Tam Hiệp, Phúc Thọ

xã thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội

Tam Hiệp thuộc huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, Việt Nam. Nơi đây vốn là một làng cổ có đông dân cư ở bên bờ sông Đáy từ thuở đầu công nguyên. Nằm gần cửa Hát Môn − nơi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, nên những dấu ấn văn hóa và lịch sử vẫn còn đậm nét trên vùng đất này. Đúng như tên gọi xưa là Binh Hợp (nơi tụ hợp binh sĩ), Tam Hiệp đã từng được sử sách nhắc tới trong những trận giao tranh quyền lực giữa các triều đại Trần hay Mạc. Trong kháng chiến trường kỳ, nơi đây cũng là một xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Còn trong thời bình, Tam Hiệp đã vươn lên phát triển kinh tế với làng nghề may truyền thống được thành phố công nhận.

Tam Hiệp
Xã Tam Hiệp

Tên khácKẻ Hiệp
Tên cũBinh Hợp (Binh Hiệp − 兵合)
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Hồng
Thành phốHà Nội
HuyệnPhúc Thọ
Địa lý
Tọa độ: 21°04′42″B 105°37′11″Đ / 21,0782°B 105,61984°Đ / 21.07820; 105.61984
Tam Hiệp trên bản đồ Hà Nội
Tam Hiệp
Tam Hiệp
Vị trí xã Tam Hiệp trên bản đồ Hà Nội
Tam Hiệp trên bản đồ Việt Nam
Tam Hiệp
Tam Hiệp
Vị trí xã Tam Hiệp trên bản đồ Việt Nam
Diện tích564,93 ha
Dân số (2022)
Tổng cộng12.509 người

Khởi đầu từ những năm bao cấp khó khăn, người dân thôn Thượng Hiệp đã âm thầm khâu vá từng cái yếm dãi hay dải rút đem đi bán. Bước sang thời kỳ Đổi Mới, nghề may nhanh chóng được mở rộng với nhiều mặt hàng quần áothú nhồi bông; đưa Tam Hiệp trở thành một trong những làng nghề trẻ nhất của tỉnh Hà Tây cũ và phát triển bậc nhất trong huyện Phúc Thọ. Song hành với nghề mới thì những giá trị xưa cũ ở đây cũng vẫn được bảo tồn, như nghề làm cà dầm tương ở Hòa Thôn và nghề làm bánh đúc ở làng Đại Điền. Toàn xã cũng có 06 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều thế hệ danh nhân Tam Hiệp cũng có những đóng góp cho quê hương, đất nước ở các lĩnh vực từ chính trị, quân sự cho tới khoa cử, nghệ thuật.

Với vị trí địa lý thuận tiện bên quốc lộ 32, Tam Hiệp là xã có nhiều lợi thế và tiềm năng. Dẫu vậy, tại đây vẫn còn một số vấn đề tồn đọng trong công tác quản lý đất đai, môi trường và nước sạch. Do đó, cụm công nghiệp Tam Hiệp khởi công vào đầu năm 2024 được kỳ vọng sẽ mang tới thêm những sự thay đổi − đưa các cơ sở sản xuất ra xa khu dân cư, giảm tải ô nhiễm môi trường và tạo động lực phát triển chung cho toàn xã.

Địa lý

Tam Hiệp là xã đồng bằng ở phía đông nam huyện, cách trung tâm Thủ đô khoảng 25 km về phía tây. Xã có đường quốc lộ 32 đi qua đê sông Đáy (còn gọi là đê Quai Chè[1]) với tổng diện tích tự nhiên 564,93 ha. Tam Hiệp tiếp giáp với 07 xã là: Ngọc Tảo, Tam Thuấn, Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), Phương Đình, Đồng Tháp (huyện Đan Phượng), Canh NậuHương Ngải (huyện Thạch Thất).[2][3]

Bên cạnh sông Đáy ở phía đông, xã Tam Hiệp còn có kênh Cẩm Đình − Hiệp Thuận ở phía bắc, làm nhiệm vụ phân lũ cho sông Hồng.[4] Ngoài ra, một đoạn sông đào dẫn thủy nhập điền từ thời Pháp thuộc cũng chảy qua xã ở phía tây nam, được gọi là kênh Tây Ninh.[5][6] Nền địa chất của Tam Hiệp tương tự như phần lớn diện tích thành phố Hà Nội. Nằm trên trầm tích hệ tầng Thái Bình thuộc kỷ Đệ Tứ nên đất ở đây có các đặc trưng như: bột sét màu xám hay nâu gụ, bột cát màu nâu đỏ và than bùn màu đen. Điểm đáng lưu ý về Tam Hiệp là hàm lượng đồngnickel cao ở mức ô nhiễm. Điều này có thể đến từ việc tích tụ tự nhiên, vị trí gần mỏ sulfua hay do hoạt động kỹ thuật.[7] Về khí hậu và thời tiết thì xã Tam Hiệp cũng giống như huyện Phúc Thọ, có mùa hè nắng nóng, mưa nhiều; trong khi mùa đông lạnh và hanh khô. Nhiệt độ trung bình năm ở đây là 23 độ C, độ ẩm tương đối đạt 88% và có khoảng 1.000–1.200 giờ nắng mỗi năm.[8]

