Ngô Minh Hiếu

chuyên gia an ninh mạng người Việt Nam

Ngô Minh Hiếu (còn được gọi là Hiếu PC, sinh ngày 8 tháng 10 năm 1989) là một chuyên gia về an toàn thông tin người Việt Nam, từng là một hacker nhận 13 năm tù vì tội đánh cắp và bán thông tin cá nhân của hơn 200 triệu người Mỹ.[2][3] Sau khi trở về Việt Nam, anh trở thành chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC).[4][5] Hiện nay, anh là người vận hành dự án Chống Lừa Đảo do anh cùng các đồng sự sáng lập vào cuối năm 2020, đồng thời là giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo.[6]

Ngô Minh Hiếu
Sinh8 tháng 10, 1989 (34 tuổi)
Gia Lai, Việt Nam
Quốc tịch Việt Nam
Tên khácHieuPC/Hiếu PC[1]
Dân tộcKinh
Trường lớpTrường Đại học Khoa học Tự nhiên
Nghề nghiệpChuyên gia an ninh mạng
Tổ chứcTrung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia
Nổi tiếng vìÁn tù 13 năm tại Mỹ vì đánh cắp thông tin người dùng[2]
Quê quánGia Lai

Tiểu sử

Ngô Minh Hiếu sinh ngày 8 tháng 10 năm 1989 tại Gia Lai, Việt Nam. Năm 19 tuổi, anh đến New Zealand để theo học tại Học viện Công nghệ Unitec ở Auckland nhưng đã về nước chỉ 1 năm sau đó vì liên quan đến các vụ lừa đảo tại nước này. Sau khi về lại Việt Nam vào năm 2009, Hiếu nộp hồ sơ vào hệ tài năng của trường Đại học Khoa học Tự nhiên và theo học tại trường 2 năm trước khi thôi học.[7] Năm 2013, anh bị đặc vụ Mỹ bắt giữ với tội danh liên quan đến buôn bán thông tin người dùng.[8] Đến năm 2015, anh chính thức bị kết án 13 năm tù liên bang.[9] Tuy nhiên, anh được trả tự do sớm hơn dự kiến và trở về Việt Nam vào ngày 4 tháng 8 năm 2020.[10] 3 tháng sau, anh chính thức gia nhập Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia, đảm nhiệm các công việc liên quan đến điều tra số, điều tra các tội phạm trên không gian mạng, kiểm tra những dữ liệu có khả năng bị lộ.[11]

Tội phạm mạng

Quá trình phạm tội

Trong khoảng thời gian ở New Zealand từ 2008 đến 2009, Hiếu từng bị cáo buộc liên quan tới một vụ lừa đảo tín dụng bằng tài khoản Trade Me (một trang đấu giá trên mạng kiểu eBay). Vào thời điểm đó, Hiếu là quản trị viên của một số diễn đàn về hacker trên dark web. Trong quá trình học tập, anh phát hiện lỗ hổng trong mạng của trường làm lộ dữ liệu thẻ thanh toán. Theo lời tường thuật lại, vì không ai để ý đến lời cảnh báo của mình nên anh đã hack toàn bộ hệ thống. Sau đó, anh sử dụng lỗ hổng tương tự để tấn công các trang web khác và đánh cắp dữ liệu thẻ thanh toán của người dùng. Hiếu cho biết, anh đã sử dụng dữ liệu thẻ đánh cắp được để mua vé buổi biểu diễn hòa nhạc, sự kiện,... và bán chúng thông qua Trade Me.

