Dương Hùng (Tây Hán)

Dương Hùng (chữ Hán: 扬雄, 53 TCN18), tên tựTử Vân, người Thành Đô, Thục Quận[1], là nhà văn, nhà triết học cuối đời Tây Hán, đầu đời Tân. Ông được Tam tự kinh xếp vào nhóm Ngũ tử.[2]

Dương Hùng
Tên chữTử Vân
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
53 TCN
Nơi sinh
Mất18
Giới tínhnam
Nghề nghiệpnhà ngôn ngữ học, nhà thơ, nhà văn, chính khách, nhà triết học
Tôn giáoNho giáo
Quốc tịchnhà Hán
Tên tiếng Trung
Phồn thể揚雄
Giản thể扬雄

Tiểu sử

Dương Hùng tự nhận có cùng thủy tổ với sĩ tộc họ Dương ở Hoằng Nông, Hoa Âm, tổ tiên vì chiến loạn mà dời nhà đến Ba Quận. Đời ông kỵ là Lư Giang thái thú Dương Quý tránh kẻ thù, lại dời nhà đến Thục Quận. Từ Quý đến Hùng, 5 đời đều chỉ có một con trai, lấy nghề nông làm kế sanh nhai, không có ai làm quan. [Hán thư 1]

Dương Hùng từ nhỏ hiếu học, không xem trọng câu cú mà chuyên tâm với nghĩa lý, đọc khắp sách vở. Hùng bản chất giản dị nhàn nhã, có tật nói lắp nên phát ngôn từ tốn, hình thành tính cách thâm trầm lặng lẽ, không truy cầu danh lợi, một mực đạm bạc trong sạch; tuy nhiên ông dứt khoát chẳng phải sách của thánh hiền thì không đọc, chẳng phải ý của thánh hiền thì không làm, nhưng lại ưa thích từ phú. [Hán thư 2]

Theo lời tự bạch của Hùng, ước chừng vào năm 16 TCN, ông nhờ văn tài, nên được Đại tư mã Vương Âm triệu làm Môn hạ sử, sau đó tiến cử lên Hán Thành đế làm Đãi chiếu, nhờ chứng tỏ văn tài mà được trừ chức Lang, Cấp sự hoàng môn (đều là các quan chức tùy tùng của hoàng đế, có lộc vị nhưng không có quyền lực). [Hán thư 3]

Triều đình nhà Hán nổ ra cuộc tranh giành quyền lực giữa các bè phái ngoại thích cũ (Vương) và mới (Đinh, Phó), rồi sau đó Vương Mãng soán ngôi, Hùng náu mình, chuyên tâm nghiên cứu triết học. [Hán thư 4] Thành ra, sự nghiệp chánh trị của Hùng trải qua 3 đời vua Thành Đế, Ai Đế, Bình Đế không có bước tiến đáng kể nào.

Sang đời Tân, Dương Hùng tự nhận tuổi cao, xin chuyển làm Đại phu, nhằm tránh xa danh lợi. [Hán thư 5]

Tân đế Vương Mãng giành được ngôi vị không chính đáng, luôn cảm thấy bất an, mà học trò của Hùng là Lưu Phân (con trai Lưu Hâm) xu nịnh không đúng chỗ, liên lụy đến ông, khiến Hùng khiếp sợ, nhảy xuống gác để tự vẫn, nên bị thương nặng gần chết. Nhờ Vương Mãng biết rõ Hùng không liên quan, hạ chiếu không truy cứu, nên mới thoát nạn. [Hán thư 6] Hùng vì bị thương mà chịu miễn quan, bình phục lại được làm Đại phu. [Hán thư 7]

Cuối đời, Dương Hùng nghèo khổ, lại ham rượu, ít khi có khách đến thăm, thường chu du để giảng dạy. Năm 18, Hùng mất, hưởng thọ 71 tuổi, được học trò là Hầu Ba chôn cất, giữ tang 3 năm.[Hán thư 8]

Sự nghiệp

Hình thức

Hùng có chủ trương lưu danh muôn đời nhờ văn chương, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất (theo quan điểm chủ quan của ông) trong các lĩnh vực khác nhau của văn học, mô phỏng chúng mà sáng tác nên các tác phẩm của riêng mình: về kinh thì mô phỏng kinh Dịch làm ra kinh Thái huyền, về truyện thì mô phỏng Luận ngữ làm ra Pháp ngôn, về sử thiên thì mô phỏng Thương hiệt, làm ra Huấn toản (ngày nay không còn), về châm thì mô phỏng Ngu châm, làm ra Thập nhị châu châm. Hùng hâm mộ tài làm phú của đồng hương là Tư Mã Tương Như, nên mô phỏng cách hành văn của ông ta, [Hán thư 9] trong các bài phú của ông thì nổi tiếng nhất là 4 bài: Cam Tuyền, Hà Đông, Vũ liệpTrường Dương. [Hán thư 10]

