Rút lại ấn phẩm học thuật

rút lại ấn phẩm học thuật

Rút lại ấn phẩm học thuật (tiếng Anh: Retraction) là hành động mà một ấn phẩm khoa học như bài báo, sách học thuật, bài hội nghị... đã xuất bản trong một tạp chí học thuật bị xóa khỏi tạp chí đó.[1]

Khái quát

Hàng năm có hàng trăm bài báo nghiên cứu khoa học bị rút khỏi các tạp chí khoa học trên thế giới thậm chí ở cả các tạp chí uy tín ngành y như Lancet, NEJM. Năm 2011, một bài báo nghiên cứu đăng trên Journal of Medical Ethics, một tạp chí chuyên về đạo đức Y khoa, đã cố gắng định lượng tỷ lệ rút lại công bố xuất bản trong PubMed theo thời gian để xác định xem tỷ lệ này có tăng hay không. Ngay cả khi tính đến số lượng xuất bản tổng thể tăng lên mỗi năm, tác giả nhận thấy tỷ lệ gia tăng số lần rút lại vẫn lớn hơn tỷ lệ gia tăng số lần xuất bản.[1] Hơn nữa, tác giả còn lưu ý trong bài "Điều đặc biệt đáng chú ý là số lượng bài báo bị rút lại vì gian lận đã tăng hơn gấp bảy lần trong 6 năm từ 2004 đến 2009. Trong cùng thời kỳ, số bài báo bị rút lại vì một sai lầm khoa học thậm chí không gấp đôi..." (tr. 251).[1]

Mặc dù tác giả cho rằng những phát hiện của ông thực sự có thể chỉ ra sự gia tăng gian lận khoa học gần đây, nhưng ông cũng thừa nhận những khả năng khác. Ví dụ, tỷ lệ gian lận gia tăng trong những năm gần đây có thể đơn giản chỉ ra rằng các tạp chí đang thực hiện công việc kiểm soát các tài liệu khoa học tốt hơn so với trước đây. Hơn nữa, do việc rút lại xảy ra đối với một tỷ lệ rất nhỏ của tổng thể các ấn phẩm (ít hơn 1 trong 1.000 bài báo[2][3]), một số nhà khoa học sẵn sàng thực hiện hành vi gian lận số lượng lớn có thể ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ rút lại. Ví dụ: tác giả chỉ ra rằng Jan Hendrik Schön đã ngụy tạo kết quả trong 15 bài báo được rút lại trong tập dữ liệu mà ông đã xem xét, tất cả đều được rút lại vào năm 2002 và 2003, "vì vậy, một mình ông phải chịu trách nhiệm về 56% bài báo bị rút lại vì gian lận trong năm 2002 - 2003”(tr. 252).[1]

Các nguyên nhân rút một bài báo khoa học thường rất đa dạng như phát hiện sai sót, các tác giả tự rút do mâu thuẫn, vi phạm đạo đức, gian lận, làm giả kết quả,... nhưng phổ biến nhất là đạo văn (plagiarism).[4][5] Cùng là hành vi rút lại bài khoa học nhưng những bài rút do vi phạm đạo đức, đạo văn,... buộc phải rút sau khi bị phát hiện thường bị lên án mạnh mẽ trong khi các bài rút do tác giả tự nguyện khi nhận ra sai sót trong nghiên cứu đã công bố của mình được đánh giá tích cực hơn, thậm chí nhiều trường hợp được ví như là một hành động "anh hùng" trong khoa học, hành động biết tự nhận ra và sửa lỗi.[6] Năm 2012, PubPeer, một trang web ẩn danh, được thành lập và hoạt động như một nền tảng tố giác trong đó nó nêu bật những thiếu sót trong một số bài báo nổi tiếng, trong một số trường hợp dẫn đến việc rút bài và cáo buộc gian lận khoa học.[7]

