Giải thưởng Lao động sáng tạo

Lao động sáng tạo là một hình thức khen thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng hàng năm cho các cá nhân là công nhân, viên chức, người lao động có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ và công đoàn, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng chế,...[1] làm lợi cho sản xuất.[2][3][4]

Lao động sáng tạo là một hình thức lao động có sự kết hợp của hoạt động trí óc để suy nghĩ, cải tiến, tìm tòi cái mới, tìm ra cách giải quyết tối ưu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.

Nguồn gốc giải thưởng

Lao động sáng tạo được quy định tại Điều 55, 56 và 57 của Điều lệ sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế ban hành kèm theo Nghị định số 31- CP ngày 23/01/1981 của Hội đồng Chính phủ[1] và Chỉ thị số 20-TTg ngày 23/01/1981 của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Điều lệ số 31-CP[5]. Việc xét, cấp bằng khen và huy hiệu lao động sáng tạo được thực hiện hàng năm tại Quyết định số 337-QĐ/TCĐ ngày 23/6/1982, Quyết định bổ sung số 610-QĐ/TCĐ ngày 02/10/1986 của Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Như vậy, giải thưởng Lao động sáng tạo ra đời từ những năm 1981 của thế kỷ 20.[6][7]

Nội dung, hình thức giải thưởng

Giải thưởng Lao động sáng tạo được xét tặng hàng năm cho cá nhân là công nhân, viên chức, người lao động. Phần thưởng gồm có: Bằng lao động sáng tạo (hoặc Bằng khen), Huy hiệu lao động sáng tạo và tiền thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam[7][8]. Huy hiệu Lao động sáng tạo có cuống hình chữ nhật, nền màu đỏ, viền vàng; treo bên dưới là huy hiệu màu vàng nhạt có hình dạng giống hai hình lục giác xếp chồng lệch nhau, mang dòng chữ “Lao động sáng tạo”, có hình hai bông lúa ôm quyển vở mở, chiếc búa là biểu tượng khoa học kỹ thuật.[6]

Cá nhân được tặng thưởng Lao động sáng tạo là người thực hiện tốt nhiệm vụ của đoàn viên công đoàn và đạt một trong các tiêu chuẩn[3]:

  • Có đề tài khoa học cấp cơ sở, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế (gọi tắt là giải pháp) được ứng dụng vào thực tế sản xuất mang lại giá trị làm lợi từ 80 triệu đồng/giải pháp trở lên hoặc trong 3 năm liên tục có giải pháp, sáng kiến với tổng giá trị làm lợi từ 120 triệu đồng trở lên. Riêng đối với đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, lao động có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên, không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, có từ 1 giải pháp trở lên được áp dụng vào sản xuất mang lại giá trị làm lợi từ 150 triệu đồng trở lên. Đối với đoàn viên là cán bộ lãnh đạo quản lý có từ 1 giải pháp trở lên với tổng giá trị làm lợi từ 200 triệu đồng trở lên hoặc có giải pháp cải tiến quản lý về tổ chức sản xuất áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao được cấp tỉnh, bộ, ngành Trung ương công nhận.[3]
  • Có đề tài khoa học hoặc sáng kiến cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương hoặc cấp Nhà nước nghiệm thu đánh giá xuất sắc và được ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.[3]
  • Có giải pháp công nghệ đạt giải nhất, nhì, ba (hoặc tương đương) trong các cuộc thi từ cấp tỉnh, thành, bộ, ngành trung ương trở lên.[3]

Những kết quả tiêu biểu

  • KTV Phạm Duy,người được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng huy hiệu Lao động sáng tạo vào cuối năm 2020 cho đề tài sáng kiến cấp trung ương
  • PGS Nguyễn Đình Thưởng, người được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng huy hiệu Lao động sáng tạo vào cuối năm 1985 (hoặc đầu năm 1986) cho công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nâng cao hiệu suất trong sản xuất cồn” thực hiện trong thời gian 1980-1985[6].
  • Giai đoạn 2010 - 2015, công nhân, viên chức, lao động Việt Nam có trên 160.000 giải pháp được áp dụng vào thực tiễn sản xuất với tổng giá trị làm lợi gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó: Hà Nội có gần 700 giải pháp, giá trị làm lợi 521 tỷ đồng; Quảng Ninh có hơn 30.000 giải pháp, làm lợi 656 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh có trên 30.000 giải pháp, làm lợi 386 tỷ đồng...[9]

Xem thêm

Bài liên quan

Chú thích