Tám Lê Thanh

Lê Văn Dọn (10 tháng 7 năm 1925 – 11 tháng 3 năm 2006), bí danh Tám Lê Thanh, Lê Thanh hay Tám Dọn,[2][3] là một chỉ huy quân sự cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Phápchống Mỹ.

Tám Lê Thanh
Chức vụ
Nhiệm kỳ15 tháng 12 năm 1961 (1961-12-15) – 1962
Phó Tư Lệnh Phân khu 1[a]
Nhiệm kỳTháng 10 năm 1967 (1967-10) – 1970
Chính ủy Phân khu 1
Nhiệm kỳ1970 – 1971
Nhiệm kỳTháng 4 năm 1972 (1972-04) – 1973
Nhiệm kỳTháng 1 năm 1973 (1973-01) – Tháng 8 năm 1974 (1974-08)
Nhiệm kỳ1975 – 1979
Phó Tư lệnh Quân khu 7
Nhiệm kỳ1980 – 1987
Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
Nhiệm kỳ1987 – 1995
Thông tin chung
Quốc tịch Việt Nam
Sinh10 tháng 7, 1925
Phú Thọ Hòa, huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Nam Kỳ thuộc Pháp, Liên bang Đông Dương
Mất11 tháng 3, 2006(2006-03-11) (80 tuổi)
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Nơi an nghỉTân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Dân tộcKinh
Tôn giáoKhông
Đảng chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Chữ ký
Binh nghiệp
Thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam
Năm tại ngũ1945–1995
Cấp bậc
Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam
Tham chiếnKháng chiến chống Pháp
Kháng chiến chống Mỹ
Khen thưởngDanh sách đầy đủ

Thân thế và khởi đầu cách mạng

Lê Văn Dọn sinh ngày 10 tháng 7 năm 1925 ở xã Phú Thọ Hòa, tổng Dương Hòa Thượng, huyện Gò Vấp, tỉnh Gia Định, xứ thuộc địa Nam Kỳ, nay là phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.[4]

Tháng 5 năm 1945, ông gia nhập đoàn Thanh niên Cứu quốc để chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa.[4] Ba tháng sau, khi phong trào đấu tranh giành chính quyền bùng nổ khắp toàn quốc, tại huyện Gò Vấp và tỉnh Gia Định, quân đoàn Thanh niên Tiền phong phối hợp với lực lượng khởi nghĩa do Lê Thanh và Lâm Quốc Đăng (Tư Thược) lãnh đạo đã xuống đường đấu tranh vũ trang nổi dậy chống lại Đế quốc Nhật Bản, sau đó thành lập nên Ủy ban hành chính xã Phú Thọ Hòa lấy Đình Phú Thạnh làm trụ sở chính.[5] Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.[4]

Khoảng thời gian từ năm 1940 đến 1945, Lê Thanh và Lâm Quốc Đăng đã dùng chánh điện của Đình Phú Thạnh làm địa bàn hoạt động, xây dựng lực lượng hỗ trợ phong trào cách mạng tại địa phương.[5] Trong giai đoạn diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam, ông cùng với các cấp ủy xã Phú Thọ Hòa tiếp tục sử dụng ngôi đình này và Đình Tân Hòa Tây làm cơ sở để bàn luận kế sách,[b] vận động quần chúng ủng hộ vật chất cho cách mạng và tham gia kháng chiến.[5][8]