Lịch sử

Thời sơ sử

Từ khoảng 500 năm TCN cho đến đầu công nguyên, vùng đất Tam Hiệp đã là một làng tập trung đông dân cư. Họ không chỉ có kỹ thuật đúc đồng mà còn biết nấu sắt để tạo ra lưỡi cuốc cùng nhiều nông cụ khác.[9] Bằng chứng là năm 1969, khi đào giếng trong nhà máy đường Tam Hiệp, các kỹ sư đã tìm thấy 05 rìu đá được mài nhẵn và 01 quan tài bằng gỗ thơm có tiết diện tròn. Năm 1972, khi san lò gạch cũ, người ta cũng nhặt được 01 rìu đồng, 01 giáo đồng và 03 mũi chông sắt. Đến năm 1983, các nhà nghiên cứu đã khai quật thêm nhiều hiện vật tại di chỉ khảo cổ học Quai Chè. Đây là một di chỉ cư trú trên diện tích rộng, tầng văn hóa khá dày và có những món đồ gốm Đường Cồ đặc trưng của thời kỳ Đông Sơn.[1]

Thời phong kiến

Mùa xuân năm 40, khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, tương truyền Tam Hiệp có ông Đỗ Năng Tế là thầy của Hai Bà.[10] Còn theo Văn bia chùa Thiệu Long ở hương Binh Hợp nước Đại Việt, khắc năm 1226 tại xã Tam Hiệp, thì Đỗ Năng Tế là nhân vật cuối thời , đầu thời Trần.[11] Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1214, vua Lý Huệ Tông đã cùng thái hậu và ngự nữ chạy về Binh Hợp để tránh loạn.[12] Và theo Việt sử lược thì năm 1216, Hiển Tín Vương Nguyễn Bát làm phản, phá ấp Hợp nên tướng Đỗ Tế đã rút sang Đan Phượng.[13] Đỗ Tế ở đây hẳn là Đỗ Năng Tế và ấp Hợp là hương Binh Hợp.[14] Như vậy, ông là vị tướng thân thiết với Kiến Quốc Đại Vương Trần Tự Khánh và có chức quan Tiết cấp Nhập nội Thái tử. Ông được Tự Khánh khen là người "trí dũng trời sinh vì nước" rồi "trao cho trấn lớn Binh Hợp làm đất thang mộc". Sau khi mất, ông được dân tôn làm Thành hoàng và qua thời gian đã được truyền thuyết hóa thành nhân vật thời Trưng Vương.[15]

Nguyên nhân là bởi vùng đất này nằm giữa hai huyện Mê Linh và Chu Diên thời Hán.[a] Từ đê Quai Chè lên tới đền Hát Môn − nơi bắt đầu cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng − chỉ khoảng 8 km.[17] Vậy nên, trải qua hơn ngàn năm, những dấu ấn sâu đậm còn sót lại đã được liên kết với nhân vật lịch sử này. Hai tác giả Trường Phong và Nguyễn Du trên tạp chí Di Sản Văn Hóa đã coi đây là trường hợp thú vị, cho thấy độ vênh giữa lịch sử và tín nhiệm dân gian.[11] Bên cạnh đó, tên gọi khu vực này cũng đã có nhiều thay đổi, chồng chéo giữa các địa danh cổ thời Bắc thuộc.[b] Từ thời Đinh cũng chỉ ghi chép đơn vị hành chính cao nhất là đạo hay lộ Quốc Oai.[18] Tới thời Trần, tên hương Binh Hợp xuất hiện cùng với địa danh Đan Phượng, vốn thuộc châu Từ Liêm, lộ Đông Đô; cũng gọi là lộ Đại La Thành.[c] Sang đầu thời Hậu Lê thì có ba lộ Quốc Oai Thượng, Trung, Hạ ở đạo Tây, sau gọi là thừa tuyên Quốc Oai. Từ năm 1469 bắt đầu có phủ Quốc Oai thuộc thừa tuyên Sơn Tây; sau đó đổi là xứ Sơn Tây rồi đến trấn Sơn Tây.[20]

Chưa rõ khi nào hương Binh Hợp được chia làm hai tổng Thượng Hiệp và Hạ Hiệp. Nhưng theo Đại Việt sử ký toàn thư thì vào tháng 12 năm 1591, hai tổng này là nơi triều đình nhà Mạc triệu tập binh mã từ 4 trấn, 4 vệ và 5 phủ, tổng cộng tới hơn 10 vạn quân. Trong đó có cả phò mã Mạc Ngọc Liễn thống lĩnh đạo Tây và vua Mạc Mậu Hợp đích thân đốc chiến, nhưng cuối cùng họ Mạc vẫn thua trước chúa Trịnh Tùng ở trận Phấn Thượng.[21] Còn theo thần phả đình Kim Giang, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội thì một trận chiến khác cũng từng xảy ra tại vùng đất này giữa tướng Mạo Giáp Hoa và quân Chiêm Thành.[22] Trước năm 1832, cả hai tổng đều thuộc huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây; sau đó mới chuyển về huyện Yên Sơn cùng phủ. Đất Tam Hiệp khi ấy thuộc tổng Thượng Hiệp, dưới cấp tổng có 04 xã: Thượng Hiệp (thôn Thượng, thôn Hòa, thôn Đại Điền), Khánh Hiệp (thôn Mỹ Giang, thôn Miếu), Thuấn Nhuế (thôn Nội, thôn Trung, thôn Ngoại) và Hiệp Lũng.[23] Từ năm 1892, tổng Thượng Hiệp trực tiếp thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.[24][25]

