Trọng Trinh

diễn viên, đạo diễn, NSND Việt Nam

Trọng Trinh (sinh ngày 9 tháng 1 năm 1957) là một nam diễn viên, đạo diễn người Việt Nam. Ông từng tham gia rất nhiều bộ phim, và được xem là một trong những nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2019.[1]

Nghệ sĩ Nhân dân
Trọng Trinh
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Trọng Trinh
Ngày sinh
9 tháng 1, 1957 (67 tuổi)
Nơi sinh
Nam Đàn, Nghệ An
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệp
  • Diễn viên
  • Đạo diễn
Gia đình
Vợ
Nguyễn Lan Phương (cưới 2011)
Lĩnh vực
  • Truyền hình
  • Điện ảnh
Danh hiệuNghệ sĩ nhân dân (2019)
Sự nghiệp nghệ thuật
Năm hoạt động1984–nay
Tác phẩmNgày hè sôi động
Cầu vồng tình yêu
Mátxcơva - Mùa thay lá
Cả một đời ân oán
Giải thưởng
Giải Cánh diều 2015
Nam diễn viên phụ xuất sắc
Giải Cánh diều 2017
Đạo diễn xuất sắc
Website

Tiểu sử

Trọng Trinh tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Trinh, sinh ngày 9 tháng 1 năm 1957 tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.[2] Cha ông là một cán bộ của Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), vì vậy gia đình ông sống trong một khu tập thể dành cho văn nghệ sĩ. Từ nhỏ ông đã được tiếp xúc với nghệ thuật sân khấu.[3] Ông đã thi đỗ vào lớp diễn viên sân khấu khoá 1 của Nhà hát Kịch Trung ương và tốt nghiệp loại ưu với vai diễn Côlêxốp trong vở kịch "Cuộc chia tay tháng 6" do Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Khôi dàn dựng.[4][5]

Cuộc đời nghệ thuật

Văn nghệ trong quân ngũ

Ngày 8 tháng 9 năm 1982, 8 ngày sau khi ra trường, ông và 3 người bạn khác là Nghệ sĩ Nhân dân Trung Anh, Đỗ KỷNghệ sĩ Ưu tú Quốc Khánh đã cùng nhau nhập ngũ trong giai đoạn Xung đột Việt–Trung 1979–1991.[6] Sau 3 tháng được được huấn luyện ở Quảng Ninh, cả bốn người được phân về Đại đội Vệ binh Sư đoàn 323. Trong quá trình huấn luyện trong quân ngũ, 4 nghệ sĩ đã thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ từ cấp trung đoàn đến đặc khu, giành giải Nhì trong hội diễn nghệ thuật toàn quân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho đặc khu Quảng Ninh. Mặc dù không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng Trọng Trinh đã đứng ra biên đạo múa cho Sư đoàn.[7]

Đầu năm 1984, ông cùng 3 người bạn được mời tham gia bộ phim về đề tài chiến tranh mang tên "Trừng phạt" của Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Diệp.[8] Về sau, ông còn từng tham gia các bộ phim khác của đạo diễn Bạch Diệp như Hoa ban đỏ, Lặng lẽ tuổi trăng tròn, Nguyễn Thị Minh Khai.[9] Đến cuối năm, do có nhiều thành tích và nhu cầu từ các đơn vị nghệ thuật, 4 người được cấp trên cho phép ra quân sớm hơn dự định để phục vụ công tác biểu diễn.[10]

Sự nghiệp diễn viên

Từ sau khi xuất ngũ, ông gây ấn tượng với khán giả qua nhiều vai diễn trong các vở kịch sân khấu như Hão, Nhân danh công lý, Ngụ ngôn năm 2000. Đến năm 1989, ông tiếp tục gây ấn tượng mạnh với khán giả nhờ vai chiến sĩ công an Nam Hà trong bộ phim điện ảnh Săn bắt cướp của đạo diễn Trần Phương.[11] Trong thập niên 1980 và 1990, thời kỳ bùng nổ của phim video, ông đã tham gia nhiều bộ phim như Hai năm nữa anh về, Người đàn bà nghịch cát, Gánh hàng hoa, Người rừng.[12] Năm 2004, ông đảm nhiệm vai Lâm, một trong ba nhân vật chính, trong bộ phim Tiếng cồng định mệnh. Đây là một bộ phim sử thi gây được tiếng vang lớn thời bấy giờ của Hãng phim Quân đội nhân dân Việt Nam.[13]

