Bão Mirinae (2016)

Cơn bão tạo ra tranh cãi, cơn đầu tiên trên biển Đông trong năm 2016.

Bão Mirinae (Tiếng Anh: Severe Tropical Storm Mirinae [tạm dịch: bão nhiệt đới dữ dội Mirinae], Việt Nam gọi là bão số 1 năm 2016) là một xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng đảo Hải Nam, Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam vào cuối tháng 7 năm 2016. Đây là cơn bão thứ ba được đặt tên trong mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2016, Mirinae hình thành vào ngày 25 tháng 7 năm 2016 là áp thấp nhiệt đới ở phía tây Luzon, Philippines. Vào ngày 26 tháng 7, nó di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và mạnh lên thành bão nhiệt đới trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc. Sau khi suy yếu khi đi qua Hải Nam, nó mạnh lên trở lại và đổ bộ vào đồng bằng sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam vào cuối ngày 27 tháng 7 và tan vào ngày hôm sau.

Bão Mirinae (bão số 1)
Bão nhiệt đới dữ dội (Thang JMA)
Bão cuồng phong cấp 1 (SSHWS/NWS)
Bão Mirinae lúc 2 giờ sáng ngày 28/7 giờ Việt Nam (UTC+7) khi đang ở trên đất liền miền Bắc Việt Nam.
Hình thành25 tháng 7 năm 2016
Tan28 tháng 7 năm 2016
Sức gió mạnh nhấtDuy trì liên tục trong 10 phút:
100 km/h (65 mph)
Duy trì liên tục trong 1 phút:
120 km/h (75 mph)
Giật:
Số đo từ trạm khí tượng Ba Lạt:170 km/h (105 mph)
Áp suất thấp nhất980 mbar (hPa); 28.94 inHg
Số người chết5 người chết, 2 người mất tích
Thiệt hại$389 triệu (USD 2016)
Vùng ảnh hưởngNam Trung Quốc,Việt Nam,Lào,Thái Lan
Một phần của Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2016

Tại Hải Nam, thiệt hại kinh tế lên tới 56,9 triệu USD. Tại Việt Nam, đến ngày 29/7, bão đã khiến 5 người thiệt mạng và 2 người mất tích.[1] Thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng đã được báo cáo ở miền Bắc Việt Nam, trong đó đường dây điện bị hư hại gây mất điện và cắt điện ở một số khu vực. Mirinae còn đánh chìm 12 chiếc thuyền, 2.984 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 34.000 cây xanh bị gãy, đổ; hơn 30 000 cột điện bị đổ, gãy; hơn 370.000 đường dây điện bị đứt. Tổng thiệt hại ở Việt Nam lên tới 323,9 triệu USD.[1]

Lịch sử khí tượng

Biểu đồ thể hiện đường đi và cường độ của bão theo thang Saffir-Simpson
Chú thích biểu đồ
     Áp thấp nhiệt đới (≤38 mph, ≤62 km/h)
     Bão nhiệt đới (39–73 mph, 63–118 km/h)
     Cấp 1 (74–95 mph, 119–153 km/h)
     Cấp 2 (96–110 mph, 154–177 km/h)
     Cấp 3 (111–129 mph, 178–208 km/h)
     Cấp 4 (130–156 mph, 209–251 km/h)
     Cấp 5 (≥157 mph, ≥252 km/h)
     Không rõ
Kiểu bão
Xoáy thuận ngoài nhiệt đới / Vùng áp thấp / Nhiễu động nhiệt đới / Áp thấp gió mùa