Thời hiện đại

Từ năm 1930, tại thôn Mỹ Giang đã có đảng viên Hoàng Văn Năng đứng lên tổ chức phong trào học sinh, góp phần hình thành chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Sơn Tây.[26] Tổng Thượng Hiệp sau đó trở thành nơi Xứ ủy Bắc Kỳ thường qua lại và hội họp.[27] Trước cách mạng Tháng Tám, những hoạt động tuyên truyền đã diễn ra ở chợ Hiệp và tuần hành trên đê Quai Chè.[28] Sau khi tổng khởi nghĩa thành công năm 1945, xã Tam Hiệp chính thức được thành lập.[29] Khi quay trở lại tái chiếm Việt Nam, Pháp đã cho xây dựng một đồn bốt ngay tại thôn Mỹ Giang.[30] Dẫu vậy, dân quân du kích xã vẫn bí mật hoạt động với 120 người, trong đó có 15 cảm tử quân. Trải qua 20 trận đánh lớn và hàng trăm trận đánh nhỏ, lực lượng vũ trang xã đã thiết lập những trận địa lôi phá cầu Bin trên sông Đáy, tiêu diệt 535 quân địch, bắt sống 20 người, gọi hàng 45 người, phá 6 xe quân sự và thu giữ nhiều vũ khí. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Tam Hiệp có 97 quân nhân, 270 dân công hỏa tuyến và đã chi viện 9 tấn gạo cho bộ đội. Nhiều cá nhân trong xã được tặng thưởng huân huy chương cao quý và tập thể xã Tam Hiệp cũng được phong tặng danh hiệu xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.[31][32]

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau đó là hai cuộc chiến tranh biên giới, nhiều thế hệ thanh niên Tam Hiệp đã tiếp tục lên đường chiến đấu. Đồng thời, địa bàn xã cũng trở thành nơi sơ tán và đóng quân của một số đơn vị như Thông tấn xã Việt Nam.[33] Trải qua những thăng trầm của lịch sử, toàn xã Tam Hiệp có tổng cộng 22 mẹ Việt Nam anh hùng, 164 liệt sỹ, 72 thương binh và 26 bệnh binh.[29] Tới những năm tháng thời bình cuối thế kỷ XX, một vụ sập nhà nguyện đã bất ngờ xảy ra tại thôn Mỹ Giang. Trận mưa bão lớn vào mùa hè năm 1998 đã khiến công trình sụp đổ trong lúc các giáo dân đang hành lễ. Hậu quả là 08 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.[cần dẫn nguồn] Cuối năm 2007, một vụ đột kích xới bạc tại khu vực Trại Ổi (bên kia đê sông Đáy) đã làm 05 người bị chết đuối và bắt giữ 56 người đến từ nhiều huyện thị khác.[34] Vụ tai nạn máy bay quân sự ở Khánh Hòa năm 2019 cũng khiến một phi công Tam Hiệp hy sinh. Anh đã được truy thăng quân hàm và đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.[35]

Tên gọi

Tam Hiệp là tên gọi khi hợp nhất ba xã Thượng Hiệp, Khánh Hiệp và Hiệp Lũng của tổng Thượng Hiệp trước đây. Vùng đất này có tên cổ xưa là Binh Hợp hay Binh Hiệp (兵合[36]: tạm dịch là nơi tụ hợp binh sĩ) ít nhất từ thời vua Lý Huệ Tông đến nay đã hơn 800 năm. Trong khi đó, dân gian thường gọi nơi này là Kẻ Hiệp[37] (協:[d] hòa hợp, giúp đỡ). Tục ngữ cũng có câu "động Mỹ Giang, cả làng vây chặt" cho thấy tinh thần đoàn kết của người dân ở đây, khi có trộm cướp thì tất cả đều cùng vây bắt.[41] Còn sách Đồng Khánh địa dư chí có lời bình rằng "các xã Hiệp Lũng, Khánh Hiệp... tập tục chuộng vũ dũng"[23] (tức chuộng võ, ưa sức mạnh, ngược với chuộng văn nhã).

Về các thôn trong xã thì Thượng Hiệp (上: thôn trên) là cái tên duy nhất không thay đổi. Còn thôn Hiệp Cát (吉: tốt đẹp) trước đây có tên là Hiệp Lũng hoặc Đăng Lũng; trong khi Hòa Thôn (和: hòa hợp) có tên cổ là thôn Đáo.[42] Hai thôn Mỹ Giang (美江: sông đẹp) và Đại Điền (大田: ruộng to) xưa cũng gọi theo tên Nôm là thôn Sông và thôn Ruộng. Tới năm 1821, các quan ở Bộ Hộ đã dâng biểu kiến nghị vua Minh Mạng sửa cùng với nhiều làng khác vì tên xen lẫn chữ quốc âm hoặc tên không đẹp.[43] Thôn Mỹ Giang ngày nay được hiểu là toàn bộ xã Khánh Hiệp cũ, bao gồm cả thôn Miếu nay thường gọi là xóm Miếu.[44]

Hành chính

Lịch sử thay đổi hành chính xã Tam Hiệp
Mốc thời gianHuyệnTỉnh/thành phốNguồn
1945Tam HiệpQuốc OaiSơn Tây[29]
21/04/1965Hà Tây[45]
27/12/1975Hà Sơn Bình[46]
29/12/1978Hà Nội[47]
17/02/1979Phúc Thọ[48]
12/08/1991Hà Tây[49]
01/08/2008Hà Nội[50]

Kể từ khi thành lập, xã Tam Hiệp đã trải qua nhiều lần thay đổi hành chính. Theo báo cáo số 1675/1955/BC−TCCB thì 03 thôn Nội, Trung và Ngoại của xã Thuấn Nhuế cũ đã tách ra để thành lập xã mới là Tam Thuấn vào năm 1955. Về sau thì 05 thôn còn lại là Thượng Hiệp, Mỹ Giang, Đại Điền, Hòa Thôn và Hiệp Cát cũng được chia thành 08 thôn theo số thứ tự để quản lý. Trong đó, 04 thôn đầu tiên là đất làng Thượng Hiệp, các thôn 5 và 6 thường gọi chung là Điền Hòa Cát, còn thôn 7 và 8 vốn là làng Mỹ Giang.

