Kiểm duyệt phim trên mạng internet

Kiểm duyệt phim trên mạng internet là việc kiểm duyệt, phân loại phim ảnh, Game show, Video âm nhạc (MV) trên mạng Internet. Hiện nay, phim ảnh đã không chỉ chiếu ở rạp phim, truyền hình như trước đây mà còn có thể phát hành trên mạng internet, vì vậy, việc kiểm duyệt phim ảnh, Game show, video âm nhạc đã được nhiều nước mở rộng áp dụng đối với cả sản phẩm phát hành trên mạng internet. Theo đó, cá nhân hoặc tổ chức muốn đăng tải phim ảnh, Game show, Video âm nhạc lên mạng internet thì phải được cơ quan kiểm duyệt cấp phép.

Vấn đề kiểm soát độ tuổi người xem phim trên mạng Internet

Những phim đã trải qua kiểm duyệt sẽ được phân loại cho phù hợp với từng lứa tuổi (ví dụ: cấm người xem dưới 13 tuổi, 16 tuổi, 18 tuổi). Điều này làm nảy sinh vấn đề kiểm soát độ tuổi người xem phim, ngăn không cho trẻ em chưa đủ tuổi xem những bộ phim bị cấm ở độ tuổi đó.

Đối với phim chiếu ở rạp, việc kiểm soát độ tuổi khá đơn giản và dễ kiểm soát, chỉ cần yêu cầu người mua vé phải xuất trình chứng minh thư/căn cước công dân để biết rõ độ tuổi của người đó. Nhưng đối với phim chiếu trên mạng, vấn đề này trở nên rất phức tạp. Chỉ cần 1 chiếc máy tính/điện thoại/tivi thông minh, bất kỳ ai cũng có thể xem các bộ phim trên mạng, và không thể biết rõ người xem bộ phim đang ở độ tuổi nào. Nếu không có biện pháp kỹ thuật đủ chặt chẽ thì việc cảnh báo, hiển thị mức phân loại độ tuổi cho phim chiếu trên mạng sẽ là phản tác dụng, bởi nhiều trẻ trẻ sẽ muốn xem những bộ phim gắn mác "phim 18+, phim dành cho người lớn" bởi sự tò mò (hiện tượng trái cấm), và nếu trang web xem phim không có biện pháp kỹ thuật đủ chặt chẽ để ngăn chặn thì trẻ em sẽ dễ dàng xem được.

Để giải quyết vấn đề này, một số nước như Singapore đã đề ra chính sách kiểm soát phim chiếu mạng rất chặt chẽ: người xem phải sử dụng căn cước công dân của bản thân để đăng ký mua tài khoản với dịch vụ xem phim trực tuyến, thỏa thuận này phải được lập thành văn bản có chữ ký của hai bên. Dữ liệu về người mua (độ tuổi, giới tính, mã số căn cước công dân) sẽ được chuyển cho dịch vụ xem phim trực tuyến để cập nhật vào hệ thống dữ liệu người dùng toàn quốc, sau đó người mua mới được cấp tài khoản truy cập và mật khẩu. Để xem phim những phim có mức phân loại độ tuổi cao (cấm người dưới 16 tuổi hoặc 18 tuổi), người xem bắt buộc phải sử dụng tài khoản truy cập này. Nếu không có tài khoản xem phim hoặc tài khoản được xác định là chưa đủ tuổi, hệ thống tự động sẽ chặn việc truy cập bộ phim đó. Chính sách này đảm bảo tốt hơn việc ngăn chặn trẻ em truy cập, xem những bộ phim không phù hợp với độ tuổi của mình trên internet.

Tại các nước

Hàn Quốc

Hàn Quốc trước đây có tình trạng các công ty truyền thông, ca sĩ cho đăng tải phim ảnh, Game show, video ca nhạc (MV) lên mạng internet để né tránh việc bị cơ quan Nhà nước kiểm duyệt. Vì không chịu kiểm duyệt nên các video này có nhiều nội dung phản cảm như cổ súy bạo lực, sử dụng ma túy, hình ảnh khiêu dâm, đồng tính luyến ái, ngôn từ chửi bới tục tĩu... ảnh hưởng rất xấu đến đạo đức xã hội, văn hóa đất nước và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em. Ngoài ra, còn có tình trạng các trang web xem phim được lập ra tràn lan, các trang này chuyên đăng "phim lậu" (phim không có bản quyền, không được kiểm duyệt và cấp phép), gây ảnh hưởng nặng tới các nhà làm phim và các kênh truyền hình chính thống.

Để khắc phục lỗ hổng này, từ tháng 8/2012, mọi bộ phim, Game show, video ca nhạc (MV) chỉ được phép đăng tải lên mạng sau khi đã chịu sự kiểm duyệt và cấp phép của Bộ Xếp loại truyền thông Hàn Quốc. Việc kiểm duyệt phim chiếu trên mạng đã được Hàn Quốc thực hiện, tất cả mọi bộ phim trong nước hay nước ngoài cũng đều phải trải qua kiểm duyệt, cấp phép và có bản quyền rõ ràng thì mới được trình chiếu trên mạng. Các trang web, dịch vụ xem phim trực tuyến muốn hoạt động tại Hàn Quốc đều phải được chính phủ cấp phép hoạt động, nếu xảy ra vi phạm (đăng phim không có bản quyền, phim không trải qua kiểm duyệt, có nội dung - hình ảnh vi phạm pháp luật) thì chính phủ Hàn Quốc có quyền rút giấy phép, chặn truy cập đối với các dịch vụ xem phim này. Ví dụ như tại Hàn Quốc, nhiều MV đã bị cơ quan kiểm duyệt Hàn Quốc cấm phát hành như “Miniskirt”, “Poison” của nhóm Secret, “Up & Down” của nhóm EXID... đã bị cấm bởi động tác vũ đạo mang tính khiêu dâm[1] Theo một báo cáo của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc (MOGEF), chỉ trong năm 2011, đã có tới 2.067 video ca nhạc bị nước này cấm phát hành do chứa các nội dung liên quan đến rượu bia, bạo lực, ngôn từ tục tĩu, khiêu dâm hoặc nội dung gây tổn thương đến người khuyết tật[2].