Kháng chiến chống Pháp

Tháng 9 năm 1945, khi thực dân Pháp trở lại xâm lược miền Nam, ông nhập ngũ, gia nhập Vệ quốc đoàn và tham chiến ở Liên quận Gò VấpHóc MônBà ĐiểmĐức Hòa.[4] Đầu tháng 10, sau khi củng cố quân đội, Pháp bắt đầu mở cuộc tấn công triệt phá vòng vây và đánh chiếm nhiều phủ lỵ ở tỉnh Gia Định. Lực lượng kháng chiến sau đó đã thành lập bốn mặt trận nhằm ngăn chặn đà tiến công của địch vây quanh vùng đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn.[9] Lê Thanh nằm trong bộ phận chỉ huy đội vũ trang chiến đấu tại mặt trận số hai phía Tây Bắc án ngữ khu vực Bà Quẹo, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhì.[2][9] Xuyên suốt giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1947, với chức vụ Đại đội trưởng Chi đội 12 thuộc Khu 7 nằm dưới sự chỉ huy của Chi đội trưởng Tô Ký, Lê Thanh tham gia phối hợp chống càn ở các căn cứ Hố Bò, Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây (Khu 5 Hóc Môn) và căn cứ Long Phước Thôn, phía đông Thủ Đức. Trong khoảng thời gian này, đồng chí đã lãnh đạo đơn vị đánh bại thành công một trận càn của quân Pháp tại Gia Hẹ – Xóm Mới (thuộc xã Trung Lập, Khu 5 Hóc Môn).[4]

Lê Thanh và Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm địa đạo Phú Thọ Hòa vào năm 1984.

Giữa năm 1947, nhận thấy được lợi thế địa bàn phức tạp, nằm trên vùng cao và có nhiều cây cối rậm rạp, Lê Thanh cùng Lâm Quốc Đăng đã chỉ đạo Ủy ban kháng chiến hành chính xã Phú Thọ Hòa (quận Gò Vấp) đào địa đạo trong khu vực để bộ đội về bám trụ chiến đấu.[10][11] Phương thức làm la bàn địa đạo mỗi khúc giống như đào hầm từng toa xe lửa đứt đoạn. Từ hai điểm, hai tổ (mỗi tổ 2 người) đào dần và giao nhau ngay giữa.[12] Cuối tháng 12, sử dụng phương kế lấy hàng binh người Pháp làm lực lượng chiến đấu, Lê Thanh và Tư Thượt đã dẫn dắt quân đoàn này tấn công toàn bộ địch đóng tại đồn cách địa đạo khoảng một cây số. Ngoài ra cũng với cùng một chiến thuật như trên đã khiến đồn Phạm Văn Tụng bị triệt tiêu vào đầu năm 1948.[11] Quân Pháp chịu tổn thất liên tục trong khu vực đã khiến hai đồng chí bị truy bắt gắt gao. Cuối năm 1948, Chi đội 12 đặt dưới sự chỉ huy của Lâm Quốc Đăng và cấp phó là Lê Thanh đã diễn ra một trận giao tranh căng thẳng với lính Pháp tại vị trí có địa đạo xuyên qua. Tuy bị đối phương phát hiện ra hầm trú ẩn nhưng đoàn quân đã kịp thời phối hợp với lực lượng du kích địa phương đẩy địch ra khỏi vùng chiến đấu, đồng thời bảo vệ thành công phần đường hầm còn lại.[11] Đến năm 1996, địa đạo Phú Thọ Hòa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia của Thành phố Hồ Chí Minh.[13]

Năm 1952, quân Pháp đánh phá vào huyện Gò Vấp khiến đoàn quân nơi đây bị suy yếu nghiêm trọng, Lê Thanh được điều về làm Huyện đội phó Huyện đội Gò Vấp để xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, duy trì phong trào du kích.[4] Đến cuối năm, ông được Lê Đức Anh lựa chọn đi cùng với đoàn cán bộ của Lê Duẩn ra Việt Bắc học tập, đồng thời báo cáo với Bộ Tổng Tham mưu về tình hình chiến trường Nam Bộ.[14] Trên chuyến hành trình kéo dài năm tháng vượt dãy Trường Sơn để ra đất Bắc, mỗi thành viên trong đoàn phải cõng 20kg gạo để ăn dọc đường, không ít lần gặp nguy hiểm vì bom đạn và mắc bệnh sốt rét kéo dài.[15] Đến ngày 14 tháng 5 năm 1953, đơn vị mới đến được Tân Trào, Tuyên Quang.[16] Tại đây, Lê Thanh được gặp chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Đức Anh thay mặt đoàn phổ biến với Bác Hồ kinh nghiệm tác chiến của chiến thuật đặc công được phát triển trong Chiến dịch Bến Cát.[17] Đến cuối năm, ông cùng với Trần Công An đảm nhận trọng trách bảo vệ đồng chí Đức Anh trên tuyến đường trở về,[18] đến khi vào được căn cứ Dương Minh Châu thì cũng là lúc đang diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ.[16] Lê Thanh phụ trách công tác giao liên liên các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong khoảng thời gian này cho đến hết năm 1954.[4]