Ấn phẩm học thuật sau khi bị rút thường được thông báo trên tạp chí xuất bản, tuy nhiên đôi khi việc rút lại bài hoàn toàn không được thông báo, lý do rút cũng không được công bố chi tiết vì thế các nhà nghiên cứu khác hoặc công chúng không biết về việc rút lại bài. Năm 2010, hai nhà văn khoa học là Oransky và Marcus đã xây dựng trang Retraction Watch chuyên để theo dõi các ấn phẩm học thuật bị rút. Tính đến tháng 9 năm 2020, Retraction Watch đã ghi nhận gần 20,000 ấn phẩm học thuật bị rút.[4]

Các nghiên cứu trên chính các bài bị rút và nguyên nhân rút bài giúp các nhà khoa học rút ra được những bài học để cải tiến quy trình nghiên cứu và xuất bản học thuật[8][9] cũng như đặt ra các tiêu chuẩn minh bạch trong công tác bình duyệt.[10]

Trong đại dịch COVID-19, số các công bố khoa học bị rút lại cũng tăng cao do áp lực nghiên cứu trong thời gian ngắn cũng như quá trình review rút gọn nhằm ưu tiên cho nghiên cứu về COVID-19 ở nhiều tạp chí khoa học.[11] Trên Retraction Watch duy trì một danh sách riêng các bài báo đã rút lại bổ sung thêm nguồn kiểm chứng thông tin sai lệch về đại dịch.[12]

Thủ tục rút bài

Việc rút bài công bố có thể được khởi xướng bởi các biên tập viên của một tạp chí, hoặc bởi (các) tác giả của bài báo (hoặc tổ chức của họ). Thông báo rút bài thường đi kèm với nội dung ghi chú do biên tập viên hoặc tác giả viết giải thích lý do rút lại ấn phẩm. Những thông báo như vậy cũng có thể bao gồm một ghi chú từ các tác giả với lời xin lỗi về lỗi trước đó và/hoặc bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã phát hiện lỗi cho tác giả.[6]

Việc rút lại một phần nội dung khác với việc rút lại toàn bộ bài công bố, trường hợp này bài có thể được gắn nhãn là sửa chữa (correction). Đã có rất nhiều ví dụ về các công bố khoa học được rút lại. Theo dõi rút bài bao gồm việc cung cấp thông tin cập nhật về việc rút bài mới và thảo luận về các vấn đề chung liên quan đến việc rút bài.[13][14]

Các lần rút bài nổi bật

Rút bài do sai sót trong nghiên cứu

  • 2003 Tạp chí khoa học Science đã rút lại bài nghiên cứu về thuốc lắc (ecstasy) sau khi có nhiều câu hỏi về tính xác thực của kết quả nghiên cứu.[15]
  • 2012 Bài báo nghiên cứu của Gilles-Éric Séralini đăng tên tạp chí Food and Chemical Toxicology cho thấy sự gia tăng khối u ở những con chuột được cho ăn ngô biến đổi genthuốc diệt cỏ RoundUp đã rút lại do bị chỉ trích về thiết kế thử nghiệm. Theo biên tập viên của tạp chí, "một cái nhìn sâu hơn về dữ liệu thô cho thấy rằng không có kết luận chính xác nào có thể đạt được với cỡ mẫu nhỏ này".[16] Do sự nổi tiếng của tác giả và các tranh cãi xung quanh, việc này được ghi nhận lại với tên gọi Vụ rút bài Séralini (Séralini affair).[17]
  • 2013 Nghiên cứu về chế độ ăn Địa Trung Hải, một chế độ ăn uống lành mạnh có đầy đủ trái cây, rau quả, dầu ô liu, các loại hạt và cá, được công bố trên Tạp chí Y học New England và được giới truyền thông đưa tin rộng rãi đã bị rút lại do bị báo cáo đã dùng các nhiệm vụ không ngẫu nhiên làm mẫu trong nghiên cứu. Đây là một phần trong nỗ lực lớn của bác sĩ gây mê John Carlisle nhằm xác minh tính ngẫu nhiên thích hợp được sử dụng ở hàng nghìn nghiên cứu, ông đã tìm thấy các vấn đề trong khoảng 2% trong số những bài báo khoa học được đưa ra phân tích.[2]

