã hội mường tượng nên, ông nói.[96]

Chính sách đối ngoại

Sau khi nói rằng Hoa Kỳ không nên tấn công Iraq vào năm 2003: "Nhưng nếu Hoa Kỳ đã rút quân và để mặc Iraq mà không thành lập nên những nền tảng cho một quốc gia thống nhất có chủ quyền, thì đó rõ ràng là một sai lầm thứ hai." [125]

Từ 2006 bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang:

"Chính sách đối ngoại hiện đại của nước Nga dựa trên những nguyên tắc thực dụng, có thể dự đoán và tôn trọng luật pháp quốc tế."
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng ở thời điểm toàn cầu hóa hiện nay khi một cấu trúc quốc tế mới đang trong quá trình hình thành, vai trò của Tổ chức Liên hiệp quốc đã có một vị thế quan trọng mới. Đây là diễn đàn mang tính đại diện và quốc tế cao nhất và nó vẫn là xương sống của trật tự quốc tế hiện đại. Rõ ràng rằng những nền tảng của tổ chức quốc tế này đã được đặt ra ở một giai đoạn hoàn toàn khác biệt và vì thế sự cải cách Liên hiệp quốc là điều cần thiết không thể tranh cãi.
Nước Nga, vốn đóng vai trò quan trọng trong công việc này, coi hai nguyên tắc sau là điều quan trọng.
Thứ nhất, cải cách phải khiến Liên hiệp quốc hoạt động hiệu quả hơn. Thứ hai, cải cách phải được đa số các nước thành viên của nó ủng hộ. Nếu không có sự đòng thuận trong Liên hiệp quốc, sẽ rất khó để đảm bảo sự cân đối trên thế giới."

Từ Cuộc gặp gỡ với các Cơ quan thông tấn các nước thành viên G8:

[Về vai trò của Liên hiệp quốc] "Sự thực rằng các vấn đề hiện nay đang được thảo luận cởi mở bên trong Liên hiệp quốc và rằng Liên hiệp quốc vẫn là một nền tảng để giải quyết các vấn đề quốc tế chứ không phải phục vụ cho lợi ích chính sách đối ngoại của bất kỳ một quốc gia nào biến nó không những mang tính quốc tế lớn hơn mà còn là rất cần thiết cho việc đưa ra những quyết định có thể chấp nhận được cho vũ đài quốc tế hiện nay. Chúng ta không có bất kỳ một tổ chức quốc tế nào tương tự như vậy."
[Về vấn đề Iran] "Đầu tiên chúng ta phải phát triển những phương cách tiếp cận chung với các đối tác của chúng ta, những cách tiếp cận có thể chấp nhận được với các đối tác Iran của chúng ta và sẽ không làm hạn chế khả năng sử dụng công nghệ hiện đại của họ. Chùng lúc ấy, những cách tiếp cận đó phải hoàn toàn thỏa mãn những lo ngại của cộng đồng quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và các công nghệ hạt nhân bị coi là gây nguy hại đến nền hòa bình quốc tế.
Lập trường chính của chúng ta rất cụ thể. Chúng ta phản đối sử dụng vũ lực trong mọi hoàn cảnh. Đó là điều rõ ràng.
[Về vụ tranh chấp khí đốt với Ukraina] "Nước Nga đã cung cấp năng lượng cho châu Âu trong 40 năm qua. Chưa từng có một ngày hay một giờ nào sự cung cấp đó bị ngừng trệ. Và vào đầu năm nay nước Nga đã cung cấp toàn bộ, tôi muốn nhấn mạnh điều này, toàn bộ số lượng cung cấp cho các đối tác phương Tây và các khách hàng châu Âu. Để hiểu tại sao Ukraine, một nước trung gian, lại hút trái phép một khối lượng lớn các nguồn tài nguyên của châu Âu, bạn không nên hỏi chúng tôi: bạn phải hỏi Ukraina."
[Về chủ nghĩa ly khai] "Nước Nga không bao giờ quan tâm tới vấn đề tham gia vào bất kỳ một tổ chức khủng bố nào bên ngoài lãnh thổ của nó. Và chúng tôi không có kế hoạch làm như vậy.
Tôi nghĩ rằng chúng ta phải phát triển những cách quảnh lý thống nhất, những tiêu chuẩn và những cách thức tiếp cận các sự kiện diễn ra đồng thời trên các vùng khác nhau của thế giới. Nếu không tình trạng hỗn loạn sẽ xảy ra. {...}
Tôi rất lo lắng về điều này. Và tôi muốn sự lo lắng của nước Nga được truyền đi và chia sẻ. Chúng ta phải hiểu rằng đây không phải là những cuộc ganh đua thể thao theo đó một người nào đó sẽ chiến thắng một thứ gì đó trước người kia."