Kháng chiến chống Mỹ

1954–1959: Đột phá với những chiến tích

Sau sự kiện Genève, thay vì tập kết ra Bắc, Lê Thanh được Xứ ủy Nam Bộ lựa chọn ở lại miền Nam tiếp tục hoạt động vì đã có kinh nghiệm về xây dựng lực lượng quân sự và tác chiến vũ trang. Ông bắt đầu thực hiện công tác vận động quần chúng và tuyên truyền chính trị.[19] Cũng trong khoảng thời gian này, quân đội vũ trang tạm thời chuyển vùng hoặc ngưng hoạt động cho đến khi nhận chỉ thị tiếp theo từ Đảng. Cùng với Nguyễn Hữu Xuyến và Lâm Quốc Đăng, Lê Thanh đã vận động thanh niên trốn chính quyền đi lính vào chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đ, lập làng chiến đấu, sản xuất tự túc, chuẩn bị cơ sở vật chất nếu có xảy ra xung đột.[20][21] Năm 1955, khi mâu thuẫn giữa quân đội Bình Xuyên và nội các nền Đệ Nhất Cộng Hòa lên đến cao trào, đỉnh điểm là cuộc đảo chính tấn công vào Dinh Độc Lậpthành Cộng Hòa dẫn đến thất bại, Bình Xuyên cuối cùng buộc phải rút về Rừng Sác.[22] Đến tháng 9 cùng năm, tổng thống Ngô Đình Diệm bắt đầu phát lệnh tiêu diệt các thế lực giáo phái,[22] trước sự điều động từ nhà tình báo Hoàng Minh Đạo, Lê Thanh cùng với Phạm Văn Thuận (Ba Thu) và Lâm Quốc Đăng vào giúp Bình Xuyên chống giặc.[23] Tuy nhiên khi đến nơi thì hầu hết đoàn quân đã bị tận diệt bởi chính Quân đội Quốc gia do Dương Văn Minh chỉ huy với sự góp sức của Trình Minh Thế. Chỉ còn một Tiểu đoàn Bảy Môn (do Võ Văn Môn chỉ huy – nguyên Tham mưu trưởng lực lượng) hợp tác với cách mạng sống sót, ba đồng chí đã hướng dẫn toán quân này phản kháng trước sự truy kích của địch, sau đó rút về đồn cao su Cẩm Mỹ, vượt sông Đồng Nai lên Chiến khu Đ.[23][24] Tại đây nhiều đảng viên, bộ đội, du kích cũ sáp nhập vào quân đội của Bảy Môn và trở thành một phần trong lực lượng vũ trang chống lại Mỹ.[24] Lê Thanh tiếp tục nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng một trung đội được thành lập bởi các cán bộ lãnh đạo và binh sĩ trong Bình Xuyên tình nguyện đi theo cách mạng.[25]