Từ giữa thập niên 1990, ông liên tiếp tạo ra dấu ấn trong nhiều bộ phim được chiếu trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, như vai diễn Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trong một bộ phim về nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai vào năm 1996 hay bộ phim Gió qua miền tối sáng về đề tài HIV/AIDS vào năm 1998.[14] Từ những năm đầu thế kỷ 20, ông trở thành một trong những gương mặt quen thuộc của khán giả Đài Truyền hình Việt Nam thông qua những vai diễn có tính "đào hoa".[15] Ông liên tiếp góp mặt trong nhiều bộ phim được yêu thích của VTV như Mưa bóng mây,[16] Nhật ký Vàng Anh, Khúc hát mặt trời,[17] Tuổi thanh xuân, Tình khúc bạch dương, Chạy trốn thanh xuân.[18]

Từ năm 2019, các bộ phim ông đóng vai quan trọng đều gây được tiếng vang lớn trong dư luận Việt Nam như Nàng dâu order,[19] Tình yêu và tham vọng,[20] Lửa ấm,[21] đặc biệt là Sinh tửHãy nói lời yêu. Sinh tử là một bộ phim chính luận thuộc loạt phim Cảnh sát hình sự nổi tiếng.[22][23] Ngay từ khi ra mắt, bộ phim đã nhận được sự quan tâm đặc biệt khi làm về đề tài chống tham nhũng và có sự tham gia của nhiều diễn viên gạo cội.[24] Trong Sinh tử, ông vào vai nhân vật chính là Bí thư Thành ủy Văn Thành Nhân.[25] Theo Trọng Trinh, đây là "vai diễn khó học lời thoại nhất" trong sự nghiệp diễn viên của ông.[26] Trong suốt quá trình công chiếu, bộ phim luôn nhận được sự chú ý từ dư luận bởi tính thời sự cao.[27][28]

Hãy nói lời yêu là một bộ phim xoay quanh những mối quan hệ gia đình. Nhân vật ông Tín do Trọng Trinh thủ vai đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều mâu thuẫn và đẩy bộ phim lên cao trào.[29] Bên cạnh việc nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả thì bộ phim cũng gây nhiều tranh cãi khi nội dung dần trở nên quá bi kịch về cuối.[30]

Trở thành đạo diễn

Năm 1997, ông cho ra mắt bộ phim "Mưa dầm ngõ nhỏ", đây là tác phẩm đầu tiên của ông với vai trò đạo diễn.[31] Mặc dù chỉ mới vào nghề đạo diễn thời gian ngắn, nhưng ông đã nhanh chóng đạt được Giải Vàng trong Liên hoan Phim truyền hình Toàn quốc năm 1998 nhờ bộ phim Sân tranh.[32] Sau đó, ông liên tục gây ấn tượng với khán giả thông qua nhiều bộ phim như Sang sông, Ban mai xinh, Cầu vồng tình yêu. Đặc biệt là từ năm 1999, ông liên tiếp làm đạo diễn và tham gia diễn xuất cho nhiều bộ phim thuộc loạt phim Cảnh sát hình sự nổi tiếng như: Nước mắt của mẹ, Phía sau một cái chết, Tên sát nhân có tài mở khóa. Cũng từ năm 1999, nhiều bộ phim của ông đã trở thành một phần được chờ đợi trong chương trình giải trí vào dịp Tết Nguyên Đán như Theo dấu bích đào, Mừng tuổi, Thế mới là cuộc đời, Đáo Xuân hay Khi tivi nhà tắt tiếng. Năm 2005, ông trở thành đạo diễn của Ban mai xanh, bộ phim đầu tiên mà hai hãng truyền hình lớn của Việt Nam là Trung tâm Phim truyền hình Việt NamHãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác sản xuất.[33]

Năm 2011, ông cho ra mắt bộ phim Cầu vồng tình yêu được chuyển thể từ bộ phim Vinh quang gia tộc nổi tiếng của Hàn Quốc. Mặc dù là phim chuyển thể, nhưng vì có nội dung bám sát vào văn hóa của người Việt mà bộ phim đã nhanh chóng thu hút được nhiều tầng lớp người xem.[34][35] Không chỉ hấp dẫn người xem mà bộ phim còn từng giữ nhiều kỷ lục nhất trong số những dự án mà Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam từng sản xuất, trong đó có kỷ lục bộ phim dài nhất với thời lượng lên đến 85 tập và thu âm trực tiếp toàn bộ phim.[36]