Rút bài vì gian lận hoặc hành vi sai trái

  • 1982 John Roland Darsee, một bác sĩ người Mỹ cũng là nhà nghiên cứu Y khoa, đã ngụy tạo các dữ liệu nghiên cứu trong Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Tim mạch của Eugene Braunwald tại Harvard vào đầu những năm 1980. Ông được chính Eugene Braunwald đánh giá là tài giỏi nhất trong số 130 nghiên cứu sinh đã từng làm việc trong phòng thí nghiệm của mình và được đề nghị làm giảng viên tại Harvard vào năm 1981. Darsee đã bị chính các nhà nghiên cứu đồng nghiệp trong cùng phòng thí nghiệm nghi ngờ và phát hiện sai phạm.[18]
  • 1991 Thereza Imanishi-Kari, người từng làm việc với nhà sinh vật học đoạt giải Nobel David Baltimore và cùng xuất bản một bài báo năm 1986 trên tạp chí Cell. Margot O'Toole. Một nhà nghiên cứu cho Imanishi-Kari đã công khai hành vi sai trái khoa học của Imanishi-Kari, sau một cuộc điều tra lớn, Baltimore cuối cùng buộc phải rút lại bài vào năm 1991 khi Viện Y tế Quốc gia kết luận rằng dữ liệu trong bài báo đồng tác giả với Imanishi-Kari năm 1986 đã bị làm sai lệch.[19] Năm 1996, một hội đồng chuyên gia do chính phủ liên bang chỉ định đã xóa bỏ hành vi sai trái cho Imanishi-Kari do không tìm thấy bằng chứng về gian lận khoa học.[20] Vụ việc này nổi tiếng với tên gọi Baltimore Case hay Baltimore affair được đề cập đến trong nhiều sách báo về xuất bản khoa học.[21][22]
  • 2003 Nhiều bài báo có dữ liệu bị nghi vấn của nhà vật lý người Đức Jan Hendrik Schön từ nhiều tạp chí bao gồm cả ScienceNature đã được rút lại.[23][24][25]
  • 2006 Bài viết về Tế bào gốc phôi đặc hiệu cho bệnh nhân có nguồn gốc từ phôi nang SCNT của người, được viết bởi Hwang Woo-Suk, một nhà nghiên cứu nổi tiếng người Hàn Quốc, đã bị rút do bịa đặt trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc[26] đã dẫn đến bản cáo trạng về tội tham ô và vi phạm đạo đức sinh học liên quan đến nghiên cứu tế bào gốc giả.[27]
  • 2007 Một số bài báo do nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng Jennifer Lerner và các đồng nghiệp viết từ các tạp chí bao gồm Personality and Social Psychology BulletinBiological Psychiatry, đã bị rút lại do có một trong các tác giả làm giả dữ liệu.[28][29]
  • 2009 Nhiều bài báo do Scott Reuben, một bác sĩ gây mê người Mỹ, viết từ năm 1996 đến năm 2009 đã được rút lại sau khi người ta phát hiện ra rằng anh ta chưa bao giờ thực sự tiến hành bất kỳ thử nghiệm nào mà anh ta tuyên bố là đã thực hiện.[30][31]
  • 2010 Một bài báo năm 1998 đăng trên tạp chí Lancet của Andrew Wakefield, một bác sĩ cũng là một nhà hoạt động bài vắc-xin, đề xuất rằng vắc-xin MMR có thể gây ra chứng tự kỷ, nguyên nhân gây ra tranh cãi về vắc-xin MMR, đã bị rút lại vì "các tuyên bố trong bài báo gốc rằng trẻ em được "giới thiệu liên tục" và các cuộc điều tra đã được "chấp thuận" bởi Ủy ban đạo đức địa phương đã được chứng minh là sai."[32]
  • 2011 Loạt 8 bài báo trên tạp chí được viết bởi Anil Potti, nhà nghiên cứu ung thư tại Đại học Duke, và đồng sự mô tả các dấu hiệu gen của tiên lượng ung thư và các yếu tố dự báo phản ứng với điều trị ung thư đã được rút lại vào năm 2011 và 2012. Trong thông báo rút bài nói rằng các kết quả của các phân tích được mô tả trong các bài báo không thể tái hiện lại. Vào tháng 11 năm 2015, Văn phòng Liêm chính trong Nghiên cứu (ORI) phát hiện ra rằng Potti đã có hành vi sai trái trong nghiên cứu.[33]