Từ tháng 9 năm 1955, đồng chí phụ trách tổ chức lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ Xứ ủy Nam Bộ.[4] Tháng 7 năm 1956, khi chính quyền Sài Gòn triển khai chiến dịch Trương Tấn Bửu nhằm mục đích triệt tiêu các lực lượng cách mạng, Lê Thanh từ chiến khu Đ buộc phải rút vào vùng rừng núi tạo địa bàn hoạt động.[26] Đến ngày 18 tháng 10 trong cùng năm, đại đội 80 (C80) An ninh vũ trang miền Nam (tiền thân của Phòng Cảnh vệ Miền Nam thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) được thành lập.[27][28] C80 do ông cùng Ba Thu và Lâm Quốc Đăng chỉ huy, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Bộ.[29][30] Khoảng thời gian từ cuối năm 1956 đến đầu năm 1957, các nhóm vũ trang tại Tây Ninh cùng với lực lượng của miền Trung và Tây sát nhập, từ đó thành lập nên đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên mang tên Tiểu đoàn C500. Lê Thanh đang tham gia chỉ huy Bộ đội Bình Xuyên liền quay trở về nhận nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đoàn này và chiến khu C.[23][31] Đầu năm 1958, Xứ ủy ra quyết định thành lập khu miền Đông, đồng chí cùng với Lâm Quốc Đăng được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy lực lượng vũ trang xây dựng căn cứ Xứ ủy Nam Bộ,[32] đặt dưới quyền Chỉ huy trưởng Nguyễn Hữu Xuyến nhằm mục đích tiếp tục gầy dựng các căn cứ trải dài từ Campuchia đến Long Nguyên, Bến Cát, Bời Lời, Trảng Bàng, Tây Ninh.[33] Ngày 4 tháng 1 trong cùng năm,[c] trận đánh vào đồn điền Cao su Minh Thạnh diễn ra thắng lợi do Lâm Quốc Đăng và Lê Thanh lãnh đạo nhằm mục đích chiếm lấy kho bạc nằm trong khu vực này và tuyên truyền tính chính nghĩa của lực lượng Cách mạng.[23][34]

Trước tình hình các đơn vị vũ trang tập trung đang phát triển nhưng lại thiếu hụt về vũ khí, cơ sở vật chất, tài chính và lương thực, Ban Quân sự miền Đông – được Xứ uỷ đồng ý, đã quyết định tổ chức một trận đánh lớn vào chi khu Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một).[35] Đây là khu vực chứa nhiều trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cùng sự chủ quan từ phía đối phương do địa thế trước đó chưa từng bị động thủ.[36] Với sự phân công từ Bí thư Xứ ủy tại thời điểm đó là Nguyễn Văn Linh, Lê Thanh và Võ Cương (Mười Năng) được điều động làm chỉ huy phó, Mai Chí Thọ giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy cùng với Nguyễn Hữu Xuyến đảm nhận cương vị tổng trưởng chỉ huy chịu trách nhiệm trước sự thành bại trong trận đánh vào mục tiêu quân sự.[37] Theo kế hoạch, đêm ngày 10 tháng 8 năm 1958, lực lượng tập kích được chia làm ba mũi tấn công vào các cứ điểm quan trọng.[38] Sau 30 phút nổ súng, toàn bộ căn cứ tiểu đoàn đã bị quy phục.[35] Đến 2 giờ 30 phút sáng ngày 11 thì đơn vị đã hoàn toàn làm chủ được trận địa, thu về vô số đạn dược, đồ dùng quân sự, đồng tiền Sài Gòn cùng nhiều lương thực, thực phẩm.[36] Lần đầu tiên kể từ năm 1954, Dầu Tiếng được xem là trận đánh lớn mở màn của lực lượng vũ trang cách mạng miền Đông Nam Bộ khi đánh chiếm thành công một căn cứ quân sự cấp quận của chính quyền Sài Gòn.[39][35][40] Gây được tiếng vang trên toàn miền, đồng thời khai mở truyền thông giữa căn cứ Đông và Tây, tạo điều kiện cho Xứ uỷ di chuyển về khu vực này để chỉ đạo phong trào cách mạng.[41]