Sau khi trường học phát hiện sự việc và báo cảnh sát, Hiếu đã bị từ chối gia hạn visa sau khi học kỳ đầu tiên kết thúc.[12] Sau đó, Hiếu đã hack trang web của trường Unitec Auckland khiến trang web này bị ngưng hoạt động trong hai ngày và trang web của trường Đại học Công nghệ Auckland (AUT).[13] Anh trở về Việt Nam và theo học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Trong quá trình theo học tại đây, anh tiếp tục hack về hệ thống của trường để lấy thông tin giáo viên, đề thi và gửi cho bạn bè. Không những vậy, với kiến thức tự học từ các diễn đàn ngầm của Nga, anh đã đánh cắp và bán số an sinh xã hội của hơn 3 triệu người cho các bên thứ ba.[7]

Theo cáo trạng của toà án Mỹ, từ năm 2007 đến 2013, Ngô Minh Hiếu đã sử dụng máy tính tại Việt Nam để thâm nhập trái phép vào nhiều hệ thống khác nhau nhằm lấy trộm số thẻ an sinh xã hội, thông tin về các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh,... của hơn 200 triệu người dùng, trong đó có hơn 500 ngàn công dân Mỹ.[14][15] Sau đó, Hiếu cùng đồng bọn bán lại thông tin cho các nhóm tội phạm trực tuyến.[16] Ngoài ra, anh còn lấy dữ liệu từ Court Ventures, một công ty con của Experian,[17][18] bằng cách "đóng giả là một điều tra viên tư nhân hoạt động bên ngoài Singapore".[19] Từ những phi vụ này, Minh Hiếu kiếm được tổng cộng gần 2 triệu USD.[20][21] Theo sở Thuế vụ xác nhận, đã có 13.673 người Mỹ trở thành nạn nhân của vụ án liên quan hoàn thuế thu nhập cá nhân giả mạo với tổng giá trị lên đến 65 triệu USD.[22][23]

Truy tố, kết án và trả tự do

Năm 2013, Ngô Minh Hiếu bị đặc vụ Mỹ bắt giữ tại Guam, khi bị lừa đến đây để thực hiện một vụ làm ăn với một khách hàng có nhiều thông tin cá nhân muốn bán lại.[24][25] Sau đó, Hiếu đã phải đối mặt với bản án 42 năm tù liên bang với 4 tội danh liên quan đến lừa đảo và lạm dụng máy tính.[26] Tuy nhiên, sau đó bản án đã được giảm nhẹ vì anh hợp tác với các nhà điều tra để bắt giữ hơn mười khách hàng của mình tại Mỹ.[27][28]

Cơ quan Mật vụ gặp khó khăn trong việc xác định chính xác mức độ thiệt hại tài chính do các hoạt động lừa đảo của Hiếu gây ra bởi các dịch vụ này chỉ lưu trữ những thông tin khách hàng đã tìm kiếm mà không phải là những hồ sơ mà khách hàng đã mua. Tuy nhiên theo các hồ sơ đã có, chính phủ Mỹ ước lượng Hiếu đã gây ra khoảng 1,1 tỷ đô la gian lận tài khoản mới tại các ngân hàng và nhà bán lẻ trên khắp Hoa Kỳ, và khoảng 65 triệu đô la gian lận hoàn thuế với các tiểu bang và IRS.[29]

Ngày 14 tháng 7 năm 2015, Minh Hiếu lúc đó 25 tuổi bị tòa án Mỹ đưa ra xét xử và lãnh án 13 năm tù giam.[30][31] Anh được nhận xét là một trong những tên trộm khét tiếng nhất từng bị giam tại nhà tù liên bang.[32] Ngày 20 tháng 11 năm 2019, theo trang web của tù liên bang Mỹ Bureau Of Prison,[33] Ngô Minh Hiếu được thả tự do sớm hơn 4 năm. Sau đó, anh về Việt Nam vào ngày 4 tháng 8 năm 2020.[34]

