USS Seawolf (SS-197)

USS Seawolf (SS-197) là một tàu ngầm lớp Sargo được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nó là chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Hoa Kỳ được đặt cái tên này, theo tên loài cá sói Đại Tây Dương.[1] Nó đã phục vụ trong suốt Thế Chiến II, thực hiện tổng cộng mười lăm chuyến tuần tra, đánh chìm 18 tàu Nhật Bản với tổng tải trọng 71.609 tấn, xếp hạng bảy về số lượng tàu và hạng 14 về tải trọng trong số tàu ngầm Hoa Kỳ có thành tích nổi bật nhất trong chiến tranh.[8] Chiếc tàu ngầm mất tích trong chuyến tuần tra cuối cùng tại khu vực Morotai, có thể do hỏa lực bắn nhầm từ tàu hộ tống khu trục Richard M. Rowell (DE-403) vào ngày 3 tháng 10, 1944. Seawolf được tặng thưởng mười ba Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II.

Tàu ngầm USS Seawolf (SS-197) trên đường đi ngoài khơi Xưởng hải quân Mare Island, California, ngày 7 tháng 3 năm 1943
Lịch sử
Hoa Kỳ
Tên gọiUSS Seawolf (SS-197)
Đặt tên theocá sói Đại Tây Dương[1]
Xưởng đóng tàuXưởng hải quân Portsmouth, Kittery, Maine [2]
Đặt lườn27 tháng 9, 1938 [2]
Hạ thủy15 tháng 8, 1939 [2]
Người đỡ đầubà Syria Florence Kalbfus
Nhập biên chế1 tháng 12, 1939 [2]
Xóa đăng bạ20 tháng 1, 1945 [3]
Danh hiệu và phong tặng13 × Ngôi sao Chiến trận [1][3]
Số phậnCó thể mất do hỏa lực bắn nhầm từ tàu hộ tống khu trục Richard M. Rowell ngoài khơi Morotai, 3 tháng 10, 1944 [4]
Đặc điểm khái quát
Lớp tàuSargo
Kiểu tàutàu ngầm diesel-điện [4]
Trọng tải choán nước
  • 1.450 tấn Anh (1.470 t) (mặt nước) [5]
  • 2.350 tấn Anh (2.390 t) (lặn) [5]
Chiều dài310 ft 6 in (94,64 m) [5]
Sườn ngang26 ft 10 in (8,18 m) [5]
Mớn nước16 ft 8 in (5,08 m) [5]
Động cơ đẩy
Tốc độ
Tầm xa11.000 hải lý (20.000 km) trên mặt nước ở tốc độ 10 hải lý trên giờ (19 km/h)[5]
Tầm hoạt động48 giờ lặn ở tốc độ 2 hải lý trên giờ (3,7 km/h)[5]
Độ sâu thử nghiệm
  • 250 ft (80 m)
  • độ sâu bị ép vỡ khoảng 450 ft (140 m)[5]
Thủy thủ đoàn tối đa5 sĩ quan, 54 thủy thủ[5]
Vũ khí
  • 8 × ống phóng ngư lôi 21 in (530 mm)
    • 4 trước mũi, 4 phía đuôi
    • 24 quả ngư lôi[5]
  • 1 × hải pháo 3 inch/50 caliber[5]
  • 4 × súng máy Browning M2

Thiết kế và chế tạo

Đặc tính của lớp Sargo hầu như tương tự với Lớp Salmon dẫn trước, duy trì một tốc độ 21 hải lý trên giờ (39 km/h) để hoạt động phối hợp với các thiết giáp hạm trong đội hình hạm đội.[5] Ngoài ra, tầm hoạt động 11.000 hải lý (20.000 km) cho phép chúng tuần tra đến tận vùng biển nhà Nhật Bản.[5] Hệ thống động lực "tổng hợp" bao gồm bốn động cơ diesel, gồm hai chiếc vận hành trực tiếp trục chân vịt và hai chiếc để chạy máy phát điện dùng cho nạp ắc quy hay tăng tốc trên mặt nước.[9]