Ngày nay, các thôn trong xã nằm quần tụ cạnh nhau với ranh giới khá mờ nhạt, chỉ còn một cánh đồng nhỏ giữa hai thôn Mỹ Giang và Thượng Hiệp. Khu vực trung tâm xã − nơi có trụ sở ủy ban, nhà văn hóa thể thao, trường mầm non và chùa Tổng − nằm giữa các thôn 3, 6 và 7. Năm 1999, xã có dân số 9.154 người và đến năm 2022 đạt 12.509 nhân khẩu. Cư dân Tam Hiệp hầu hết là người Kinh, có đạo Phật và một phần rất nhỏ theo Thiên Chúa.[51][29][2]

Kinh tế

Vị trí bên sông Đáyquốc lộ 32 chạy qua đã tạo thuận lợi cho xã phát triển giao thương. Bên cạnh chợ Hiệp họp các phiên 3, 5, 8, 10, 13, 15, 18, 20, 23, 25, 28, 30[52] thì xã còn có chợ cóc, chợ tạm.[53] Từ Tam Hiệp, các mặt hàng được buôn đến chợ Đồng Xuân rồi đi khắp các tỉnh.[37] Tục ngữ cũng có câu "khôn kẻ Ngái không bằng dại kẻ Hiệp"[54] hàm ý khen người dân Tam Hiệp thường nhạy bén trong làm ăn. Theo Sơn Tây tỉnh địa chí thì tại đây từng có nghề quay tơ ở Hiệp Cát, Đại Điền[55] và trồng cà ở Hòa Thôn.[56] Còn cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ: nghiên cứu địa lý nhân văn của Pierre Gourou (xuất bản lần đầu năm 1936) cho biết làng Hiệp Cát cùng với làng Phú Nhi là hai làng có nhiều người kéo xe nhất tỉnh Sơn Tây.[57] Trong khi đó, làng Hòa Thôn có thêm nghề hớt và bán cá bột,[58] còn làng Đại Điền được xếp vào nhóm làng đặc biệt quan trọng trong nghề làm bánh.[59] Tới năm 1964, xí nghiệp đường − giấy − rượu của tỉnh cũng được xây dựng tại đây, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân trong xã.[60] Trong giai đoạn 1976−1983, nhân dân Tam Hiệp cũng tích cực lao động sản xuất nông nghiệp và trở thành một trong 35 hợp tác xã của thành phố có năng suất lúa vượt 8 tấn/ha/năm.[61]

Nghề may

Mẫu khỉ bông đạt 4 sao OCOP ở xã
Một xưởng cắt nhỏ ở Tam Hiệp

Nghề may ở Tam Hiệp đã manh nha từ những năm bao cấp. Để cải thiện đời sống khó khăn khi ấy, người dân ở đây đã âm thầm thu mua vải vụn từ các xí nghiệp về rồi chắp vá và khâu tay những mặt hàng như: yếm dãi trẻ con, dây dải rút quần, xu chiêng (áo ngực), mũ biên phòng... xong lén đem đi bán.[62] Kể từ sau Đổi Mới, họ đã chuyển qua làm gia công cho các cơ sở may mặc ở Cổ Nhuế, Từ Liêm rồi dần vươn lên làm chủ. Đến năm 1997, tại xã xuất hiện thêm nhóm sản phẩm thú nhồi bông từ cơ sở Hoa Thái.[63] Bước sang thế kỷ XXI, các mặt hàng ở đây ngày càng đa dạng hơn, đủ cả quần áo trẻ em tới người lớn, đồ bảo hộ hay chăn nệm... Các thành phẩm làm ra không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia; tạo việc làm cho hàng nghìn nhân công trong xã và các huyện lân cận.[64][65]

Nơi đây được xem là một trong những làng nghề trẻ nhất của tỉnh Hà Tây cũ và hơn 50 hộ tại xã đã có xe tải để phục vụ giao thương từ năm 2008.[66] Đến năm 2013, làng nghề may Thượng Hiệp đã được thành phố Hà Nội xếp vào nhóm 17 làng nghề kết hợp du lịch.[67] Đồng thời, các xưởng may cũng được nhân rộng ở tất cả các làng còn lại trong xã, đi cùng với đó là đủ loại dịch vụ: in ấn, thêu thùa, giặt là, vận tải, bán buôn bán lẻ, bán online...[65][29] Nhờ đó, Tam Hiệp đã trở thành tấm gương điển hình và là một trong những xã phát triển bậc nhất của huyện Phúc Thọ.[68] Nhiều cá nhân từ các làng xã lân cận đã tới đây học nghề. Tiêu biểu trong số đó là làng Táo ở xã Tam Thuấn giáp ranh cũng đã được thành phố công nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội vào năm 2024.[69]

Năm 2014, nghề may Tam Hiệp đạt doanh thu 300 tỷ đồng, đóng góp vào 90% cơ cấu thu ngân sách của xã. Thu nhập bình quân lúc này là 30 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo là 1,8%.[70] Năm 2015, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 396,5 tỷ đồng và mức thu nhập tăng lên 35 triệu đồng/người/năm.[29] Năm 2018, toàn xã có 50 doanh nghiệp, 650 hộ sản xuất công nghiệp − tiểu thủ công nghiệp, 572 hộ thương mại − dịch vụ với thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm.[71] Đến năm 2019, số hộ nghèo giảm còn 1,05% và thu nhập trung bình ở mức 50 triệu đồng/người/năm.[72] Năm 2020, tổng giá trị sản xuất toàn xã là 810 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 57 triệu đồng/người/năm.[73] Năm 2021, xã cán mốc 1.017,3 tỷ đồng và riêng nghề may đóng góp khoảng 800−900 tỷ đồng. Người dân Tam Hiệp lúc này có thu nhập bình quân 63 triệu đồng/năm và chỉ còn 3 hộ nghèo (chiếm 0,08%).[74][65] Đến tháng 9 năm 2023, toàn xã có gần 1.600 cơ sở sản xuất kinh doanh và thu nhập bình quân của người dân ước đạt 76,8 triệu đồng/năm.[53]