Chuyên gia an ninh mạng

Sau 3 tháng trở về Việt Nam, Ngô Minh Hiếu đã đăng tải ảnh đơn xin việc vào Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) trên trang cá nhân Facebook vào ngày 3 tháng 12 năm 2020.[35] Ngày 4, đại diện của NCSC chính thức xác nhận về thông tin Ngô Minh Hiếu sẽ làm việc cho cơ quan này với vai trò "Chuyên gia kỹ thuật".[5][36] Chưa đầy nửa tháng sau khi chính thức trở thành nhân viên của NCSC, Hiếu PC là công khai triệt tiêu 2 website giả mạo 2 hãng hàng không lớn là Vietnam AirlinesVietjet Air, được tạo ra nhằm trục lợi khách hàng.[37][38] Đây là hai trang web giả mạo lớn đã tồn tại một thời gian không ngắn, và được xem là 2 trang web giả mạo quy mô lớn. Việc Hiếu PC công khai "xóa sổ" cả hai đã gây chú ý và được cư dân mạng ủng hộ.[39] Bên cạnh đó, anh cũng tự tay đánh sập các tài khoản mạng xã hội mạo danh mình nhằm mục đích trục lợi từ lòng tin của người dùng mạng.[40]

Trong bối cảnh nhiều loại hình lừa đảo liên tiếp xuất hiện gây ra nhiều thiệt hại cho người dùng Việt Nam như lừa đảo mạo danh người khác,[41][42] các loại mã độc đội lốt các ứng dụng miễn phí,[43][44][45] giao dịch các loại tiền ảo bất hợp pháp,[46] các cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống doanh nghiệp,[47] hay các thông tin sai lệch về kiến thức an toàn thông tin gây hoang mang dư luận được lan truyền,[48][49] Hiếu thường xuyên xuất hiện trong các chiến dịch chống lại những chiêu trò lừa đảo này, cũng như đưa ra lời khuyên, cảnh báo đến người dùng.[50] Khi nhắc đến Hiếu, ngoài danh xưng "cựu hacker",[51] báo chí Việt Nam thường gọi anh kèm với các vai trò như kỹ sư bảo mật,[52] chuyên gia an toàn thông tin,[53] hay kỹ sư an ninh mạng.[54] Thường được tung hô là "siêu hacker"[55] hay "siêu tin tặc",[56] anh đã trực tiếp phủ nhận những danh xưng này và cho rằng mình chỉ là một người bình thường, không phải "siêu hacker" như nhiều nhiều báo chí đã thổi phồng.[57] Tháng 12 năm 2021, Meta đã kết hợp cùng Hiếu PC cho ra mắt một chuỗi video về chủ đề phòng chống lừa đảo, đảm bảo an toàn trực tuyến cho người dùng tại Việt Nam. Các video được phát sóng trên trang Facebook Meta Việt Nam và trang cá nhân của Hiếu.[58][59]

Từ "hacker mũ đen",[60] Ngô Minh Hiếu trở thành "hacker mũ trắng" sau khi trở về Việt Nam.[61][62] Anh liên tục được nhiều tập đoàn công nghệ cũng như nhà mạng vinh danh vì có đóng góp trong việc phát hiện và khắc phục các lỗ hổng bảo mật. Tháng 5 năm 2022, anh được Apple Inc. vinh danh là một trong các chuyên gia bảo mật đã có đóng góp cho hãng này trong việc tìm ra lỗ hổng bảo mật của máy chủ web Apple.[63][64] Đây là lần đầu tiên anh được vinh danh ở vai trò "hacker mũ trắng".[65] Tháng 2 năm 2023, anh được nhà mạng Verizon của Hoa Kỳ đã gửi một giấy chứng nhận để cảm ơn việc anh đã phát hiện 2 lỗ hổng có thể gây ảnh hưởng đến dữ liệu và 2 lỗi liên quan đến hệ thống quản lý web của nhà mạng này.[66] Trong một bài phỏng vấn với Báo Lao Động, Ngô Minh Hiếu cho biết thường có một số tập đoàn tài chính, ngân hàng mời anh hợp tác để tìm ra lỗ hổng bảo mật của hệ thống. Anh thực hiện các dự án này theo hợp đồng nhưng 60% thời gian của anh thường dành cho các dự án cộng đồng.[66]

