Nhạc cho Thánh lễ Cầu siêu

Nhạc cho Thánh lễ Cầu siêu hay còn gọi là thánh lễ Missa cầu cho các linh hồn là một thể loại nhạc tôn giáo. Các tác phẩm thuộc thể loại này thường mang tính chất u ám, đầy giông bão. Tất cả các bản Requiem nổi tiếng nhất đều được viết bằng tiếng Latinh.

Tên gọi[1]

Requiem là từ đầu tiên trong cụm từ tiếng Latin Requiem aeternam dona eis, Domine (tiếng Việt: Xin Chúa ban cho họ sự an nghỉ vĩnh hằng). Cụm từ này ám chỉ phần introit, tức là phần khai lễ của Hội Thánh Công giáo La Mã.

Lịch sử [1]

Thời kỳ Phục hưng

Bản requiem sớm nhất mà còn tồn tại cho đến bây giờ là tác phẩm của Johannes Ockeghem. Tác phẩm này được sáng tác vào khoảng năm 1470. Bản requiem này không có cấu trúc như nhiều bản requiem nổi tiếng hơn, chỉ gồm 4 phần. Ngoài ra người ta còn lưu giữ được 41 bản requiem sau thời đại của Ockeghem, thuộc cuối thời kỳ âm nhạc Phục hưng. Các bản requiem này có một đặc điểm chung dễ thấy, đó là chúng không có phần Sequence (tức là phần bắt đầu bằng cụm từ Dies irae, dies illa).

Thời kỳ âm nhạc Baroque

Ở thời kỳ này, đáng chú ý là các bản requiem của Giovanni Battista Bassani, Maurizio Cazzati, Johann Kaspar Kerll, Johann Stadlmayr và Lodovico Grossi da Viadana.

Thời kỳ âm nhạc Cổ điển

Đáng chú ý nhất ở thời kỳ này là bản Requiem cung Rê thứ, K. 626 của Wolfgang Amadeus Mozart. Đây là bản requiem có quy mô lớn đầu tiên với các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Đây là bản requiem nổi tiếng đầu tiên cho ta thấy được cấu trúc rộng lớn hơn của thể loại này (cấu trúc mà ta biết như bây giờ).

Thế kỷ XIX

Đây là thế kỷ mà requiem đã chứng kiến nhiều biến đổi và đây cũng là lúc requiem phát triển nhất. Luigi Cherubini, một nhà soạn nhạc Pháp gốc Ý, đã mở rộng thành phần biểu diễn thể loại nhạc tôn giáo này. Sau thời của Cherubini, có nhiều phong cách biểu diễn hơn: Có người lựa chọn sử dụng dàn nhạc và dàn hợp xướng lớn (Hector BerliozGiuseppe Verdi); có người cổ điển hơn, theo truyền thống của Cherubini (Franz Liszt, Anton Bruckner, Camille Saint-SaënsAntonín Dvořák); lại có trường hợp đề cao tính ca xướng và sự giản dị (Gabriel Fauré). Johannes Brahms, với bản Requiem Đức của mình, đã vượt qua khuôn mẫu của một bản requiem đúng nghĩa.

Thế kỷ XX

Ở thời kỳ này, có hai bản requiem nổi tiếng hơn cả. Bản thứ nhất là của Maurice Duruflé với các phẩm chất mà Fauré mang lại cho tác phẩm cùng thế loại. Bản thứ hai là của Benjamin Britten, nhà soạn nhạc xuất sắc người Anh. Thay vì chỉ có tiếng Latin, Britten đã kết hợp khéo léo lời ca Latin với lời thơ về chiến tranh của Wilfred Owen.

Cấu trúc[1]

Một bản requiem mà theo cấu trúc hiện nay ta biết gồm có các phần:

  • Introit
  • Kyrie
  • Grandual (bắt đầu bằng Requiem aeternam) và Tract (bắt đầu bằng Absolve, Domine)
  • Sequence (bắt đầu bằng Dies irae, dies illa)
  • Offertory (bắt đầu bằng Domine Iesu Christe)
  • Sanctus và Benedictus
  • Agnus Dei
  • Communion (bắt đầu bằng Lux aeterna)

Một số bản requiem nổi tiếng

Dưới đây là một số nhà soạn nhạc có các bản requiem nổi tiếng:

  • Ockeghem
  • Victoria
  • Gilles
  • Campra
  • Zelenka
  • Michael Haydn
  • Mozart
  • Salieri
  • Cherubini
  • Berlioz
  • Bruckner
  • von Suppé
  • Brahms
  • Verdi
  • Dvořák
  • Fauré
  • Delius
  • Duruflé
  • Britten
  • Stravinsky
  • Schnittke
  • Penderecki
  • Ligeti
  • Lloyd Webber
  • Rutter
  • Henze
  • Rouse
  • Jenkins

Âm thanh

Mozart

Bản requiem của Mozart, phần Sanctus

Chú thích