Tuy nhiên, làng nghề phát triển cũng đi kèm với lượng rác thải lên tới 10 tấn mỗi ngày vào năm 2016, trong đó chủ yếu là vải vụn.[75] Năm 2018, dù đã ký hợp đồng thu gom nhưng xã vẫn bị quá tải. Rác chất đống tại các bãi tập kết, tràn ra đường và vương vãi khắp ruộng khiến người dân ở đây phải châm lửa đốt bớt, gây ô nhiễm lớn.[76] Theo công bố của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2023, làng nghề may thôn Thượng Hiệp đang hoạt động mạnh và có hệ thống thu gom nước thải nhưng vẫn ở trong tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.[77] Ngoài ra, ở Tam Hiệp vẫn còn một bộ phận làm hàng giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Vậy nhưng các tiểu thương vẫn đến đây thu mua vì giá rẻ, mẫu mã và màu sắc bắt mắt. Do đó, vấn đề vẫn chưa thể giải quyết triệt để dù một vài chủ xưởng đã bị truy tố.[78][79]

Các nghề khác

Cà dầm tương Hòa Thôn
Bánh hòn làng Đại Điền

Với nghề sản xuất và chế biến thực phẩm, xã có hai nhãn hiệu tập thể được công nhận là tương nếpcà dầm tương Tam Hiệp.[80] Giống cà ở Hòa Thôn xưa đã được đánh giá có cùi dày, ít hạt, ăn ngon và giòn.[56] Trải qua quá trình chọn lựa kỹ càng và rửa sạch, cà bát được ướp muối 20 ngày rồi ép bỏ nước, lại ngâm tương suốt một năm mới hoàn thành. Về phần tương cũng được ủ kỹ từ gạo nếp và bột ngô theo cách gia truyền; nên khi ăn cà có vị mặn nhưng nuốt vào lại thấy ngọt hậu. Nhiều thế hệ người Việt Nam đều thuộc lòng câu thơ "Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương" nhưng chưa một lần tận mắt thấy món ăn này. Trong khi đó, mỗi năm cà chỉ có một vụ và chỉ có 06 hộ gia đình trong xã sản xuất khoảng 1,5−2 tấn thành phẩm/hộ. Bởi những lý do đó, dù dân dã nhưng cà dầm tương Tam Hiệp vẫn trở thành đặc sản được đem đi biếu tặng, thậm chí bà con Việt kiều cũng về nước tìm mua. Giá bán một quả cà nhỏ vào năm 2019 khoảng 25−30.000 đồng. Những quả nặng từ 500g được bán ở mức 50.000 đồng và quả hiếm 1kg có giá lên tới 300.000 đồng. Trung bình mỗi hộ dân trong xã có thể thu về hơn 100 triệu đồng/năm từ nghề này.[81][82]

Nằm kế bên Hòa Thôn là làng Đại Điền nổi danh với nghề bánh trái từ lâu, được xếp vào nhóm 10 làng làm bánh quan trọng ở Bắc Kỳ.[59] Người dân nơi này làm bán đủ món truyền thống như bánh lượt, bánh rợm, bánh tẻ, bánh hòn... và ngon hơn cả là món "bánh đúc làng Điền, góp tiền mà mua". Đây vốn là một thức quà dân dã và đâu đâu cũng có thể tìm thấy, nhưng đặc sản của làng Điền lại mang hương vị riêng không thể lẫn. Những mẹt bánh trắng mịn, thanh mát và thơm dẻo; dù có giá cao hơn các nơi khác vẫn luôn đắt hàng vì “tiền nào của nấy".[83]

Bên cạnh các nghề tiểu thủ công nghiệp trên thì ở Tam Hiệp vẫn có một bộ phận làm nông nghiệp. Tính đến năm 2022, vùng Tam Hiệp, Tam Thuấn và Hiệp Thuận có tổng cộng 113 ha chuyên canh hoa và cây cảnh. Trong khi đó, tổng diện tích trồng bưởi và ổi của ba xã Tam Hiệp, Ngọc Tảo và Phụng Thượng đạt 83 ha.[84] Còn lại ở xã cũng trồng lúa nhưng một phần diện tích đã được chuyển đổi thành dự án cụm công nghiệp.[6] Với chăn nuôi, vùng Tam Hiệp, Ngọc Tảo và Thượng Cốc có tổng cộng 125 ha dành cho thủy sản. Bên cạnh đó, xã cũng có đàn lợn 3.920 con và đàn gia cầm 16.025 con. Khu chuồng trại chăn nuôi ở xã được quy hoạch tập trung trên diện tích 49,4 ha;[84] còn điểm giết mổ gia súc gia cầm rộng 0,5 ha. Từ năm 2013, mỗi ngày tại khu vực này đã xử lý khoảng 3 tấn thịt lợn và 1,5 tấn gia cầm.[85] Năm 2015, nông nghiệp đóng góp 9,4% tổng giá trị sản xuất của xã,[29] nhưng đến năm 2020 chỉ còn 5% và năm 2021 là 4,7%.[73][74]

Hạ tầng

Thống kê sơ lược về hạ tầng xã Tam Hiệp
Giao thông vận tải
  • Xe buýt 20A (Cầu Giấy − Quai Chè − Sơn Tây)[86]
  • Xe buýt 92 (Nhổn − Quai Chè − Phú Sơn)
  • Xe buýt 70A (Mỹ Đình − Quai Chè − Trung Hà)[87]
  • Xe buýt 70B (Mỹ Đình − Quai Chè − Phú Cường)
  • 03 bưu cục (VNPost, Viettel Post, J&T Express)
Văn hóa thể thao
  • 08 nhà hội họp thôn dân cư
  • 03 nhà văn hóa (Mỹ Giang, Thượng Hiệp, Điền Hòa Cát)
  • 01 trung tâm văn hóa thể thao[88]
  • 02 sân bóng đá
Giáo dục y tế
  • 03 trường mầm non công lập
  • 02 trường mầm non tư thục (Họa Mi, Bình Minh)
  • 02 trường tiểu học Tam Hiệp A và B[89]
  • 01 trường THCS Tam Hiệp
  • 01 trạm y tế xã Tam Hiệp