Ngoài ra, Hùng tự làm bài tựa cho tác phẩm của mình (xem Dương Hùng tự tự). [Hán thư 11]

Nội dung

Trong thời gian tháp tùng Hán Thành đế, Hùng bộc lộ nhiệt tâm đối với chính trị, chủ đề nổi bật nhất trong giai đoạn này là phúng gián, cả bốn bài phú nổi tiếng nhất của Hùng đều nhằm can ngăn hoàng đế:

  • Tháng giêng ÂL năm 11 TCN [16], Hùng theo Thành đế tế giao ở Cam Tuyền, [Hán thư 12] tận mắt trông thấy vẻ xa hoa tráng lệ của cung điện được xây cất từ thời Hán Vũ đế, trở về dâng lên bài phú Cam Tuyền, uyển chuyển khuyên ngăn hoàng đế hạn chế lối sống phô trương. [Hán thư 13]
  • Tháng 3 ÂL cùng năm [28], Thành đế cúng Hậu Thổ, sau đó cùng quần thần đi thăm viếng các danh thắng, Hùng lại dâng lên bài phú Hà Đông, uyển chuyển khuyên nhủ hoàng đế làm những việc thiết thực hơn. [Hán thư 14]
  • Tháng 12 cùng năm [38], Thành đế tổ chức một cuộc săn lớn, Hùng đi theo đến cung Trường Dương, thấy dân chúng phục dịch vất vả, làm bài phú Trường Dương, uyển chuyển khuyên can. [Hán thư 15]
  • Thành đế muốn khoe khoang với sứ giả Hung Nô tham gia cuộc săn, nên bày ra quy mô quá lớn, kéo dài đến mùa thu năm sau, khiến dân chúng không thể thu hoạch, Hùng lại làm bài phú Vũ liệp, uyển chuyển khuyên ngăn. [Hán thư 16]

Đến thời Hán Ai đế, tình thế biến động, Hùng chỉ lên tiếng vài lần, như Thượng thư gián Ai đế vật hứa Hung Nô triều (Dâng thư can Ai đế đừng nhận lời cho Hung Nô vào chầu), Đối Ai đế tai dị thư (thư trả lời về những thiên tai thời Ai đế), hầu như đóng cửa lánh đời, chuyên tâm trước tác kinh Thái huyền, bị chỉ trích là cầu an giữ mình. Vì thế Hùng làm bài phú Giải trào để phản bác những lời ấy. [Hán thư 17] Hùng đã sớm bày tỏ quan điểm này: ông vốn hâm mộ văn tài của Khuất Nguyên, cho rằng ở trên cả Tư Mã Tương Như, nhưng không bằng lòng với hành vi tự vẫn của ông ta, cho rằng gặp thời thì thăng tiến, không gặp thời thì ẩn cư, sao lại phải trầm mình như vậy!? Vì thế Hùng làm bài phú Phản Ly tao để phản biện Ly tao, sau đó lại làm Quảng tao, rồi dựa những tác phẩm khác của Khuất Nguyên làm ra Bạn lao sầu, đều là để phản biện quan điểm của ông ta. [Hán thư 18] Ngoài Giải trào, Hùng còn có vài tác phẩm mang tính tự thuật như Trục bần phú, Tửu phú,...

Vì giữ mình, Hùng cũng phải làm những tác phẩm ủng hộ Vương Mãng, như Kịch Tần mỹ Tân (chê bai nhà Tần, ca ngợi nhà Tân), chuốc lấy sự chê bai của người đời; [Hán thư 19] theo chiếu lệnh của Mãng, ông làm Nguyên hậu lụy để viếng Hiếu Nguyên thái hậu Vương Chính Quân.[78]

Về cuối đời, Hùng cho rằng những bài phú phúng gián không đem lại kết quả như mong đợi, nhìn lại thì những lời hay ý đẹp ấy thật là phù phiếm, lại có phần trái với đạo của người quân tử, nên không làm nữa. [Hán thư 20] Hùng làm ra kinh Thái huyền, nhằm trình bày hệ thống triết học và lý luận vũ trụ hoàn toàn khác biệt với kinh Dịch. Thái huyền xuất phát từ quan niệm tam tài, dung 1 huyền phân làm 3, rồi làm 9 châu, 27 bộ, 81 gia, 729 tán, cấu thành hệ thống, mượn sự vận động và phát triển của những điều ấy để nói rõ mọi sự, mọi vật. Học thuyết về Huyền chẳng những biểu thị âm dương tiêu trưởng mà còn biểu thị ngũ hành sinh khắc. Do ý nghĩa của bộ sách này quá thâm áo, Hùng phải tự làm chú thích (ngày nay không còn), riêng làm bài văn Giải nan để lý giải. [Hán thư 21]

