Nguyễn Công Cơ

Nguyễn Công Cơ (Chữ Hán: 阮公基; 1675 - 5/12/1733), tên huý Tự Cẩm, hiệu Cảo Hiên, tự Nghĩa Trai, là một nhà khoa bảng, nhà ngoại giao và danh thần dưới thời Lê Trung Hưng, làm quan trải qua 4 đời vua, ở cả 2 ban văn và võ, làm quan đến chức Thượng thư, Thiếu bảo (vị trí cao thứ 2 trong Tam thiếu) với tước Cảo Quận công, sau khi mất được truy phong Thái phó, thuỵ hiệu "Mẫn trực"[1]

Cảo quận công
Nguyễn Công Cơ
阮公基
Thiếu phó
Tên húyTự Cẩm
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên húy
Tự Cẩm
Ngày sinh
1675
Nơi sinh
làng Cáo, huyện Từ Liêm (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Mất
Ngày mất
5/12/1733
Nơi mất
Thăng Long
An nghỉthôn Nhang (thuộc phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)
Giới tínhnam
Chức quanThiếu phó (truy phong)
Đề đốc Thự phủ sự
Tham tụng
Thượng thư Bộ binh
Thiếu bảo
Tả thị lang Bộ công
Hiệu thảo Hàn lâm viện
Quốc giaĐại Việt
Thời kỳNhà Lê Trung Hưng

Ông được sử gia nhiều thế hệ tôn xưng là một trong số ít vị quan có tài đức, có công lao lớn với dân với nước. Không chỉ được vinh danh trong nước, Nguyễn Công Cơ còn được 2 học trò người Trung Quốc đang làm quan cho Nhà Thanh lập miếu thờ ngay khi ông còn sống.[2]

Nguyễn Công Cơ nổi tiếng về tài khôn khéo trong ngoại giao, lần đi sứ Nhà Thanh năm 1715, ông ấy đã thuyết phục triều đình của Hoàng đế Khang Hy huỷ bỏ nhiều quy định phiền hà, các lệ như cống nạp sừng tê, và vàng đều giảm về số lượng. Lệ cống "người bằng vàng để thế mạng cho Liễu Thăng" có từ thời Lê Thái Tổ cũng được bãi bỏ từ lần đi sử này.

Tuy làm quan đến hàm nhất phẩm tước quận công, nhưng vì sống thanh bần và liêm khiết nên Nguyễn Công Cơ không có sản nghiệp riêng, khi qua đời, triều đình đã ban thuỵ hiệu Mẫn Trực phủ quân và cấp đất ở thôn Nhang (thuộc phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đó là kho muối cũ của triều đình để làm nơi thờ tự. Nhà thờ Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ (hay còn gọi là Nhà thờ cụ Thượng Cảo) có niên đại gần 300 năm đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.[3]

Nguồn gốc và giáo dục

Nguyễn Công Cơ là người làng Minh Quả, tên nôm là làng Cáo, huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trong một gia đình nhà nho, có truyền thống khoa bảng. Ông nổi tiếng hiếu học từ bé. Thuở nhỏ, Nguyễn Công Cơ vốn là người thông minh đĩnh đạc, thông làu kinh sử. Khi lớn, văn của ông có nhiều bài cao siêu, nổi bật đạt đến độ xuất chúng. Tương truyền có lần cha của quan Tham tụng (参從) Lê Anh Tuấn đến chơi nhà ông, khi thấy Nguyễn Công Cơ vừa đi chơi ngoài đường về, ông cho gọi vào và ra một câu đối, rồi bảo Nguyễn Công Cơ ứng đáp. Không do dự, chỉ trong ít phút, Nguyễn Công Cơ ứng đáp trôi chảy, rõ ràng. Cha của quan Tham tụng Lê Anh Tuấn đã phải thốt lên khen là người có tư chất thông minh hiếm có.[4]

Năm Chính Hòa thứ 8 (1687), khi mới 13 tuổi, ông đã tham dự kỳ thi Hương và đỗ Tam trường. Năm Chính Hòa thứ 14, ông tiếp tục thi Hương và đỗ ngay Hương cống, được vào thi Hội, năm đó Nguyễn Công Cơ mới 19 tuổi. Năm niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697), ở tuổi 23, ông vào thi Hội và trúng Tứ trường vì thế được vào thi Đình.

