HMS Orion (1910)

HMS Orion là một thiết giáp hạm dreadnought được chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Anh Quốc trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Được hạ thủy vào năm 1910, nó là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó, vốn được xem là những chiếc "siêu-dreadnought" đầu tiên của Anh trang bị dàn pháo chính với cỡ nòng lớn hơn 12 inch cũng như bố trí toàn bộ các tháp pháo trên trục giữa con tàu.

Thiết giáp hạm HMS Orion
Lịch sử
Anh Quốc
Tên gọiHMS Orion
Đặt lườn29 tháng 11 năm 1909
Hạ thủy20 tháng 8 năm 1910
Nhập biên chế2 tháng 1 năm 1912[1]
Xuất biên chế1922
Xóa đăng bạ1922
Số phậnBị bán để tháo dỡ
Đặc điểm khái quát
Lớp tàuLớp thiết giáp hạm Orion
Trọng tải choán nước
  • 22.000 tấn (22.000 tấn Anh) (tiêu chuẩn)
  • 25.870 tấn (25.460 tấn Anh) (đầy tải)
Chiều dài581 ft (177,1 m)
Sườn ngang88 ft 7 in (27,0 m)
Mớn nước24 ft 6 in (7,5 m)
Động cơ đẩy
  • 4 × turbine hơi nước dẫn động trực tiếp[2]
  • 18 × nồi hơi ống nước
  • 4 × trục
  • công suất 27.000 hp (20 MW)
Tốc độ21 hải lý trên giờ (38,9 km/h)
Tầm xa6.730 nmi (12.460 km; 7.740 mi) ở tốc độ 10 hải lý trên giờ (19 km/h; 12 mph)
Tầm hoạt động
Thủy thủ đoàn tối đa750–1100
Vũ khí
  • 10 × pháo BL 13,5 in (340 mm)/45 caliber Mark V (5×2);
  • 16 × pháo BL 4 in (100 mm) Mark VII (16×1);
  • 3 × ống phóng ngư lôi 21 inch (533 mm) (ngầm)
Bọc giáp
  • đai giáp chính: 12 in (305 mm);
  • vách ngăn: 10 in (254 mm);
  • sàn tàu: 4 in (102 mm);
  • tháp pháo: 11 in (279 mm);
  • bệ tháp pháo: 10 in (254 mm)

Orion hoạt động cùng Hạm đội Grand trong chiến tranh, đã có mặt trong trận Jutland vào ngày 31 tháng 5-1 tháng 6 năm 1916 và tự nhận đã bắn trúng tàu chiến-tuần dương Đức bốn phát, nhưng điều này không thể kiểm chứng. Sau chiến tranh nó được đưa về lực lượng dự bị, rồi bị tháo dỡ vào năm 1922 theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân Washington.

Thiết kế và chế tạo

Bối cảnh

Orion và những chiếc chị em được đặt lườn vào lúc chính phủ Đảng Dân chủ Tự do Anh buộc phải thực hiện cam kết lúc tuyển cử sẽ cắt giảm mức độ chi tiêu vũ trang. Những thông tin sai lệch được Tùy viên Hải quân tại Đức cung cấp cho thấy họ đang chế tạo dreadnought với một tốc độ, nếu như không đối đầu, cũng sẽ xấp xỉ ngang bằng với lực lượng Anh.[3] Vào lúc đó đang tồn tại một chính sách có tên "Tiêu chuẩn hai thế lực", đòi hỏi hạm đội chiến trận Anh phải luôn luôn mạnh hơn 10% so với lực lượng của hai cường quốc hải quân tiếp theo cộng lại.[4] Theo như được báo cáo lên chính phủ Anh, kế hoạch của Đức được xem như rõ ràng phá vỡ chính sách này. Vì vậy Reginald McKenna, Bộ trưởng Hải quân Anh, đã thúc đẩy trình kế hoạch chế tạo lớp Orion sang Quốc hội Anh dưới sự ủng hộ của Thủ tướng Anh H.H. Asquith nhưng dưới sự phản đối của David Lloyd-George và Winston Churchill.