Hùng phản đối các học thuyết chê bai đạo Nho (như Lão, Trang đều mượn Khổng tử làm ví dụ), làm ra Pháp ngôn, nhằm uốn nắn học thuật đương thời, khẳng định vị thế độc tôn của Nho học. [Hán thư 22]

Ngoài ra Hùng được cho là tác giả của Du hiên sứ giả tuyệt đại ngữ thích biệt quốc phương ngôn (tạm dịch: phương ngôn của các nước, được giải thích từ thời xa xưa, bởi các sứ giả đi cỗ xe nhẹ), thường gọi tắt là Phương ngôn.[95]

Đánh giá

Hùng chỉ được một số ít là Phạm Thuân, Lưu Hâm và Hoàn Đàm đánh giá cao, còn phần nhiều người đương thời xem nhẹ ông, [Hán thư 23] thậm chí chỉ trích gay gắt, cho rằng Hùng không phải là thánh nhân mà làm ra kinh (Thái huyền), đáng tội như bề tôi gây ra việc tiếm nghịch. [Hán thư 24]

Bấy giờ, Lưu Hâm từng nói thẳng với Hùng là thiên hạ còn chưa hiểu hết được Dịch, làm sao nghiên cứu Huyền. [Hán thư 25] Sau khi Hùng mất, Hoàn Đàm khẳng định quan điểm nhiệt thành bảo vệ Nho học sẽ giúp cho tác phẩm của ông lưu truyền mãi mãi. [Hán thư 26] Những nhận định này đã được Ban Cố chứng thực. [Hán thư 27]

Một số khác biệt cơ bản giữa kinh Dịch và kinh Thái huyền

Để hiểu được phần nào sáng tạo của Dương Hùng, có thể tham khảo bảng dưới đây:[98]

STTDịchThái huyền
1Cơ số hệ nhị phân và bát phânCơ số hệ tam phân và cửu phân
2Dùng huyền lực của số 2 nên tự triển khai theo cấp số nhân 2Dùng huyền lực của số 3 nên tự triển khai theo cấp số nhân 3
364 quái thu về 1 ma phương (magic square) bậc 881 thủ thu về 1 ma lập phương (magic cube) bậc 9
464 quái triển khai theo hệ số của nhị thức bậc 6: (a+b)681 thủ triển khai theo hệ số của tam thức bậc 4: (a+b+c)4
5Phương đồ của 64 quái là một mạng vuông (grid) nằm sát gốc O trong góc tư (quadrant) thứ tư của mặt phẳng Descartes. Mỗi quẻ kép biểu thị hai số bát phân (octal) (được đọc từ đáy lên): số đầu cho hoành độ (abscissa), số sau cho tung độ (ordinate) của góc trái trên của ô chứa quẻ liên hệ. Các quẻ đơn có trị số theo quy ước sau đây: khôn=0; cấn=1; khảm=2; tốn=3; chấn=4; ly=5; đoài=6; càn=7Phương đồ của 81 thủ là một mạng vuông (grid) nằm sát gốc O trong góc tư (quadrant) thứ ba của mặt phẳng Descartes. Mỗi thủ biểu thị hai số cửu phân (nonal) (được đọc từ trên xuống): số đầu (của 2 vạch Phương – Châu) cho hoành độ (abscissa), còn số sau (của 2 vạch Bộ – Gia) cho tung độ (ordinate) của góc trái trên của ô chứa thủ liên hệ. Chín Bán thủ có trị số bản xứ như sau: ≈11=000; ≈12=001; ≈13=010; ≈21=011; ≈22=100; ≈23=101; ≈31=110; ≈31=111; ≈33=1000
6Thái cực → Lưỡng nghi → Tứ tượng → Bát quái → 16 Sự → 32 Á quái → 64 quái. Càn sách là 36 x 6 = 196, Khôn sách là 24 x 6 = 144, toàn sách quái là 192 x (24 + 36) = 192 x 60 = 11.520 sáchThái nguyên → 3 Phương → 9 Châu → 27 Biểu → 81 Thủ, từ Trung xuống Dưỡng → 729 Tán (thêm 2 Tán nhuận Khi và Doanh → 731 Tán) → 729 x 36 = 26.244 sách
710 Truyện là Văn ngôn, Thoán thượng, Thoán hạ, Đại tượng, Tiểu tượng, Hệ thượng, Hệ hạ, Thuyết quái truyện, Tự quái truyện, Tạp quái truyện10 Tự truyện là Huyền trắc, Huyền xung, Huyền thác, Huyền Ly, Huyền oanh, Huyền số, Huyền văn, Huyền nghễ, Huyền đồ, Huyền cáo.
8Quẻ kép gồm 6 hào tính từ dưới lên trên theo quy thức chồng (stack) dùng LIFOThủ tính từ trên xuống dưới và chia thành Phương, Châu, Bộ, Gia theo quy thức đội ngũ (queue) dùng FIFO
9Dịch lý dựa trên tập hợp cổ điển và Đại số BooleHuyền lý dựa trên tập hợp mờ (fuzzy set) và luận lý mờ (fuzzy logic)
10Bói Dịch dùng 50 cọng cỏ thi để tìm cát, hung, hối, lậnBói Huyền dùng 64 cọng cỏ thi để tìm cát, cữu, tường, lận, bình, hối, tai, hưu, hung
11Quái khí ngoại nhập nên khởi đầu bằng quát trụ dẹt (ambigram) [Càn\Khôn] và kết thúc bằng quát trụ dẹt [Ký tế\Vị tế]; sau này, do tuế sai làm điểm Xuân phân đi giật lùi trên Hoàng đạo, nên mới khởi tiết Đông chí bằng quẻ Phục XQuái khí nội tại và có trật tự, nên bắt đầu tiết Đông chí bằng thủ Trung ứng với quẻ Trung Phu, và kết thúc bằng thủ Dưỡng ứng với quẻ Di
12Đề cao Thiên đạo, Quân đạo và Phụ đạoĐề cao Địa đạo, Thần đạo và Hiếu đạo
13Dùng lịch Thiên Thống nhà Chu, lấy tháng Tý làm tháng giêng (Kiến Tý)Dùng lịch Thái Sơ của nhà Hán, có nguồn gốc là lịch Chuyên Húc nhà Tần
14Hào khởi từ Giáp dần tức đầu của tú Cơ thuộc Thanh Long và theo chu kỳ của 1 cực – tức 31920 tuế (năm tiết khí), tương đương 1680 chương (Metonic cycle)Tán khởi từ Giáp tý tức đầu của tú Khiên Ngưu với chu kỳ là 4617 tuế, tương đương 243 chương

