Nguyễn Thị Liên Hằng

Nguyễn Thị Liên Hằng là giáo sư sử học ở viện Đại Học Columbia. Bà nổi tiếng qua cuốn sách Hanoi's War: An International History of the War for Peace in Vietnam (Cuộc chiến của Hà Nội: Lịch sử quốc tế về cuộc chiến vì hòa bình ở Việt Nam), đã được trao Giải Edward M. Coffman 2012, một giải thưởng có uy tín được đặt tên theo một nhà sử học quân đội nổi tiếng người Mỹ.[1]

Tiểu sử

Nguyễn Thị Liên Hằng xuất thân từ một gia đình người Việt tỵ nạn đã di tản một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Lúc đó bà mới được 5 tháng tuổi.[1] Bà lấy bằng tiến sĩ tại đại học Yale và đã được nhiều học bổng trong đó có học bổng Fubright về Việt Nam khảo cứu trong hai năm 2001 và 2002. Nguyễn Thị Liên-Hằng hiện là giáo sư sử học của đại học University of Kentucky, dạy về lịch sử bang giao quốc tế của Hoa Kỳ đặc biệt là chú trọng vào vùng Đông nam Á, nhất là thời kỳ chiến tranh lạnh.[2]

Hanoi's War: An International History of the War for Peace in Vietnam

Hanoi's War

Hanoi's War là tên của một sách sử của bà được xuất bản vào tháng 7 năm 2012, một cuốn sách đầu tay. Ngoài các tài liệu thu thập từ các văn khố quốc gia của nhiều nước, cuốn Hanoi's War của Giaó sư Nguyễn thị Liên Hằng độc đáo ở chỗ nó dựa trên một số tài liệu chưa từng được khai thác từ văn khố của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội. Sách này đã được trao Giải Edward M. Coffman 2012, một giải thưởng có uy tín được đặt tên theo một nhà sử học quân đội nổi tiếng người Mỹ. Trong khi đa số các sử gia tập trung nghiên cứu các lý do nguyên thủy dẫn tới sự can thiệp của Hoa Kỳ và tiến trình Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam, sử gia Liên Hằng xem xét bối cảnh quốc tế của cuộc chiến, cách giới lãnh đạo miền Bắc theo đuổi chiến tranh, và thời điểm kết thúc sự can thiệp của người Mỹ.[1]

Theo Giáo sư Hằng, trên thực tế ông Hồ Chí Minh chỉ đóng vai trò biểu tượng trong khi ông Lê Duẩn mới là nhân vật ngự trị trên Đảng Cộng sản Việt Nam, và là kiến trúc sư, chiến lược gia cũng như người lãnh đạo các nỗ lực chiến tranh của miền Bắc. Cùng với cánh tay mặt của ông, là ông Lê Đức Thọ, ông Lê Duẩn cai trị chế độ miền Bắc với một bàn tay sắt, và coi ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người hùng cách mạng khác, là những đối thủ, là mối đe dọa lớn nhất đối với quyền hạn của ông ở Hà Nội. Và cũng chính ông Lê Duẩn đã gạt ông Hồ Chí Minh và Tướng Giáp cùng với các ủng hộ viên sang một bên, trong khi làm hầu hết các quyết định quan trọng nhất trong cuộc chiến.[1]

Theo nhà báo Bùi Văn Phú, cuốn sách có tiểu tựa An International History of the War for Peace in Vietnam (Lịch sử quốc tế về cuộc chiến vì hòa bình ở Việt Nam) là vì đây không phải chỉ là cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mà có sự tham dự của cả Trung Quốc và Liên Xô trong bối cảnh chiến tranh lạnh, của xung đột Trung-Xô. Trong ba thành phần người Việt, bên cạnh Việt Nam Cộng hoàMặt trận Giải phóng miền Nam, chính "Hà Nội đã đóng vai chủ động trong các công tác tiến hành chiến tranh hoặc đến bàn hội nghị."[3]

Về việc bà được sử dụng các tài liệu từ văn khố của Bộ Ngoại giao ở Hà nội, Giáo sư Liên Hằng cho biết: "...về cơ bản lúc đó cả ba văn khố chủ yếu của Việt Nam là văn khố của Đảng Cộng sản, văn khố của quân đội, và văn khố của Bộ Ngoại giao đều cấm, không cho học giả tham khảo, dù là người nước ngoài hay người Việt Nam. Chỉ có các giới chức làm việc trong các bộ liên hệ mới được tham khảo tài liệu, nhưng tới những năm 2000 thì đã có một số thay đổi về chính sách đối với người Việt hải ngoại. Việt Nam mở cửa rộng hơn để đón các học giả từ các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Họ muốn thu hút Việt Kiều, và tôi đã nắm ngay lấy cơ hội.”.[1]

Phê bình

  • Sử gia George C. Herring, tác giả của “America’s Longest War, The United States in Việt nam” đã nhận xét: “Sử dụng những tài liệu mới mẻ và quan trọng của những văn khố từ khắp thế giới, mà phần đông là từ Việt Nam, Nguyễn Thị Liên-Hằng đã viết và tạo dựng được những điểm son đầu tiên và xác thực của cuộc hòa đàm đã dẫn dắt đến Nghị Hội Paris. Tác phẩm Hanoi’s War là một công trình đặc sắc, là những viên gạch xây dựng không thể bỏ qua cho sự thay đổi tức thì của lịch sử của những xung đột ở Việt Nam”.[2]
  • Báo Nhân dân cho là "tác giả đã nhân danh nghiên cứu khoa học để hỗ trợ cho sự sai trái..."[4]
  • Theo nhà báo Bùi Văn Phú, "Hanoi’s War gắn ông Lê Duẩn vào những thiệt hại khủng khiếp của chiến tranh với hơn hai triệu sinh mạng người Việt", tuy nhiên ông vẫn nêu ra câu hỏi: "...dù chủ trương của Lê Duẩn như thế thì có đủ thuyết phục để tách Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, hai nhân vật đầy huyền thoại của Việt Nam, ra khỏi trách nhiệm về hệ lụy cuộc chiến hay không?"[3]

Liên kết ngoài

Chú thích