Họ Cá nòng nọc

(Đổi hướng từ Ateleopodiformes)

Họ Cá nòng nọc hay họ Cá mũi keo (danh pháp khoa học: Ateleopodidae) là một họ nhỏ và duy nhất trong bộ Ateleopodiformes. Họ cá vây tia này chứa khoảng 14 loài đã biết trong 4 chi.[5]

Họ Cá nòng nọc
Ateleopus japonicus
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
NhánhCraniata
Phân ngành (subphylum)Vertebrata
Phân thứ ngành (infraphylum)Gnathostomata
Liên lớp (superclass)Osteichthyes
Lớp (class)Actinopterygii
NhánhActinopteri
Phân lớp (subclass)Neopterygii
Phân thứ lớp (infraclass)Teleostei
NhánhOsteoglossocephalai
NhánhClupeocephala
NhánhEuteleosteomorpha
NhánhNeoteleostei
NhánhAteleopodia
Bộ (ordo)Ateleopodiformes
Berg, 1937
Họ (familia)Ateleopodidae
Bonaparte, 1850[1][2][3][4]
Chi điển hình
Ateleopus
Temminck & Schlegel, 1846
Các chi
4. Xem văn bản.
Danh pháp đồng nghĩa
  • Ateleopodini Bonaparte, 1850
  • Ateleopidae Kaup, 1858
  • Ateleopodoidei Bleeker, 1859
  • Podatelidae Boulenger, 1902
  • Güntheridae Osório, 1917
  • Ijimaiinae Howell Rivero, 1935

Tên khoa học của họ và bộ này có nguồn gốc từ chi điển hình Ateleopus, trong đó nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ ἀτελής (atelēs, "không hoàn hảo") và πούς (pous, "chân"); để nói tới các vây ngựcvây bụng tiêu giảm của các loài trong họ này.[5][6][7]

Mô tả và sinh thái

Cá nòng nọc là cá biển sâu, sống đáy ở độ sâu tới 800 m.[8] Chúng được tìm thấy tại biển Caribe, miền đông Đại Tây Dương, miền tây và miền trung Ấn Độ DươngThái Bình Dương cũng như vùng duyên hải Thái Bình Dương ở Trung Mỹ.[9]

Bộ xương của chúng chủ yếu là chất sụn, vì thế mà có tên tiếng Anh "jellynose" (nghĩa là cá mũi keo), mặc dù chúng là cá xương (Teleostei) thật sự và không có quan hệ họ hàng gì với cá sụn (Chondrichthyes). Đầu của chúng lớn với mũi hình củ hành, và thường thì có thân thuôn dài thon nhỏ về phía đuôi. Vây đuôi của chúng rất nhỏ, và ngoại trừ chi Guentherus ra thì vây đuôi của chúng hợp nhất với vây hậu môn dài (chứa tới 70 tia vây hoặc hơn). Vây bụng của cá non có tới 10 tia vây, nhưng ở cá trưởng thành thì số tia vây giảm xuống chỉ còn là một tia thuôn dài nằm ở họng. Guentherus cũng là ngoại lệ khi nó vẫn giữ lại vài tia vây ở cá trưởng thành và vây bụng của nó nằm phía sau chứ không phải phía dưới vây ngực. Vây lưng của chúng có xu hướng là cao, với phần gốc khá ngắn, chứa 9-13 tia, nhưng ở một số loài chỉ có tới 3 tia; và vây này nằm ngay phía sau đầu. Chúng có một vài tia nắp mang. Chiều dài các loài nằm trong khoảng từ 36 cm (1,18 ft)[10] tới 200 cm (6,6 ft).[8][9]

Phần nhiều loài trong họ này ít được biết đến, nhưng cá nòng nọc vây cao (Guentherus altivelis) có sự quan tâm tiềm năng trong đánh bắt cá thương mại.

Các chi

  • Ateleopus: 6 loài.
  • Guentherus: 2 loài.
  • Ijimaia: 5 loài.
  • Parateleopus: 1 loài (Parateleopus microstomus).

Hệ thống học

Trong quá khứ họ này trong vai trò họ duy nhất của bộ Ateleopodiformes cùng với Stomiiformes thường được đặt trong liên bộ Stenopterygii. Tuy nhiên, tính đơn ngành của Stenopterygii không được đảm bảo, do Stomiiformes chia sẻ nhiều đặc trưng với Protacanthopterygii,[11] Ngoài ra, Ateleopodidae cũng từng được đặt trong bộ Lampriformes hoặc bộ Myctophiformes như là phân bộ Ateleopodoidei.[12][13]

Gần đây người ta đặt nó trong bộ Ateleopodiformes thuộc nhánh gọi là Ateleopodia hay Ateleopodomorpha.[14]

Phát sinh chủng loài

Biểu đồ sau chỉ ra vị trí phát sinh chủng loài của cá nòng nọc:[14]

Euteleosteomorpha
Neoteleostei
Eurypterygii
Ctenosquamata
Acanthomorphata

Acanthopterygii

Polymixiiformes

Paracanthopterygii (Percopsiformes, Zeiformes, Stylephoriformes, Gadiformes)

Lampridiformes

Myctophiformes

Aulopiformes

Ateleopodiformes

Stomiati (Stomiatiformes, Osmeriformes)

Protacanthopterygii (Argentiniformes, Galaxiiformes, Salmoniformes, Esociformes)

Lepidogalaxiiformes

Liên kết ngoài

Tham khảo