Mirinae lần đầu tiên được ghi nhận là áp thấp nhiệt đới vào ngày 25 tháng 7, khi nó di chuyển ngoài khơi bờ biển phía tây Luzon trên Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km (185 dặm) về phía đông.[2][3]  Trung tâm hoàn lưu mực thấp được xác định rõ ràng của hệ thống nằm trong một môi trường rất thuận lợi để phát triển hơn nữa, với gió đứt dọc thấp và nhiệt độ bề mặt nước biển rất ấm.[3]  Cuối ngày hôm đó, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) đã đưa ra khuyến cáo về hệ thống và phân loại nó là áp thấp nhiệt đới 05W, khi nó di chuyển theo hướng tây bắc dọc theo ngoại vi của một dải áp cao cận nhiệt đới.[4] Trong ngày hôm sau, khi hệ thống di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, nó tiếp tục mạnh lên thành bão và được Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) đặt tên là Mirinae. Lúc đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NCHMF) cũng cho biết áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, gọi là bão số 1, dự báo rằng khả năng cao bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng-Quảng Ninh.[5] Mirinae sau đó suy yếu đôi chút khi đổ bộ vào đất liền gần Vạn Ninh vào cuối ngày hôm đó và đi qua đảo Hải Nam, trước khi mạnh lên trở lại khi di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ.[2][6] Tại thời điểm này, NCHMF đã điều chỉnh đường đi dự báo lệch về phía Nam so với dự báo trước đó.[7][8] Hệ thống này được JMA phân loại là bão nhiệt đới dữ dội trong chiều 27 tháng 7, ước tính rằng Mirinae đã đạt đỉnh với tốc độ gió duy trì là 100 km/h (55 kt).[9] Đường đi của bão tiếp tục lệch về phía Nam so với dự báo của NCHMF và bão sau đó đổ bộ vào đất liền Nam Định - Ninh Bình vào cuối ngày hôm đó.[10][11] NCHMF cho rằng bão mạnh cấp 12 theo thang Beaufout (tức là từ 118 km/h đến 133 km/h) lúc mạnh nhất và đổ bộ, dựa trên số liệu quan trắc cho thấy một loạt các trạm ven biển đo được gió mạnh cấp 10-12 giật đến cấp 15, mặc dù tại thời điểm bão đang hoạt động thì NCHMF cho rằng bão mạnh cấp 9-10 giật cấp 10-13.[10][12] JTWC cho rằng bão đổ bộ vào Nam Định và đạt sức gió duy trì 1 phút là 120 km/h (65 kt), tương đương với bão cấp 1 và bão đạt cực đại ngay trên đất liền.[13] Mirinae sau đó suy yếu dần ở miền bắc Việt Nam, tan ở phía bắc Hà Nội.[14]

Chuẩn bị và ảnh hưởng

Việt Nam

Ở Việt Nam, Mirinae được gọi là Cơn bão số 1 (cơn bão đầu tiên năm 2016).[15] Ngày 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đình Dũng đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho ảnh hưởng của bão tại Thái BìnhHải Phòng.[16][17]  Vào cuối ngày hôm đó, Bão Mirinae đã đổ bộ vào Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam với sức gió cấp 11-12 giật cấp 14-15 (tương đương với một typhoon).[7] Gió mạnh nhất quan trắc được là 35 m/s (cấp 12), giật 47 m/s (cấp 15) ở Ba Lạt (tỉnh Thái Bình); gió tại Văn Lý (Nam Định) là 33 m/s (cấp 12) giật 40 m/s (cấp 13); Thành phố Thái Bình và Ninh Bình có gió cấp 11 giật cấp 13.[10][18] Gió giật cấp 8-9 đã được ghi nhận ở Hà Nội.[10][12] Bão gây gió mạnh kéo dài gần như suốt đêm mà nguyên nhân được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chỉ ra là do bão di chuyển chậm hơn, có lúc không di chuyển.[12] Ngoài ra, trong cơn bão này có kèm thêm hiện tượng sấm, sét.[19] Bão Mirinae đã gây ra mưa lớn trên diện từ đêm ngày 27 tháng 7 đến ngày 29 tháng 7 tại nhiều nơi thuộc miền Bắc Việt Nam, với lượng mưa phổ biến từ 100–200 mm, có nơi cao hơn với lượng từ 200–300 mm, cao nhất ghi nhận được là tại Chi Nê (Hòa Bình) với lượng mưa là 299 mm.[20] Cơn bão đã khiến 5 người thiệt mạng và 2 người khác mất tích.[1] Bão cũng gây thiệt hại nặng cho nông nghiệp với gần 19.000 ha lúa và gần 18.000 ha hoa, rau màu bị thiệt hại hoàn toàn.[1] Mirinae cũng gây thiệt hại cho 1.302 phương tiện khai thác thủy, hải sản; trong đó có 91 tàu cá bị chìm hoặc hư hại.[1][21][nb 1] Có 2.984 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 34.000 cây xanh bị gãy, đổ.[22][nb 2] Tác động của bão đã gây ra nhiều sự cố lưới điện như các cột điện và đường dây điện bị hư hại.[1][23] Nhiều nơi ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và một số khu vực khác bị mất điện.[15][24][23] Có hơn 30 000 cột điện bị đổ, gãy; hơn 370.000 đường dây điện bị đứt; bão gây ra thiệt hại hơn 384 tỷ đồng cho EVN.[1][25][nb 3] Tổng thiệt hại ở Việt Nam lên tới 7.229 tỷ đồng (323,9 triệu USD).[1]

