Hòa Dụ Hoàng quý phi

phi tần của Gia Khánh Đế
(Đổi hướng từ Hoà Dụ Hoàng quý phi)

Hòa Dụ Hoàng quý phi (chữ Hán: 和裕皇贵妃; 9 tháng 1, năm 1761 - 27 tháng 4, năm 1834), Lưu Giai thị, xuất thân Bao y, là một phi tần của Thanh Nhân Tông Gia Khánh Đế.

Hoà Dụ Hoàng quý phi
和裕皇贵妃
Gia Khánh Đế Hoàng quý phi
Thông tin chung
Sinh(1761-01-09)9 tháng 1, 1761
Mất27 tháng 4, 1834(1834-04-27) (73 tuổi)
Cát An sở, Bắc Kinh
An tángXương lăng (昌陵), Phi viên tẩm
Phối ngẫuThanh Nhân Tông
Gia Khánh Hoàng đế
Hậu duệ
Thụy hiệu
Hoà Dụ Hoàng quý phi
(和裕皇贵妃)
Tước hiệu[Cách cách; 格格]
[Hàm phi; 諴妃]
[Hàm Quý phi; 諴贵妃]
[Hoàng khảo Hàm Hi Hoàng quý phi; 皇考諴禧皇贵妃]
Thân phụLưu Phúc Minh

Thân thế

Hòa Dụ Hoàng quý phi mang họ [Lưu Giai thị; 刘佳氏], sinh năm Càn Long thứ 26 (1761), xuất thân Bao y, bà là con gái của Bái đường a Lưu Phúc Minh (刘福明). Những năm Càn Long, do là thân phận Bao y nữ tử, bà nhập Tiềm để của Thập ngũ a ca Vĩnh Diễm và trở thành Cách cách - danh vị dành cho các thị thiếp hàng thấp của các Hoàng tử, Vương công thời Thanh. Trong số những phi thiếp hầu hạ Gia Khánh Đế, bà là người có tư lịch lâu nhất[1].

Năm Càn Long thứ 44 (1779), ngày 29 tháng 12, Lưu Giai thị sinh hạ trưởng tử của Vĩnh Diễm, nhưng chưa kịp đặt tên thì sang năm sau (1780), ngày 6 tháng 3 người con trai ấy chết yểu. Năm Càn Long thứ 46 (1781), ngày 17 tháng 12, bà sinh hạ Hòa Thạc Trang Kính Công chúa, con gái thứ ba của Vĩnh Diễm.

Đại Thanh tần phi

Năm Gia Khánh nguyên niên (1796), Gia Khánh Đế đăng cơ. Ngày 4 tháng 1 (âm lịch) cùng năm, lấy Lễ bộ Thượng thư Kỷ Vân (纪昀) làm Chính sứ, Nội các Học sĩ Trát Lang A (扎郎阿) làm Phó sứ, tuyên sách Lưu Giai thị làm Hàm phi (諴妃)[2]. Phong hiệu “Hàm “ này Mãn văn là 「Yargiyangga」, ý là “Chân thật”, “Xác thật”, nghĩa rộng ý là “Chân thành”. Thông thường Cách cách từ Tiềm để của Hoàng đế được sơ phong cao nhất đến bậc Tần, nhưng Lưu Giai thị có tư lịch hầu hạ Gia Khánh Đế lâu nhất, lại sinh được Hoàng trưởng tử nên có lẽ được đặc cách sách phong làm Phi, trở thành Cách cách Tiềm để thứ hai của nhà Thanh được sơ phong Phi vị, sau Hiếu Thánh Hiến Hoàng hậu.

Năm Gia Khánh thứ 13 (1808), ngày 21 tháng 4, được nâng làm Hàm Quý phi (諴贵妃). Ngày 11 tháng 11 năm đó, lấy Đại học sĩ Khánh Quế (庆桂) làm Chính sứ, Nội các Học sĩ Ha Ninh A (哈宁阿) làm Phó sứ, hành Quý phi sách phong lễ[3]. Có thể thấy, sinh thời bà khá được lòng Gia Khánh Đế, trở thành Quý phi duy nhất được sách phong sau Hiếu Hoà Duệ Hoàng hậu.

Năm Gia Khánh thứ 25 (1820), Gia Khánh Đế băng hà, Đạo Quang Đế thừa di chiếu lên ngôi. Ngày 23 tháng 8 (âm lịch) cùng năm, Hoàng đế tôn bà làm Hoàng khảo Hàm Hi Hoàng quý phi (皇考諴禧皇贵妃), bên cạnh đó Đạo Quang Đế còn truy tặng con trai chết yểu của bà làm Mục Quận vương (穆郡王). Ngày 15 tháng 12 (âm lịch) năm ấy, lấy Lễ bộ Tả Thị lang Thiện Khánh (善庆) làm Chính sứ, Nội các Học sĩ Kỳ Anh (耆英) làm Phó sứ, hành Hoàng khảo Hoàng quý phi sách phong lễ[4].

Sách văn:

Năm Đạo Quang thứ 14 (1833), ngày 18 tháng 12 (âm lịch), Hàm Hi Hoàng quý phi Lưu Giai thị bệnh mất ở Cát An sở (吉安所), hưởng thọ 74 tuổi.

Năm sau (1834), tháng 2, Đạo Quang Đế truy tôn thụy hiệuHòa Dụ Hoàng quý phi (和裕皇贵妃). Ngày 18 tháng 9, kim quan của Hoàng quý phi nhập táng vào Xương lăng Phi viên tẩm[5].

Hậu duệ

  1. Mục Quận vương [穆郡王; 1780], con trai trưởng của Gia Khánh Đế. Sinh ngày 29 tháng 12 năm Càn Long thứ 44, mất ngày 6 tháng 3 năm Càn Long thứ 45.
  2. Hòa Thạc Trang Kính Công chúa [和碩莊敬公主; 1781 - 1811], con gái thứ ba của Gia Khánh Đế. Sinh ngày 17 tháng 12 năm Càn Long thứ 46, mất ngày 12 tháng 3 năm Gia Khánh thứ 16. Hạ giá lấy Tác Đặc Nạp Mộc Đa Bố Tể (索特纳木多布济), Quận vương của Khoa Nhĩ Thấm, Mông Cổ.

Xem thêm

Chú thích