Đặc tính chung

Orion là những thiết giáp hạm dreadnought đầu tiên của Anh, và cũng là đầu tiên trên thế giới ngoại trừ South CarolinaMichigan của Hải quân Hoa Kỳ, trang bị toàn bộ dàn pháo chính trên trục giữa con tàu. Thiết kế này được đưa ra trước khi có quyết định sau cùng về cỡ pháo.[5] Người ta biết phía Đức sản xuất một số lượng lớn nòng pháo cỡ 11 in (280 mm) và 12 in (300 mm), trong khi kiểu pháo 12 inch/50 calibre đã đạt đến cuối chu kỳ phát triển, nên có nhu cầu phải tăng cỡ nòng pháo chính lên 13,5 in (340 mm).[6][7] Điều này đến lượt nó đưa đến sự gia tăng đáng kể kích thước con tàu so với những chiếc dreadnought trước đó, và trọng lượng choán nước tăng thêm khoảng 2.500 tấn (2.500 tấn Anh).

Orion có chiều dài chung 581 ft (177,1 m); nó có mạn thuyền rộng tối đa 88 ft 7 in (27,0 m) và mớn nước 24 ft 6 in (7,5 m). Trong lượng choán nước của nó là 22.000 tấn (22.000 tấn Anh) ở tải trọng thông thường và lên đến 25.870 tấn (25.460 tấn Anh) khi đầy tải nặng. Cột ăn-ten trước được bố trí ngay phía sau ống khói trước, giống như trường hợp của HMS DreadnoughtColossus (nhưng không như các lớp BellerophonSt. Vincent). Việc này khiến bệ điều khiển hỏa lực bên trên cột hầu như không sống được bởi khói và hơi nóng khi đi vào hướng gió. Lý do duy nhất cho sự sắp xếp này là thuận tiện để bố trí móc treo các chiếc xuồng của con tàu.[7] Để giảm nhẹ phần nào sự bất tiện này, ống khói trước có đường kính nhỏ hơn và chỉ thoát hơi cho sáu nồi hơi, 12 nồi hơi còn lại được thoát qua ống khói sau. Chiều cao của cột ăn-ten chính được hạ thấp và lưới chống ngư lôi được tháo dỡ vào năm 1915; bệ điều khiển hỏa lực được mở rộng sau trận Jutland năm 1916 cũng như một bệ phóng máy bay được đặt trên nóc tháp pháo "B".[7]

Hệ thống động lực

Orion được vận hành bởi bốn turbine hơi nước Parsons dẫn động bốn trục chân vịt. Các trục chân vịt giữa được nối với các turbine áp lực cao trước và sau với một tầng hộp số phía trước để đi đường trường, sẽ ngắt ra khỏi turbine chính bởi một van nối tắt. Các trục chân vịt bên mạn được nối với các turbine áp lực thấp trước và sau; khi đi đường trường chúng được tắt bớt và con tàu chỉ thuần túy dựa vào các trục giữa. Hơi nước cho các turbine được cung cấp từ 18 nồi hơi Babcock and Wilcox, phân thành ba phòng nồi hơi với sáu nồi hơi mỗi phòng. Chúng chủ yếu đốt than, nhưng được phun thêm dầu để làm tăng nhanh áp suất hơi nước.