Trước sức ép từ nền Đệ Nhất Cộng hòa, Xứ ủy tiếp tục ra quyết định tập trung lực lượng tiến hành một cuộc tấn công lớn làm đòn bẩy thúc đẩy phong trào khởi nghĩa toàn miền Nam.[42][43] Năm 1960, Lê Thanh được điều động làm Phó ban Quân sự Miền và tham gia Ban chỉ huy trận đánh Tua Hai cùng với Tám Kiến Quốc, Tám Cao và Mười Năng.[44][45][46] Đêm 28 Tết rạng sáng ngày 26 tháng 1, lệnh tiến công căn cứ bắt đầu,[43] lực lượng đột kích chia làm bốn mũi trọng điểm, trong đó hai mũi cuối do Lê Thanh trực tiếp chỉ huy chịu trách nhiệm tiến công từ hướng Nam – Đông Nam, đánh vào khu quân xa và đại đội trọng pháo nhằm mục đích chiếm kho vũ khí.[47] Đến khi làm chủ được trận địa phía Nam, ông lấy ba xe vận tải của địch, xếp súng đạn vào và nhanh chóng chuyển thiết bị về căn cứ. Tuy nhiên vừa chạy khoảng một cây số thì chiếc đầu tiên bị trật bánh, hai xe còn lại di chuyển tiếp đến khi vào rừng gặp chướng ngại vật thì buộc phải dừng lại. Một trung đội được điều động lấy vũ khí trên xe xuống, cắt xuyên rừng và đi bộ. Bản thân Lê Thanh cũng mang về căn cứ đến 16 khẩu Colt 12 vào ngày hôm sau.[47] Chiến thắng Tua Hai sau này được nhận định đã đánh dấu một cột mốc quan trọng mở đầu cho cao trào Đồng khởi ở Nam bộ.[48][49][50][51]

1960–1974: Nắm giữ những chức vụ quan trọng

Lê Thanh và Trần Bạch Đằng (thứ 2 và 3 từ trái sang) tại khu căn cứ Xứ ủy ở Tây Ninh vào năm 1961.

Ngày 20 tháng 12 năm 1960, chính phủ miền Bắc ra thông báo thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là tổ chức được thiết kế nhằm lặp lại sự thành công của Việt Minh – một liên minh dân tộc chủ nghĩa đã giải thoát thành công Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.[52] Ngày 15 tháng 12 năm 1961, Lê Thanh đại diện cho lực lượng vũ trang giải phóng, cùng với Phùng Văn CungNguyễn Văn Linh, ông được bổ nhiệm vào ban lãnh đạo ban đầu của mặt trận.[53][54] Từ năm 1961 đến năm 1966, ông giữ chức vụ Trung đoàn phó rồi đến Trung đoàn trưởng Trung đoàn chủ lực Miền, chiến đấu chống lại chiến lược Chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Cũng trong năm 1966, ông được thuyên chuyển làm Phó Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn – Gia Định, Chỉ huy trưởng liên quận Gò Vấp – Hóc Môn.[4] Đến tháng 10 năm 1967, để chuẩn bị cho kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa mang tên Nghị quyết Quang Trung,[55] Quân khu Sài Gòn – Gia Định và Quân khu 7 giải thể, thay bằng vùng trọng điểm gồm 6 phân khu.[56][57] Phân khu 1 ban đầu do Trần Đình Xu làm Tư lệnh và Lê Thanh giữ chức Phó Tư lệnh.[4]

Đêm ngày 14 tháng 12 năm 1969,[d] Lê Thanh cùng Chính ủy Hoàng Minh Đạo (thay thế Đình Xu tử trận) được điều động về Trung ương Cục dự họp.[60] Khi vượt sông Vàm Cỏ Đông, đoàn người gồm bốn thuyền chia làm hai nhóm, đồng chí cho biết: "Đến Vàm Trảng, nơi có hai chiếc thuyền lớn, mỗi người đi riêng một chiếc. Nguyên tắc không cho hai thuyền qua sông cùng lúc nên tôi bảo anh Đạo chờ khi nào thấy thuyền tôi qua hai phần ba sông thì anh bắt đầu qua".[61] Tuy nhiên trên thực tế là chuyến đi này đã bị phát hiện và một trận giao chiến không cân sức diễn ra sau đó. Trong tư liệu của Hải quân Hoa Kỳ và trung tâm lưu trữ lịch sử chiến tranh Việt Nam xuất hiện một bản báo cáo tường thuật lại chi tiết cuộc đụng độ này vào tháng 12 năm 1969 như sau:

