Luise xứ Baden

Đại Công nữ Baden, Hoàng hậu Nga

Luise xứ Baden (tiếng Đức: Luise von Baden; tiếng Nga: Луиза Баденская; tiếng Anh: Louise of Baden; tên đầy đủ: Luise Marie Auguste; 24 tháng 1, năm 177916 tháng 5, năm 1826)[1][2][3] còn được biết đến ở Nga với cái tên là Yelizaveta Alekseevna (Tiếng Nga: Елизавета Алексеевна; tiếng Đức: Elisabeth Alexejewna; tiếng Anh: Elizabeth Alexeievna) là Đại Công nữ Baden, Hoàng hậu Đế quốc Nga với tư cách là vợ của Hoàng đế Aleksandr I của Nga.[4]

Luise xứ Baden
Luise von Baden
Елизавета Алексеевна
Yelizaveta Alekseevna
Chân dung bởi Élisabeth Vigée Le Brun năm 1795. Luise xứ Baden đã gửi tặng bức chân dung này cho mẹ.
Hoàng hậu Nga
Tại vị24 tháng 3 năm 18011 tháng 12 năm 1825
(24 năm, 252 ngày)
Đăng quang15 tháng 9 năm 1801
Tiền nhiệmSophie Dorothee xứ Württemberg
Kế nhiệmCharotte của Phổ
Hoàng thái hậu Nga
Tại vị1 tháng 12 năm 182516 tháng 5 năm 1826
(166 ngày)
Cùng lúc vớiSophie Dorothee xứ Württemberg
Hoàng thái tử phi Nga
Tại vị5 tháng 4 năm 1797 – 12 tháng 3 năm 1801
(3 năm, 341 ngày)
Tiền nhiệmSophie Dorothee xứ Württemberg
Kế nhiệmJuliane xứ Sachsen-Coburg-Saalfeld
Thông tin chung
Sinh(1779-01-24)24 tháng 1, 1779
Karlsruhe, Baden
Mất16 tháng 5, 1826(1826-05-16) (47 tuổi)
Belyov, Đế quốc Nga
Phối ngẫuAleksandr I của Nga Vua hoặc hoàng đế
Hậu duệMariya Aleksandrovna của Nga
Yelizaveta Aleksandrovna của Nga
Tên đầy đủ
Luise Marie Auguste
Gia tộcNhà Zähringen
Nhà Romanov (hôn nhân)
Thân phụKarl Ludwig xứ Baden
Thân mẫuAmalie xứ Hessen-Darmstadt
Tôn giáoChính thống giáo Nga
Trước là Giáo hội Luther

Đại Công nữ Baden

Chân dung Luise xứ Baden năm 1791.

Luise xứ Baden sinh ở Karlsruhe, vào ngày 24 tháng 1 năm 1779 (theo lịch cũ là 13 tháng 1), tên đầy đủ là Luise Marie Auguste, là một Đại công nữ của Đại công quốc Baden thuộc Gia tộc Zähringen. Luise là con thứ ba trong tổng số bảy người con của Karl Ludwig xứ Baden và Amalie xứ Hesse-Darmstadt. Ông bà nội của Luise là Karl Friedrich xứ BadenKaroline Luise xứ Hessen-Darmstadt. Ông bà ngoại của Luise là Ludwig IX xứ Hessen-Darmstadt và Karoline xứ Pfalz-Zweibrücken. Khi chào đời, Luise rất bé và các bác sĩ sợ rằng Đại Công nữ sẽ không thể sống sót.

