Tể tướng Lưu Gù

phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc (1996)
(Đổi hướng từ Tể tướng Lưu gù)

Tể tướng Lưu Gù (giản thể: 宰相刘罗锅; phồn thể: 宰相劉羅鍋; bính âm: Zǎixiàng liúluóguo; nghĩa đen: "Tể tướng Lưu La Oa") là một bộ phim truyền hình cổ trang của Trung Quốc đại lục do Thạch Linh và Trương Tử Ân làm đạo diễn, với sự tham gia diễn xuất của Lý Bảo Điền, Trương Quốc Lập, Vương CươngĐặng Tiệp. Phim được trình chiếu lần đầu vào năm 1996 và từng được phát sóng tại Việt Nam trên các kênh VTV2VTV3. Tác phẩm đã đoạt tới 4 giải Kim Ưng tại lễ trao giải lần thứ 14, trong đó có hạng mục Phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất.

Tể tướng Lưu Gù
Bìa DVD của bộ phim
Thể loại
Kịch bản
  • Bạch Hoa
  • Tần Bồi Xuân
  • Thạch Linh
  • Trương Nhuệ
Đạo diễn
  • Thạch Linh
  • Trương Tử Ân
Diễn viên
Nhạc dạo"Thanh quan dao" (do Tạ Đông thể hiện)
Nhạc kết"Cố sự tựu thị cố sự" (do Đới Nhiêu thể hiện)
Soạn nhạcVương Lê Quang
Quốc giaTrung Quốc Trung Quốc
Ngôn ngữQuan thoại
Số mùa1
Số tập40
Sản xuất
Nhà sản xuất
  • Phan Hồng Nghiệp
  • Trương Quốc Quân
Thời lượng45 phút/tập
Đơn vị sản xuấtCông ty sản xuất văn hoá nghệ thuật Bắc Kinh
Trình chiếu
Kênh trình chiếuCCTV

Tóm tắt nội dung

Nội dung phim xoay quanh nhân vật Lưu Dung (một thanh niên gốc Sơn Đông, có biệt danh Lưu Gù dưới thời vua Càn Long) gặp phải bất công khi đến kinh đô thi tuyển. Trong ván cờ chiêu thân, Lưu Dung đã đánh bại tất cả các đối thủ và được chọn làm con rể của Lục vương. Sau khi vạch trần chuyện mờ ám, Lưu Dung trở thành thí sinh xuất sắc nhất trong kỳ thi và được cử đến Giang Ninh làm quan xét xử. Ông cưới quận chúa và trở thành quan nhiếp chính. Còn đối thủ Hòa Thân không bao giờ ngừng đố kỵ Lưu Dung và sử dụng mọi thủ đoạn để gây khó dễ cho ông. Kể từ đó, Lưu Dung nhiều lần tranh đấu bằng trí tuệ và cũng không ít lần bẽ mặt trong các vụ việc cả công lẫn tư trên quan trường lẫn trước mặt dân chúng; ông còn nhiều lần xúc phạm hoàng đế nên bị bãi chức. Về sau Hòa Thân bị lật đổ và xử tử, còn Lưu Dung thì cáo quan về quê.[1]

Phân vai

Nhân vậtThể hiệnGhi chúNguồn
Lưu DungLý Bảo Điền[2][3]
Càn LongTrương Quốc Lập[a][6][7]
Châu Khánh Thư (Càn Long giả)
Hòa ThânVương Cương[8]
Lưu phu nhânĐặng Tiệp[a][4]
Lục vươngLý Đinh[9][10]
Ngân HồngLý Ái Quần[11]
Lý TịnhTrần Binh
Thái giám Hồ ThắngHồng Tôn Nghĩa
Trương ThànhLý Gia Tôn[12]
Lưu AnLý Úc[13]
Yên ThuýKhâu Duyệt
Phán NhaMạnh Đan Phong
Bát vươngCương Lợi Dân
Cửu vươngCao Đồng Lâm
Tái Điêu ThuyềnVương Lộ Dao[14]
Thái hậuViên Mai
Tuần phủ Chiết Giang Tôn Hữu ĐạoVương Cảnh Minh
Uông Trung TrựcTriệu Tuấn Lương
Gia KhánhNguyễn Tuần[15]
Lưu QuânChâu Trung Hoà, Nghiêm Quán Anh
Hương phiMễ Lạp, Dương Tịnh
Lục vương phu nhânLý Phượng Anh
Hoà Thái TháiCù Minh
Quế Phó TháiNguỵ Đức Sơn
Tuần phủ Giang TôThượng Ấn Toàn
Thập Lý HươngThạch Kiên Trinh
Ngô Huyền LinhHầu Đồng Giang
Vương QuýLý Gia Ngọc
Triệu PhúcCố Trung Lương
Thạch Kính HổĐại Thiếu Lâm
Sư gia phủ Thuận ThiênLưu Trường Sinh
Lý Tú Thanh (cô gái ở huyện Thanh Hà)Lưu Đan[16][17]
Quan viên Hậu BổVương Đức Lâm
Tuần phủ An HuyTrương Liên Hỷ
Uông Diêm ThươngLý Chấn Bình
Trịnh Bản KiềuQuản Tôn Tường
Phán phu nhânHàn Thục Văn
Đồ đệ Lý PhátCố Thiên
Sư phụ Lý PhátTrần Chí Kiên
Thiếu giaĐồng Thuỵ Kiệt
Lão BảoĐới Tịnh Di
Xuân nươngXa Tú Thanh
Thu QuanTrương Nguyên Muội

