Xã (Việt Nam)

đơn vị hành chính cấp xã nằm ở khu vực nông thôn, ngoại thành, ngoại thị tại Việt Nam

là tên gọi chung của các đơn vị hành chính thuộc cấp thấp nhất ở khu vực nông thôn, ngoại thành, ngoại thị của Việt Nam hiện nay. Thuật ngữ đơn vị hành chính cấp xã được dùng để chỉ toàn bộ cấp đơn vị hành chính thấp nhất của Việt Nam, nghĩa là bao gồm cả xã, phườngthị trấn. Phân cấp hành chính này có xuất xứ từ Trung Quốc và đã xuất hiện ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Tại Trung Quốc thời xưa, xã được chia theo diện tích, 6 vuông là một xã, hoặc theo hộ khẩu, 25 nhà là một xã.

Quy định trong luật pháp

Phân cấp hành chính Việt Nam theo Hiến pháp 2013
Phần lớn diện tích xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội nằm trong thung lũng ở giữa núi Sócnúi Hàm Lợn

Cấp hành chính

  • Trong Hiến pháp 2013, Chương IX: Chính quyền địa phương[1], Khoản 1 Điều 110 có viết:

1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:

Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Tỉnh chia thành huyện, thị xãthành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;

Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.

Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

  • Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015[2] (sửa đổi, bổ sung 2019[3]), quy định tại Điều 2: Đơn vị hành chính, Chương I: Những quy định chung:

Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

1. Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

2. Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

3. , phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

4. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Như vậy, xã nằm ở cấp hành chính thứ ba trong 3 cấp hành chính (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) của Việt Nam.

Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13[4] của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2016, tại Điều 3, Mục 1: Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính nông thôn, Chương I: Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính thì một xã cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:

Điều 3. Tiêu chuẩn của xã

1. Quy mô dân số:

a) Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên;

b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 8.000 người trở lên.

2. Diện tích tự nhiên:

a) Xã miền núi, vùng cao từ 50 km² trở lên;

b) Xã không thuộc điểm a khoản này từ 30 km² trở lên.

Thống kê

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2009, Việt Nam có 9.121 xã. Đến ngày 1 tháng 5 năm 2024, Việt Nam có 10.595 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.786 phường, 619 thị trấn và 8.192 xã, trong đó có 362 xã thuộc các thành phố trực thuộc tỉnh, 319 xã thuộc các thị xã và 7.511 xã thuộc các huyện.

Tỉnh có nhiều xã nhất là Thanh Hóa với 467 xã, tiếp theo là Nghệ An với 411 xã và Hà Nội với 383 xã. Đà Nẵng có ít xã nhất trong các đơn vị hành chính cấp tỉnh với 11 xã.

Số xã tại các đơn vị hành chính cấp huyện thường biến động từ 10 đến 20 xã. Tuy nhiên, một số huyện có đến hơn 30 xã, chủ yếu là do các đợt chia tách xã sau năm 1945. Hiện nay, tại Việt Nam có 19 huyện có từ 30 xã trở lên, bao gồm:

Tổng số xã của 19 huyện trên là 632 xã, chiếm gần 9% số xã tại các huyện trên cả nước.

Xã có diện tích lớn nhất cả nước hiện nay là xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) với 1.113,79 km², tương đương với diện tích của thành phố Hạ Long (thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước), lớn hơn diện tích tỉnh Bắc Ninh và lớn hơn 70 quốc giavùng lãnh thổ trên thế giới.

Xã có diện tích nhỏ nhất cả nước hiện nay là xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) với 0,46 km², tương đương với diện tích của Thành Vatican (quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới).

Trước năm 2013, xã có diện tích lớn nhất là xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum) với diện tích lên đến 1.565,65 km². Toàn bộ huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum hiện nay khi đó thuộc địa giới hành chính của xã Mô Rai.

Danh sách xã tại Việt Nam

Lịch sử

Xã của Việt Nam Cộng hòa

Dưới thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa kể từ năm 1957 xã được chia thành thôn, dưới thôn là xóm hay còn gọi là "liên gia".

Xã là đơn vị hành chính dưới quận, không phân biệt thành thị hay nông thôn. Thí dụ xã Long Châu thuộc quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long là một xã nằm ngay trung tâm thành phố Vĩnh Long bây giờ. Các xã có mức độ đô thị hóa cao được tách ra để thành lập thị xã và không trực thuộc quận nữa. Chúng được gọi là thị xã tự trị và tương đương cấp tỉnh.

Đứng đầu xã là xã trưởng do quận trưởng bổ nhiệm. Cộng tác với xã trưởng là "hội đồng xã" gồm cảnh sát trưởng, thủ quỹ xã, viên chức hành chánh, và viên chức dân vụ. Hội đồng xã còn giám sát ủy viên y tế của xã. Nhiệm vụ của hội đồng xã và xã trưởng là thi hành và điều chỉnh những sắc lệnh từ cấp trên để hợp với hoàn cảnh của xã[5].

Xã của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Xã (hoặc phường, thị trấn) là đơn vị hành chính cơ sở dưới cấp huyện (Việt Nam). Ở ngoại thị thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã thì gọi là xã, ở nội thị thì gọi là phường; ở các quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì gọi là phường; ở các huyện thì gọi là xã hoặc thị trấn. Đứng đầu xã (phường, thị trấn) là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) do Hội đồng nhân dân xã (phường, thị trấn) bầu ra. Hội đồng nhân dân xã được cử tri trong xã (phường, thị trấn) bầu ra 5 năm một lần, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, dân chủ,trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bên cạnh Chủ tịch, có Phó chủ tịch phụ trách một số việc được giao. Bộ máy làm việc của xã (phường, thị trấn) gồm có các Ban: Công an, Tư pháp, Tài chính, Thương binh - Xã hôi, Văn hóa..., với các Trưởng ban, Phó ban và một số nhân viên (nếu có). Các công chức xã ăn lương theo chế độ bằng cấp và ngạch bậc do Nhà nước quy định. Thuộc cơ quan xã (phường, thị trấn), còn có các tổ chức Hội, Đoàn thể, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy (như Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Khuyến học, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...)

Chú thích

Xem thêm

Liên kết ngoài