Luise xứ Baden lớn lên trong một gia đình ấm áp và gần gũi.[5] Đại Công nữ gắn bó đặc biệt với người mẹ và liên tục duy trì việc trao đổi thư từ cho đến khi qua đời. Luise được tiếp nhận một nền giáo dục xuất chúng ở triều đình Baden. Đại Công nữ có thể đọc và viết tiếng Pháp và Đức, được học về lịch sử, địa lý, triết học, văn học Pháp và Đức, và nhờ sựa gần gũi về mặt địa lý giữa Baden và Pháp, Luise đã trở nên quen thuộc với những khác biệt về văn hóa ở Paris.[6] Khi mới 12 tưổi, một cuộc sắp xếp hôn nhân diễn ra đã quyết định cuộc đời của Đại Công nữ. Nữ hoàng Nga Yekaterina II đang tìm kiếm người vợ cho đứa cháu lớn là Aleksandr (sau là Hoàng đế Nga), bấy giờ được 13 tuổi, và đã để mắt tới hai cô con gái của Karl Ludwig xứ Baden và Amalie xứ Hesse-Darmstadt để kết hôn với Aleksandr là Luise và Friederike xứ Baden.[7][8] Một gia sư của Aleksandr đã nhận định về Luise như sau: "Kể cả khi Đại Công nữ sẽ chưa được 14 tuổi cho đến tháng 1 năm 1793, đức nữ có khí chất vương giả và ưa nhìn. Đại Công nữ có vóc dáng cao ráo. Có một điều đặc biệt quyến rũ ở cách ngài ấy cử đi và đi đứng... Mọi thứ đại công nữ làm đều toát lên sự khiêm tốn tuyệt vời. Tôi mạo hiểm dự đoán rằng, trong vài năm nữa, khi đại công nữ trường thành, ngài sẽ là một tuyệt sắc giai nhân."[a][9] Sau khi nhận được cảm tình gây ấn tượng sâu sắc, Yekaterina II mời Luise và người em gái Friederike đến Nga. Vào mùa thu năm 1792, hai chị em được đưa đến kinh đô Sankt-Peterburg.[5]

Nữ hoàng Yekaterina II rất có cảm tình với Luise, nhận định rằng Luise là hình mẫu của sắc đẹp, sự quyến rũ và chân thật, ban cho Đại Công nữ những gian phòng sang trọng không giống với những gì Luise từng biết và thể hiện thiện cảm với cháu dâu tương lai của mình. Yekaterina II đã viết cho người bạn Grimm rằng: "Giọng nói con bé có thể đi vào trái tim của ngươi.[b][5] Luise và Aleksandr gặp nhau lần đầu vào ngày 14 tháng 11. Lúc đầu, Aleksandr còn ngại ngùng với người vợ tương lai của mình, không biết đối xử với Luise như thế nào và làm Luise hiểu nhầm rằng bản thân không thích Đại Công nữ. Một cận thần đã ghi lại trong nhật ký rằng: "Ngài Đại vương công đối xử với Đại Công nữ rất dè đặt."[c] Trong khi đó, Luise tham thở rằng: "Chàng chẳng đến gần con, và nhìn chằm chằm vào con với thái độ không thân thiện."[d] Nhưng cuối cùng tình cảm của cặp đôi trẻ chẳng mấy trốc đã nồng nàn và dần trở thành tình yêu.

Ngày càng bị Luise chinh phục, Aleksandr đã đồng ý mối hôn sự. Nữ hoàng Yekaterina II đã gửi thư đến Phiên Hầu tước xứ Baden, đề nghị cho phép Luise và Aleksandr kết hôn. Sau khi có được sự chấp thuận, Yekaterina II đã cho phép cháu trai hôn nàng dâu tương lai lần đầu vào dịp Lễ Tạ Ơn.[7] Tháng 5 năm 1793, Luise và Aleksandr đính hôn.[5] Nữ hoàng Yekaterina đã nhận xét về cặp đôi trẻ rằng: "Những đứa trẻ dấu yêu ấy trông thật hạnh phúc tựa như thiên thần".[e][10] Trong một bức thư được viết vào mùa hè năm 1793 mà Luise gửi cho Aleksandr có viết rằng:

Hôn lễ của Đại Công nữ Luise xứ Baden và Đại vương công Aleksandr của Nga.

Ngày 2 tháng 6 năm 1793, Luise cải đạo sang Chính Thống giáo Nga, được ban tước hiệu [Đại vương công phu nhân Nga và đổi tên thành Yelizaveta Alekseevna.[7] Ngày 28 tháng 9 năm 1793, trong chiếc váy màu bạc cùng với Huân chương Thánh Andrey được làm từ kim cương đính trên ngực, Luise chính thức gả cho Aleksandr. Hai mươi mốt phát đại bác được bắn qua sông Neva để mừng lễ cưới của Luise và Aleksandr. "Đó chính là đám cưới giữa Psyche và Cupid",[g] Nữ hoàng Yekaterina II viết thư gửi cho Thân vương xứ Ligne. Luise lúc này 14 tuổi còn Aleksandr 15 tuổi.[5]

Đại vương công phu nhân Nga

Luise xứ Baden, Đại vương công phu nhân Yelizaveta Alekseevna, chân dung bởi Jean-Laurent Mosnier.
Aleksandr và Luise.