Sản xuất

Ngay từ đầu, đoàn làm phim Tể tướng Lưu Gù đã đóng dấu hiệu "không phải lịch sử" cho bộ phim. Các nhà biên kịch Tần Bồi Xuân, Thạch Linh, Trương Duệ và Bạch Hoa sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau để tổ hợp nên kịch bản bao gồm chính sử, dã sử, câu chuyện lưu truyền ở dân gian hay tấu đơn (zh), đặc biệt là tướng thanh (hay tấu nói) truyền thống "quan trường đấu" để tăng thêm phần hài hước.[18] Mặc dù các nhân vật chính trong phim như Càn Long, Lưu Dung, Hòa Thân đều dựa trên là những nhân vật lịch sử có thật, nhưng rất nhiều sự kiện trong phim là hư cấu.[19]

Tên gốc của bộ phim khi phát sóng tại Trung Quốc đại lục là Tể tướng Lưu La Oa với "la oa" nghĩa là gù, tương ứng với tên gọi Tể tướng Lưu Gù trong tiếng Việt. Tuy nhiên, cả hai yếu tố "tể tướng" và "gù" đều không phù hợp với hình tượng Lưu Dung trong thực tế. Về chức vụ, Lưu Dung chưa từng đảm nhậm chức tể tướng.[20] Sau khi Chu Nguyên Chương xử lý vụ án Hồ Duy Dung, chức vụ tể tướng đã bị hủy bỏ trong triều đình nhà Minh và được thay thế bằng các chức vụ Đại học sĩ. Triều đình nhà Thanh cũng theo lệ đó.[21] Nội các nhà Thanh đến thời Càn Long được hình thành từ 3 điện 3 các, bao gồm Bảo Hòa điện, Văn Hoa điện, Vũ Anh điện, Văn Uyên các, Đông các và Thể Nhân các.[22] Chức vụ cao nhất mà Lưu Dung từng đảm nhiệm là Thể Nhân các Đại học sĩ.[23] Sau khi Quân cơ xứ được thành lập dưới triều Ung Chính, nhóm các quan viên đảm nhiệm chức vụ Quân cơ đại thần nắm vị trí quan trọng trong triều đình nhà Thanh, có quyền hành như một tể tướng, vượt trên các Nội các Đại học sĩ. Về hình tượng, mặc dù nhân vật Lưu Dung do Lý Bảo Điền đóng trong phim bị gù, song trên thực tế vóc dáng của nhân vật này trong lịch sử lại hoàn toàn bình thường.[24][20]

Nhạc phim

"Thanh quan dao" là bài hát chủ đề cho 40 tập phim Tể tướng Lưu Gù, do Vương Lê Quang phổ nhạc và Trương Hòa Bình viết lời. Đây là tác phẩm nhạc phim truyền hình đầu tiên Vương Lê Quang hoàn thành sau khi tốt nghiệp khoa sáng tác Học viện Âm nhạc Trung ương vào năm 1991,[25] cũng là tác phẩm giúp ông trở nên nổi tiếng trong ngành.[26] Về sau, Trương Hòa Bình trở thành Viện trưởng Nhà hát Nghệ thuật nhân dân Bắc Kinh,[27] còn Vương Lê Quang đảm nhiệm Viện trưởng Học viện Âm nhạc Trung Quốc.[28] Vào tối ngày 6 tháng 12 năm 2008, lễ vinh danh Ca khúc phim truyền hình nhân kỷ niệm "30 năm cải cách và mở cửa" được tổ chức tại nhà thi đấu Quảng Châu. Sau nhiều lần họp, tuyển chọn, tổ chức hội thảo chuyên gia, ban tổ chức đã chọn ra 30 ca khúc truyền hình xuất sắc nhất từ hơn 300 bài hát chủ đề của các phim truyền hình do các bên gửi đến, bên cạnh đó là các top 10 dành cho các cá nhân nhạc sĩ, viết lời và trình bày các ca khúc phim truyền hình.[29] "Thanh quan giao" trở thành 1 trong 30 ca khúc xuất sắc được trao giải.[30][31] Nhà soạn nhạc Vương Lê Quang cũng được chọn vào "Từ điển nhạc sĩ Trung Quốc".