Lớp Sargo có chiều dài 310 foot 6 inch (94,64 m), với trọng lượng choán nước khi nổi là 1.450 tấn Anh (1.470 t) và khi lặn là 2.350 tấn Anh (2.390 t).[5] Chúng là lớp tàu ngầm đầu tiên được lắp đặt một kiểu ắc-quy a-xít chì mới "Kiểu Sargo" chịu đựng được hư hại trong chiến đấu nhờ lớp vỏ kép giúp ngăn ngừa việc rò rỉ acid sulfuric,[10] có dung lượng nhỉnh hơn với 126 cell và điện áp danh định tăng lên 270 volt.[11] Vũ khí trang bị chính gồm tám ống phóng ngư lôi 21 in (530 mm), gồm bốn ống trước mũi và bốn ống phía đuôi, một hải pháo 3 inch/50 caliber trên boong tàu và bốn súng máy M1919 Browning .30-caliber (7,62 mm).[5]

Seawolf được đặt lườn tại Xưởng hải quân Portsmouth Navy Yard ở Kittery, Maine vào ngày 27 tháng 9, 1938. Nó được hạ thủy vào ngày 15 tháng 8, 1939, được đỡ đầu bởi bà Syria Florence Kalbfus, phu nhân Đô đốc Edward C. Kalbfus, và được cho nhập biên chế cùng Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 12, 1939 dưới quyền chỉ huy của Hạm trưởng, Đại úy Hải quân Frederick B. Warder.[1][3][12]

Lịch sử hoạt động

1939 - 1941

Sau khi hoàn tất việc trang bị, Seawolf khởi hành từ Portsmouth, New Hampshire vào ngày 12 tháng 4, 1940 cho chuyến đi chạy thử máy đến tận vùng kênh đào Panama, kéo dài cho đến ngày 21 tháng 6. Sau đó nó được điều động sang Hạm đội Thái Bình Dương, đặt cảng nhà tại San Diego, California, và đến mùa Thu năm 1940 được điều sang Viễn Đông, gia nhập Hạm đội Á Châu và hoạt động từ căn cứ Cavite tại vịnh Manila, Philippines khi Hải quân Đế Quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ Trân Châu Cảng, khiến chiến tranh bùng nổ tại Mặt trận Thái Bình Dương.[1]

Chuyến tuần tra thứ nhất

USS Seawolf (SS-197)

Trong chuyến tuần tra đầu tiên trong chiến tranh từ ngày 8 đến ngày 26 tháng 12, Seawolf truy lùng tàu bè đối phương tại khu vực eo biển San Bernardino. Ngoài khơi Aparri ở phía Bắc đảo Luzon vào ngày 14 tháng 12, nó phóng một loạt ngư lôi nhắm vào chiếc tàu tiếp liệu thủy phi cơ Sanyo Maru đang thả neo trong cảng. Một quả ngư lôi đã trúng đích nhưng không kích nổ nên Sanyo Maru chỉ bị hư hại nhẹ.[13] Chiếc tàu ngầm sau đó phải lặn sâu để né tránh mìn sâu từ các tàu hộ tống phản công.[12][1]

1942

Chuyến tuần tra thứ hai

Seawolf khởi hành từ Manila vào ngày 31 tháng 12, 1941 cho chuyến tuần tra thứ hai, và kết thúc khi đi đến Darwin Australia vào ngày 9 tháng 1, 1942.[12][1]

Chuyến tuần tra thứ ba

Sau khi chất lên tàu gần 40 tấn đạn súng máy phòng không .50 cal (12,7 mm), Seawolf lên đường vào ngày 16 tháng 1 để quay trở lại vịnh Manila. Nó phát hiện một đoàn bảy tàu chở hàng đối phương được bốn tàu khu trục và một tàu tuần dương hộ tống vào ngày 21 tháng 1, nhưng không có đi đến vị trí tấn công thuận lợi. Đạn dược được chất dỡ tại Corregidor trong các ngày 2829 tháng 1, và nó lên đường với hàng hóa là phụ tùng cho tàu ngầm cùng 25 hành khách, bao gồm một sĩ quan tình báo Anh Quốc cùng 23 phi công Không lực và Hải quân,[14] để đưa họ đến Soerabaja, Java tại Đông Ấn thuộc Hà Lan.[12][1]