Kết hôn ở độ tuổi còn rất trẻ, cùng với bản tính nhút nhát và ngây thơ, Luise không hề được chuẩn bị kỹ càng cho vai trò mới ở Nga. Luise còn bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng của triều đình Nga và hoảng sợ trước những âm mưu xấu xa và toan tính lạnh lùng. Tại gia đình, Luise được dạy rằng phải trân trọng hôn nhân như một thể chế thiêng liêng. Vì vậy, Đại vương công phu nhân kinh hoàng trước những mối quan hệ nhục dục xung quanh bản thân tại triều đình khi ngoại tình là một điều được chấp nhận như một hình thức giải trí. Chính Nữ hoàng Yekaterina II đã tạo nên tiền lệ cho lối sống phóng đãng tại triều đình Nga.[12] Thậm chí tình nhân của Nữ hoàng, Platon Zubov, cũng cố gắng quyến rũ Luise.[13]

Chân dung Luise xứ Baden, Đại vương công Yelizaveta Alekseevna của Nga năm 1795.

Trước tình cảnh làm dâu nước Nga, Luise cảm thấy cô đơn, đặc biệt là sau khi em gái Friederike trở về Baden.[14] Luise bị bỏ mặc trong một thế giới xa lạ và không thể là chính mình, kể cả khi chỉ có các người hầu và thị tùng. Tình yêu của Aleksandr là nguồn ai ủi duy nhất của Luise. "Không có chồng của con, người duy nhất khiến con hạnh phúc, con đã chết đi cả ngàn lần."[h] Luise viết thư gửi mẹ trong chưa đầy sáu tháng kể từ khi làm dâu nước Nga.[12] Thế nhưng Aleksandr không thể trở thành chỗ dựa tâm lý cho nàng dâu trẻ của mình, vì như Luise, Aleksandr cũng vẫn là một đứa trẻ.[15] Aleksandr thường bày tỏ ý định từ bỏ ngai vàng và sống thầm lặng với vợ tại một căn nhà gỗ ở khu vực sông Rhein, nhưng bạn bè của Đại vương công từ bỏ ý định đó, ít nhất là cho đến khi Aleksandr mang đến "tự do" cho nước Nga, đưa nước Nga đến thời đại của luật pháp và công lý.[16]

Khoảng thời gian đầu hôn nhân của Luise và chồng tương đối hạnh phúc. Thế nhưng Luise và Aleksandr, thiếu kinh nghiệm và chỉ mới dây thì, gặp khó khăn trong việc biến đổi tình cảm cả hai dành cho nhau thành tình cảm vợ chồng.[17] Sau khi Yekaterina II qua đời vào năm 1796, cha chồng của Luise trở thành Hoàng đế nước Nga với trị hiệu Pavel I. Dưới thời cai trị của cha chồng, Luise tránh xuất hiện tại triều đình của Pavel I.[16] Trong một bức thư gửi mẹ, Đại vương công phu nhân thể hiện sự chán ghét cha chồng và bất mãn với sự bất công trong chính quyền của Pavel I và tính cách của Pavel I.[18]

Bản in Luise xứ Baden, Đại vương công phu nhân Yelizaveta Alekseevna với Aleksandr tại Đại hội Viên năm 1814 Cliché (Huy chương được làm bởi Leopold Heuberger).

Chồng thờ ơ, em gái phải về Karlsruhe Luise càng ngày cảm thấy cô đơn. Vì thế Đại vương công phu nhân tìm kiếm sự an ủi từ một người khác. Lúc đầu Luise tìm kiếm chỗ dựa tinh thần thông qua tình bạn thân thiết nhưng mơ hồ với Bá tước phu nhân Varvara Golovina xinh đẹp, không loại trừ việc mối quan hệ có thể không đơn thuần là tình bạn. Những bức thư mang tính nhục cảm và gợi tình mà Luise gửi cho Varvara dừng lại vào mùa thu năm 1795 mà không rõ lý do. Mối quan hệ giữa Luise và Varvara sau này bình ổn hơn và cả hai vẫn là những người bạn thân thiết.[17] Sau đó, tầm cuối năm 1796 hoặc đầu năm 1797, Luise bắt đầu có mối quan hệ tình ái với bạn thân của chồng là Adam Jerzy Czartoryski, chàng Thân vương điển trai và thông minh người Ba Lan.[19] Mối quan hệ giữa Luise và Adam kéo dài ba năm.

