Xe thổ mộ

Xe thổ mộ là loại phương tiện đi lại phổ biến ở vùng Sài Gòn-Gia Định của Việt Nam vào những năm 50 của thế kỷ XIX. Đây là một loại xe ngựa (một ngựa kéo) và được bắt nguồn từ kiểu cỗ xe song mã sang trọng của Pháp, sau đó được người dân miền Nam Việt Nam đã chế tác, cải tiến lại cho phù hợp với điều kiện và địa hình của miền quê sông nước, đồng thời kiểu xe cũng chịu ảnh hưởng nhất định từ những chiếc xe ngựa của người Trung Quốc thời cổ. Bình Dương được xem là kinh đô khởi nguồn của dòng xe này.

Một kiểu xe thổ mộ có trang trí nhiều hoạ tiết được trưng bày tại khu du lịch Đại Nam, Bình Dương

Hình ảnh chiếc xe ngựa với những tiếng kêu lách cách và cặp bánh gỗ to đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam.[1] Xe dùng để chở người đi lại trong vùng hay vận chuyển hàng rau cải từ những vùng quê lên Sài Gòn. Mỗi khi có việc đi lại trong vùng, đi mua sắm, thăm viếng, cưới xin, người ta đều chọn phương tiện xe ngựa vì tính tiện lợi của nó. Thời điểm lúc bấy giờ, xe ngựa vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi bởi người ta có thể lên xuống bất kỳ chỗ nào. Chiếc xe thổ mộ đã để lại nhiều kỷ niệm đối với người dân Nam Bộ là cũng là một nét văn hoá-lịch sử của vùng đất này.[2][3][4]

Nguồn gốc

Chưa có khẳng định chính xác xe thổ mộ ra đời lúc nào, nhưng theo nhiều tài liệu ghi chép vào những năm đầu của thế kỉ XIX, khi người Pháp đưa vào Việt Nam những chiếc xe song mã sang trọng do ngựa kéo để phục vụ nhu cầu đi lại... xuất hiện khá nhiều ở Nam Kỳ. Từ đó, người dân Nam Bộ đã tự mày mò chế tạo riêng cho mình một loại xe ngựa mô phỏng theo kiểu xe song mã của người Pháp, nhưng tính năng sử dụng lại ưu việt, giá cả lại bình dân nên rất được người dân Nam Bộ ưa chuộng.[5]

Về tên gọi xe thổ mộ và xuất xứ của xe còn nhiều thông tin khác nhau[2] như: Về tên gọi xe thổ mộ được đặt có thể vì cái mui khum giống ngôi mộ (đầu được dùng để chở quan tài ra mộ để chôn). Hoặc thổ mộ là tên gọi trại từ xe thảo mã của Trung Quốc (tiếng Quảng Đông: "xe độc mả") hay thổ mộ là cách gọi tắt nói nhanh của địa danh Thủ Dầu Một… Về xuất xứ của chiếc xe thổ mộ đầu tiên ở Nam Bộ có người cho là ở Sài Gòn nhưng cũng có ý kiến cho rằng xe thổ mộ có ở Bình Dương và điều này đã được khẳng định trong câu vè: "Khô như bánh tráng là chợ Phan Rang, Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một, Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…".[6] Người Pháp gọi xe bằng tên: boite d' allumettes (xe hộp quẹt).

Những thập niên 40, 50 là giai đoạn phát triển mạnh của xe thổ mộ, tại chợ Thủ Dầu Một có đến 3 bến xe thổ mộ nhộn nhịp mà lúc tập trung đông nhất cũng trên 50 chiếc. Không chỉ vậy Thủ Dầu Một còn có nhiều trại đóng xe thổ mộ có tiếng với thùng xe đẹp, trang nhã, bánh xe bền chắc. Xe sản xuất tại Thủ Dầu Một còn được gọi là xe "thùng Thủ" để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định "đẳng cấp" của mình. Xe thổ mộ khi đó có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách vì các phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển.[6]

Vào giữa thập niên 1960, xe lam được nhập vào miền Nam để thay thế xe thổ mộ, bởi thế xe thổ mộ dần dần mất hẳn.

Chế tác

Mặt nghiêng một chiếc xe thổ mộ với đầy đủ các bộ phận

Xe thổ mộ có những yêu cầu rất khắt khe và chế tác kỳ công. Kích thước chiều dài, chiều rộng, chiều cao của thùng xe phải cân bằng, đúng quy định, trên thùng xe phải trổ ba cửa sổ với khoảng cách đều nhau. Các chi tiết của xe thổ mộ phải chính xác, có độ cheo, độ xê dịch để khi di chuyển không bị chao. Khó nhất là giai đoạn đặt nhíp, cân bằng khung xe.[1][7]

Vật liệu làm xe phần lớn từ gỗ giáng hương hoặc gỗ cây chò đây là hai loại gỗ quý, bền và có độ đàn hồi cao. Mỗi bánh xe được ghép từ sáu mảnh gỗ gắn với 12 chiếc tăm cắm vào trục bánh xe. Sau đó, dùng vòng sắt quấn quanh bảo vệ bánh gỗ tạo thành một chiếc vành và dùng nệm cao su nịt chặt vòng ngoài. Bánh xe được làm hoàn toàn từ gỗ và cao su làm cho xe phát ra tiếng kêu lách cách đều đều ở bánh xe kết hợp với tiếng chuông ở cổ ngựa.[1][7] Để đóng được một chiếc xe thổ mộ truyền thống, ngoài tay nghề và vốn hiểu biết và tính kiên trì, nhẫn nại.