Năm 2016, bộ phim Zippo, mù tạt và em do ông đạo diễn đã thu hút được nhiều sự chú ý từ giới trẻ Việt Nam ngay khi mới lên sóng.[37][38] Bộ phim đã giành được gần 10 giải thưởng và đề cử ở nhiều hạng mục khác nhau của nhiều lễ trao giải lớn ở Việt Nam, đặc biệt là giải Cánh Diều Vàng cho Phim truyền hình dài tập và giúp Trọng Trinh chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất.[39] Đến năm 2018, bộ phim Cả một đời ân oán của ông cùng đạo diễn trẻ Bùi Tiến Huy tiếp tục tạo nên một "cơn sốt" trong dư luận Việt Nam.[40] Ngoài những bộ phim truyền hình, Trọng Trinh còn là đạo diễn cho chương trình thực tế Bố ơi! Mình đi đâu thế? (phiên bản Việt Nam).[41]

Trước khi về hưu vào 2018, ông giữ vai trò Trưởng phòng Nội dung III của Hãng phim Truyền hình Việt Nam.[42] Tháng 7 năm 2018, ông là 1 trong 4 đạo diễn của Đài truyền hình Việt Nam được đưa vào danh sách xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân,[43][44] đến tháng 8 năm 2019 thì Chủ tịch nước Việt Nam chính thức có quyết định trao tặng ông danh hiệu này.[45][46] Tháng 3 năm 2019, Trung tâm Phim truyền hình Việt Nam lần đầu tiên phối hợp với báo Sinh viên Việt Nam tổ chức tuyển chọn diễn viên từ sinh viên tại Hà Nội. Trọng Trinh và một số Nghệ sĩ Nhân dân khác đã đảm nhận vai trò giám khảo trong đợt truyển chọn này.[47]

Danh sách tác phẩm

Vai trò đạo diễn

NămTên phimGhi chúTậpKênhNguồn
1997Mưa dầm ngõ nhỏTác phẩm đầu tay của Trọng Trinh1VTV3[48][49][50]
1998Sân tranhDựa trên truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Phan Hách, chiếu vào dịp Tết Nguyên Đán1[51]
1999Theo dấu bích đàoChiếu vào dịp Tết Nguyên Đán1VTV1
Nước mắt của mẹThuộc loạt phim Cảnh sát hình sự4VTV3[52][53]
Nắng hoàng hôn2
2001Ngày hè sôi động8VTV1[54]
2002Mừng tuổiChiếu vào dịp Tết Nguyên Đán1
Sang sông1VTV3[55]
2003Nấc thang mới8[56][57][58]
Phía sau một cái chếtThuộc loạt phim Cảnh sát hình sự10[59][60][61]
2004Thế mới là cuộc đờiChiếu vào dịp Tết Nguyên Đán1VTV1[62]
2005Ban mai xanhBộ phim đầu tiên VFCTFS hợp tác25[63][64][65]
2006Miền quê thức tỉnhChuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Vệ Nữ18[66][67][68]
2007Đáo XuânChiếu vào dịp Tết Nguyên Đán1[69][70]
2008Khi tivi nhà tắt tiếngChiếu vào dịp Tết Nguyên Đán1[71][72][73]
Tên sát nhân có tài mở khóaThuộc loạt phim Cảnh sát hình sự10[74]
Những người độc thân vui vẻBộ phim sitcom đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam170VTV3[75][76][77]
2011Cầu vồng tình yêuChuyển thể từ bộ phim Hàn QuốcVinh quang gia tộc85[78][79][80]
2012Tình yêu không hẹn trướcChuyển thể từ bộ phim Thái Lan-Mối hận cơ duyên40[81][82][83]
2015Mưa bóng mâyBan đầu có tên "Ngoại tình", sau đổi thành "Phía sau cung cửa", rồi "Mưa bóng mây"37VTV1[84][85][86]
2016Zippo, mù tạt và emBộ phim chiến thắng nhiều hạng mục tại các lễ trao giải36VTV3[87][88][89]
2017Mátxcơva - Mùa thay láChiếu vào dịp Tết Nguyên Đán4VTV1[90][91][92]
Cả một đời ân oán (phần 1)Chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng của Đài LoanCô dâu bạc triệu34VTV3[93][94][95]
2018Cả một đời ân oán (phần 2)Chuyển thể từ bộ phim nổi tiếng của Đài LoanCô dâu bạc triệu38[96][97][98]
2023Gia đình đại chiến (mùa 2)Bộ phim sitcom đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam100