Sau hơn năm năm kể từ khi kết hôn, Luise đã hạ sinh một người con gái là Mariya Aleksandrovna vào ngày 29 tháng 5 năm 1799. Trong triều đình, một số người cho rằng đứa trẻ là con gái của Thân vương người Ba Lan. Mariya Aleksandrovna có mái tóc đen và màu mắt tối màu. Tại lễ rửa tội, Hoàng đế Pavel I đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng đứa con của một cặp vợ chồng tóc vàng mắt xanh lam lại có màu tóc đen. Mariya Aleksandrovna không sống được lâu và người tình của Luise qua đời không lâu sau đó sau khi được cử đi thực hiện một nhiệm vụ ngoại giao. Ngày 27 háng 7 năm 1800, Luise viết cho mẹ rằng: "Vào lúc sáng nay, con không còn con gái nữa, con bé đã chết. Không một giờ phút nào trong ngày mà con không nghĩ đến con bé, và chắc chắn không ngày nào mà con không khóc vì con gái con. Sẽ mãi là như thế chừng nào con còn sống, kể cả khi con hạ sinh được hai chục đứa trẻ khác."[i][20]

Hoàng hậu Đế quốc Nga

Chân dung Luise xứ Baden, Hoàng hậu Yelizaveta Alekseevna của Nga.

Tính cách lập dị của Pavel I của Nga đã dẫn đến một cuộc đảo chính Pavel I nhằm đưa Aleksandr lên ngai vàng Nga. Vào đêm cha chồng bị ám sát, Luise động viên chồng vượt qua nỗi ám ảnh về việc Pavel I bị ám sát và tận tâm phục vụ nước Nga.[16] Trong một lá thư gửi mẹ, Luise đã viết rằng: "Đại vương công Aleksandr, giờ đây là Hoàng đế Nga, vô cùng đau khổ về cái chết của cha, về cách thức mà ông ấy qua đời, tâm hồn nhạy cảm của chàng sẽ luôn bị giằng xé."[j][21]

Lễ đăng cơ của Aleksandr I của Nga và Luise xứ Baden.

Ngày 15 tháng 9 năm 1801, Luise cùng Aleksandr I đăng cơ tại Thánh đường Uspenskii trong sự hò reo của dân chúng. Đấy là một ngày đẹp trời, với bầu trời tỏa nắng và thời tiết ấm áp, người dân Moskva đã chứng kiến một chàng Hoàng tử điển trai trở thành Hoàng đế Nga, và bên cạnh ngài là Đức Hoàng hậu rất đỗi xinh đẹp.[22]

Với tư cách là Hoàng hậu, Luise tham dự vào đời sống cung đình cũng như các nhiệm vụ đại diện cho Hoàng thất, thế nhưng người phụ nữ có địa vị tôn quý nhất Đế quốc Nga, cũng như là nhân vật quyền lực của đế quốc lại là Sophie Dorothee xứ Württemberg, Hoàng thái hậu Mariya Fyodorovna, mẹ chồng của Luise. Hoàng đế Aleksandr I đã quyết định ban cho mẹ mình những đặc quyền và vinh danh chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nga. Sophie Dorothee thường khoác tay Hoàng đế trong các nghi lễ long trọng, trong khi Luise, với cương vị là Hoàng hậu Nga, lại phải đi phía sau. Từ đó, truyền thống một thái hậu được ưu tiên và có địa vị ưu việt hơn đương kim quốc hậu ở triều đình Nga được thiết lập, bắt đầu từ Sophie Dorothee và là điều khác biệt đối ở triều đình Nga.[k][23]