Chống hôn nhân đồng tính

Năm 2020, ông Putin đã nói rằng Nga sẽ không chấp nhận hôn nhân đồng tính chừng nào ông còn nắm quyền. Trong Hiến pháp Nga sửa đổi năm 2020 do tổng thống Vladimir Putin đề xuất, định nghĩa về hôn nhân ghi rõ hôn nhân là sự kết hợp "giữa một người nam và một người nữ", quy định này sẽ ngăn chặn mọi ý đồ ra luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Nga (vì sẽ vi phạm Hiến pháp)[126] Hơn 78% cử tri Nga đã bỏ phiếu đồng ý Hiến pháp Nga sửa đổi này Putin nói:

"Liên quan đến vấn đề 'phụ huynh số 1' và 'phụ huynh số 2', thì tôi đã nói công khai về điều này và tôi sẽ nhắc lại một lần nữa: chừng nào tôi còn làm tổng thống thì điều này sẽ không xảy ra. (Một đứa trẻ) sẽ phải có cha và mẹ."

Những thành tựu

  • Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin đã khôi phục lại được vị thế cường quốc sau 10 năm hỗn loạn kể từ khi Liên Xô tan rã.
  • Nền kinh tế Nga vượt qua khủng hoảng và trở thành nước có tổng sản phẩm quốc dân đứng thứ 5 thế giới (theo sức mua tương đương) vào năm 2017. Vào thời điểm năm 2000, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hốinợ công ở mức cao, tương đương 92,1% GDP. Đến năm 2018, nợ công của Nga giảm xuống chỉ còn 17,4% theo GDP và dự trữ ngoại hối tăng lên 356 tỷ USD. Tổng sổ vàng dự trữ lên gần 1.400 tấn.[127]. Nền kinh tế đã tăng gấp đôi quy mô, số lượng người dân sống dưới mức đói nghèo đã giảm một nửa[128]
  • Khôi phục lại niềm tin của người Nga vào đất nước.
  • Trong thập niên 2000, dân số Nga liên tiếp giảm sút do tỷ lệ sinh đẻ giảm và số lượng người tử vong trẻ tuổi tăng mạnh. Để đạt mục tiêu tăng trưởng dân số, Chính phủ Nga đã thông qua các ưu đãi tài chính cho các cặp vợ chồng muốn sinh con, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như tạo điều kiện về việc làm tốt hơn cho các bà mẹ. Đến năm 2018, dân số Nga đã tăng trở lại, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong rất thấp và đã tỷ lệ tử vong ở sản phụ gần như bằng không[127]. Tuổi thọ bình quân của người Nga đã tăng 7 năm so với năm 2000, đạt gần 73 vào năm 2017.
  • Vượt qua khủng hoảng do các thắng lợi của các biến động tại các nước láng giềng như Ukraine và Gruzia cũng như duy trì được các tổ chức CIS, CSTO và tham gia lập 1 tổ chức mới là SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải).
  • Khôi phục lại phần nào thế lực tại những vị trí đã mất ở những khu vực ảnh hưởng truyền thống như Việt Nam, Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc và phát triển mối quan hệ với những đối tác mới (các nước Mỹ Latinh).
  • Tái sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý địa phương năm 2014.
  • Việc Nga hỗ trợ Chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống các nhóm đối lập đã nâng cao vị thế của Nga tại khu vực Trung Đông. Đầu tháng 12/2017, Tổng thống Putin tuyên bố với sự trợ giúp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Syria khỏi tay Nhà nước khủng bố tự xưng IS.
  • Về mặt cá nhân, ông Putin để lại ấn tượng về một chính khách rất mạnh mẽ trong các vấn đề quốc tế và nhạy bén trong các cuộc đàm phán.