Vai trò diễn viên

Kịch sân khấu

  • Vở Hão – vai Phó tiến sĩ Tiến Tùng.[99]
  • Vở Nhân danh công lý – vai Trung úy công an Cường.[99]

Phim điện ảnh, phim video

NămPhimVai diễnĐạo diễnNguồn
1984Trừng phạtTrung úy HiểnNghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp[2][100]
1987Sương tanKỹ sư QuýNghệ sĩ ưu tú Hà Văn Trọng[2]
1988Săn bắt cướpNăm HàNghệ sĩ nhân dân Trần Phương[101][102]
1989Hai năm nữa anh vềNhà sư Minh Tâm[2][103]
Người đàn bà nghịch cátToànĐỗ Minh Tuấn[104]
1990Gánh hàng hoaMinhNghệ sĩ Nhân dân Trần Đắc[105]
Người rừngNgười rừngNghệ sĩ nhân dân Nguyễn Văn Thông[106]
1991Khát vọngHòaNghệ sĩ nhân dân Nguyễn Khắc Lợi[99]
1992Chân trời ước mơGiám đốc ThăngNguyễn Hữu Luyện[99]
2004Tiếng cồng định mệnhLâmNghệ sĩ ưu tú Lê Thi, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Khắc Lợi[107][108]
2021Thiên thần hộ mệnhBố của PhươngVictor Vũ
2022Em và TrịnhNgô Đốc KhánhPhan Gia Nhật Linh

Phim truyền hình

NămPhimVai diễnĐạo diễnKênhNguồn
1994Hoa ban đỏQuánNSND Bạch DiệpVTV1[109][110]
1995Với anh, chiến tranh chưa kết thúcThắngNSND Khải HưngH
Lặng lẽ tuổi trăng trònNSND Bạch DiệpVTV1[111]
Huyền thoại vườn vảiNSND Khải Hưng
12A và 4HChú ĐăngBùi Thạc Chuyên, Trần Quốc TrọngVTV3[31][112]
1996Nguyễn Thị Minh KhaiLê Hồng PhongNSND Bạch DiệpVTV1[113]
Những người con của biểnNSƯT Đặng Tất BìnhVTV3[114]
1997Bong bóng lên trờiĐỗ Chí Hướng
1998Những nhánh cây đờiĐới Xuân Việt, Nguyễn Hữu Ứng
Gió qua miền tối sángBác sĩ HưngNSND Phạm Thanh PhongVTV1[115][116]
U ThỏnThânLê Tuấn Anh[117][118]
Đồng tiền xương máuĐinh Đức LiêmHTV9
1999Nước mắt của mẹTrọng TrinhVTV3[119]
Đường vềLê Cường Việt
2000Nước mắt đàn ôngĐỗ Thanh Hải
Nơi cơn lũ đi quaNSND Khải HưngVTV1
2001Chiều tàn thu muộnNSND Phạm Thanh Phong, NSƯT Vũ Trường Khoa
Tiếng gọi nơi xa thẳmĐỗ Trí HùngVTV3[120]
2002Sang sôngTrọng Trinh
2003Nấc thang mớiÔng LợiTrọng Trinh[121]
Phía sau một cái chếtBìnhTrọng Trinh[122]
2004Lời thề cỏ nonHoàng LâmVTV1[123]
2005Đời chèHuyNSƯT Trần Lực, Đặng Thu TrangVTV3[124]
2006Miền quê thức tỉnhĐạoTrọng TrinhVTV1[66]
Con đường sángĐào KhanhPhạm Việt Thanh, Nguyễn Ðức ViệtH[125]
2007Đột kíchTuấnVũ Minh TríVTV1
Nhật ký Vàng Anh (phần 2)Bố của Vàng AnhNguyễn Khải AnhVTV3[126]
2008Tên sát nhân có tài mở khóaTrựcTrọng TrinhVTV1
2011Cầu vồng tình yêuHoàng SơnTrọng TrinhVTV3[127]
2012Ông Tơ hai phẩyÔng TrinhNSƯT Nguyễn Danh DũngVTV1[128]
Những công dân tập thểLungNSƯT Vũ Trường Khoa[129]
2013Cô hàng xóm rắc rốiPhạm MinhBùi Tiến Huy, Phạm Gia PhươngVTV6[130]
2014Mưa bóng mâyTàiTrọng TrinhVTV1[131][132]
Tuổi thanh xuân (phần 1)Bố của LinhNguyễn Khải Anh, Bùi Tiến HuyVTV3[133][134]
2015Khúc hát mặt trờiÔng KhảiNSƯT Vũ Trường Khoa[135][136]
2016Zippo, mù tạt và emBố của HuyTrọng Trinh
Tuổi thanh xuân (phần 2)Bố của LinhNguyễn Khải Anh, Bùi Tiến Huy[137][138]
2017Mátxcơva - Mùa thay láÔng TrungTrọng TrinhVTV1[139]
2018Tình khúc bạch dươngTiếnNSƯT Vũ Trường Khoa, NSƯT Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Đức Hiếu[140]
Chạy trốn thanh xuânÔng TrườngNguyễn Đức Hiếu, Vũ Minh TríVTV3[141][142]
2019Xin chào, người lạ ơiÔng HướngTrịnh Lê PhongVTV1[143][144]
Về nhà đi conVai khách mờiNSƯT Nguyễn Danh Dũng[145][146]
Nàng dâu orderÔng PhúBùi Quốc ViệtVTV3[147][148]
Sinh tửBí thư Tỉnh ủy Văn Thành NhânNSND Khải Hưng, NSƯT Nguyễn Mai HiềnVTV1[149][150]
2020Tình yêu và tham vọngÔng QuânBùi Tiến HuyVTV3[151][152]
Lửa ấmBác sĩ VănĐào Duy PhúcVTV1[153][154]
2021Hãy nói lời yêuÔng TínBùi Quốc ViệtVTV3[155][156]
2022Thông gia ngõ hẹpÔng KhôiTrịnh Lê Phong[157][158]
Hành trình công lýÔng DũngNSƯT Nguyễn Mai Hiền[159]
2023Nơi giấc mơ tìm vềÔng SangTrịnh Lê PhongVTV1[160]
Gia đình đại chiến - Mùa 2Vai khách mờiTrọng TrinhVTV3
Nhà mình lạ lắmBạn Già Của Ông HùngĐinh Tuấn VũK+