Trước mặt công chúng, Aleksandr I luôn thể hiện tình cảm với vợ, cho công chúng thấy hai người có một cuộc hôn nhân hòa thuận.[24] Mặt khác, hai vợ chồng duy trì một lối sống đơn giản tại triều đình và chỉ ăn mặc sang trọng đúng với địa vị trong những ngày lễ hội và Chủ nhật và cùng dùng bữa tối sau khi trở về từ Thánh Lễ, tránh xa các cận thần.[25] Luise được cho là quá mềm yếu và ôn hòa để có thể níu giữ một người đàn ông luôn bồn chồn với tâm hồn bị tra tấn như Aleksandr I.[26] Nhưng trên thực tế, cuộc hôn nhân giữa hai người đã trở nên căng thẳng từ năm 1796, và tệ hơn nữa vào khoảng năm 1800 và 1801.[24] Năm 1803, Aleksandr I bắt đầu mối quan hệ tình ái kéo dài hai thập kỷ với Maria Czetwertyńska-Światopełk, vợ của Thân vương Dmitri Naryshkin. Mariya Naryshkina đã khoe khoang về mối quan hệ của mình với Hoàng đế với thái độ trắng trợn và nhạt nhẽo. Thậm chí, trong một lần được Luise hỏi thăm sức khỏe, Mariya đã trả lời rằng: "Thần nghĩ mình đang mang thai."[l] trước mặt các triều thần. Luise đã than thở với mẹ rằng bản thân "không thể không biết cô ta có thể bằng cách nào."[m][27][28] Mariya sinh cho Aleksandr I ba người con ngoại hôn là Aglaida Dmitriyevna Naryshkina (qua đời năm 1810), Sofya Dmitriyevna Naryshkina (qua đời ở tuổi 17, một ngày trước khi kết hôn với Andrey Shuvalov) và Emmanuil Dmitriyevich Naryshkin (hậu duệ của Emmanuil từng phục vụ cho Nikolai II của Nga).[26]

Hoàng hậu Yelizaveta Alekseevna được thờ kính (1813) bởi Józef Oleszkiewicz: National Museum ở Warszawa
Chan dung Luise xứ Baden, Hoàng hậu Yelizaveta Alekseevna (1805) bởi Jean-Laurent Mosnier: Bảo tàng Quốc gia của Nghệ thuật Tuyệt đẹp Chelyabinsk.

Về phần Luise, Hoàng hậu tìm thấy niềm an ủi nơi người tình Adam Czartoryski, người đã trở về Nga kể từ khi Aleksandr I lên ngôi. Mối quan hệ kết thúc khi Luise bắt đầu mối quan hệ với một chàng tham mưu trưởng đẹp trai là Aleksey Okhotnikov. tất cả thư từ giữa Luise và Aleksey Okhotnikov, và một vài cuốn nhật ký của Luise đã bị em chồng là Nikolai I của Nga cho tiêu hủy sau khi Luise qua đời.

Mối quan hệ với Aleksey Okhotnikov có một kết thúc tồi tệ. Chàng tham mưu trưởng phải vật lộn với bệnh lao, dẫn đến sức khỏe yếu dần và qua đời năm 1807. Có tin đồn rằng Aleksandr I của Nga và em trai Konstantin Pavlovich đã hạ lệnh giết chết Aleksey Okhotnikov. Vào đầu thế kỷ 20, Đại vương công Nikolay Mikhaylovich của Nga đã biến những tin đồn này thành một truyền thuyết chi tiết cho cuốn tiểu sử về Luise của mình, mặc dù chương liên quan đến Aleksey Okhotnikov không được xuất bản vào thời điểm đó do sự can thiệp cá nhân của Nikolai II của Nga, và cũng do nhiều nghiên cứu khác của Nikolay Mikhaylovich tại thời điểm đó.

Luise xứ Baden, Hoàng hậu Nga.

Ngày 16 tháng 11 năm 1806, Luise hạ sinh người con gái thứ hai. Có tin đồn rằng đứa trẻ mới sinh Yelizaveta Aleksandrovna không phải là con gái Hoàng đế mà bởi người tình Aleksey Okhotnikov. Sau cái chết của người tình, Luise cảm thấy bị bỏ rơi hơn bao giờ hết và dành hết tình yêu thương vào người con gái Yelizaveta Aleksandrovna, gọi thân mật là "Lisinka". Nhưng mười lăm tháng sau, Hoàng nữ đã qua đời vì bị nhiễm trùng do mọc răng. Luise đã viết cho mẹ của mình rằng:"Giờ đây, con không còn sức để tốt bụng với bất cứ điều gì trên thế giới này nữa, linh hồn con không còn sức mạnh để phục hồi từ cú sốc này."[n][29]

Cái chết của con gái đã giúp hai vợ chồng gần nhau hơn trong khoảng thời gian ngắn. Dù Luise lúc bấy giờ chưa đến 30 tuổi, nhưng cả Luise và Aleksandr I đều không trông mong gì về một gia đình và cũng không có con nữa.