...Tàu tuần tra trên sông (PBR) của sư đoàn hải quân 552 (RIVDIV 552) hoạt động tại địa điểm có nhiều địch qua lại trên sông Vàm Cỏ Đông cách khu vực Trà Cú chín dặm về hướng đông nam. Vào lúc 19 giờ 44 phút ngày 14 tháng 12, họ nhìn thấy và nổ súng vào một chiếc thuyền tam bản vượt sông từ tây sang đông. Khi khu vực này được rọi sáng, phát hiện thêm ba thuyền nữa cùng với chín Việt Cộng dưới nước. Thời điểm các đơn vị nã đạn vào thuyền và những tên dưới sông, họ hứng chịu hỏa lực B40 và vũ khí tự động (A/W) từ bờ tây cùng hỏa lực A/W dày đặc đến từ bờ đông. Vị trí bắn trả của địch trải rộng khoảng 75 mét dọc sông. Chiếc PBR dẫn đầu đã lãnh trúng hai hoặc ba viên đạn B40 khiến thuyền trưởng văng sang một bên và làm chấn thương ba thủy thủ đoàn. Con tàu bị hư hỏng mất kiểm soát, mắc cạn và bắt đầu bốc cháy. Trong khi đó, thuyền hộ tống tiếp tục hứng chịu hỏa lực B40 và A/W với ít nhất 12 quả rocket được bắn ra. Tại thời điểm này, viện trợ đang được khai triển dưới hình thức pháo binh, Sói Biển, Ngựa Đen, lính lục quân và lực lượng hỗ trợ không quân chiến thuật (TACAIR). Vào lúc 19 giờ 52 phút, thuyền trưởng mất tích được tìm thấy còn sống, sáu quân địch và ba chiếc thuyền tam bản đã bị phát hiện và bắn hạ. Đến 22 giờ 2 phút, một chiếc Zippo và thuyền cứu hộ (CSB) tiếp cận chiếc PBR mắc cạn để dập tắt đám cháy đã thiêu rụi con tàu đến mực nước. Quân đội và các đơn vị lính thủy đảm bảo an ninh suốt đêm, trong hoạt động trục vớt vào sáng sớm đã phát hiện ra hai chiếc thuyền thủng lỗ chỗ bởi đạn M-60, một trong số đó chứa một khẩu AK-47, bảy viên đạn súng trường không giật cỡ nòng 75 mm (RR 75mm) và vệt máu tươi. Nhân viên trục vớt ước tính chiếc PBR bị triệt tiêu đã trúng ít nhất bốn quả đạn RR 75mm. Con tàu đã chìm xuống sông. Tổn thất của lính hải quân Hoa Kỳ là bốn người bị thương (một nghiêm trọng) và một chiếc PBR bị phá hủy. Thương vong của địch là bốn Việt Cộng bị giết và năm tên nữa có thể đã bị tiêu diệt...[58][59]
Một đoạn trên sông Vàm Cỏ Đông, nơi Lê Thanh suýt mất mạng trong một trận giao tranh với lính Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1969.

Năm 2010, khi bà Minh Vân – con gái của nhà tình báo Hoàng Minh Đạo đến Trung tâm lưu trữ Vietnam Archive thuộc Đại học Texas Tech tại Lubbock, Texas tìm kiếm tư liệu về trận chiến,[62] kết hợp cùng với hơn 400 cuộc phỏng vấn những nhân vật có liên quan đã xác nhận thông tin con thuyền đầu tiên chở đồng chí Lê Thanh là chiếc duy nhất may mắn sống sót và thoát được lên bờ, toàn bộ đồng đội đi trên ba chiếc xuồng còn lại đều hy sinh giữa trận hỏa lực.[63][64][65] Theo chỉ đạo từ bí thư Trung ương cục Nguyễn Văn Linh, Lê Thanh được bổ nhiệm làm Chính ủy Phân khu, trực tiếp chỉ huy hai cuộc tìm kiếm dấu vết thi thể của ông Đạo nhưng đều không mang lại kết quả.[66] Không có chi tiết nào trong bản tường thuật cho thấy lực lượng Hoa Kỳ đã biết trước sẽ có Việt Cộng vượt sông trong đêm.[62] Theo Steve Maxner – giám đốc Trung tâm lưu trữ cho biết, nếu tình báo Mỹ nghi ngờ có một người thuộc cấp bậc cao của lực lượng chính quy xuất hiện trong khu vực, họ sẽ ra lệnh bắt tù binh nhằm gây áp lực thay vì giết chết toàn bộ kẻ thù.[62] Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng trong hàng ngũ cách mạng có kẻ phản gián đã cố tình dẫn lối đơn vị băng xuyên rừng đến tuyến đường tuần tra của lính Mỹ.[62]