Danh hiệu

Giải thưởng

NămLễ trao giảiTác phẩmHạng mụcKết quảNguồn
Vai trò đạo diễn
1998Liên hoan Phim truyền hình Toàn quốcSân tranhPhim truyện truyền hìnhGiải vàng[101]
2002Liên hoan Phim truyền hình Toàn quốcSang sôngPhim truyện truyền hìnhGiải vàng[163]
2004Bình chọn chương trình truyền hình hay nhấtPhía sau một cái chếtPhim truyền hình Việt NamĐoạt giải[164]
2007Cuộc thi bình chọn phim truyền hình 2006Ban mai xanhĐề cử[165]
2015Giải Cánh diều 2014Mưa bóng mâyPhim truyền hình dài tậpBằng khen[166]
2016Ấn tượng VTVGặp nhau cuối nămChương trình của nămĐoạt giải[167]
2017Ấn tượng VTVZippo, mù tạt và em

(cùng với Bùi Tiến Huy)

Phim truyền hình Ấn tượngĐoạt giải[168]
Giải Cánh diều 2016Phim truyền hình dài tậpCánh diều vàng[169]
Đạo diễn xuất sắcĐoạt giải[170]
Giải Mai VàngBộ phim được yêu thích nhấtĐoạt giải[171]
Liên hoan Phim truyền hình Toàn quốcPhim truyện truyền hìnhĐề cử[172]
2018Ấn tượng VTVCả một đời ân oánPhim truyền hình Ấn tượngĐoạt giải[173]
Vai trò diễn viên
2015Giải Cánh diềuMưa bóng mâyNam diễn viên phụ xuất sắc nhấtĐoạt giải[166]
Ấn tượng VTVNam diễn viên ấn tượngĐề cử[174]

Đời tư

Trọng Trinh và người vợ đầu tiên có với nhau 2 người con trai nhưng đến năm 2008 thì hai người kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài hơn 20 năm. Sau một thời gian, ông quen người vợ hiện tại là Lan Phương thông qua sự giới thiệu từ bạn bè.[175] Năm 2011, Trọng Trinh kết hôn lần hai với người vợ nhỏ hơn mình 16 tuổi.[176][177]

Chú thích

Nguồn

Liên kết ngoài