  • 2014 Một bài báo của Haruko Obokata, một nhà sinh học tế bào gốc Nhật Bản, và đồng sự đăng trên tạp chí trên STAP cells về một phương pháp khiến một tế bào trở thành tế bào gốc, đã được chứng minh là đã bị làm giả. Bài được xuất bản lần đầu trên tạp chí danh tiếng Nature và đã được rút lại vào cuối năm đó. Vụ việc này đã gây ra nhiều tranh cãi, và sau một cuộc điều tra cấp trường, một trong các tác giả đã tự sát.[34][35]
  • 2017 Loạt 6 bài báo của Brian Wansink tại Đại học Cornell trong lĩnh vực hành vi người tiêu dùng và nghiên cứu tiếp thị được đưa ra mổ xẻ và bị rút bài do các đồng nghiệp chỉ ra sự mâu thuẫn trong dữ liệu trong các bài báo sau khi Wansink viết một bài blog yêu cầu một sinh viên tốt nghiệp thử "cứu vãn" các phần kết luận.[36] Đại học Cornell đã tiến hành điều tra và vào năm 2018, ủy ban điều tra của trường Đại học đã phát hiện ông có hành vi sai trái trong học tập và buộc phải từ chức.[37][38] Kể từ đó Wansink đã có 18 bài báo nghiên cứu bị rút lại vì các vấn đề tương tự được tìm thấy trong các ấn phẩm khác.[39][40]
  • 2018 Tháng 3 năm 2018, hệ thống dữ liệu nghiên cứu Dissernet, với mục tiêu "dọn rác khoa học" ở Nga đã phát hiện vô số trường hợp xuất bản chất lượng kém, với 4000 bài báo đạo văn, và 150,000 bài khác có vấn đề đạo đức nghiêm trọng với tác giả ma, tác giả lậu, trong số 1500 tạp chí được rà quét.[41]
  • 2020 Ngày 8 tháng 1 năm 2020, tác giả Dalmeet Singh Chawla viết trên Science bài về việc các tạp chí Nga rút hơn 800 bài báo nghiên cứu sau kết quả bước đầu của cuộc điều tra quy mô lớn do Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) tiến hành, sau rất nhiều cáo buộc về các hành vi gian lận khoa học ở Nga.[41]
  • Nhà nghiên cứu Cory Xian (Đại học South Australia, Úc) đã phải xin rút bài đăng trên tạp chí Journal of Bone and Mineral Research (JBMR) tới hai lần mới được chấp thuận.[42] Lần đầu tiên vào tháng 2 năm 2020, sau khi phát hiện hai hình ảnh trong bài có sai sót, nhóm tác giả đã yêu cầu rút bài, tuy nhiên ban biên tập tạp chí đã quyết định đăng tải một bản chỉnh sửa nội dung (Erratum) để chỉnh sửa lỗi sai của bài nghiên cứu. Sau đó, vào tháng 7 năm 2020, Xian và các cộng sự lại tiếp tục phát hiện lỗi sai ở 3 hình ảnh khác trong bài. Đến lần thứ hai, nhóm nghiên cứu và ban biên tập đã đồng ý rút bài.[43]
  • 2021 Một bài báo nghiên cứu về cộng đồng nguồn mở của Qiushi Wu và Kangjie Lu tại Đại học Minnesota đã bị rút lại[44] sau khi Quỹ Linux phát hiện ra rằng các nhà nghiên cứu đã gửi các bản vá lỗi cho nhân hệ điều hành Linux có chủ ý mà không được sự đồng ý thích hợp.[45]
  • Bài kỷ yếu hội thảo 2021 IEEE International Conference on Smart Information Systems and Technologies được xuất bản bởi Institute of Electrical and Electronic Engineers (IEEE) đã quyết định rút bài báo có tựa đề Estimate The Efficiency Of Multiprocessor’s Cash Memory Work Algorithms (dịch Ước tính hiệu quả của các thuật toán làm việc bộ nhớ đệm của bộ đa xử lý)[46] do nghi ngờ các tác giả đã sản xuất bài bằng phần mềm tự động viết bài như SCIGen.[47] Theo nhóm chuyên gia nổi tiếng Guillaume Cabanac, Cyril Labbé, và Alexander Magazinov, bài báo này có nhiều cụm từ ngờ nghệch, và số lượng tự trích dẫn khá lớn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là thái độ hung dữ của tác giả với các câu hỏi về bài báo trên PubPeer và RetractionWatch.[47]