Những hạn chế

  • Kinh tế Nga chưa đủ quy mô để trở thành một nền kinh tế có ảnh hưởng mạnh trên thế giới như dưới thời Liên Xô. Nga chưa thể trở thành một đối tác hàng đầu đối với những nước thân cận như Trung QuốcẤn Độ, và cũng không phải là đối tác hàng đầu đối với bất cứ một nền kinh tế chủ chốt nào trên thế giới, thậm chí cả các nước thuộc CIS.
  • Nga không có khả năng gây ảnh hưởng lớn trên thế giới về lối sống, văn hóanghệ thuật như dưới thời Liên Xô. Những lãnh thổ mà phần lớn người dân nói tiếng Nga đang nhỏ lại và vị thế của văn hóa và nghệ thuật Nga ở ngoài nước Nga bị sụt giảm.
  • Không tạo dựng được một chính sách hiệu quả trong quan hệ với cộng đồng người Nga ở nước ngoài như cách mà Trung Quốc tạo ra với cộng đồng Hoa kiều cũng như mất ảnh hưởng lên 2 nước láng giềng là GruziaUkraina.
  • Thất bại trên thị trường hợp tác kỹ thuật quân sự với một số khách hàng. Một số khách hàng mua các loại vũ khí của Nga đã từ chối các hợp đồng mua bán và đưa ra lý do trì hoãn.
  • Tỉ lệ tội phạm ở Nga vẫn ở mức rất cao so với mặt bằng chung của châu Âu và thế giới. Theo thống kê của Văn phòng Tội phạm và Ma túy Liên Hợp Quốc, tỉ lệ giết người cố ý ở Nga vào năm 2016 là 10.82/100.000, cao gấp đôi so với Hoa Kỳ (5.8/100.000) và cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình của toàn thế giới (6.2/100.000) [129].
  • Tham nhũng vẫn là vấn đề rất lớn ở Nga. Năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Nga đứng thứ 135/176 trên thế giới về Chỉ số nhận thức tham nhũng. Theo Ngân hàng Thế giới, tham nhũng gây thiệt hại lên tới 50% tổng GDP của Nga [130].
  • Nga hiện là một trong những nước có tỉ lệ tự sát cao nhất thế giới. Theo thống kê của WHO vào năm 2016, tỉ lệ tự tử ở Nga đứng thứ 3 trên toàn cầu (chỉ sau 2 nước là LesothoGuyana), với 26,5 vụ trên 100.000 người [131]. Năm 2012, tỷ lệ tự tử ở tuổi vị thành niên tại Nga cao gấp ba lần mức trung bình của thế giới [132].

Những lời đồn đại liên quan tới Putin

Tài sản

Các trang tin phương Tây như The Guardian và The Sunday Times của Anh nói rằng Tổng thống Vladimir Putin bị cho là cầm đầu một băng đảng, mà tài sản tổng cộng khoảng 130 tỷ USD[133].[134]. Theo một phim tài liệu Đài Truyền hình ARD (Đức), người ta phỏng đoán là của cải của ông mà được đứng tên bởi các tay chân thân cận khoảng 40 tỷ USD, trong đó có một lâu đài bên sườn núi, cạnh một hồ, có đường xe thông qua núi chạy lên đó, tổng cộng cả khu vực tốn khoảng 1 tỷ USD.[135]

Xếp hạng

Xem thêm

Tham khảo

Liên kết ngoài

Tiếng Việt
Tiếng Nga và tiếng Anh
Tiền nhiệm:
Nikolay Kovalev
Giám đốc FSB
1998-1999
Kế nhiệm:
Nikolay Patrushev
Tiền nhiệm:
Sergei Stepashin
Thủ tướng Nga
8 tháng 8 năm 19997 tháng 5 năm 2000
Kế nhiệm:
Mikhail Kasyanov
Tiền nhiệm:
Viktor Zubkov
Thủ tướng Nga
8 tháng 5 năm 20087 tháng 5 năm 2012
Kế nhiệm:
Dmitry Medvedev
Tiền nhiệm:
Boris Yeltsin
Tổng thống Nga
7 tháng 5 năm 20007 tháng 5 năm 2008
Kế nhiệm:
Dmitry Medvedev
Tiền nhiệm:
Dmitry Medvedev
Tổng thống Nga
7 tháng 5 năm 2012Nay
Kế nhiệm:
Đương nhiệm