STTNhan đềPhổ lờiPhổ nhạcThể hiệnThời lượng
1."Thanh quan dao" (Nhạc hiệu mở đầu)Trương Hòa BìnhVương Lê QuangTạ Đông[32] 
2."Cố sự tựu thị cố sự" (Nhạc kết)Trương Hòa BìnhVương Lê QuangĐới Nhiêu[33] 

Phát sóng quốc tế

Quốc giaĐài/kênh truyền hìnhNgày ra mắtTựa đềNguồn
Việt NamVTV21 tháng 6 năm 2015Tể tướng Lưu Gù[34]
SCTV12011[35]
VTV32008[36]
2004[37]

Đón nhận

Năm 1996 được xem là mở đầu giai đoạn phát triển mới của phim truyền hình Trung Quốc đại lục khi phong cách giải trí bắt đầu được ưa chuộng, sở thích của khán giả bắt đầu chuyển sang những nội dung lịch sử có tính hài hước. Sau khi phát sóng, không chỉ đạt mốc rating cao khó chạm tới vào thời điểm đó,[38] Tể tướng Lưu Gù còn khiến cho nghệ thuật hí kịch trở thành một điểm nóng.[39] Tại lễ trao giải Kim Ưng cho phim truyền hình Trung Quốc lần thứ 14, bộ phim không chỉ giành được giải phim truyền hình dài tập xuất sắc mà còn chiến thắng ở 3 hạng mục cá nhân khác bao gồm nam diễn viên chính, nam diễn viên phụ và nữ diễn viên phụ xuất sắc.[40]

Sau khi phát sóng, bộ phim lập tức được yêu thích và nổi tiếng trên toàn Đại lục.[41] Không chỉ là bộ phim truyền hình có sức ảnh hưởng toàn quốc trong năm 1996,[42] Tể tướng Lưu Gù còn trở thành một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất trong thập niên 90.[43] Mặc dù trước đây đã có rất nhiều bộ phim cổ trang của Hồng KôngĐài Loan, nhưng sự ra đời của Tể tướng Lưu Gù được xem là bắt đầu cho sự bùng nổ của các bộ phim cổ trang ở Đại lục.[44] Theo một khảo sát vào năm 1998, đây được xem là bộ phim hài hiếm có được yêu thích bởi nhiều đối tượng khán giả bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ văn hóa cũng như nhiều khía cạnh khác.[45] Được gọi là "bom tấn quốc dân"[46] hay "phim truyền hình quốc dân",[47] cho đến nay, Tể tướng Lưu Gù vẫn được xem là một trong những bộ phim truyền hình Hoa Ngữ hay nhất.[6] Phim đã làm góp phần làm nên tên tuổi của các diễn viên trong phim như Lý Bảo Điền, Vương Cương và Trương Quốc Lập.[8][2][6] Ba diễn viên này thường được gọi chung là "tam giác sắc".[18] Không chỉ được yêu thích ở đại lục, Tể tướng Lưu Gù còn đạt được rating tốt ở Đài Loan,[48] và là một trong những bộ phim truyền hình Hoa Ngữ được khán giả Việt Nam yêu thích.[49][50]

Năm 2000, vở kịch chuyển thể từ bộ phim đã công diễn tại Đài Loan và thu hút đông đảo khán giả với doanh thu 300.000 Nhân dân tệ.[51]

Giải thưởng

Giải thưởngHạng mụcTác phẩm/người nhậnKết quảNguồn
Giải Kim Ưng lần thứ 14Phim truyền hình dài tập xuất sắc nhấtTể tướng Lưu GùĐoạt giải[52][53]
Nam diễn viên chính xuất sắc nhấtLý Bảo ĐiềnĐoạt giải[54]
Nam diễn viên phụ xuất sắc nhấtVương CươngĐoạt giải
Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhấtĐặng TiệpĐoạt giải

Ghi chú

Chú thích

Thư mục

Liên kết ngoài