Trong thời kỳ Chiến tranh Napoléon, Luise là nguồn động viên đáng tin cậy về chính sách chính trị của Aleksandr I như Luise vẫn hay làm trong các xung đột cá nhân và chính trị khác.[26] Sau khi Napoléon Bonaparte thất thế, Luise cùng chồng và các vị quân chủ châu Âu hội ngộ tại Đại hội Viên năm 1814, nơi Luise gặp lại người tình cũ Adam Jerzy Czartoryski. Adam vẫn còn yêu say đắm Luise và bỏ qua mối tình với Aleksey Okhotnikov của Hoàng hậu và hai người hàn gắn mối quan hệ. Tuy nhiên mối quan hệ lần này kéo dài không được bao lâu.

Tính cách và ngoại hình

Luise xứ Baden, Hoàng hậu Yelizaveta Alekseevna, chân dung bởi Vladimir Borovikovsky, năm 1813. Nhà thơ nguòi Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin đã thể hiện tấm lòng đến Hoàng hậu Nga thông qua câu thơ sau:"Tôi không được sinh ra để làm hài lòng Sa hoàng" (я не рожден царей забавить...)

Luise xứ Baden được chú ý bởi giọng nói nhẹ ngàng và du dương cùng với gương mặt hình trái xoan với đường nét thanh tú. Trong một lần vẽ chân dung cho Luise sau khi kết hôn được vài tháng, nữ họa sĩ người Pháp Élisabeth Vigée Le Brun đã nhận xét rằng:

Theo ghi nhận từ Rosenweig, Bộ trưởng Sachsen, Luise được miêu tả như sau:

Với đường nét thanh lịch, phong thái vương giả và gương mặt tựa thiên thần,[26] Luise xứ Baden được nhìn nhận là một trong những người phụ nữ xinh đẹp nhất và chắc chắn là vị phối ngẫu quốc chủ đẹp nhất đương thời. Quyến rũ, hào phóng và thông tuệ, Luise có một sự yêu thích đối với văn học và nghệ thuật. Luise được học về âm nhạc bởi Ludwig-Wilhelm Tepper de Ferguson (1768–sau 1824). Tuy nhiên, Luise lại có bản tính nhút nhát, dè dặt khiến bản thân Hoàng hậu không được yêu mến được với triều đình Nga cũng như nhà chồng. Luise ưa thích sự đơn giản và ít người hơn là sự xa hoa và lễ nghi của triều đình Nga.

Hôn nhân cũng không khiến Luise có được hạnh phúc trong cuộc sống. Dù yêu thương và ủng hộ Aleksandr I trong nhiều xung đột cá nhân và chính trị, Aleksandr lại thờ ơ với vợ. Mối quan hệ giữa hai vợ chồng tuy hòa thuận nhưng lại nhạt nhòa về mặt cảm xúc, và cả hai vợ chồng đều có những mối quan hệ ngoài luồng.

Những năm sau này và qua đời

Bức nhân dung nhỏ của Luise xứ Baden, Hoàng hậu Yelizaveta Alekseevna trong những năm sau này (họa sĩ vô danh, năm 1810)

Khi độ 40 tuổi, Luise đã từ bỏ mọi khao khát lãng mạn. Aleksandr I cũng có những thay đổi cá nhân khiến hai vợ chồng gần nhau hơn. Năm 1818, Aleksandr I đắm chìm trong chủ nghĩa tôn giáo thần bí và từ bỏ mối quan hệ lâu dài với người tình Mariya Naryshkina. Kể từ đó, hai vợ chồng dành nhiều thời gian cho nhau hơn.[32][33] Luise vô cùng đồng cảm với chồng và động viên Aleksandr I khi người con ngoại hôn yêu dấu Sofya của chồng qua đời. Sự hòa hợp giữa hai vợ chồng đế hậu đã khiến cho mọi người ngạc nhiên. Luise đã viết cho mẹ rằng: "Có lúc con nghĩ mình là tình nhân của Aleksandr, hay như thể là chúng con đã kết hôn một cách bí mật..."[q][34]

Cho đến năm 1825, sức khỏe của Luise trở nên suy yếu bởi bệnh viêm phổi và suy nhược. Các bác sĩ đã đề nghị Hoàng hậu nghỉ ngơi tại nơi có khí hậu ôn hòa như thành phố Taganrog ở phía Nam bên vùng biển Biển Azov. Không ở trong cung điện tiện nghi, hai vợ chồng đế hậu sống một cuộc sống hạnh phúc trong sự giản dị và gần gũi tại một ngôi nhà ở Taganrog cho đến ngày 5 tháng 10. Bác sĩ của hai vị đế hậu đã viết rằng: "Cả hộ gia rất vui mừng khi thấy họ vô cùng hạnh phúc bên nhau."[r][35]

Thái hậu Yelizaveta Alekseevna trong tang phục.