Công suất thiết kế là 27.000 hp (20 MW) cho phép con tàu đạt tốc độ tối đa 21 hải lý trên giờ (38,9 km/h). Bình thường con tàu mang theo 900 t (990 tấn Mỹ) than, nhưng có thể chở tối đa 3.300 t (3.600 tấn Mỹ) cộng với 800 t (880 tấn Mỹ) dầu đốt; phạm vi hoạt động của nó là 6.730 hải lý (12.460 km) ở tốc độ đường trường 10 kn (19 km/h), hoặc 4.110 hải lý (7.610 km) ở tốc độ 19 kn (35 km/h).[8] Khi chạy thử máy nó đạt đến công suất tối đa 29.108 hp (21,706 MW) và tốc độ tối đa 21,02 kn (38,93 km/h). Vận tốc nhanh nhất mà Orion từng được ghi nhận là 22,3 kn (41,3 km/h).[9]

Vũ khí

Dàn pháo chính bao gồm mười khẩu pháo BL 13,5 in (340 mm)/45 caliber Mark V đặt trên năm tháp pháo nòng đôi, tất cả đều trên trục giữa con tàu. Tháp pháo "A" bố trí trên sàn trước với góc bắn không giới hạn bên trên sàn tàu khoảng 300°. Tháp pháo "B" được đặt ngay sau tháp pháo "A" một sàn cao hơn; trên lý thuyết nó cũng có góc bắn tương đương, nhưng do việc Bộ Hải quân Anh khăng khăng giữ lại vòm quan sát trên các nóc tháp pháo, việc khai hỏa ngay bên trên tháp pháo "A" gây hiệu ứng áp lực nổ không chịu nổi cho những người bên trong, nên chỉ giới hạn trong góc bắn qua mạn tàu.[7][8] Tháp pháo "Q", được đặt giữa ống khói sau và cấu trúc thượng tầng phía sau và một sàn thấp hơn tháp pháo "A", có góc bắn 120° qua cả hai bên mạn nhưng không thể bắn trực tiếp ra phía trước hay phía sau. Tháp pháo "X" được đặt ngang mức tháp pháo "A" trên sàn sau và bắn thượng tầng bên trên tháp pháo "Y"; nó có góc bắn lý thuyết và giới hạn tương tự như trường hợp tháp pháo "B" do cùng một lý do. Tháp pháo "Y" được đặt trên sàn sau ngang với tháp pháo "Q" với góc bắn không giới hạn ra phía sau trên 300°. Lượng đạn dược mang theo tối đa của con tàu là 100 quả đạn pháo cho mỗi khẩu pháo.[10]

Kiểu pháo BL 13,5 inch Mark V dài trên 52 ft (16 m), nòng pháo nặng hơn 70 t (69 tấn Anh) và có tuổi thọ hơn 450 lượt bắn. Chúng bắn ra đạn pháo xuyên thép (CAP) nặng 1.266,5 lb (574,5 kg) với 30–40 lb (14–18 kg) thuốc nổ hoặc đạn pháo nổ mạnh (HE) nặng 1.250 lb (570 kg) với 176,5 lb (80,1 kg) thuốc nổ. Sử dụng liều thuốc phóng 293 lb (133 kg) cordite, chúng đạt tầm xa tối đa 24.000 yd (22 km) ở góc nâng 20°. Ở khoảng cách 10.000 yd (9,1 km) đạn pháo xuyên thép (CAP) có thể xuyên thủng vỏ giáp Krupp dày 12 in (300 mm). Tháp pháo kiểu Mark V trang bị cho Orion nặng khoảng 600 t (590 tấn Anh).

Mười sáu khẩu pháo BL 4 in (100 mm) Mk VII nạp bằng khóa nòng được trang bị cho dàn pháo hạng hai. Chúng được bố trí đối xứng với tám khẩu trên cấu trúc thượng tầng phía trước có góc bắn ra phía trước và bên mạn, và tám khẩu trên cấu trúc thượng tầng phía sau bắn ra bên mạn và phía sau; chúng bắn ra đạn pháo nặng 31 lb (14 kg) đến tầm xa tối đa 11.500 yd (10,5 km) và có tốc độ bắn từ 6 đến 8 phát mỗi phút.[9] Số khẩu pháo được giảm còn 13 khẩu trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ nhất, và một khẩu 4 inch phòng không được trang bị trên sàn sau. Nó còn có bốn khẩu pháo chào 3-pounder gắn cao trên cấu trúc thượng tầng, cùng ba ống phóng ngư lôi 21 in (530 mm) ngầm gồm một ống mỗi bên mạn và một phía đuôi. Lớp Orion sử dụng kiểu ngư lôi Whitehead Mark II có tầm xa tối đa 4.000 yd (3,7 km) ở tốc độ 35 kn (65 km/h) hoặc 5.500 yd (5,0 km) ở tốc độ 30 kn (56 km/h) và đầu đạn chứa 400 lb (180 kg) thuốc nổ TNT. Có tổng cộng 20 quả ngư lôi được mang theo.[10]