Trong kỳ thi Đình khoa thi Đinh Sửu, Nguyễn Công Cơ xếp đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa thi này không lấy đỗ Đệ nhất giáp (không có Tam khôi), chỉ lấy đỗ 2 Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) và 8 người đỗ Đệ tam giáp. Nguyễn Công Cơ, người xã Minh Cảo, huyện Từ Liêm được xem là người đỗ tiến sĩ trẻ tuổi nhất trong khoa thi Đinh Sửu, năm 1697.[5]

Nguyễn Công Cơ là vị tiến sĩ khai khoa cho gia tộc Nguyễn Công ở đất Minh Quả, con cháu của ông có nhiều người đỗ đạt cao trong đó có 2 người cháu thi đỗ trong cùng một khoa. Vua Lê tặng ông một bài thơ, hai câu đầu là:

Một khoa hai cháu đỗ ông Nghè,

Tiếng cáo vang lên bốn biển nghe.

Hiện bài thơ được lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn Công.

Sự nghiệp

Mười năm đầu làm quan

Sau khi đỗ tiến sĩ khoa thi Đinh Sửu năm 1697, ông được vua Lê Hy Tông bổ nhiệm làm Hiệu thảo trong Viện Hàn lâm.[6] Năm Giáp Thân (1704), vì tố cáo việc mưu phản của nhóm Trịnh Luân và Trịnh Bạt [7], ông được thăng chức Tả thị lang Bộ Công.

Năm 1706, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ nhất, đời vua Lê Dụ Tông, Nguyễn Công Cơ đã phát hiện ra gian lận thi cử liên quan đến nhiều bậc đại thần đương thời, ông đã tố cáo lên Vua Lê - Chú Trịnh. Triều đình nhận thấy rằng Nguyễn Công Cơ là người nói thẳng nên thăng hàm Thiếu bảo.[8][9][10]

Đi sứ Nhà Thanh

Năm niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 (1715) dưới thời vua Lê Dụ Tông, Nguyễn Công Cơ được giao nhiệm vụ làm chánh sứ trong đoàn sứ thần sang Nhà Thanh. Với tài ngoại giao khôn khéo, Nguyễn Công Cơ đã buộc triều đình nhà Thanh phải hủy bỏ nhiều quy định phiền hà, các lệ như cống nạp sừng tê, vàng giảm về số lượng. Lệ cống “người bằng vàng thế mạng Liễu Thăng” có từ thời Lê Sơ, đến cuộc đi sứ này của Nguyễn Công Cơ, cũng bị hủy bỏ. Nhưng có tài liệu cho rằng, đến lần đi sứ của Nguyễn Công Hãng vào năm 1718 thì triều đình Khang Hy mới bỏ lệ cống người vàng.

Thành công này đoàn sứ thần Nguyễn Công Cơ đã góp phần đưa quan hệ đối ngoại giữa Đại Việt và Nhà Thanh được cải thiện một cách đáng kể. Không chỉ vậy, chuyến đi sứ này, ông đã đi đến việc cắm mốc giới, xác định rõ chủ quyền bất di bất dịch giữa hai bên cho đến ngày nay. Quận công Nguyễn Công Cơ còn đấu tranh đòi lại mỏ đồng Tụ Long và vùng đất biên cương nhiều năm bị vua quan Nhà Thanh lấn chiếm. Chính vì thành công của đợt đi sứ này mà Nguyễn Công Cơ được triều đình thăng làm Thượng thư Bộ Binh với hàm tòng nhất phẩm. Nhà Thanh cũng rút bớt số quan viên và chức dịch phải tới kinh đô (Bắc Kinh) của mỗi sứ đoàn, chỉ gồm 1 chánh sứ, 2 phó sứ và tùy hành 20 người mà thôi.