Tháng 3 năm 2023, Ngô Minh Hiếu được mời sang Dubai tham dự và chia sẻ về an ninh mạng tại Hội nghị và Triển lãm An ninh Thông tin vùng Vịnh (GISEC).[67][68] Đây là lần đầu tiên anh xuất ngoại kể từ sau khi về Việt Nam vào cuối năm 2020.[69] Hiện nay, anh đang là thành viên Ban An toàn thông tin của Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt vào ngày 18 tháng 5 năm 2022, đồng thời là người dẫn dắt và chịu trách nhiệm chính của dự án Chống lừa đảo Chaintracer – 1 trong 4 chương trình trọng điểm của hiệp hội trong năm 2023.[70][71] Đây là dự án truy vết giao dịch trên blockchain nhằm thúc đẩy hoạt động chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.[72]

Các dự án cộng đồng

Tháng 2 năm 2021, anh cho ra mắt dự án phi lợi nhuận "Chống Lừa Đảo" cùng với website và tiện ích dưới dạng add-on tương ứng.[73][74] Đây là một dự án nhằm cảnh báo cho người dùng những trang web có nội dung xấu, giả mạo hoặc có chứa mã độc.[75] Chỉ sau một ngày ra mắt, tiện ích Chống lừa đảo đã có hơn 3.500 lượt tải, hơn 70 nghìn lượt truy cập, đồng thời thêm vào danh sách đen hơn 1000 trang web lừa đảo từ hơn 1400 báo cáo từ người dùng.[76] Từ khi trở về Việt Nam, anh liên tục tham gia chia sẻ những thông tin về an toàn thông tin trên không gian mạng, giúp người dùng tránh được những trang web độc hại.[77][78] Ngoài ra, anh còn lập một blog mang tên 7onez để giúp nhiều cá nhân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác với sự tấn công từ các hacker.[79] Đây đều là những động thái được cho là mang tính "hoàn lương" của hacker này,[80] cách anh quay lưng lại với quá khứ tội phạm của mình và quyết tâm trở thành người đi đầu trong các nỗ lực bảo đảm an ninh mạng cho người Việt Nam.[81]

Tháng 5 năm 2021, Ngô Minh Hiếu cùng với Cốc Cốc đã giới thiệu "Chiến dịch Khiên Xanh" với mục tiêu tạo môi trường internet an toàn cho người Việt Nam.[82][83] Đây là một chiến dịch khá gây chú ý cho truyền thông và người dân Việt Nam trong thời gian ra mắt.[84][85][86] Trong vòng chưa đến 4 tuần, đã có hơn 24 ngàn website không an toàn được báo cáo từ người dùng và hơn 12 ngàn trang web có yếu tố nguy hiểm, lừa đảo đã được gắn cảnh báo.[87] Điều này khiến cho những dự án về an toàn không gian mạng của Hiếu PC càng nhận được nhiều sự chú ý.[88] Cũng trong thời gian này, anh đảm nhiệm vai trò cố vấn chuyên môn cho CyberKid Vietnam – tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng.[89][90] Đây cũng là một dự án đặc biệt gây sự chú ý khi tập trung vào an toàn cho trẻ em – một trong những nạn nhân dễ bị tấn công nhất trên không gian mạng.[91][92] Trong bối cảnh bùng nổ của Đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, tình trạng đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo người dùng đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ.[93][94] Hiếu PC và những fanpage của anh trên mạng xã hội facebook đang là một trong những kênh về an toàn thông tin được chú ý nhất khi thường xuyên cập nhật cách phòng chống và những cảnh báo liên quan.[95][96]