Kiểm soát hỏa lực

Hệ thống kiểm soát hỏa lực của con tàu bao gồm một máy đo tầm xa 9 ft 6 in (2,90 m) đặt trên nóc kiểm soát hỏa lực. Thông tin về tầm xa và phương hướng của mục tiêu được chuyển đến Bảng điều khiển hỏa lực Dreyer, một máy tính cơ khí sơ khai do Frederic Charles Dreyer sáng chế và phát triển; nó tính toán đối chiếu hướng và tốc độ gió, hướng và tốc độ của con tàu, hướng và tốc độ của mục tiêu, nhiệt độ và độ hao mòn của nòng pháo cùng những hiệu chỉnh cho hiệu ứng Coriolis. Kết quả tính toán góc xoay và góc nâng các khẩu pháo được truyền bằng điện trở lại tháp pháo, nơi các pháo thủ làm theo chỉ thị được hướng dẫn. Khi đạn pháo nạp xong, nút chuyển trên khóa nòng đóng lại làm bật sáng đèn chỉ thị trên tháp chỉ huy; các khẩu pháo được sĩ quan hỏa lực khai hỏa bằng điện.

Vỏ giáp

Vào lúc thiết kế lớp Orion, cỡ nòng pháo lớn nhất trang bị cho thiết giáp hạm của mọi nước khác là 12 in (300 mm). Tuy nhiên, người ta tin rằng trong xu hướng tiếp tục tăng thêm kích thước của các lớp tàu chiến, cỡ nòng pháo chắc chắn sẽ tăng lên.[11] Vì thế Orion và các tàu chị em được trang bị vỏ giáp mạnh và rộng rãi hơn so với những chiếc dreadnought Anh trước đó. Đai giáp ở mực nước dày 12 in (300 mm), kéo dài từ ngang giữa bệ tháp pháo "A" đến bệ tháp pháo "Y"; mép dưới của đai giáp mở rộng 3 ft 4 in (1,02 m) bên dưới mực nước ở tải trọng thông thường.[10] Bên trên đai giáp này là một đai giáp trên dày 8 in (200 mm) có cùng chiều dài và mở rộng lên phía trên nhiều hơn so với những chiếc dreadnought trước đó; mép trên của nó ngang với sàn giữa, cung cấp một chiều cao toàn bộ của đai giáp là 20 ft 6 in (6,25 m).[10] Phía trước bệ tháp pháo "A", đai giáp kéo dài một khoảng ngắn dày 6 in (150 mm) vuốt mỏng còn 4 in (100 mm); và phần sau đuôi của đai giáp tiếp tục một khoảng ngắn dày 2,5 in (64 mm). Mũi và đuôi con tàu không được bọc giáp.

Một đai giáp chống ngư lôi chạy dài từ bệ tháp pháo "A" đến bệ tháp pháo "Y", mở rộng từ sàn dưới đến đáy tàu; nó có độ dày thay đổi 1–1,75 in (25–44 mm) và được dự định ngăn ngừa ngư lôi hay thủy lôi có thể kích nổ hầm đạn.[12] Một vách ngăn bọc thép dày 10 in (250 mm) bố trí ở phần cuối của đai giáp chung quanh bệ tháp pháo "Y", và thêm một vách ngăn khác ở giữa nó và đuôi tàu dày 2,5 in (64 mm); cả hai mở rộng từ sàn dưới đến sàn trên. Vách ngăn phía trước kéo dài từ mép trước của đai giáp cả hai bên mạn đến mặt bệ tháp pháo "A" dày 8 in (200 mm) giữa sàn trước và sàn chính, và 6 in (150 mm) giữa sàn chính và sàn dưới. Một vách ngăn khác dày 4 in (100 mm) được bố trí giữa nó và mũi tàu, khoảng một-phần-ba khoảng cách từ mũi đến bệ tháp pháo phía trước.