Sử dụng Taganrog làm căn cứ, Aleksandr I đã thực hiện một chuyến du hành khắp Don Cossack và Krym. Ngày 17 tháng 11 năm 1825, Aleksandr I trở về Taganrog sau khi đến thăm Krym. Thế nhưng Hoàng đế đã mắc phải một cơn cảm lạnh, tiến triển thành cơn sốt kéo dài. Ngày 26 tháng 11 năm 1825, Aleksandr I và Luise dành khoảng thời gian dài để ở riêng với nhau. Luise sau đó đã viết cho mẹ rằng: "Một người có thể tìm được một chốn nương tựa ở nơi đâu?"[s] và "một thử thách mới và bất ngờ" đã ập xuống và gây cản trở cho những dự tính hoàn hảo. Những dự tính mà Aleksandr I kể cho Luise vẫn chưa được biết đến cho đến ngày nay. Chưa đầy một tuần sau, lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 1 tháng 12 năm 1825, Hoàng đế Aleksandr I qua đời. Tin tức về sự qua đời của Aleksandr I mất tám ngày để đến được Sankt-Peterburg.[36]Đau khổ vì chồng qua đời, Luise đã viết thư gửi mẹ rằng: "Con không thể hiểu nổi mình, con không thể hiểu được số phận của chính con... Con phải làm gì với chính mình, khi hoàn toàn lệ thuộc vào chàng, cả cuộc đời con, đã dâng hiến cho chàng?"[t][37]

Tấm thảm nơi Luise xứ Baden đứng cầu nguyên sau khi Aleksandr I của Nga qua đời tại cung điện Aleksandi I ở Taganrog với dòng chữ "Chúa Phù hộ Nơi bạn Cầu nguyện. 1826!"

Ba ngày sau khi chồng qua đời, Luise đã viết cho mẹ rằng: "Không cần quá lo lắng cho con, nhưng nếu muốn, con sẽ theo chàng, người đã là cả cuộc đời của con."[u][38]

Trở thành Hoàng thái hậu, Luise trở nên quá yếu để đến Sankt-Peterburg để dự tang lễ. Khi Luise bắt đầu hành trình đến thủ đô, Luise đã bị ốm tới mức phải dừng chân ở Belyov, tỉnh Tula. Rạng sáng ngày 16 tháng 5 năm 1826, ở Kaluga khoảng 4 giờ 30 phút sáng, khi thị tùng đến kiểm tra Luise thì đã phát hiện Luise đã qua đời vì bị suy tim, chỉ vài giờ trước khi có thể gặp mẹ chồng là Sophie Dorothee xứ Württemberg, Hoàng thái hậu Mariya Fyodorovna, người đang đi về phía nam để gặp con dâu.[38]

Con cái

Luise xứ Baden và Aleksandr I của Nga có hai người con gái. Tuy nhiên hai vị Hoàng nữ đều qua đời khi còn nhỏ, điều này góp phần khiến hai vợ chồng gần nhau hơn trong thời gian ngắn:[26]

  • Mariya Aleksandrovna của Nga (Sankt-Petersburg, 29 tháng 5 năm 1799 – Sankt-Petersburg, 8 tháng 7 năm 1800).
  • Yelizaveta Aleksandrovna của Nga (Sankt-Petersburg, 15 tháng 11 năm 1806 – Sankt-Petersburg, 12 tháng 5 năm 1808).

Tổ tiên

Ghi chú

Chú thích

Nguồn tài liệu

Luise xứ Baden
Sinh: 24 tháng 1, năm 1779 Mất: 16 tháng 5, năm 1826
Hoàng thất Nga
Tiền nhiệm
Sophie Dorothee xứ Württemberg
Hoàng hậu Đế quốc Nga
1801–1825
Kế nhiệm
Charlotte của Phổ