Rút bài do vi phạm đạo đức

  • 2017 Năm 2017, tạp chí Liver International phải rút lại một bài báo khoa học của những bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc. Trong nghiên cứu đó, những bác sĩ này đã kiểm tra kết quả của 564 ca ghép gan trong vòng bốn năm. Thế nhưng giới chuyên gia chỉ ra rằng một bệnh viên không thể có nhiều gan khả dụng để ghép như vậy so với số lượng nhỏ người hiến tặng tại Trung Quốc vào thời điểm đó.[48]
  • 2019 Tháng 2 năm 2019, nghiên cứu của tác giả Wendy Rogers (Đại học Macquarie, Sydney, Úc) và các đồng nghiệp trên BMJ Open đã kêu gọi rút hơn 400 bài báo.[49] Bà Wendy Rogers cho biết các tạp chí, nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng, những người đã sử dụng những nghiên cứu trên, là đồng lõa cho các phương pháp mua bán nội tạng man rợ. Theo bài nghiên cứu đánh giá, cộng đồng nghiên cứu cấy ghép đã thất bại trong việc thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức khi để nghiên cứu sử dụng nội tạng từ các tử tù vẫn đang được xuất bản. Các hành vi nghiên cứu phi đạo đức trên diện rộng này sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường đối với khoa học.[50] Trong năm 2019, tạp chí PLOS ONE cũng rút bỏ 21 bài báo liên quan đến sự vụ này.[51][52]

Rút bài vì nguồn gốc dữ liệu

  • 2020 Ngày 22 tháng 5 năm 2020, trong đại dịch COVID-19, một bài báo đã được xuất bản trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet, tuyên bố tìm ra bằng chứng dựa trên cơ sở dữ liệu của 96,032 bệnh nhân COVID-19, rằng hydroxychloroquinechloroquine làm tăng khả năng bệnh nhân tử vong trong bệnh viện và tăng khả năng rối loạn nhịp thất.[53] Các nhà nghiên cứu y tế và báo chí bày tỏ nghi ngờ về tính hợp lệ của dữ liệu được cung cấp bởi Surgisphere, một công ty được thành lập bởi một trong những tác giả của nghiên cứu.[54] Bài báo đã được chính thức rút lại vào ngày 4 tháng 6 năm 2020, theo yêu cầu của tác giả chính Mandeep Mehra.[53][55]

Rút bài vì các vấn đề quan hệ công chúng

  • 1896 Tác giả Jose Rizal được cho là đã đưa ra một lá thư yêu cầu rút lại liên quan đến tiểu thuyết của ông và các bài báo đã xuất bản khác chống lại Giáo hội Công giáo La Mã.[56]
  • 2016 Vào ngày 4 tháng 3 năm 2016, một bài báo trên tạp chí danh tiếng PLOS ONE công bố nghiên cứu về hoạt động của bàn tay con người[57] đã bị rút lại do sự phẫn nộ trên phương tiện truyền thông xã hội vì đề cập đến từ Creator (Đấng sáng tạo) trong bài báo, mặc dù các tác giả đã thanh minh rằng đây chỉ là lỗi dịch thuật kém của thành ngữ tiếng Trung 造化(者) (âm Hán Việt: tạo hóa (giả)) có nghĩa đen là "(cái mà) tạo ra hoặc biến đổi" có thể hiểu là "tự nhiên" trong ngôn ngữ Trung Quốc.[58] Vụ việc này đã trở thành một vụ bê bối đình đám được tờ The Washington Post đặt tên là #CreatorGate.[59]

Xem thêm

Tham khảo

Đọc thêm