Các nơi khác

Trong ngày 26 tháng 7, Tín hiệu bão số 1 đã được Đài Thiên văn Hồng Kông và Cục Khí tượng và Địa vật lý Macao phát đi cho các đặc khu hành chính của Trung Quốc là Hồng Kông và Ma Cao.[2] Bão nhiệt đới Mirinae đổ bộ vào thị trấn Dongao, thành phố Vạn Ninh lúc 22:20 chiều ngày 26 tháng 7, sức gió ước tính lên tới 100 km/h (28 m/s, cấp 10) tại Hải Nam.[6][26] Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc ban hành cảnh báo xanh về bão nhiệt đới.[27] Hơn 25.000 tàu cá ở Hải Nam quay trở lại bến cảng trước bão. Tất cả các tàu chở khách qua eo biển Quỳnh Châu, giữa Hải Nam và tỉnh Quảng Đông, đã bị đình chỉ vào ngày 26 tháng 7.[28] Thiệt hại kinh tế ở Hải Nam lên tới 380 triệu Nhân dân tệ (56,9 triệu USD).[29]

Mirinae còn gây mưa lớn, lũ quét và lở đất ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung Lào và Thái Lan.[30][31]

Tranh cãi dự báo

Các bản tin dự báo của Việt Nam được cho là đã đánh giá quá thấp cơn bão vào thời điểm đó, đã tạo ra tranh cãi lớn về dự báo và nhận định về bão.[7][15][32] Bản tin đầu tiên về bão nhận định khả năng cao bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng-Quảng Ninh.[5] Các bản tin đêm ngày 26 tháng 7 năm 2016, lúc sáng và chiều ngày 27/7/2016 điều chỉnh dự báo đường đi và khu vực đổ bộ lệch về phía Nam, khẳng định bão sẽ đổ bộ gây gió mạnh cấp 8-9 trên đất liền.[7][33][34] Một vài lãnh đạo và người dân địa phương ở một số tỉnh thành đều cho rằng trung tâm khí tượng đưa tin sai về cường độ, cấp gió, thời gian và địa điểm; họ cho rằng bão mạnh hơn, gây gió mạnh kéo dài khiến họ bất ngờ trở tay không kịp, một số người dân cảm thấy bức xúc trong dự báo bão.[32][21]

Ông Lê Minh Tuấn khi đó là Phó Tổng giám đốc Công ti Điện lực miền Bắc cũng có ý kiến tương tự như trên, ông phát biểu như sau:[35]

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lúc đó cho rằng bão chỉ mạnh cấp 9-10 giật cấp 10-12, sau tăng lên cấp 10-13 và dự báo bão sát với thực tế và sát với dự báo quốc tế.[36] Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đại diện Cục tìm kiếm Cứu nạn cho biết dự báo cơ bản sát với thực tế, dự báo khu vực đổ bộ tuy có sự thay đổi nhưng tương đối sớm, càng về sau dự báo càng chính xác.[15] Ông Lê Thanh Hải, khi đó là Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho rằng bão mạnh cấp 9-10, ông nói với phóng viên báo Dân Trí tại một cuộc họp sau bão tan:[12]

Khoảng 1 tuần sau đó, ông Lê Thanh Hải tiếp tục nhận lời phỏng vấn từ phóng viên báo Nhân Dân, ông nói rằng khả năng và công nghệ dự báo của Việt Nam thuộc loại trung bình khá trong khu vực, mặc dù việc dự báo còn "thủ công" hay chưa được tự động hoá, mạng lưới quan trắc thưa thớt và nhiều hạn chế khác.[21]

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đến tỉnh Nam Định để kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả, đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam "rút kinh nghiệm sâu sắc" do dự báo bão không chính xác.[19]

Sau mùa bão 2016, đến quý I năm 2017, Tổng Cục Khí tượng Thủy văn phát hành "Đặc điểm Khí tượng Thủy văn năm 2016" đã đánh giá và tổng hợp lại số liệu cơn bão này, đánh giá chính thức cho thấy bão mạnh cấp 12.[10]

Ghi chú

Tham khảo

Xem thêm

Bão tại miền Bắc

Những cơn bão với dự báo sai số lớn đáng chú ý

Liên kết ngoài

  1. 23:15:10 BJT 2016-07-27.
  2. 00:19:53 BJT 2016-07-28.
  3. 01:06:58 BJT 2016-07-28.
  4. 01:30:30 BJT 2016-07-28.
  5. 02:05:08 BJT 2016-07-28.