Tháng 4 năm 1972, Quân khu Sài Gòn – Gia Định tái lập, Lê Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy.[67] Một năm sau, đồng chí thay thế Tám Cao làm Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Chính ủy Quân khu Sài Gòn – Gia Định.[68][69] Tháng 8 năm 1974, ông được điều về Trung ương Cục, nắm giữ chức vụ Ủy viên Ban An ninh Trung ương Cục kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng an ninh vũ trang Miền.[4] Vào trung tuần trước sự kiện Sài Gòn sụp đổ, theo sự điều động từ hai bí thư Phạm HùngNguyễn Văn Linh, đội hình tiến quân chia làm ba mũi.[70] Mũi thứ ba, Tiểu đoàn một do Lê Thanh trực tiếp chỉ huy làm nhiệm vụ bảo vệ Ban Thường vụ Trung ương Cục,[71] Mặt trận Giải phóng miền NamChính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tiến về Sài Gòn tham gia chiến dịch tổng tấn công giải phóng Sài Gòn – Gia Định.[72][73]

Sau thống nhất

Sau ngày giải phóng miền Nam, Lê Thanh giữ chức vụ Phó Tư lệnh lực lượng Công an nhân dân vũ trang thuộc Bộ Nội vụ.[4] Đầu năm 1977, khi quân đội Pol Pot mở nhiều cuộc tấn công lớn ám sát Việt Nam, Lê Thanh cùng với Huỳnh Thủ và Trần Quyết đến các đồn biên phòng tuyến biên giới Tây Nam kiểm tra, thương thảo kế hoạch tác chiến với Quân khu V, VIIIX trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu.[74] Tháng 1 năm 1979, Lê Thanh tiếp tục cộng tác với hai vị Thiếu tướng tại thời điểm đó là Đinh Văn TuyTrịnh Trân lãnh đạo Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang tham gia chiến dịch phản công biên giới Tây Nam.[75] Dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Lê Đức Thọ, các đồng chí được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não cách mạng nước láng giềng, đồng thời phối hợp trong công tác biên phòng quán triệt tuyến biên giới CampuchiaThái Lan.[76] Qua thị sát trực tiếp chiến trường, Lê Thanh đã báo cáo tình hình với cấp trên và đề xuất thay đổi hình thức chiến đấu phối thuộc, nhanh chóng thành lập các trung đoàn tác chiến độc lập để giảm thiểu thương vong.[75]

Năm 1980, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân khu 7 và bảy năm sau thì giữ chức vụ Phó Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Năm 1991, Lê Thanh thụ phong quân hàm Trung tướng và nghỉ hưu vào năm 1995.[4] Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ,[77] đồng chí được điều động tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu di tích lịch sử Trung ương Cục Miền Nam trong năm 1997.[78] Công cuộc tái thiết của phòng ban kết thúc gần một thập kỷ sau đó.[79]

Ngày 11 tháng 3 năm 2006, Lê Thanh qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 80 tuổi.[80] Vài ngày sau, nhà văn Trần Bạch Đằng đã viết một bài tiểu luận đăng trên tờ báo Sài Gòn Giải Phóng để tưởng nhớ đến đồng chí cùng khoảng thời gian hoạt động cách mạng chung giữa hai người.[33]

Nhận định

Danh hiệu

Ghi nhận sự cống hiến và có thành tích xuất sắc trong quá trình tranh đấu giải phóng dân tộc, Lê Thanh được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cấp Nhà nước vào năm 2015.[81]

Quốc giaGiải thưởngRef.
 Việt NamHuy hiệu 50 năm tuổi Đảng[4]
Huân chương Độc lập hạng Nhất[80]
Huân chương Chiến thắng hạng Nhất
Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba
Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân[82]

Ghi chú

Tham khảo

Trích dẫn

Đọc thêm