Chuyến tuần tra thứ tư

Seawolf xuất phát từ Soerabaja, Java vào ngày 15 tháng 2 cho chuyến tuần tra thứ tư tại khu vực biển Javaeo biển Lombok. Vào ngày 19 tháng 2, khi lực lượng Nhật Bản đổ bộ lên Bali, lúc 02 giờ 00, Seawolf đã phóng bốn quả ngư lôi tấn công các tàu vận tải đổ bộ tại eo biển Badung, nhưng không trúng đích. Nó bị đối phương phản công bằng mìn sâu nhưng thoát được mà không bị hư hại. Đến ngày 1 tháng 4, khi lực lượng Nhật Bản chiếm đóng đảo Christmas, nó xâm nhập vào vị trí thả neo của lực lượng đổ bộ, tấn công tàu tuần dương hạng nhẹ Naka, soái hạm của Chuẩn đô đốc Shōji Nishimura với ba quả ngư lôi lúc 06 giờ 50 phút, nhưng tất cả đều bị trượt. Nó lặp lại đợt tấn công với hai quả ngư lôi lúc 18 giờ 04 phút, và cho dù Seawolf được ghi công đã đánh chìm mục tiêu vào lúc đó,[15] chỉ có một quả ngư lôi đánh trúng chiếc Naka bên mạn phải gần phòng nồi hơi số 1, gây hư hại đáng kể cho con tàu nhưng không có tổn thất nhân mạng. Naka buộc phải quay trở về Singapore, và sau đó quay Nhật Bản để sửa chữa mất gần một năm.[16][17] Chiếc tàu ngầm sau đó phải lặn sâu suốt bảy giờ để né tránh mìn sâu phản công từ các tàu hộ tống. Nó kết thúc chuyến tuần tra tại căn cứ Fremantle, Australia vào ngày 7 tháng 4.[12][1]

Chuyến tuần tra thứ năm

Ảnh chụp qua kính tiềm vọng một tàu Nhật Bản đang đắm sau khi trúng ngư lôi của Seawolf trong chuyến tuần tra tại khu vực Philippines-Đông Ấn vào mùa Thu 1942. Đây có thể là Gifu Maru, bị đánh chìm ngày 2 tháng 11, 1942 trong vịnh Davao, Mindanao
Ảnh chụp qua kính tiềm vọng một tàu Nhật Bản đang đắm sau khi trúng ngư lôi của Seawolf trong chuyến tuần tra tại khu vực Philippines-Đông Ấn vào mùa Thu 1942. Cấu hình chung giống Gifu Maru, bị đánh chìm ngày 2 tháng 11, 1942, nhưng cũng có thể là chiếc Keiko Maru, bị đánh chìm ngày 8 tháng 11
Ảnh chụp qua kính tiềm vọng Tàu tuần tra số 39 (nguyên là tàu khu trục Tade, 1922) đang đắm sau khi trúng ngư lôi từ Seawolf, ngày 23 tháng 4, 1943.
Tàu tuần tra số 39 đang đắm sau khi trúng ngư lôi

Trong chuyến tuần tra thứ năm từ ngày 12 tháng 5 đến ngày 2 tháng 7,[18] Seawolf hoạt động tại khu vực quần đảo Philippine. Nó tấn công nhiều tàu buôn trong giai đoạn từ ngày 20 tháng 5, nghe thấy nhiều vụ nổ, nhưng không có thành tích nào được công nhận. Đến ngày 15 tháng 6, ngoài khơi Corregidor, Luzon, nó phóng ba quả ngư lôi tấn công chiếc pháo hạm cải biến Nampo Maru (1.206 tấn) lúc 06 giờ 44 phút, và ít nhất một quả trúng đích đã khiến chiếc pháo hạm đắm ở vị trí khoảng 11 nmi (20 km) về phía Tây Nam Mariveles, tại tọa độ 14°20′B 120°20′Đ / 14,333°B 120,333°Đ / 14.333; 120.333.[19][20][21] Chiếc tàu ngầm kết thúc chuyến tuần tra tại căn cứ Fremantle.[12][1]