Nhóm thành viên của dự án Chống Lừa Đảo cũng thường xuyên đưa ra những lời cảnh báo về tình trạng và chiêu trò lừa đảo đang thường xuyên diễn ra,[97][98] đồng thời đưa ra các giải pháp cũng như hỗ trợ nạn nhân của các vụ lừa đảo.[99][100] Ngày 24 tháng 11 năm 2021, Ngô Minh Hiếu công bố thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo (gọi tắt là Công ty Chống Lừa Đảo). Doanh nghiệp xã hội này là bước phát triển tiếp theo của dự án phi lợi nhuận cùng tên đã ra mắt vào cuối năm 2020.[101] Trong thời gian hoạt động, Chống Lừa Đảo đã ký kết hợp tác với hàng loạt đối tác trong và ngoài nước như APWG (Anti-Phishing Working Group (en), Tổ chức toàn cầu chống lừa đảo),[102] Kaspersky,[103] Cisco, Viettel, CyRadar,[104] Twitter,[105][106] Thư viện Pháp luật,[107] VinCSS,[108][109] Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA),[110]Google Chrome.[111] Không chỉ liên tiếp được Liên minh An ninh mạng các quốc gia (tiếng Anh: National Cybersecurity Alliance) vinh danh là Tổ chức vô địch Tháng Nhận thức về An ninh mạng trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023,[112][113] Chống Lừa Đảo còn nhận được hai giải thưởng lớn của chính phủ Việt Nam là Make in Vietnam 2022 và Nhân tài Đất Việt 2023.[114][111] Tính đến thời điểm tổ chức lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án,[115][116] các cộng đồng thành viên của Chống Lừa Đảo đã đạt đến con số 500.000 thành viên ở nền tảng Facebook, 25.000 thành viên trong nhóm Telegram, qua đó đã giúp Chống Lừa Đảo phát hiện và xử lý hơn 20.000 website độc hại.[117]

Hoạt động khác

Bên cạnh các dự án cộng đồng, Ngô Minh Hiếu thường xuyên xuất hiện trong các buổi chia sẻ, talkshow, tọa đàm hay hội nghị về an toàn thông tin ở trong nước và quốc tế.

Sự kiện

Thời gianSự kiệnTổ chức chủ trì sự kiệnQuốc giaNguồn
Tháng 9 năm 2021TEDxRMIT 2021: The One LagacyTED, RMITOnline[118][119]
Tháng 11 năm 2021Global Online Scam Summit
(Hội nghị thượng đỉnh về lừa đảo trực tuyến toàn cầu)
ScamAdviser[120]
CISO Online ASEANCorinium Global Intelligence[121]
Tháng 12 năm 2021GDG DevFest HCMCGoogle Developer Groups[122]
Tháng 3 năm 2022CISO SydneyCorinium Global Intelligence  Úc[123]
Tháng 12 năm 2022Microsoft Technology SummitMicrosoft Việt Nam[124][125]
Tháng 3 năm 2023GISEC
(Hội nghị và Triển lãm An ninh Thông tin vùng Vịnh)
Cyber Security Council  UAE[67][68]
CyberSecurity Awareness Events
(Sự kiện nâng cao nhận thức về an ninh mạng)
CloudDefenseOnline[126]
TEDxĐakao: Khát vọngTED, Đakao Việt Nam[127][128]
Tháng 4 năm 2023Smarter Faster PaymentsNACHA (en)  Hoa Kỳ[129]
Tháng 6 năm 2023Scam Investigators Meet-up
(Gặp mặt các nhà điều tra lừa đảo)
GASAOnline[130]
Tháng 7 năm 2023Google I/O Extended MienTrungGoogle Developer Groups Việt Nam[131][132]
Tháng 8 năm 2023FIDO APAC Summit 2023
(Hội nghị FIDO châu Á – Thái Bình Dương)
FIDO Alliance (en), VinCSS[133][134]
Tháng 10 năm 2023Tech Week Singapore 2023CloserStill  Singapore[135]
Gitex Global: Dubai 2023  UAE[136]
Tháng 11 năm 2023IT Fest 2023FPT Software (en) Việt Nam[137]
Cyseex 2023Cyseex