Khu trung tâm

Xã Tam Hiệp được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 và nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ vào năm 2015.[29] Hệ thống điện, đường, trường, trạm ở xã về cơ bản đã được đồng bộ hóa và ngày càng nâng cấp thêm để đáp ứng tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao.[74] Tháng 9 năm 2023, kênh truyền hình Hà Nội 1 đã đưa tin về những thay đổi tích cực ở xã. Theo đó, nhân dân làng Đại Điền đã chung tay đóng góp và cải tạo ao trung tâm thành công viên cây xanh; trong khi thôn Mỹ Giang giữ ngõ xóm sạch đẹp và điểm tô thêm bằng những bức tường bích họa.[90] Xã Tam Hiệp cũng có nhiều khu đất ở đấu giá với mức khởi điểm khá cao: 66,7 triệu đồng/m2 năm 2023 và lên tới 75,4 triệu đồng/m2 năm 2024.[91][92] Điều này đã phản ánh phần nào sự sôi động và phát triển ở nơi đây.

Nhưng đi kèm với đó cũng có những mặt tiêu cực, như việc san lấp và lấn chiếm trái phép đất ao vườn vẫn chưa được giải quyết minh bạch, triệt để.[93] Ngoài ra, nước sạch cũng là một vấn đề tồn đọng ở xã bấy lâu nay. Tháng 10 năm 2023, kênh truyền hình VTC14 đã đăng tải phóng sự Thực hư nước bẩn giá cao? cho thấy nước ở đây có lẫn nhiều cặn bẩn. Không những vậy, nhà máy cung cấp nước cho cả xã chỉ nằm cách nghĩa trang gần 700m, trong khi quy định tối thiểu là 1.500m. Kết quả kiểm định của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội vào một tháng sau đó vẫn cho thấy cả 3/3 mẫu nước ở đây đều không đạt tiêu chuẩn. Đơn vị này đã khuyến cáo người dân Tam Hiệp không sử dụng nước cho mục đích ăn uống nên các hộ dân trong xã vẫn phải dùng cả nước giếng khoan.[94][95]

Khu ngoại vi

Ở phía tây xã là dự án cụm công nghiệp Tam Hiệp rộng 20,99 ha đã chính thức khởi công vào ngày 19 tháng 1 năm 2024. Công trình này có tổng mức đầu tư khoảng 454 tỷ đồng và được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển chung cho toàn xã, đồng thời giảm tải ô nhiễm môi trường làng nghề.[96] Ngoài ra, trên địa bàn hai xã Tam Hiệp và Ngọc Tảo cũng đã được lập đề án thành lập cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ rộng 41,7 ha.[6] Bên cạnh đó, xã cũng có một phần diện tích phía bắc thuộc dự án Vườn sinh thái Cẩm Đình − Hiệp Thuận. Tuy nhiên, dự án này trải dài khắp 10 xã, rộng tới 230,53 ha và đã chậm tiến độ 15 năm (2008−2023).[97] Tại đây cũng xảy ra sai phạm ảnh hưởng đến môi trường nhưng vẫn chưa bị xử lý vì nằm ở khu vực giáp ranh, mà thực chất là "vùng cấm".[98] Bao bọc phía bên ngoài dự án là tuyến đê sông Đáy, nơi từng có con đường bích họa dài nhất Thủ đô vào năm 2020. Công trình này nằm trên địa bàn hai xã Tam Hiệp và Tam Thuấn, thể hiện nhiều nét đặc trưng văn hóa và lịch sử của làng quê.[99] Nhưng sau ba năm, dự án đã xuống cấp trầm trọng do không được quan tâm bảo trì và một bộ phận người dân đổ trộm rác.[100]

Văn hóa

Sinh hoạt

Xã Tam Hiệp xưa cũng giống như bao làng xã khác, đều có các hương ước và tục lệ cổ. Đến nay, các bản ghi chép ấy vẫn có thể tìm thấy được như: Thượng Hiệp (32 trang, gồm 9 điều, 25 lệ), Mỹ Giang (44 trang, gồm 1 văn khoán và 38 lệ), Đại Điền (44 trang, gồm 37 điều, 25 lệ), Miếu Thôn (66 trang, gồm 12 điều, 18 khoản và 1 lệ), Hiệp Cát (194 trang, gồm 56 điều, 19 khoản thỏa thuận, 142 lệ, 3 giao ước và 5 giao từ).[39][40] Đa phần các quy ước này vẫn tiếp tục được thực thi, nhất là trong các lễ nghi và việc làng. Nhưng đồng thời, người dân trong xã cũng đã thay đổi một số tập quán cũ để thực hiện theo nếp sống mới. Năm 2019, xã Tam Hiệp đã có 04 làng văn hóa và 90% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.[101] Phần lớn các đám cưới ở đây được tổ chức trang trọng và gọn nhẹ; trong khi nhiều đám tang đã chuyển sang hỏa táng thay vì địa táng rồi cải táng như trước. Tỷ lệ hỏa táng ở xã đã tăng từ 47,45% năm 2018 lên 63,3% năm 2019 và tới năm 2023 đạt trên 90%.[102][103]