Có bốn lớp sàn tàu bọc thép. Sàn trên và sàn chính dày 1,5 in (38 mm), sàn giữa dày 1 in (25 mm) trong khi sàn dưới dày 2,5 in (64 mm) vuốt mỏng còn 1 inch phía trước và 4 in (100 mm) vuốt mỏng còn 3 in (76 mm) phía sau. Chỗ dày nhất được bố trí bên trên hầm đạn và động cơ.[12] Mặt trước của các tháp pháo dày 11 in (280 mm), đai của bệ tháp pháo dày 3–4 in (76–102 mm). Chỗ dày nhất của bệ tháp pháo là 10 in (250 mm), nhưng vuốt mỏng còn 7–3 in (178–76 mm) nơi các cấu trúc hoặc sàn tàu tiếp giáp đã cung cấp một mức độ bảo vệ nào đó.[13] Tháp chỉ huy được bảo vệ bởi vỏ giáp dày 11–3 in (279–76 mm).

Lịch sử hoạt động

Orion được đặt lườn tại xưởng tàu Portsmouth vào ngày 29 tháng 11 năm 1909. Nó được hạ thủy vào ngày 20 tháng 8 năm 1910, bắt đầu chạy thử máy vào tháng 9 năm 1911 và được đưa ra hoạt động từ ngày 2 tháng 1 năm 1912. Nó gia nhập đội 2 của Hải đội Chiến trận 2 như là soái hạm thứ hai, thay phiên vai trò của chiếc thiết giáp hạm tiền-dreadnoughtHibernia. Vào ngày 7 tháng 1 năm 1912, nó bị tai nạn khi chiếc Revenge bị đứt dây neo khỏi nơi neo đậu và va chạm với Orion, gây hư hại nhẹ bên mạn trái.

Trong trận Jutland vào ngày 31 tháng 5 năm 1916, nó mang cờ hiệu của Chuẩn đô đốc Arthur Leveson, Tư lệnh thứ hai của Hải đội Chiến trận 2 của Hạm đội Grand. Nó tham gia giai đoạn chính trận chiến, không bắn trúng phát nào và cũng không bị trúng phát nào. Đến giai đoạn cuối, nó tự nhận bắn trúng bốn phát vào tàu chiến-tuần dương Đức Lützow, nhưng không thể xác nhận điều này vì con tàu đối phương đã bị chìm trong trận đánh.

Nó tiếp tục ở lại cùng Hạm đội Grand, nhưng giống như các đơn vị khác của hạm đội chiến trận, nó không có hoạt động tác chiến nào khác trong thời gian còn lại của cuộc xung đột. Vào ngày 3 tháng 10 năm 1919 Orion trở thành soái hạm của Hạm đội Dự bị tại Portsmouth, rồi đến tháng 6 năm 1921 nó đảm nhiệm vai trò tàu huấn luyện tác xạ đi biển tại Portland. Vào ngày 12 tháng 4 năm 1922, nó được đưa vào danh sách loại bỏ nhằm tuân thủ các điều khoản giới hạn của Hiệp ước Hải quân Washington. Đến ngày 19 tháng 12 nó bị bán cho hãng tháo dỡ tàu Cox and Danks, và được tháo dỡ tại Upnor từ tháng 2 năm 1923.[14]

Tham khảo

Chú thích

Thư mục

Đọc thêm

  • Arthur Mee biên tập (1912). “Chapter 5”. Harmsworth Popular Science. Amalgamated Press. tr. 576 to 597.

Liên kết ngoài