Hội thảo, talkshow

Thời gianChủ đềTổ chức chủ trìQuốc giaChúNguồn
Tháng 5 năm 2021An toàn trong môi trường sốVANJOnline[138]
Tháng 2 năm 2022Quan điểm bảo mật trong quá trình phát triển sản phẩmGambaru[a][139][140]
Tháng 11 năm 2022Định hướng công nghệ thông tinHUFLIT Việt Nam[141]
Tháng 2 năm 2023Dữ liệu cá nhân mua bán dễ như "đi chợ"EU AmbassadorOnline[b][142]
Tháng 3 năm 2023An ninh mạng trên không gian số – Xu hướng và cơ hộiPTIT, Naver Việt Nam[143]
Tháng 4 năm 2023An toàn Không gian mạngVAA[144]
Tháng 5 năm 2023Cảnh báo rủi ro và phòng chống lừa đảo qua mạngVNISA phía Nam[145][146]
Tháng 6 năm 2023Bảo vệ dữ liệu người dùng ở Việt NamNordCham Việt NamOnline[147]

Bản tin, thời sự

Thời gianNội dungPhát sóngChúTK
Tháng 5 năm 2021Chiến dịch Khiên Xanh – Vì 1 Internet an toàn cho người ViệtVTVgo[148]
Tháng 8 năm 2021Hiếu PC trải lòng về chuyện khi người trẻ tài năng bước nhầm đườngVTC Now[149]
Tháng 10 năm 2021Phát hiện nhóm kẻ xấu chuyên lừa tiền, dụ dỗ nữ sinh ở lớp học trực tuyếnVTV1[c][150]
Tháng 1 năm 2022Hiếu PC "điểm mặt" các thủ đoạn lừa đảo dịp cuối nămANTV[151]
Tháng 3 năm 2022Ngô Minh Hiếu – Hành trình trở về con đường sángHTV[d][152]
Tháng 4 năm 2022Hiếu PC nói gì về chiêu lừa đảo chiếm đoạt sim, chiếm đoạt tài sản?Báo Người lao động[153]
Tháng 4 năm 2023Hiếu PC hoàn lương sau 7 năm đi tùMCV[e][154]
Hiếu PC: "Để tránh lừa đảo trên mạng bạn hãy chậm lại và kiểm chứng"VOV Pháp luật[155]
Chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC nhận định về lừa đảo ghép mặt, giả giọng nói[156]
Tháng 5 năm 2023Hiếu PC: Hướng dẫn bảo vệ dữ liệu cá nhân từ một hackerBáo Nhân Dân điện tử[157]
Tháng 6 năm 2023Hiếu PC: mùa hè, làm sao bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?Truyền hình Báo Thanh Niên[f][158]
Hiếu PC: cách bảo vệ trẻ em an toàn trên không gian mạng[g][159]
Tháng 9 năm 2023Chuyển đổi số: Các hình thức lừa đảo trực tuyếnKTV[h][160]
Tháng 10 năm 2023Gặp gỡ Ngô Minh Hiếu – Chuyên gia an ninh mạng Quốc giaTruyền hình Đắk Nông[i][161]
Tháng 1 năm 2024Hiếu PC từng bị FBI bỏ tù ở Mỹ: “Tôi phạm tội vì tiền bạc, danh vọng rồi mất tất cả"VTC Now[162]
Tháng 2 năm 2023Hiếu PC: "Nếu không ngồi tù có lẽ tôi vẫn đang sai lầm"VTV3[j][163]

Giải thưởng

NămGiải thưởngHạng mụcSản phẩmKết quảNguồn
2022Make in VietnamTop 10 sản phẩm xuất sắc dành cho xã hội sốChống Lừa ĐảoĐoạt giải[164]
2023Nhân tài Đất ViệtCống hiến vì Cộng đồngĐoạt giải[165]

Chú thích

Tham khảo

Đọc thêm

Liên kết ngoài