Chuyến tuần tra thứ sáu

Sau ba tuần lễ được nghỉ ngơi, tiếp liệu và huấn luyện, Seawolf xuất phát từ Fremantle vào ngày 25 tháng 7 cho chuyến tuần tra thứ sáu tại các vùng biển SuluCelebes. Nó đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu chở hành khách-hàng hóa Hachigen Maru (3.113 tấn) trong biển Celebes vào ngày 14 tháng 8, tại tọa độ 5°07′B 119°37′Đ / 5,117°B 119,617°Đ / 5.117; 119.617.[19][12] Đến ngày 25 tháng 8, nó tiếp tục phóng ngư lôi đánh chìm tàu chở hàng Showa Maru (1.349 tấn) trong biển Celebes, tại tọa độ 3°55′B 118°59′Đ / 3,917°B 118,983°Đ / 3.917; 118.983.[19][12] Chiếc tàu ngầm kết thúc chuyến tuần tra khi quay trở về căn cứ Fremantle vào ngày 15 tháng 9.[12][1]

Chuyến tuần tra thứ bảy

Khởi hành từ Fremantle vào ngày 7 tháng 10 cho chuyến tuần tra thứ bảy trong khu vực vịnh Davao, Philippines. Vào ngày 2 tháng 11, Seawolf đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu buôn Gifu Maru (2.933 tấn) trong vịnh Davao về phía Tây Nam mũi San Augustin, Mindoro, tại tọa độ 6°14′B 126°07′Đ / 6,233°B 126,117°Đ / 6.233; 126.117.[19][12][22] Sang ngày hôm sau 3 tháng 11, chiếc tàu ngầm lại tấn công tàu vận tải Lục quân Sagami Maru đang thả neo trong vịnh Talomo, Davao, đánh trúng một quả ngư lôi vào phòng động cơ, khiến mục tiêu ngập nước và nghiêng 30 độ. Mất thêm hai đợt tấn công nữa với hai quả ngư lôi trúng đích, nó cuối cùng mới đánh chìm được Sagami Maru (7.189 tấn) tại tọa độ 07°02′B 125°33′Đ / 7,033°B 125,55°Đ / 7.033; 125.550. Sau đó chiếc tàu ngầm phải lặn sâu để lẫn tránh sự truy đuổi của ba máy bay tuần tra và hai tàu hộ tống đối phương.[19][12][23] Đến ngày 8 tháng 11, tại vị trí khoảng 13,5 nmi (25,0 km) về phía Tây Bắc mũi San Augustin, Mindoro, Một quả ngư lôi trúng đích đã đánh chìm chiếc pháo hạm cải biến Keiko Maru (2.929 tấn) tại tọa độ 06°24′B 125°59′Đ / 6,4°B 125,983°Đ / 6.400; 125.983, với tổn thất nhân mạng toàn bộ thủy thủ đoàn.[19][12][24]

Chiếc tàu ngầm kết thúc chuyến tuần tra tại Trân Châu Cảng vào ngày 1 tháng 12, nơi Thiếu tá Hải quân Royce L. Gross tiếp nhận quyền hạm trưởng từ Trung tá Warder.[25] Con tàu tiếp tục quay về vùng bờ Tây để được đại tu tại Xưởng hải quân Mare Island từ ngày 10 tháng 12, công việc kéo dài cho đến ngày 24 tháng 2, 1943.[12][1]

1943

Chuyến tuần tra thứ tám

Phần thưởng

Seawolf được tặng thưởng mười ba Ngôi sao Chiến trận do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II.[1][3] Nó được ghi công đã đánh chìm 18 tàu Nhật Bản với tổng tải trọng 71.609 tấn, xếp hạng bảy về số lượng tàu và hạng 14 về tải trọng trong số tàu ngầm Hoa Kỳ có thành tích nổi bật nhất trong chiến tranh.[8]

Dãi băng Hoạt động Tác chiến
Huân chương Chiến dịch Hoa KỳHuân chương Chiến dịch Châu Á-Thái Bình Dương
với 13 Ngôi sao Chiến trận
Huân chương Chiến thắng Thế Chiến II

Xem thêm

  • Danh sách tàu ngầm Hoa Kỳ thành công nhất trong Thế Chiến II

Tham khảo

Chú thích

Thư mục

Liên kết ngoài