Được ban tước Quận công

Đến năm Canh Tý, niên hiệu Bảo Thái thứ nhất (1720) dưới thời vua Lê Dụ Tông, tháng 4, mùa hạ, triều đình tổ chức khảo xét công trạng 10 năm của tất cả quan lại, lúc bấy giờ, Nguyễn Công Cơ đang là quan văn được dự hạng thượng khảo, kết quả ông đứng bậc nhất, được ban tước Cảo quận công, cho hợp cùng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng vào làm Tham tụng.

Chuyển sang làm quan võ

Vì nói thẳng mấy lần, đụng chạm nhiều đến các đại thằng bên quan văn nên ông bị đè nén, bèn xin đổi sang hàng quan võ, làm Đề đốc Thự phủ sự, sau trải đến Thiếu bảo. Năm 1727, chúa Trịnh Cương giao cho ông tạm coi việc ở Phủ chúa Trịnh.

Được lập miếu thờ sống ở Trung Quốc

Tháng Giêng, mùa Xuân năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), Tả thị lang bộ Hộ Nguyễn Công Cơ và Thái bộc tự khanh Lê Anh Tuấn được cử làm Chánh sứ Đại Việt, Phó sứ là Thượng bảo tự khanh Đình Nho Hoàn và Lại khoa cấp sự trung Nguyễn Mậu Áng sang tuế cống Nhà Thanh.

Sự thành công của đoàn đi sứ Nguyễn Công Cơ sang Nhà Thanh vào năm 1715 một phần là do sự giúp đỡ hết mình của một số học trò của ông, lúc này họ đang làm quan dưới triều Hoàng đế Khang Hy, đặc biệt là hai anh em Phùng tướng quân lúc đó đang làm Tổng đốc Lưỡng QuảngTuần phủ Triết Giang, họ dã mách nước cho Nguyễn Công Cơ những mánh khoé để thầy của mình đối phó.

Theo sách Sứ trình Nhật lục, khi đoàn sứ bộ Đại Việt do Nguyễn Công Cơ dẫn đầu đến địa giới tỉnh Quảng Đông, họ đã dừng chân nghĩ lại phía trước một ngôi miếu, các sứ thần định vào miếu thắp hương thị bị ngăn lại. Hỏi lý do thì mới biết đây chính là ngôi miếu mà anh em Phùng tướng quân, lúc đó đang làm Tổng đốc Lưỡng Quảng lập ra để thờ chính Nguyễn Công Cơ.[11]

Hai anh em họ Phùng hồi nhỏ đã từng theo gia đình sang sinh sống ở phường Hà Khẩu (nay thuộc Hà Nội), cả hai anh em đã theo học thầy Nguyễn Công Cơ một thời gian, sau khi về lại Trung Quốc, họ tiếp tục theo học cao hơn và thi đỗ Tiến sĩ rồi ra làm quan cho Nhà Thanh. Nhớ ơn người thầy nên họ đã lập miếu thờ, lấy ngày sinh của thầy tổ chức cúng tế.

Vạch trần tội mưu phản trong phủ Chúa Trịnh

Năm 1703, chúa Trịnh Căn chọn người kế vị. Con trưởng của ông là Thế tử Trịnh Vịnh (鄭栐) đã qua đời trước đó 20 năm mà con trai của Trịnh Vịnh là Trịnh Bính còn nhỏ, nên phải lấy con thứ là Mưu Quốc Công Trịnh Bách làm Thế tử kế vị. Trịnh Bách lại mất sớm, Trịnh Căn lại quay ra lấy cháu đích tôn là Trịnh Bính con của Trịnh Vịnh làm thừa tự. Con của Trịnh Bính là Trịnh Cương (gọi Trịnh Căn là cụ nội) khi đó đã 18 tuổi. Thế rồi Trịnh Bính cũng mất, mà chúa thì tuổi đã cao, trong khi người thừa tự thì chưa ổn định. Chúa bèn triệu quan Bồi tụng (陪從) là Nguyễn Quý Đức vào hỏi, người này thưa:

"Trọng trách trông coi việc nước và vỗ về quân sĩ thì phải thuộc về người chắt trưởng. Vậy cúi xin sớm định ngay danh phận rõ ràng để cắt đứt sự nhòm ngó".