Trung Quốc

Năm 2017, Trung Quốc đưa ra quy định: mọi phim ảnh, Game show, video ca nhạc muốn đăng tải lên mạng đều phải được cơ quan Nhà nước cấp phép, nếu tự ý đăng tải thì sẽ bị xử phạt nặng, đồng thời Hiệp hội dịch vụ Netcast Trung Quốc là cơ quan Chính phủ được trao cho thẩm quyền kiểm duyệt, xử phạt mọi website để thi hành quy định này. Hiệp hội dịch vụ Netcast Trung Quốc có thẩm quyền kiểm duyệt mọi nội dung trực tuyến, từ phim truyện, phim tài liệu, video ca nhạc (MV) đến phim hoạt hình và các video giáo dục. Những bộ phim, video thể hiện hành vi tình dục - giới tính bất thường, bao gồm loạn luân, đồng tính luyến ái, lạm dụng tình dục, ấu dâm... khuyến khích "lối sống thác loạn", đăng "chi tiết cảnh bạo lực và tội ác" hoặc "hành vi khiêu dâm" đều bị nghiêm cấm. Tất cả những bộ phim vi phạm quy định đều sẽ phải gỡ bỏ khỏi Internet, người đăng tải sẽ bị phạt rất nặng. Quy định này đã được ban hành năm 2017, sau khi chính phủ Trung Quốc nhận định sự xuất hiện dày đặc của các bộ phim đồng tính luyến ái trên phim ảnh Internet đã làm băng hoại văn hóa giới trẻ bởi nội dung dung tục, suy đồi đạo đức và thiếu lành mạnh[3].

Việt Nam

Trong khi nhiều nước đã có những quy định về kiểm duyệt phim ảnh, Game show, Video âm nhạc (MV) trên mạng Internet, thì tại Việt Nam hiện nay lại chưa hề có văn bản nào quy định về vấn đề này[4]

Trên Youtube, nhiều video về bạo lực giang hồ, ngôn từ tục tĩu, hình ảnh hở hang khiêu dâm... được đăng tải, thu hút hàng triệu người xem tại Việt Nam. Hàng loạt những tội phạm giang hồ như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng, Quang Rambo, Phú Lê, Dũng Trọc Hà Đông, Đường Nhuệ... đã trở nên nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ qua những video bạo lực[5] Nhiều game show, các web drama (phim trực tuyến), video ca nhạc được đăng tải lên mạng có những nội dung phản cảm như: ca ngợi xã hội đen, cổ súy bạo lực, sử dụng hình ảnh khiêu dâm, đi sâu khai thác chuyện chăn gối vợ chồng, quan hệ đồng tính luyến ái, tiết lộ đời tư của người khác... nhưng lại không hề bị kiểm duyệt, ngăn chặn.

Các dịch vụ xem phim trực tuyến quốc tế tại Việt Nam (như Netflix) cũng đã có tình trạng đăng tải những bộ phim không phù hợp với văn hóa, vi phạm pháp luật Việt Nam. Ví dụ như các năm 2019 - 2020, nền tảng Netflix đã trình chiếu nhiều bộ phim có nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (có hình ảnh Đường lưỡi bò, chú thích Hội An là thành phố của Trung Quốc). Chỉ trong 12 tháng (từ tháng 6/2020 tới tháng 6/2021), Netflix đã chiếu 3 bộ phim có hình ảnh Đường lưỡi bò, chưa kể hàng chục bộ phim có nội dung khiêu dâm, bạo dâm cho người xem tại Việt Nam mà không chịu bất kỳ biện pháp kiểm duyệt, biên tập nào[6]

Hàng trăm video ca nhạc (MV) có hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, đồng tính luyến ái, cổ súy hút ma túy, thuốc lá, ngôn từ tục tĩu... cũng liên tục được các ca sĩ Việt Nam đăng tải lên mạng mà các cơ quan văn hóa Việt Nam không có biện pháp ngăn chặn. Nhiều người rất lo ngại khi khán giả (nhất là trẻ em) khi xem những cảnh đồng tính, khiêu dâm, bạo lực trong các MV này sẽ trở nên tha hóa đạo đức, có những suy nghĩ và hành vi lệch lạc, từ đó gây ra tác hại rất lớn cho xã hội[7]

Để khắc phục vấn đề này, có nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ phải sửa đổi Luật Điện ảnh, theo đó phim ảnh, Game show, video ca nhạc được phát hành trên mạng internet cũng phải được kiểm duyệt trước khi trình chiếu để ngăn chặn những nội dung gây ảnh hưởng xấu đến người xem Việt Nam[8]

Chú thích

Tham khảo

  • Forbidden Films: Censorship Histories of 125 Motion Pictures by Dawn Sova ISBN 0-8160-4336-1
  • "Better Left Unsaid: Victorian Novels, Hays Code Films, and the Benefits of Censorship" by Nora Gilbert. (Stanford, CA: Stanford University Press, 2013) ISBN 978-0804784207
  • Freedom of the Screen: Legal Challenges to Movie Censorship by Laura Wittern-Keller (Lexington: University Press of Kentucky, 2008).
  • Silencing Cinema: Film Censorship Around the World edited by Daniel Biltereyst and Roel Vande Winkel, Palgrave/Macmillan, 2013.

Liên kết ngoài