Công dụng

Xe thổ mộ có thùng (hay là khoang chứa người) dài 1,18m đến 1,2m, chiều cao 1m bằng gỗ mít, phía trên chia làm ba ô cửa sổ, chiều ngang (bề rộng) thùng xe 0,85m đặt chồng lên hai gọng (để kết nối với càng xe) dài 2,7m (từ cuối thùng đến đầu gọng) vít cứng trên bộ nhíp thép bốn lá (bốn trên bốn dưới) hình trái khế (ô-van) tạo đàn hồi nâng thùng xe thăng bằng khi xe chạy, cặp vào một thanh ví bằng thép, hai đầu trui đến độ thép xanh luồn vào hai ổ trục (không dùng bạc đạn). Xe có thể chở 8-10 hành khách, hoặc chở hàng hóa rau cải bông hoa độ vài ba trăm ký (một chiếc xe ngựa thông thường chỉ chở được 5 đến 6 người cùng với quang gánh, thúng mủng, hay tất tật những gì tương đương mà sức ngựa có thể mang[4]). Xe không có băng ghế cho khách ngồi, chỉ gọn lỏm một sàn xe trải lên chiếc chiếu bóng. Khách đi xe cùng nhau "an tọa" trên sàn xe, túm tụm co chân bó gối suốt hành trình.[2]

Một chiếc xe thổ mộ kiểu bình dân đặt tại khu du lịch Bình Quới, thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài ra nét đặc sắc nhất của chiếc xe thổ mộ đó là ở bánh xe. Mỗi bánh xe thổ mộ được ghép từ 6 miếng gỗ, gắn kết với 12 chiếc căm (tăm xe) cắm vào trục bánh xe. Gỗ làm bánh xe cũng phải là gỗ Giáng Hương để tránh bị nứt, nẻ và được tiện khá sắc sảo, ngoài cùng bọc lòng máng (niềng bằng sắt) trở ngược hình chữ U gắn bao quanh bánh xe rồi hàn lại sao cho tròn, cho khít và ngoài cùng được đệm một lớp cao su cắt từ lốp xe hơi để tròng lớp vỏ cao su cắt ra từ vỏ xe tải xe hơi, nối hai đầu cao su bằng một cọng kẽm cứng. Một bộ yên lưng bằng da có hai quai lồng vào hai gọng đặt hai bên vai ngựa. Sợi yên lưng xuôi trên sống lưng ngựa và lồng vào đuôi (để khi xuống dốc ngựa ghìm chiếc xe lại), ngoài ra có dây bụng mắc vào dưới bộ yên lưng có tác dụng nâng ngựa khi xe chạy, xà ích đôi khi nhờ khách ngồi dịch lên trên hoặc lùi xuống chút là để cho ngựa không bị sức nặng đè vai hoặc bó chặt ngực khó chạy. Điều đặc biệt của bánh xe thổ mộ là không dùng bạc đạn, mà tra trực tiếp bánh xe vào trục xe để chạy.[5]

Bên trong thùng xe, khách ngồi trên chiếc chiếu bông đâu mặt nhau, chân co về một phía, guốc dép máng ở hai cọc sắt phía sau hai góc thùng, ít người thì khách ngồi thòng chân ở phía có bàn đạp lên, xuống dễ dàng. Phía đầu thùng xe hai bên là cặp tai đèn. Hai cái vè chở hàng (porte bagage) bằng gỗ bề ngang hơn tấc tay, uốn lượn như dợn sóng rất thẩm mỹ, cặp trên hai bên thùng xe có sức chịu lực mỗi bên khoảng ba bốn mươi ký. Trên cùng là cái mui uốn cong, lợp thiếc nhô ra tới nửa mình ngựa, khum lại như cái vành mũ.[5]

Hiện tại

Ngày nay tuy trên đường không còn nhìn thấy bóng dáng của những chiếc xe thổ mộ nhưng xe vẫn hiện diện trong văn hoá và ngày nay một số nghệ nhân đã tái chế lại xe thổ mộ để bán trên thị trường cho những ai có nhu cầu làm vật trang trí.Những chiếc xe thổ mộ còn khá mới thì được lau dầu, đánh vecni bày bán nguyên chiếc cho khách có nhu cầu mua để trang trí sân vườn với giá trên dưới 20 triệu đồng/chiếc. Ghế dựa nhỏ làm từ trục bánh xe giá 800.000đ/cái; bàn làm từ bánh xe 7 triệu đồng/cái.[6] Ngoài ra những người yêu xe đang tích cực quảng bá để bảo tồn xe thông qua kênh truyền hình, phim ảnh.[8]

Trong văn hóa

  • Nhạc: Xe thổ mộ là đề tài chính trong ca khúc Chiếc xe thổ mộ của nhạc sĩ Tiến Luân.[9]
  • Truyện: Chiếc xe thổ mộ của Bích Thủy [10]

Chú thích

Liên kết ngoài