Sau đó, chúa quyết ý lấy Trịnh Cương làm người thừa tự, làm tờ biểu xin vua tiến phong Trịnh Cương làm Khâm sai tiết chế thủy bộ chư dinh, hàm Thái uý (太尉), tước An Quốc công. Hơn một năm sau, các con của Trịnh Bách là Trịnh Luân và Trịnh Phất tìm cách chống lại Trịnh Cương. Khi Trịnh Bách mất, Luân và Phất thấy mình là con Trịnh Bách - vị Tiết chế đã qua đời, lẽ ra phải được lập phong để nối nghiệp, nay chắt nội của Trịnh Căn là Trịnh Cương được quyền nên hai anh em câu kết với Đào Quang Giai làm bè đảng, mưu lật ngôi vị Trịnh Cương. Khi đó, quan Hiệu thảo Nguyễn Công Cơ dò là người cương trực, hễ thấy điều gì sai quấy là chẳng bao giờ bỏ qua, sau khi biết được cơ mưu, liền báo cho chúa Trịnh Căn biết. Chúa sai bắt bọn này giam vào ngục và giao cho các quan đình úy tra hỏi. Họ đều nhận tội nên tất cả đều bị trị theo phép nước. Nguyễn Công Cơ được thăng chức Thị lang.

Vạch trần gian lận thi cử

Bấy giờ cả đến việc thi cử phần nhiều cũng bị nạn nhũng lạm. Thường là hễ con nhà quan lại và quý tộc thì dù dốt thế nào cũng đỗ Hương cống. Nguyễn Công Cơ tấu trình sự thật, chúa Trịnh ra lệnh bắt thi lại. Hai mươi tám người bị lật tẩy không đủ tiêu chuẩn so với kỳ thi trước đó. Trong số này có con trai của quan Tham tụng Lê Anh Tuấn, con trai của Huân Quận công Đặng Đình Giám, con nuôi của quan nội giám Thiếu bảo Đỗ Bá Phẩm và nhiều cống sĩ khác của các xứ. Những người này đều bị giao xuống pháp đình của Trương Tướng công xét hỏi để trị tội. Triều đình nhận thấy rằng Nguyễn Công Cơ là người nói thẳng nên thăng hàm Thiếu bảo.[8][9][10]

Qua đời

Đến năm Quý Sửu (1733) Nguyễn Công Cơ mất lúc 58 tuổi, được triều đình vua Lê Thuần Tông truy tặng hàm Thiếu phó, ban thuỵ hiệu "Mẫn trực". Tuy làm quan lớn, nhưng ông không có sản nghiệp riêng, có tiếng là thanh bần [12]. Triều đình đã ban cho gia tộc Nguyễn Công mãnh đất dùng làm kho muối xưa ở làng Xuân Tảo (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lập nhà thờ cho Nguyễn Công Cơ mà hiện nay vẫn còn tồn tại, được xếp vào Danh sách di tích cấp quốc gia.

Phan Huy Ích từng làm thơ tán thán rằng: “Nguyễn Công Cơ - tinh hoa tài hạnh của ông đều đủ cả”.

Di sản

  • Lần đi sứ năm 1715 mà ông và Lê Anh Tuấn làm chánh sứ đã giúp giảm bớt các lễ vật cống nạp hà khắc, trong đó có việc bỏ lệ cống người vàng.
  • Đấu tranh đòi lại mỏ đồng Tụ Long ở vùng biên cương Đại Việt mà trước đó các triều đình phương Bắc đã lấn chiếm.
  • Đối với quê hương, ngoài việc cho xây dựng và tôn tạo các công trình đình/chùa, ông còn xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho hàng trăm cánh đồng làng Xuân Tảo và vùng lân cận trở nên trù phú, dân gọi là “ngọc điền”.[13]
  • Tác phẩm của ông hiện còn 9 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục, và bài tựa ở sách Quần hiền phú tập.

Xem thêm

Sách tham khảo

  • Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập I). Nhà xuất bản Khoa học xã hội 1992.
  • Nguyễn Thạch Giang (chủ biên), Văn học thế kỷ XVIII. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2004.
  • Nguyễn Q. Thắng- Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.
  • Trần Anh Thái, Nguyễn Công Cơ - Cuộc đời và sự nghiệp. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016.

Chú thích