Khảo chứng

Điển cố: Lâm xuyên tiện ngư

  • Chữ Hán: 临川羡鱼
  • Nguồn gốc: Hà Đông phú
  • Nội dung: miêu tả tình cảnh một người đứng bên dòng nước, nhìn xuống thấy nhiều cá, cứ nghĩ đến chuyện bắt cá, nhưng không ra tay, nên rốt cục không có cá. Ý nói một người chỉ có nguyện vọng mà không có hành động thực tế, nên không thể đạt được điều mà anh ta mong đợi. Ở đây Hùng muốn khuyên ngăn Hán Thành đế không nên nghĩ ngợi nữa, mà nên bắt tay vào sửa sang đức chính.[99]

Tác phẩm liên quan

  • Tả Tư (左思) – Vịnh sử. Tế tế kinh thành nội (咏史.济济京城内, kỳ 4 của bài 8): "Tịch tịch Dương tử trạch, môn vô khanh tướng dư. Liêu liêu không vũ trung, sở giảng tại Huyền hư. Ngôn luận chuẩn Trọng Ni, từ phú nghĩ Tương Như. Du du bách thế hậu, anh danh thiện bát khu."
  • Lư Chiếu Lân (卢照邻) – Trường An cổ ý (长安古意): "Tịch tịch liêu liêu Dương tử cư, niên niên tuế tuế nhất sàng thư. Độc hữu Nam Sơn quế hoa phát, phi lai phi khứ tập nhân cư."
  • Lý Bạch – Cổ phong. Hàm Dương nhị tam nguyệt (古风.咸阳二三月, kỳ 8 của bài 59): "Tử Vân bất hiểu sự, vãn hiến Trường Dương từ. Phú đạt thân dĩ lão, thảo Huyền tấn nhược ti. Đầu các lương khả thán, đãn vi thử bối xuy."
  • Lý Bạch – Cổ phong. Nhất bách tứ thập niên (古风.一百四十年, kỳ 46 của bài 59): "Độc hữu Dương chấp kích, bế quan thảo Thái huyền."
  • Lý Bạch – Hiệp khách hành (侠客行): "Thùy năng thư các hạ, bạch thủ Thái huyền kinh?"
  • Lý Hạ – Lục chương phong sự (绿章封事): "Kim gia hương hạng thiên luân minh, Dương Hùng thu thất vô tục thanh."
  • Đái Thúc Luân (戴叔伦) – Hành lộ nan (行路难): "Dương Hùng bế môn không độc thư, môn tiền bích thảo xuân li li."

Đọc thêm

  • Xem những tác phẩm của Dương Hùng còn lại đến ngày nay tại đây (tiếng Trung)

Chú thích