Theo thống kê năm 2019, phong trào thể dục thể thao ở Tam Hiệp cũng phổ biến với 39,3% dân cư trong xã tham gia thường xuyên. Bên cạnh các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, cầu lông hay dân vũ... thì bóng đá là môn có truyền thống lâu đời hơn cả. Các giải đấu thường được tổ chức vào mùa xuân và trận chung kết sẽ diễn ra cùng với dịp lễ hội truyền thống của địa phương vào tháng 3 âm lịch hàng năm.[101][90][104] Trong những ngày hội, ngoài các hoạt động tế lễ và rước kiệu còn có các trò chơi dân gian như: đi cầu khỉ, đập niêu, chọi gà, kéo co...[10] Đặc biệt, tại xã còn có những màn trình diễn ấn tượng đến từ câu lạc bộ Lân Sư Rồng. Được thành lập vào năm 2001, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 40 hội viên chuyên nghiệp và nhiều lần vinh dự phục vụ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng.[105][106] Ngoài ra, xã Tam Hiệp cũng có câu lạc bộ thơ Hương Quê thành lập từ năm 1992, đã xuất bản gần 10 tập thơ và từng được giới thiệu trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam.[107]

Di tích

Nằm ở vùng đất Xứ Đoài với bề dày lịch sử nên xã Tam Hiệp cũng có nhiều công trình tôn giáo và tín ngưỡng. Toàn xã có 10 chùa, 07 đình, 02 quán, 01 đền và 01 nhà nguyện.[29] Trong số đó có 06 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia gồm: chùa Thiệu Long, đình Mỹ Giang, chùa Kim Hoa, đình Thượng Hiệp, quán Ngự và chùa Ba Giai. Ngoài ra, xã cũng có 02 di tích cấp tỉnh là đình và chùa Hòa Thôn.[108]

Ngôi chùa cổ nhất ở Tam Hiệp là chùa Thiệu Long, còn gọi là chùa Miếu do nằm ở xóm Miếu, thôn Mỹ Giang. Trong chùa có bia "Thiệu Long tự bi" dựng vào năm đầu tiên của triều Trần với kích thước 1,35x0,8m và được đặt trên lưng rùa. Tấm bia cho biết lịch sử chùa có từ năm 1226 do ngài Đỗ Năng Tế khởi dựng.[15] Qua thời gian, chùa đã được trùng tu nhiều lần và gồm các công trình kiến trúc dạng chữ đinh (丁) như: 5 gian tiền đường nối với 3 gian thượng điện, nhà Tổ gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung... Trong chùa cũng còn lưu giữ các hiện vật như: 35 pho tượng tròn thời Nguyễn, 06 tấm bia, 01 quả chuông thời Nguyễn và 04 đôi lọ lục bình thời Thanh...[109] Tuy nhiên, bảo vật quý nhất của chùa là tấm bia cổ hiện đã bị xây bịt lại, xem như không tồn tại, cốt để củng cố truyền thuyết về thời Hai Bà Trưng.[110]

Còn ngôi chùa lớn và cổ kính nằm ở trung tâm xã Tam Hiệp hiện nay là chùa Kim Hoa, còn gọi là chùa Tổng, nghĩa là chùa chung của cả tổng Thượng Hiệp xưa. Trong chùa có bia "Tôn tạo Kim Hoa tự bi” khắc năm 1579 cho biết chùa đã có từ trước và được người dân trùng tu năm 1578. Dựa vào bệ đá hoa sen kích thước 3x1,7x1,3m tại đây có thể thấy chùa đã tồn tại từ thời Trần.[111] Khuôn viên chùa gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, 5 gian nhà Tổ và có cả khu tháp mộ. Các bảo vật còn lưu giữ tại chùa có thể kể đến như: 08 tấm bia đá, 01 quả chuông thời Tây Sơn và 20 pho tượng gỗ chủ yếu từ thời Lê trung hưng.[112]

Xét về đình làng thì đình Mỹ Giang có thể xem là công trình tiêu biểu của xã. Ngôi đình được xây dựng giữa làng và nhìn về hướng nam. Trong đình thờ Thành hoàng làng Đỗ Năng Tế cùng ba bà phi là Cẩn Nương, Đặng phu nhân và Lý phu nhân.[11] Tổng thể đình có hình chữ công (工) gồm: đại bái 3 gian 2 dĩ, trung đường 5 gian và hậu cung trạm trổ cầu kỳ. Tại đình vẫn còn lưu giữ được 01 cuốn thần phả, 09 đạo sắc phong thời Nguyễn, 05 tấm bia đá và các bộ long ngai.[113] Trong khi đó, đình Thượng Hiệp đã từng bị phá hủy trong kháng chiến và dựng lại năm 1948 nên mang nhiều nét kiến trúc thời Nguyễn. Đình thờ thánh Tam Giang Bạch Hạc triều Hùng Vương ở 4 gian hậu cung nằm tách biệt riêng phía sau. Còn từ ngoài vào đình là tòa đại bái và hai bên có hai dãy nhà dải vũ, mỗi dãy dựng 5 gian.[112]

Ngoài ra, ở Tam Hiệp cũng có một di tích quốc gia khác thờ thánh Tam Giang Bạch Hạc là quán Ngự của thôn Hiệp Cát. Quán nằm dưới gốc cây đa cổ thụ vài trăm năm tuổi ở ngay đường trục chính của xã. Kiến trúc quán theo kiểu chữ đinh (丁), gồm tiền tế 1 gian 2 chái nối với 3 gian hậu cung. Trong quán cũng còn những di vật chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn.[112] Bên cạnh đó, một quán khác ở thôn Mỹ Giang gọi là quán Dậm (tức lăng mộ ông Đỗ Năng Tế) lại được cho là có loài cua đặc sản, từng được xếp vào hạng Sơn Tây tứ quý (hay Sơn Tây tứ dị) chỉ dùng để tiến vua.[114] Thậm chí còn có thuyết cho rằng quân lính của Đỗ Tướng Công sau khi hy sinh tại đây đã hóa thành loài cua này để đời đời được hầu hạ bên chủ tướng.[115] Là một trong bốn sản vật hiếm có của Xứ Đoài xưa, vậy nhưng từ giữa thế kỷ XX đến nay đã không còn ai trông thấy loài cua kỳ bành Khánh Hiệp nữa.[44]

