Đường Lý Tự Trọng, Thành phố Hồ Chí Minh

con đường tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Đường Lý Tự Trọng là một con đường tại Quận 1, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đi từ ngã sáu Phù Đổng đến đường Tôn Đức Thắng.[1]

Đường Lý Tự Trọng
Tên cũĐường Gia Long
Dài1.830 m (6.000 ft)
Vị tríPhường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Ga tàu điện ngầm gần nhấtGa Nhà hát Thành phố (đang xây dựng)
Tọa độ10°46′27″B 106°42′13″Đ / 10,774118°B 106,703618°Đ / 10.774118; 106.703618
Nút giao
chính
  • Lý Tự Trọng - Đồng Khởi
  • Lý Tự Trọng - Hai Bà Trưng
  • Lý Tự Trọng - Ngã sáu Phù Đổng
  • Lý Tự Trọng - Tôn Đức Thắng
Xây dựng
Hoàn thiện1887; 137 năm trước (1887)

Vị trí

Đường Lý Tự Trọng là tuyến đường một chiều dài 1,83 km, bắt đầu từ ngã sáu Phù Đổng (vòng xoay giao thông nơi giao nhau của 6 tuyến đường: Cách Mạng Tháng Tám, Lý Tự Trọng, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Trãi và Lê Thị Riêng), cắt qua nhiều tuyến đường khác như: Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Chu Mạnh Trinh,... và kết thúc tại đường Tôn Đức Thắng.[1]

Lịch sử

Góc đường De La Grandière và Catinat

Đoạn đường từ ngã sáu Phù Đổng nên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay vốn thuộc con đường thiên lý từ cổng thành Bát Quái đi qua vùng Đề Ngạn (Chợ Lớn) rồi đi về miền Tây Nam Bộ (cùng với đường Nguyễn Trãi). Đoạn còn lại từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến đường Tôn Đức Thắng được làm về sau trên đường hào của thành Bát Quái cũ, tức tòa thành mà vua Minh Mạng đã cho phá vào năm 1835 sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi.[2] Vào năm 1926, khi người ta tiến hành đào móng để xây dựng một tòa nhà tại góc đường De La Grandière và Catinat, vết tích một đoạn tường thành Bát Quái cũ đã phát lộ.[3][4]

Dưới thời Pháp thuộc, ban đầu con đường được đặt là đường số 17. Từ ngày 1 tháng 2 năm 1865, đường được đặt tên là đường Gouverneur (tức đường Thống đốc), do dinh thự đầu tiên của Thống đốc Nam Kỳ nằm trong khuôn viên Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa ngày nay.[5] Ngày 1 tháng 7 năm 1870, chính quyền lại quyết định đổi tên thành đường De La Grandière (rue de la Grandière), theo tên của Thống đốc Nam Kỳ Pierre-Paul de La Grandière.[3][4][6]

Năm 1950, chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại đổi tên đoạn đường từ ngã sáu đến đường Catinat thành đường Gia Long, đoạn còn lại vẫn mang tên De La Grandière. Năm 1955, đoạn đường còn lại cũng được chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi thành đường Gia Long. Năm 1975, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đổi tên đường Gia Long thành đường Lý Tự Trọng như hiện nay.[4]

Chú thích