Lương Khắc Ninh

Lương Khắc Ninh (1862-1943), tự là Dũ Thúc, bút hiệu Dị Sử Thị, là một nhân vật hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực văn hóa ở Sài Gòn suốt từ năm 1900 cho đến những năm 1930. Ông là một nhà báo, nhà văn, một người cổ động mạnh mẽ cho thương nghiệp, nhà viết tuồng kiêm bầu gánh hát bội, nghị viên của Hội đồng Tư vấn của Chính phủ Nam Kỳ. Trong lĩnh vực nào ông cũng để lại ảnh hưởng và tiếng tốt.

Thân thế

Lương Khắc Ninh sinh năm 1862, tại làng An Hội, tổng Bảo Hựu, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Cha ông là Lương Khắc Huệ, một nhà Nho và thầy thuốc đông y, mẹ ông là bà Võ Thị Bường; là người làng Bảo An, huyện Điện Bàn (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), di cư vào lập nghiệp ở đây.

Từ nhỏ, được sự giáo dục của cha, ông bắt đầu theo học chữ Nho. Thời thiếu niên của ông, thực dân Pháp đã chiếm hoàn toàn Nam Kỳ, vì vậy, năm 1876, ông bắt đầu chuyển sang học chữ quốc ngữchữ Pháp tại trường tỉnh theo chương trình giáo dục cưỡng bức của người Pháp.

Hoạt động chính trị và báo chí

Ông tốt nghiệp trung học tại trường Le Myre De Vilers (Mỹ Tho), rồi làm việc tại sở Thương chánh Bến Tre từ năm 1880 đến năm 1883. Năm 1889, ông làm thông ngôn tại tòa án Bến Tre, từng làm thành viên Hội đồng quản hạt Bến Tre. Năm 1900, ông bỏ lên Sài Gòn viết báo. Năm 1901, ông làm chủ bút cho tờ Nông cổ mín đàm, được xem là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng Quốc ngữ tại Việt Nam.

Năm 1902, ông đắc cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, năm 1906 ông được bổ nhiệm làm thành viên của Hội đồng Tư vấn Đông Dương. Người thay thế ông làm chủ bút Nông cổ mín đàmTrần Chánh Chiếu. Năm 1905, ông thành lập gánh hát bội Châu Luân ban ở Sài Gòn.

Tuy là người có danh tiếng, từng làm nghị viên hội đồng nên người đương thời gọi ông là Hội đồng Ninh, tuy vậy hoạt động chính của ông vẫn là trong ngành báo chí hơn là chính trị. Tháng 10 năm 1908, ông làm chủ bút tờ Lục tỉnh tân văn từ số 51, thay cho khi chủ bút trước là Trần Chánh Chiếu bị chính quyền thuộc địa Pháp bắt.

Ảnh hưởng

Thông qua mục Thương cổ luận (Bàn luận về nghề buôn bán) trên Nông cổ mín đàm, Lương Khắc Ninh chủ trương cổ động mạnh mẽ cho việc phát triển nghề nông và kêu gọi thành lập những công ty thương nghiệp để thoát ra khỏi sự bóc lột trên thương trường của người Hoa kiều. Ông có cái nhìn khá sáng suốt về nguyên nhân nghèo khó của người Việt và của Việt Nam lúc đó. Một số học giả đánh giá lời kêu gọi của ông đến nay vẫn còn giá trị.[1] Ngay từ số đầu tiên, mục Thương cổ luận đã tuyên chiến với quan niệm cũ bằng lời khẳng định: Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường.

Đi ngược lại truyền thống tự tôn của giới trí thức Nho học, Lương Khắc Ninh, một trí thức xuất thân từ Nho học và Tây học, đã không ngần ngại phơi bày và phân tích, mổ xẻ trên báo chí những thói hư tật xấu của người Việt, cả trong tư duy lẫn trong hành xử, không chỉ riêng trong lĩnh vực thương nghiệp như: tham lợi vô cớ, ham cờ bạc để mong giàu nhanh chóng (Nông cổ mín đàm, số 8); chỉ thích dùng hàng ngoại quốc, không giữ chữ tín (số 15); lãng phí thời gian, quanh năm chỉ biết một nghề làm nông (số 51); dễ làm khó bỏ, thiếu kiên nhẫn (số 53); vừa giàu có đã vội khinh miệt kẻ nghèo hèn (số 54)... Mục đích tối thượng không phải để khinh miệt, chối bỏ, mà để chỉ ra những lực cản hữu hình và vô hình đã và đang ngăn trở dân tộc mình dấn bước trên con đường canh tân để cho dân phú quốc cường.[1]

Trong lĩnh vực văn hóa truyền thống, Lương Khắc Ninh cũng chủ trương cải lương, đổi mới để giữ gìn bản sắc đồng thời cũng giao lưu với bên ngoài. Trong buổi diễn thuyết ngày 28 tháng 3 năm 1917 tại nhà Hội Khuyến học Sài Gòn về "Hí nghệ cải lương", khi ông Diệp Văn Kỳ chất vấn: "Trong cuộc hát phải có nhạc, mà nhạc An Nam còn phải sửa, vậy ai là ông nhạc sư mà sửa nhạc?", ông đã trả lời: "Nói qua nhạc thì xin bãi nhạc đi. Đây tôi tính hát tiếng thường, không nam, không khách gì nên không kể đến nhạc. Hát tuồng diễn mà răn đời thôi"[2].

Nhà văn Sơn Nam cũng viết về sự kiện này:

Năm 1922, ông dẫn đầu một đoàn hát bội sang lưu diễn tại Pháp nhân có hội chợ đấu xảo tại Marseille. Tại đây, ông đã nhiều lần tiếp xúc và trao đổi về quan điểm, đường lối cứu nước với chí sĩ Phan Châu Trinh và tỏ ra rất kính trọng và khâm phục tài năng chí sĩ họ Phan trong đường lối giành độc lập dân tộc. Cũng tại Pháp, ông từng viết một bức thư gửi vua Khải Định, bấy giờ cũng đang ở Pháp, khuyên vua nên tiếp thu và thực thi quan điểm của Phan Châu Trinh.

Sau khi ở Pháp về, ông vẫn tiếp tục cộng tác với các báo ở Sài Gòn và thường đi diễn thuyết ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho cổ động cho phong trào duy tân tự cường.

Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 1943, hưởng thọ 81 tuổi.

Xem thêm

Chú thích

Liên kết ngoài