Danh nhân

Về chính trị và quân sự, Tam Hiệp xưa có vị tướng Đỗ Năng Tế có công với nhà Trần và được ban ấp thang mộc. Hương Binh Hợp của ông nay là 04 xã Tam Hiệp, Tam Thuấn, Hiệp ThuậnLiên Hiệp, có tổng diện tích tới hơn 6.000 mẫu ruộng.[36][e] Chẳng những đất đai màu mỡ, xóm làng đông đúc mà hương ấp này còn cách Thăng Long chưa đến 30km. Vị trí án ngữ ngay cửa sông Đáy, lại nằm trên tuyến đường huyết mạch đi Sơn Tây, Hưng Hóa cho thấy tầm quan trọng và công lao của ông là rất lớn. Tuy nhiên, ông thường chỉ được biết đến qua thần phả, là thầy của Hai Bà Trưng và được đặt tên cho hai con đường: một ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh và một ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.[116][117] Ông dường như cũng có mối liên hệ với Thành hoàng làng Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp. Vị tướng Đỗ Năng Đạo tại đó thường gọi là Hoàng Đạo và cũng được cho là tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm xưa.[118] Còn ở thời hiện đại, xã Tam Hiệp có những cá nhân tiêu biểu như:

Về khoa cử, đất Khánh Hiệp xưa có hai vị tiến sĩ đại khoa triều Lê còn tên trên bia Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tính đến hết triều Nguyễn, xã cũng có tổng cộng 07 vị đỗ trung khoa. Cho tới ngày nay, xã Tam Hiệp vẫn có những tấm gương tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú hay học hàm Phó giáo sư như sau:

  • Nguyễn Đạo Hưng: đỗ tiến sĩ năm 1493 triều vua Lê Thánh Tông.[125]
  • Nguyễn Doãn Tuy (có tên khác là Nguyễn Khắc Tuy): đỗ tiến sĩ năm 1514.[125][126]
  • Trần Vinh Tước: đỗ cử nhân năm 1726.
  • Đào Duy Phác: đỗ cử nhân năm 1831.[127]
  • Nguyễn Ngọc Dịch: đỗ cử nhân năm 1841.[127]
  • Nguyễn Khắc Trạch: đỗ cử nhân năm 1861. Ông được ghi quê quán theo cha là Thuấn Nhuế. Nhưng qua chính các bài thơ của mình, ông cho biết bản thân vốn sinh ra và lớn lên ở thôn Thượng (quê mẹ) suốt 35 năm.[128]
  • Đỗ Văn Huyên: đỗ cử nhân năm 1864.[127]
  • Trần Thông: đỗ cử nhân năm 1891.[127]
  • Trần Dụng Đoan: đỗ cử nhân năm 1915.[127]
  • Trần Huy Thành (sinh năm 1943): được phong tặng Nhà giáo Ưu tú năm 1997 nhờ những cống hiến cho nghề giáo và mang về hơn 30 giải Quốc gia cho đội tuyển văn của tỉnh Hà Tây. Ông cũng tham gia biên soạn nhiều cuốn sách sử của xã và huyện.[37][107]
  • Nguyễn Thị Kim Sơn (sinh năm 1980): là Phó giáo sư, tiến sĩ toán học, được công nhận vào năm 2019.[129][130]
  • Nguyễn Thị Xuân Sơn (sinh năm 1979): là Phó giáo sư, tiến sĩ luật học, được công nhận vào năm 2021.[131][132]
  • Nguyễn Kiên Trung (sinh năm 1985): là Phó giáo sư, tiến sĩ ngành tự động hóa, được công nhận vào năm 2023.[133][134]

Về nghệ thuật, Tam Hiệp là quê ngoại, cũng là nơi sinh ra và lớn lên của nhạc sĩ Lê Việt Hòa (1935−2014).[135] Ông được truy tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017 nhờ những ca khúc như: Gửi em chiếc nón bài thơ, Nhớ Xứ Đoài, Gửi sông La...[136] Bên cạnh đó, Tam Hiệp cũng là quê hương của hai anh em nghệ sĩ Trần Hiếu (sinh năm 1936) và Trần Tiến (sinh năm 1947). Ông Trần Hiếu là ca sĩ sở hữu giọng nam trầm ít ỏi ở Việt Nam. Ông cũng tham gia nhiều vở kịch, giảng dạy tại nhạc viện và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1997.[137] Còn em trai ông là nhạc sĩ có nhiều sáng tác về quê hương đất nước, cổ động cho tinh thần đổi mới hay dân gian đương đại. Nhạc sĩ Trần Tiến đã nhận Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 và có những ca khúc tiêu biểu như Giai điệu Tổ quốc, Vết chân tròn trên cát...[138][139] Ngoài ra, ông cũng có một sáng tác mang tên Quê nhà − tuy không nhắc trực tiếp tới hai chữ Tam Hiệp, nhưng thoạt nghe ai cũng biết đó là miền "Xứ Đoài xa vắng". Bản thân ông cũng từng tâm sự rằng "mỗi lần về quê tôi thường như thấy bố mình ngày nhỏ""chẳng bao giờ anh hát nổi bài ca anh viết về quê mình. Cứ hát lại khóc"...[140]

Tham khảo

Ghi chú

Chú thích

Nguồn sách

Tạp chí

Văn kiện